Chúa Nhật XIII Thường Niên năm C này đòi hỏi người môn đệ của Chúa Giê-su phải trung thành tuyệt đối với sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mình.
1V 19: 16, 19-21
Sách các Vua quyển thứ nhất kể cho chúng ta ngôn sứ Ê-li-a gọi ông Ê-li-sa làm môn đệ của mình như thế nào.
Gl 5: 1, 13-18
Trong Thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô nhắc nhở người tín hữu phải sống theo Thần Khí, Đấng biến đổi con người xưa kia chưa biết đến Tin Mừng và ơn cứu độ của Chúa Ki-tô.
Lc 9: 51-13: 21
Trong Tin Mừng Lu-ca, Chúa Giê-su đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ của Ngài phải đáp trả ơn gọi của mình cách dứt khoát và vô điều kiện.
BÀI ĐỌC I (1V 19: 16, 19-21)
Thật thú vị và cũng là hữu ích khi đối chiếu chuyện tích ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi ngôn sứ Ê-li-sa làm môn đệ của mình với bản văn Tin Mừng Lu-ca Chúa Nhật hôm nay, trong đó Chúa Giê-su đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ của Ngài phải như thế nào (Lc 9: 37-52).
Trong cuộc gặp gỡ với Đức Chúa trên núi Khô-rếp, Đức Chúa truyền lệnh cho ngôn sứ Ê-li-a xức dầu tấn phong ông Ê-li-sa làm ngôn sứ thay thế ông (29: 16b). Khi đi ngang qua một cánh đồng thấy ông Ê-li-sa đang cày, ngôn sứ Ê-li-a liền gọi ông Ê-li-sa. Ông Ê-li-sa sẵn sàng theo làm môn đệ của ngôn sứ Ê-li-a nhưng với điều kiện: “Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giả, rồi con sẽ đi theo ông” (19: 20); ngôn sứ chấp thuận điều kiện của ông Ê-li-sa: “Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu”. Còn trong bản văn của mình, thánh Lu-ca kể cho chúng ta rằng Chúa Giê-su đang đi trên đường thì có ba người, hoặc xin được làm môn đệ Ngài hay được Ngài đích thân kêu gọi, đều đưa điều kiện với Chúa Giê-su.
Khi đối chiếu hai bản văn này với nhau, chúng ta dễ dàng nhận ra có hai sự khác biệt giữa ơn gọi làm môn đệ của ngôn sứ Ê-li-a và ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giê-su. Trước hết, ngôn sứ Ê-li-a chấp nhận điều kiện mà ông Ê-li-sa đưa ra, còn Chúa Giê-su thì không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà những ai muốn làm môn đệ của Ngài đưa ra. Những môn đệ của Chúa Giê-su phải xem ơn gọi làm môn đệ của Ngài là ưu tiên hàng đầu. Không ai được viện dẫn bất kỳ điều kiện nào để làm chậm trễ thi hành sứ mạng mà Chúa Giê-su giao phó cho mình. Dù bổn phận có chính đáng mấy đi nữa, cũng phải nhường chỗ cho sứ mạng. Thứ nữa, ngôn sứ Ê-li-a “ném áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa”, có nghĩa ông Ê-li-sa được chọn làm môn đệ truyền chân của ngôn sứ Ê-li-a, tức là tiếp nối sứ mạng ngôn sứ của thầy mình, trở thành một ngôn sứ như thầy mình khi thầy mình ra đi (2V 2). Còn trường hợp Chúa Giê-su, khi Ngài được rước về trời, các môn đệ của Ngài không phải thế chỗ của Ngài. Họ vẫn là môn đệ của Ngài, và Ngài vẫn hiện diện với họ với tư cách Thiên Chúa hằng sống của họ.
BÀI ĐỌC II (Gl 5: 1, 13-18)
Trong đoạn trích Thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô căn dặn họ ba điều quan trọng: người Ki-tô hữu phải sử dụng sự tự do làm con cái Thiên Chúa để sống yêu thương người thân cận như chính mình và sống theo “Thần Khí”.
1. Sự tự do của người Ki-tô hữu:
“Người Ki-tô hữu đã được gọi để được hưởng tự do”, nhưng sự tự do này thường hằng bị đe dọa vì họ không kháng cự nổi những lời hay ý đẹp của các đối thủ chống đối thánh nhân và trở thành mồi ngon cho một thứ tôn giáo hỗn hợp kể cả phép cắt bì. Đối với thánh Phao-lô, điều này ngầm hủy hoại nền móng Tin Mừng. Người Ki-tô hữu hưởng được tự do không phải vì họ đạt được ơn cứu độ nhờ những việc làm của mình; nhưng vì họ đã được ban cho ơn cứu độ rồi như một ân huệ, thế nên họ được tự do phát triển ơn cứu độ ấy trong vâng phục.
