Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A đưa ra câu trả lời cho một vấn đề: sự khôn ngoan của Thiên Chúa cốt yếu là điều gì?
Hc 15: 15-20
Theo hiền nhân Si-rác, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được bày tỏ qua việc tôn trọng sự tự do chọn lựa của con người.
1Cr 2: 6-10
Theo thánh Phao-lô, sự khôn ngoan của Thiên Chúa chính là sự khôn ngoan mà Tin Mừng công bố. Mầu nhiệm được ẩn dấu từ muôn thuở đã được Đức Ki-tô mặc khải nhờ Chúa Thánh Thần, đó là kế hoạch của Thiên Chúa trên nhân loại, tức là cho con người được dự phần vào vinh quang của Ngài.
Mt 5: 17-37
Luật Cựu Ước được xem như diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giê-su công bố rằng Ngài đến để kiện toàn Lề Luật: những đòi hỏi mà Ngài thêm vào Lề Luật đem lại quyền ưu tiên cho thái độ nội tâm. Lề Luật bị vượt qua một cách sâu xa khi đặt người Ki-tô hữu dưới cái nhìn của Thiên Chúa chứ không của con người.
BÀI ĐỌC I (Hc 15: 15-20)
Bản văn này rất nổi tiếng vì nó hình thành nên một trong những tham chiếu kinh điển thần học về vấn đề sự tự do của con người. Tác giả là một bậc vị vọng ở Giê-ru-sa-lem, sống vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên. Ông là một nhà hiền triết, nghĩa là bậc thầy dạy lẽ khôn ngoan, đã mở trường và đào tạo môn sinh; ông ghi lại những thành quả từ kinh nghiệm và những gẫm suy của ông.
Vào thời đó, dân Ít-ra-en trải qua một khúc quanh lịch sử của mình. Sau khi trở về từ cuộc lưu đày ở Ba-by-lon, tiếp đó tái thiết Đền Thờ (521 trước Công Nguyên), Do thái giáo đã ý thức về chính mình. Ấy vậy, sau những cuộc chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê (336-323 trước Công Nguyên), Cận Đông mở rộng cửa đón nhận văn hóa Hy-lạp. Vào năm 250 trước Công Nguyên, nền văn hóa Hy lạp tràn ngập khắp miền Pa-lét-tin; những môi trường quý tộc ở Giê-ru-sa-lem sẵn lòng đón nhận nền văn hóa này. Ông Si-rác, tâm trí cởi mở và sáng suốt, thấy trước mối nguy: Do thái giáo có nguy cơ đánh mất tâm hồn của mình. Được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch Kinh Thánh, ông Si-rác đem lại niềm tin và sức mạnh cho các truyền thống của cha ông. Lề Luật, mà ông đồng hóa với sự khôn ngoan, đem lại niềm tôn kính cho chức tư tế và Đền Thờ, cũng cho những thực hành nghi lễ. Ông biên soạn một thủ bản dạy cách ăn nếp ở cho người Do thái trung thành, những người cưỡng kháng lại những ảnh hưởng của nền văn hóa Hy-lạp.
Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Híp-ri. Nhưng khoảng năm mươi năm sau, vào khoảng năm 130 trước Công Nguyên, cháu nội của ông dịch tác phẩm này sang Hy ngữ. Sách của hiền nhân Si-rác là một loại bách khoa; nhiều chủ đề đa dạng được đề cập ở đây, không có trật tự xác định, nhưng chung chung được hợp thành nhóm theo chủ đề. Đoạn văn chúng ta bàn đến sự tự do của con người, gồm có ba phần:
-Khẳng định con người có quyền chọn lựa.
-Khẳng định Thiên Chúa là Đấng toàn năng và toàn tri, điều này xem ra đi ngược lại với sự tự do chọn lựa của con người.
-Giải pháp được phác họa dưới hình thức hai phủ định ở nơi câu cuối cùng.
