banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THƯA THẦY TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT?

Đăng lúc: Thứ hai - 06/08/2018 21:41 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THƯA THẦY TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT?

THƯA THẦY TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT?

Những nét căn bản về Luân lý của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: Điều răn thứ VII và X
 
ĐIỀU RĂN THỨ VII VÀ THỨ X
 Chớ lấy của người và chớ tham của người

 Xh 20, 15; 17
 
            Điều răn thứ VII và thứ X mời gọi chúng ta tôn trọng quyền sở hữu của mỗi người và sống ý nghĩa cao đẹp của quyền này. Thông điệp từ tạo dựng trong sách Sáng Thế cho chúng ta thấy rằng hiện hữu con người dựa trên 3 tương quan căn bản liên kết chặt chẽ với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với con người và tương quan với trái đất[1]. Thiên Chúa dựng nên thế giới cho mọi loài. Với sự giúp đỡ của con người, trái đất sản sinh của cải và mùa màng. Về nguyên tắc, chúng thuộc quyền định đoạt của tất cả mọi người, không ưu đãi ai, và được dùng để phục vụ lợi ích của tất cả. Mỗi người có quyền hưởng dùng những gì là thiết yếu cho sự sống của mình, mà không ai được phép tước đoạt, dù chúng ta biết rằng mỗi người có quyền tư hữu và sẽ luôn có những khác biệt về số tài sản sở hữu của từng người. Nếu một số người có nhiều mức tài sản cần để sinh sống, trong khi những người khác thiếu cả những thứ cơ bản để duy trì sự sống, thì điều này không chỉ đòi buộc người ta tỏ lòng bác ái, mà trên hết, phải giúp đỡ theo lẽ công bằng.

 
1. Quyền chung hưởng và quyền tư hữu của cải
Thiên Chúa trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của trái đất (x. St 1, 26 - 29). Tuy nhiên, trái đất được phân chia ra giữa người ta với nhau để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của họ, vốn bị sự túng thiếu và bạo lực đe dọa. Sự tư hữu của cải là hợp pháp để đảm bảo sự tự do và phẩm giá con người, để giúp mỗi người đáp ứng nhu cầu căn bản của mình và nhu cầu của những ai họ có bổn phận chăm lo.

Thật vậy, khi xác định rõ quyền tư hữu của cải là hợp pháp nhưng quyền chung hưởng của cải vẫn đứng hàng đầu[2]; Giáo Hội thấu hiểu tâm lý và xu hướng chung của con người và đồng thời giúp họ ý thức và sống căn tính của chính mình đó là đức ái, sự liên đới trong trách nhiệm và tình yêu. “Tài sản riêng khuyến khích cá nhân gìn giữ cơ ngơi của mình, chăm sóc và bảo vệ nó khỏi bị phá hại. Trái lại, những thứ của chung thường xuống cấp do không ai thấy mình có nghĩa vụ phải chăm lo. […]  Mỗi người phải cảm thấy có trách nhiệm đối với một số vật cụ thể. Nếu mọi người đều chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ, thì trên thực tế, không ai thấy có trách nhiệm về bất cứ thứ gì cả. Quyền tư hữu không thể chiếm quyền ưu tiên trên công ích, vì theo nguyên tắc, mọi của cải đều phải phục vụ mọi người”[3].

Vì thế, con người cần ý thức rằng sự tư hữu phải giúp biểu lộ tình liên đới tự nhiên giữa người với người. Vì rằng, “khi sử dụng của cải, con người phải coi chừng những của cải bên ngoài mà mình sở hữu cách hợp pháp, không chỉ như của riêng mình, nhưng còn như của chung, theo nghĩa là chúng có thể mang lại lợi ích không những cho mình mà còn cho những người khác nữa[4]”. Việc sở hữu của cải làm cho người sở hữu thành một người quản trị của Thiên Chúa quan phòng, để làm cho của cải này sinh hoa lợi và truyền thông các phúc lợi của nó cho người khác, trước hết là cho người thân cận mình[5]. Aristotle đã từng nói rằng “Nơi nào không có tài sản, nơi đó cũng chẳng có niềm vui cho tặng; rồi không ai còn hưởng được sự mãn nguyện khi giúp đỡ bạn bè, lữ khách, hay người nghèo khổ túng quẫn”.

Nhờ quyền sở hữu con người trở thành người quản trị của Thiên Chúa trong việc không chỉ dùng hết khả năng của mình làm cho hoa màu trái đất thêm phong phú để phục vụ con người hiện tại mà còn biết gìn giữ cho thế hệ tương lai[6]. “Chúng ta nên để lại một hành tinh mà con cháu sau này còn có thể sống nổi. Nói cho cùng, trái đất đau chỉ có đường ray xe lửa và đường sá, mà còn có đất trồng… Cần phải biết cân bằng giữa nhu cầu của người nông dân và của kẻ làm đường. Phải có công bằng cho những người sử dụng đất đai” (Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cuộc phỏng vấn ngày 24 tháng 1 năm 2013).