2. Yêu người:
“Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình”. Khi dạy như thế, thánh Phao-lô không bỏ qua điều răn hàng đầu và cao trọng nhất: “mến Chúa”, vì thánh nhân đang nói với những người đã nghe sứ điệp về đức công chính rồi, và vì thế họ đã biết rõ điều răn mến Chúa rồi. Thánh Phao-lô đang nói cho biết làm cách nào để điều răn mến Chúa tự nó được diễn tả ra ở nơi điều răn yêu người trong cuộc sống hằng ngày. Người Ki-tô hữu được ban cho một độ nhạy bén về yêu người thân cận, nhờ đó họ có khả năng yêu thương người thân cận trong từng hoàn cảnh cụ thể mà không cần bất kỳ luật lệ hay quy định nào dạy cho họ. Người tín hữu được hướng dẫn bởi “yêu người như chính mình”, nghĩa là “nếu ngươi muốn người khác làm cho mình điều gì thì ngươi hãy làm cho người khác như vậy”.
3. Xác thịt và Thần Khí:
“Xác thịt” mà thánh Phao-lô nói đến ở đây là toàn bộ con người xưa kia chưa được cứu độ của chúng ta. Còn “Thần Khí” như được viết hoa ở đây rõ ràng gợi ra đó là Thần Khí Thiên Chúa có quyền năng biến đổi toàn bộ con người của chúng ta. Vì thế, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu đừng sống theo xác thịt, nghĩa là đừng sống theo cách sống của con người xưa kia chưa được biết đến Tin Mừng của Đức Ki-tô, chưa được Thánh Thần của Ngài biến đổi, đã sống dưới ách nô lệ của những đam mê. Nhưng hãy sống theo Thần Khí, nghĩa là hãy sống theo cách sống của con người mới đã được Tin Mừng và Thần Khí Chúa biến đổi rồi. Có như thế, người Ki-tô mới có thể hưởng được tự do sống làm con cái Thiên Chúa. Giáo huấn này xuất phát từ chính kinh nghiệm của thánh nhân. Xưa kia thánh nhân đã sống theo cách sống của người Biệt Phái tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, giờ đây thánh nhân đã được ân sủng của Chúa biến đổi để hoàn toàn tự do trong sự vâng phục Tin Mừng và tuân theo tác động của Chúa Thánh Thần.
TIN MỪNG (Lc 9: 51-13: 21)
Câu mở đầu của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”, đánh dấu móc điểm cho một cuộc hành trình dài trên đường lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9: 51-19: 27). Cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem này gồm có ba giai đoạn, mỗi giai đoạn được thánh Lu-ca cẩn thận đánh dấu bằng một móc điểm: “Trên đường lên Giê-ru-sa-lem” (9: 51; 13: 22; 17: 12). Đây là công trình biên soạn độc đáo của Tin Mừng Lu-ca, trong cuộc hành trình đó, thánh ký muốn độc giả ghi khắc hai dung mạo của Chúa Giê-su: Ngài là người Con chí hiếu hoàn toàn vâng phục thánh ý của Chúa Cha và Ngài là Bậc Thầy tối thượng ban cho các môn đệ những lời dạy cốt yếu để sống đời môn đệ của Chúa Giê-su.
Trong câu đầu tiên này, vế thứ nhất: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời” hướng độc giả đến cuộc Thăng Thiên của Ngài được thánh Lu-ca tường thuật ở cuối sách Tin Mừng của mình. Như vậy, cuộc Thăng Thiên là mục đích tối hậu của cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, ở đó Ngài sẽ trải qua cuộc Thương Khó và Tử Nạn, cuộc Phục Sinh và Thăng Thiên. Chúa chúng ta sẽ nói điều này rõ ràng hơn trong bữa Tiệc Ly: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16: 28).
Vế thứ hai: “Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” hướng độc giả đến cuộc Thương Khó và tử Nạn của Chúa Giê-su. Ngài tự nguyện vâng theo chương trình cứu độ của Cha Ngài vì cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài là lộ trình dẫn đến cuộc Phục Sinh và Thăng Thiên của Ngài.
1. Dân Sa-ma-ri từ chối Đức Giê-su (9: 51-56)
Rất thích sử dụng hình thức đối xứng, thánh Lu-ca cho thấy Đức Giê-su cũng gặp sự chống đối ngay từ lúc khởi đầu cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem từ phía dân Sa-ma-ri, cũng như trước đây Ngài đã gặp sự chống đối ngay từ lúc bắt đầu sứ vụ tại Ga-li-lê từ phía những đồng hương Na-da-rét của Ngài, đại diện dân Do thái (4: 16-30).