1. Con người có quyền chọn lựa:
Hiền nhân Si-rắc khẳng định rõ ràng là con người có quyền quyết định số phận của mình. Thiên Chúa đã đặt trước mặt mỗi người sự chết (“lửa”) và sự sống (“nước”), tùy thuộc vào sự tự do chọn lựa của mình:
“Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,
con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.
Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,
ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15: 16-17).
Theo truyền thống Kinh Thánh, sự sống được liên kết với việc thực thi Lề Luật:
“Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn
mà trung tín làm điều đẹp ý Người” (Hc 15: 15).
Chúng ta có thể trích dẫn nhiều bản văn theo nghĩa này, chẳng hạn như Đnl 30: 15-20: “Hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai họa. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lới của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu… Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên mặt đất… Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh em: tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa…”.
Vài bản văn Cựu Ước có thể khiến chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa điều khiển mọi hành động của con người – thậm chí những hành động xấu. Tuy nhiên, sự tự do của con người được khẳng định ngay từ sách Sáng Thế ở đó rõ ràng Thiên Chúa đã cho con người quyền chọn lựa giữa sự sống và sự chết. Trách nhiệm tội lỗi không thể chối cãi là trách nhiệm của con người. Các tác giả Kinh Thánh thường đề cao sự tự do chọn lựa của con người: hoặc ăn năn sám hối hay cứ ngoan cố trong sự bất tín. Nhiều lần Kinh Thánh gợi lên sự nhẫn nại của Thiên Chúa, Ngài hy vọng, chờ đợi tội nhân trở về với Ngài. Hiền nhân Si-rác cô động các giáo huấn tản mác này và phát biểu một cách thấm thía và rõ ràng.
2. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và Toàn Tri:
Đối diện với sự tự do chọn lựa của con người, hiền nhân Si-rắc thắp sáng sự toàn năng và toàn tri của Thiên Chúa:
“Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao,
Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả” (15: 18).
Dân Hy lạp nói: “Tinh thần mực thước là giới hạn duy nhất đối với quyền năng của các thần”. Hiền nhân Si-rác, không phải là không biết tư tưởng Hy lạp, nhất là tư tưởng của phái khắc kỷ, diễn tả một ý tưởng tương tự khi đặt lên hàng đầu trí khôn ngoan của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, nhưng trước hết Ngài là Đấng Thượng Trí. Trí khôn ngoan này đánh dấu sự giới hạn của Ngài đối với quyền tự do chọn lựa của chúng ta, nghĩa là Ngài không thể nào biết trước sự chọn lựa của mỗi người chúng ta.
C. Chúa không cho phép ai phạm tội:
Trước vấn nạn này, hiền nhân Si-rác thoáng thấy một giải pháp mà ông diễn tả bằng hai câu theo hình thức phủ định:
“Người không truyền cho ai ăn ở thất đức,
cũng không cho phép ai phạm tội” (15: 20).
Thiên Chúa muốn điều thiện chứ không điều ác. Khi đối diện với sự tự do chọn lựa của con người, trí khôn ngoan của Ngài không bỏ mặc con người. Thiên Chúa lôi kéo con người hướng về điều thiện mà không áp đặt con người:
“Chúa để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người,
và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện” (15: 19).
Nghĩa là Ngài trợ giúp con người bằng cách kêu mời nên thánh khi tuôn đổ muôn ân sủng của Ngài trên họ.
BÀI ĐỌC II (1Cr 2: 6-10)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Trong đoạn trích vào Chúa Nhật vừa qua, thánh Phao-lô đã nhắc tín hữu Cô-rin-tô nhớ rằng thánh nhân đã trình bày Tin Mừng cho họ như thế nào: bằng những ngôn từ thật đơn sơ mộc mạc, không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu.