Giữa dân Sa-ma-ri và dân Do thái có mối thù truyền kiếp. Vào thời đế quốc Át-sua thống trị trên các dân tộc khác, đế quốc này dùng chính sách hoán chuyển dân cư để dễ bề cai trị. Vì thế, các dân tộc khác bị lưu đày đến Sa-ma-ri trong khi dân Do thái ở Sa-ma-ri bị lưu đày đến Át-sua (vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên). Dân Sa-ma-ri này đã trộn lẫn tôn giáo của ông Mô-sê với những thực hành mê tín dị đoan từ các tôn giáo của họ, nhất là không chấp nhận Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thờ phượng duy nhất, nơi xứng hợp để người tín hữu dâng tiến những hy lễ lên Thiên Chúa. Họ đã xây dựng một đền thờ của riêng mình trên núi Ga-ri-zim, đối nghịch với đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Ga 4: 20). Đó là lý do tại sao khi biết rằng Đức Giê-su đang đi lên Giê-ru-sa-lem, họ từ chối đón tiếp Ngài.
2. Phản ứng của hai môn đệ là ông Gia-cô-bê và ông Gioan (9: 54)
Phản ứng của hai môn đệ thân tín là ông Gia-cô-bê và ông Gioan: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?”, gợi nhớ câu chuyện của ngôn sứ Ê-li-a, người của Thiên Chúa đã hai lần gọi lửa từ trời xuống tiêu diệt kẻ thù (2V 1: 10, 12). Một lần nữa, hai người môn đệ này bộc lộ tính khí rất tầm thường của con người: tính nóng nảy: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt; óc bè phái: phân biệt rạch ròi giữa bạn và thù; và lạm dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giê-su nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân. Quyền hành không phải để trừng trị kẻ không làm đúng ý mình, mà để phục vụ. Lời đề nghị của hai ông còn tệ hơn việc dân Sa-ma-ri từ chối đón tiếp Chúa Giê-su: “Quan niệm cho rằng chỉ có niềm tin của chúng ta và phương pháp của chúng ta mới là đúng, đã gây nên thảm kịch trong Hội Thánh nhiều hơn hầu hết bất cứ sự gì khác… Có nhiều đường tới Thiên Chúa. Thiên Chúa có cái thang bí mật riêng Ngài cho mỗi tâm hồn. Thiên Chúa hành động bằng các đường lối khác nhau, không người nào được giữ độc quyền về chân lý của Ngài” (W. Baclay, TM Mt, 127).
3. Phản ứng của Đức Giê-su (9: 55-56)
Chúa Giê-su điều chỉnh ước muốn trả thù của các môn đệ Ngài: “Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông”, vì Ngài đến để cứu sống chứ không để hủy diệt con người (x. Lc 19: 10; Ga 12: 47). Các Tông Đồ dần dần học biết rằng không nên phản ứng theo cảm xúc bốc đồng, nhất là nóng giận; phải định hướng phản ứng của mình theo sứ mạng của Thầy mình: không nhằm giết chết nhưng để cứu sống. Nếu làng này không tiếp đón mình thì sang làng khác: “Rồi Thầy trò đi sang làng khác”. Theo cách suy nghĩ loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục; nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách vững vàng và một tấm lòng khoan dung, rộng lượng và tha thứ: “Chúa làm mọi việc theo một cách thức đáng thán phục… Người hành xử theo cách này để dạy cho chúng ta rằng nhân đức thiện hảo không có bất kỳ ước muốn trả thù, và ở đâu có đức ái chân thật ở đó không có sự giận dữ - nói cách khác, người ta không nên cư xử sự yếu đuối một cách khắc nghiệt nhưng nên giúp đỡ. Tâm hồn thánh thiện phải tránh xa sự phẩn uất, và tâm hồn vĩ đại phải tránh xa ước muốn trả thù” (St Ambrose, Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).
4. Những điều kiện để làm môn đệ của Đức Giê-su (9: 57-62)
Trong bản văn này, Chúa Giê-su giải thích kỷ những ai muốn đi theo Người, nghĩa là muốn làm môn đệ Người. Sống ơn gọi Ki-tô hữu không là một công việc dễ dàng và thuận tiện: nó mời gọi từ bỏ bản thân mình và đặt sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng ưu tiên trên hết mọi công việc khác.
Bản văn này gồm có ba cảnh: hai cảnh đầu thánh Lu-ca có chung nguồn với thánh Mát-thêu (Mt 8: 19-22), còn cảnh thứ ba thuộc nguồn riêng của thánh Lu-ca (9: 61-62). Trong cảnh thứ nhất và cảnh thứ ba, hai người tự nguyện xin làm môn đệ; còn trong cảnh thứ hai, chính Chúa Giê-su lên tiếng mời gọi; tuy nhiên trong cả ba cảnh, dù tự nguyện hay được Chúa lên tiếng mời gọi, cả ba người đều đặt điều kiện. Điều quan trọng trong cả ba cảnh này không phải là các nhân vật, vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật như thế nào, mà là giáo huấn của Chúa Giê-su về những điều kiện để làm môn đệ Người.
- Cảnh thứ nhất (9: 57-58): Chúng ta tham dự vào bối cảnh kinh điển, trong đó người môn đệ chọn vị thầy mà mình muốn đi theo thầy, anh bỏ gia đình trong một hoặc nhiều năm để đến ở với thầy và thụ huấn với thầy (x. Ga 1: 37-39). Chúng ta thấy ở đây trường hợp một người muốn đi theo Đức Giê-su, nhưng với một điều kiện – xin cho anh được phép từ biệt gia đình trước đã. Vì thấy anh chưa dứt khoát, Chúa Giê-su cho anh một câu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Qua câu trả lời này, Chúa Giê-su cho anh biết Ngài không giống như các kinh sư khác: cuộc sống của Ngài rày đây mai đó, bởi vì Ngài là một nhà du thuyết bị khước từ, bị truy nã, không có nơi nương náu cố định, không có chỗ tựa đầu để nghỉ ngơi yên ổn mà luôn phải trốn tránh. Như vậy, những ai muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ của Ngài sẽ phải chia sẻ cuộc đời của một nhà du thuyết vô gia cư, không có một mái nhà để qua đêm, luôn luôn sống trong ơn quan phòng của Thiên Chúa.
- Cành thứ hai (9: 59-60): Chúa Giê-su chủ động kêu gọi anh (x. các trình thuật về ơn gọi 5: 27). Người được kêu gọi đưa ra một điều kiện: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Ý của người này tuy cũng muốn theo Chúa Giê-su, nhưng xin khuất một thời hạn cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi, nghĩa là chu toàn chữ hiếu đối với cha, rồi anh mới theo Ngài. Câu trả lời của Chúa Giê-su khiến chúng ta phải kinh ngạc: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”, vì câu trả lời này đụng chạm đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ (Xh 20: 12). Không phải Chúa Giê-su coi nhẹ bổn phận của con cái đối với cha mẹ (x. Mt 15: 3-9), nhưng Ngài dạy rằng mỗi việc đều có một thời điểm quyết định, nếu bỏ lỡ giờ phút ấy, có thể việc đó sẽ không bao giờ được thực hiện. Nghĩa vụ loan báo Triều Đại Thiên Chúa, bổn phận phục vụ Tin Mừng, cấp bách đến mức phải đặt ưu tiên lên hàng đầu, phải vượt qua cả những mối liên hệ gia đình, nhất là trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì người môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.
- Cảnh thứ ba (9: 61-62): Chúng ta trở về với trường hợp kinh điển, một người tự nguyện theo Chúa Giê-su nhưng với một điều kiện: “Nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Chúa Giê-su trả lời: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Câu trả lời của Chúa Giê-su gợi nhớ câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Ê-li-sa (1V 19: 19-21). Khi Ê-li-sa đang cày với đôi bò trên cánh đồng, ngôn sứ Ê-li-a mời gọi ông làm môn đệ của mình; ông xin phép được về từ giả cha mẹ mình trước đã. Được phép của thầy, ông trở về nhà, giết cặp bò, lấy cày làm củi, mở tiệc đãi người thân, rồi bắt đầu theo ngôn sứ Ê-li-a. Nhưng ở đây Chúa Giê-su đòi hỏi còn quyết liệt hơn ngôn sứ Ê-li-a: khi đã tra tay cày bừa cánh đồng của Thiên Chúa, trong đó Chúa khai mở Triều Đại của Người, người môn đệ không được “ngoái lại đằng sau”, đừng quyến luyến quá khứ (của cải, địa vị, những nhân tình thế thái), đoạn tuyệt với con người cũ kể cả những mặc cảm tội lỗi xưa kia, để dành trọn tấm lòng không san sẻ với bất cứ điều gì mà chỉ toàn tâm toàn ý chăm lo công việc Nước Thiên Chúa mà thôi. Chính gia đình cũng thuộc vào một trong những thứ đắt giá mà người môn đệ của Ngài phải bỏ lại đằng sau (x. 18: 29). Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải cân nhắc cẩn trọng: “Quyết định theo Đức Giê-su không chỉ là kết quả nhất thời của niềm phấn khởi nhiệt tình; điều đó đòi hỏi một quyết định có tính cách kiên quyết” (J. Fitzmyer).
Ý kiến bạn đọc