1. Sự khôn ngoan của Tin Mừng:
Nhưng khi ngỏ lời với những tín hữu gốc Hy lạp, thánh nhân không thể không quan tấm đến sự khôn ngoan. Thánh nhân cũng bận lòng chứng mình rằng có “sự khôn ngoan của Tin Mừng”, gắn bó với đức tin dẫn đưa chúng ta thậm chí vào tận nơi sự khôn ngoan cao cả.
Đây không là sáng kiến của thánh Phao-lô. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được trào lưu minh triết Cựu Ước ca ngợi rồi. Nhưng sự khôn ngoan này đã mặc lấy một khía cạnh mới với sự kiện Chúa Ki-tô ngự đến giữa loài người; sự khôn ngoan này bao hàm một mầu nhiệm: mầu nhiệm này đã được mặc khải ở nơi con người của Đức Giê-su. Thánh Phao-lô dùng từ “mầu nhiệm” không theo nghĩa Hy-lạp: một bí mật phải được giữ kín, nhưng theo nghĩa của các sách khải huyền Do thái: kế hoạch mà Thiên Chúa tiền định từ trước muôn đời nay được vén mở.
2. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa:
Trước tiên, thánh Phao-lô đưa ra hai khía cạnh tiêu cực của sự khôn ngoan, hay đúng hơn, khía cạnh tiêu cực thứ nhất là bút chiến: sự khôn ngoan này chỉ đạt đến cho “các tín hữu trưởng thành”. Ở đây, thánh nhân nhắm đến những tín hữu Cô-rin-tô, cho thấy họ chưa trưởng thành qua những tranh cãi trẻ con. Khía cạnh tiêu cực thứ hai nhắm đến sự khôn ngoan của thế gian, tức là những thủ lãnh nắm quyền thống trị thế gian: chắc chắn vừa là những thế lực ma quỷ vừa là thế lực của những kẻ hám danh lợi trên cõi thế này, đặc biệt những quyền lực chính trị, như thánh nhân xác định sau này.
Tiếp đó, thánh Phao-lô đề cập đến khí cạnh tích cực của sự khôn ngoan Ki tô giáo, đó là biết được ý định của Thiên Chúa đã được tiền định từ trước muôn đời, nay được bày tỏ ra, tức là cho con người được dự phần vào vinh hiển của Ngài.
Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã biết được kế hoạch của Thiên Chúa, vì thế, họ đã đóng đinh “Đức Chúa vinh hiển vào thập giá”. Thánh Phao-lô cho Đức Ki-tô một tước hiệu mà Cựu Ước dành riêng cho Đức Chúa. Thánh nhân thường hằng nhận ra Đức Giê-su là “Chúa”, như vậy hàm chứa Thần Tính của Ngài. Qua tước hiệu cao cả này, thánh nhân nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ngoài ra, khi lấy lại từ ngữ “vinh quang”, thánh Phao-lô chỉ ra rằng chính qua Chúa Ki-tô mà chúng ta mới có thể được dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa.
3. Sự khôn ngoan cao vời khôn ví:
Vận mệnh vinh quang này mà Thiên Chúa dọn sẵn cho loài người không thể nghi ngờ được. Thánh Phao-lô trích dẫn khá tự do một đoạn văn của Is 64: 3: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”. Sự khôn ngoan cao vời của Thiên Chúa không ai có thể đạt đến được nếu không có mặc khải, “còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí”.
Đại từ “chúng ta” này chỉ ra thánh nhân và những cộng tác viên của thánh nhân. Thánh nhân thường nhấn mạnh ơn thần khải mà sứ vụ tông đồ hưởng được. Thánh nhân đã có kinh nghiệm trực tiếp về điều này. Dù thánh nhân đã không sống với Đức Ki-tô tại thế, nhưng đã lãnh nhận ơn gọi độc nhất vô nhị: ánh sáng trên đường Đa-mát không ngừng soi sáng cho thánh nhân.
TIN MỪNG (Mt 5: 17: 37)
Sau khi đã trình bày cho các môn đệ cách ăn nếp ở được chỉ ra trong bản Hiến Chương Nước Trời về các Mối Phúc, Chúa Giê-su sắp đi vào chi tiết và đối chiếu bản Hiến Chương này với Luật Mô-sê.
1. Đức Giê-su kiện toàn Lề Luật:
Khi khẳng định: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi”, Chúa Giê-su mượn kiểu nói văn chương mà các kinh sư thời đó thường lập đi lập lại: “Đừng chạm tới một chấm một phết của Lề Luật”. Qua kiểu nói này, các kinh sư lưu ý rằng họ vui thích giải thích Lề Luật, nhưng không bao giờ cho phép mình sửa đổi bất kỳ chi tiết nhỏ nhặt nào của Lề Luật.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su hạn định lời khẳng định của mình: “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Chắc chắn phải hiểu cho đến khi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài thiết lập một trật tự mới.
2. Điều quan trọng của Lề Luật:
Trong lời phát biểu của Chúa Giê-su, “kẻ nhỏ nhất” và “kẻ lớn nhất” không diễn tả đẳng cấp hơn kém, nhưng là kiểu nói sê-mít bày tỏ sự tán thành hay không tán thành đối với cách hành xử của một người nào đó. Việc ca ngợi Lề Luật và tuân giữ Lề Luật dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất khó ăn khớp với giáo huấn theo sau của Chúa Giê-su, Ngài sắp lật đổ thể chế Lề Luật này và thay đổi nó trên nhiều điểm quan trọng.
Nhưng đừng quên rằng thánh Mát-thêu đang ngỏ lời với độc giả Do thái cải đạo hay muốn cải đạo. Điều quan trọng là phải chỉ cho họ thấy rằng Chúa Giê-su đã không thực sự hủy bỏ Lề Luật, ít nhất những lệnh truyền luân lý của Lề Luật (những chỉ thị về nghi lễ nhất thiết trở nên lỗi thời đối với những Ki-tô hữu gốc Do thái), nhưng Ngài kiện toàn Lề Luật.
Ngoài ra, mạch văn trực tiếp không loại trừ bầu khí bút chiến chống lại những người Pha-ri-sêu. Chúa Giê-su đã trách cứ những người này không phải vì họ tuân giữ Lề Luật cho đến những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng vì họ tin rằng việc tuân giữ này miễn cho họ khỏi thực thi những nhân đức. Phải đọc lại chương 23 ở đó Chúa Giê-su trách cứ nặng lời: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23: 23).
3. “Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo…”:
Vào thời Chúa Giê-su, Lề Luật được tán dương hết mức, dù các ngôn sứ đã kịch liệt đả kích. Lề Luật bất khả xâm phạm, nó được đồng hóa với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thật ra, những luật luân lý đã làm cho lề luật cao hơn các luật của thế giới dân ngoại chung quanh.
Chúa Giê-su sắp kiện toàn Lề Luật, thậm chí đưa nó trở về sự tinh tuyền nguyên thủy khi định vị những yêu sách của Lề Luật trước tiên ở nơi lòng dạ chính trực và phân định luật yêu thương như luật cao hơn tất cả mọi luật khác.
Đức Giê-su phát biểu long trọng với một uy quyền tối cao: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em…”. Ngài tự đặt mình là nhà lập pháp trên ông Mô-sê, nhà lập pháp vĩ đại của dân Do thái. Đức Giê-su sắp đưa ra nhiều ví dụ, trong số đó ba ví dụ đầu tiên là sát nhân, ngoại tình, thề gian.
A. Tội sát nhân:
Chúa Giê-su không chỉ kết án tội sát nhân, nhưng còn những khích động trong lòng dẫn đến tội sát nhân. Ngài đặt theo mức độ tăng dần: chỉ nóng giận, nóng giận với những lời mắng nhiếc, nóng giận với những lời chửi rủa. Những án phạt theo mức độ tăng dần: trước tiên tòa án địa phương, rồi đến Thượng Hội Đồng, và sau cùng là lửa hỏa ngục.
Nhưng sẽ không có tội sát nhân, sẽ không có tòa án, nếu luật yêu thương ngự trị giữa con người. Vì thế, trước khi dâng lễ vật lên Thiên Chúa, trước tiên phải tự mình hòa giải với người khác: “Anh hãy mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công”, nghĩa là đừng đợi đến lúc trình diện trước “quan tòa”, tức trước Thiên Chúa, rồi mới hối cải.
B. Tội ngoại tình:
Luật kết án tội ngoại tình chỉ khi nào bắt quả tang. Chúa Giê-su công bố rằng ngay khi nhìn một người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Không luật pháp phàm nhân nào có thể đi xa đến như vậy; Luật mới xem những tư thế sẵn sàng trong lòng còn quan trọng hơn những hành vi bên ngoài. Chúng ta luôn luôn theo hướng đi các Mối Phúc.
Chúa Giê-su nhấn mạnh tư tưởng của Ngài bằng những hình ảnh cố ý cực đoan: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc nó mà ném đi…”. Tiếp đó, Ngài tiếp tục khai triển tội ngoại tình. Luật cho phép chồng rẫy vợ. Chúa Giê-su tuyên bố rằng mọi hình thức rẫy vợ đều là tội ngoại tình, vì ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; vì thế, người chồng phải chịu trách nhiệm về tội ngoại tình của vợ. Cũng vậy, ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. Chúa Giê-su sẽ còn tuyên bố nghiêm khắc như vậy khi Ngài nói về sự bất khả phân ly của hôn nhân: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu , không có như thế” (Mt 19: 8). Từ đây, chính luật yêu thương phải trổi vượt trên mọi lề luật.
Câu “ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” của thánh Mát-thêu đã làm tốn không biết bao giấy mực. Phải chăng Chúa Giê-su tiên liệu một trường hợp theo đó việc ly dị có thể? Đây là điều người ta gọi “luật trừ của thánh Mát-thêu”. Bản văn được dịch sát từ: “trong trường hợp điều trơ trẽn”. Vài người đã thấy ở đây một ám chỉ đến sự bất trung của người vợ; thật ra, Lề Luật tiên liệu theo đó hình phạt của tội ngoại tình không là rẩy vợ, nhưng là ném đá. Những người khác nghĩ rằng đây là trường hợp vô hiệu của hôn nhân: việc ăn ở với nhau không cưới xin và đặc biệt loạn luân hay đồng tính luyến ái, tức là trường hợp mà Lv 18: 6-18, 22 đã tiên liệu và nhấn mạnh tính chất trơ trẽn của những hôn nhân này.
C. Tội thề thốt:
Ví dụ thứ ba Chúa Giê-su trưng dẫn là tội thề thốt. Vào lúc đó việc người ta lạm dụng việc thề nguyền là một trong những vết thương của Do thái giáo. Sự tinh tế của các tiến sĩ Luật đã thiết lập vài biểu thức cam kết thật sự, những biểu thức khác chỉ cam kết cho có lệ. Thánh Mát-thêu trưng dẫn vài biểu thức này ở chương 23: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc… Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc” (Mt 23: 16-22).
Chúa Giê-su chứng minh rằng vì phải tuân giữ Lề Luật bên ngoài, người ta buộc phải thề nguyền, đó là phạm thánh và bội thề. Việc chỉ trời, ngai Thiên Chúa, hay đất, bệ chân Ngài, mà thề được mượn ở Is 66: 1-2; còn việc chỉ Giê-ru-sa-lem, thành của Đức Vua cao cả mà thề xuất phát từ Tv 48. Thêm một lần nữa, Ngài đưa vấn đề trở về chiều kích nội tâm của nó: chân thành với chính lòng mình. “Hể ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Ý kiến bạn đọc