 
2. Sống lời mời gọi của điều răn VII và X
Lời mời gọi cao đẹp của điều răn thứ VII và X thúc đẩy các Kitô hữu sống và thực hành các điều cụ thể sau:

Tôn trọng nhân vị và của cải
Điều răn thứ 7 cấm trộm cắp, nghĩa là, cấm chiếm đoạt của cải của tha nhân trái với ý muốn hợp lý của sở hữu chủ. Không được coi là trộm cắp nếu có thể phỏng đoán được sự ưng thuận của chủ nhân hoặc sự khước từ của họ nghịch với lý trí và với quyền chung hưởng của cải trần thế. Đó là trường hợp có nhu cầu rõ ràng và khẩn cấp, mà phương thế duy nhất để đáp ứng cho các nhu cầu cấp thời và thiết yếu như thức ăn, chổ ở, quần áo… là lấy và sử dụng của cải trần của tha nhân[7].

Mọi cách lấy hoặc giữ cách bất công của cải của tha nhân, mặc dầu không nghịch với những quy định của dân luật, vẫn nghịch với điều răn thứ VII. Chẳng hạn cố tình giữ lại của cải đã mượn hoặc của rơi, gian lận trong buôn bán, trả lương bất công, lợi dụng sự không biết hoặc nhu cầu của tha nhân để tăng giá kiếm lời.

Về phương diện luân lý những việc sau đây cũng bất hợp pháp:
_ Đầu cơ: nghĩa là làm biến động giá cả cách giả tạo để trục lợi làm thiệt hại cho tha nhân.
_ Hối lộ: là làm sai lệch phán đoán của những người phải quyết định theo luật pháp.
_ Chiếm đoạt của cải và sử dụng riêng của cải chung của xí nghiệp.
_ Làm việc cách cẩu thả, gian lận thuế, giả mạo các chi phiếu và hóa đơn, chi tiêu quá mức, lãng phí.
_ Gây thiệt hại có chủ ý đến tài sản của tư hoặc chung.
_ Các trò chơi may rủi, cá cược.

Giữ lời hứa và các hợp đồng. Tuân theo sự công bằng giao hoán, những quy định trao đổi giữa các các nhân và tổ chức. Vì công bằng giao hoán, cần phải đền bù sự bất công đã phạm, trả lại của cải đã lấy cắp.

Điều răn thứ VII cấm các hành vi và các sáng kiến, với bất cứ lý do nào, vì ích kỷ hoặc vì ý thức hệ, vì lợi nhuận hoặc do độc tài, dẫn tới việc nô lệ hóa con người, không nhìn nhận phẩm giá của họ, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hóa.

Điều răn thứ VII dạy chúng ta tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng. Thú vật cũng như thực vật vô tri nhằm phục vụ công ích nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật động vật trong vũ trụ, không thể được tách biệt khỏi việc phải tôn trọng những đòi hỏi của luân lý. (Thông điệp Laudato si)

Thiên Chúa trao phó các thú vật cho con người quản lý, con người mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài. Vì vậy, việc sử dụng thú vật làm lương thực và y phục là hợp lý. Con người có thể thuần hóa chúng để phục vụ trong lao động hoặc giải trí. Những thí nghiệm y khoa trên thú vật có thể được chấp nhận, miễn là trong giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu mạng sống con người.

Hành hạ thú vật và phung phí mạng sống chúng cách vô ích là nghịch với phẩm giá con người. Chi phí số tiền quá đáng cho thú vật, mà lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người là một việc bất xứng. Được phép ưa thích thú vật nhưng không được dành cho chúng tình yêu chỉ dành cho con người.

 Những nguyên tắc trong hoạt động kinh tế và công bằng xã hội
Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng nhân phẩm đòi phải thực thi đức tiết độ, để điều tiết sự say mê của cải trần thế; đức công bằng, để bảo vệ các quyền của người lân cận và trả lại cho họ những gì thuộc về họ; tình liên đới, theo khuôn vàn thước ngọc và theo lòng quảng đại của Chúa, là Đấng vốn giàu sang, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có.

Việc phát triển các hoạt động kinh tế và gia tăng sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, gia tăng lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên nó nhắm tới việc phục vụ các nhân vị, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế phải được hướng dẫn theo những phương pháp và luật lệ riêng, phải được thực thi trong giới hạn của trật tự luân lý, theo công bằng xã hội, để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa về con người.

Lao động xuất phát cách trực tiếp từ những nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi tiếp nối công trình tạo dựng, cùng với nhau và cho nhau, bằng việc làm chủ trái đất[8]. Lao động biểu dương các hồng ân của Đấng Tạo Hóa và những tài năng đã lãnh nhận. Lao động cũng có giá trị cứu chuộc. Khi chịu đựng vất vả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, người thợ làng Nazareth và đã chịu đóng đinh vào thập giá trên đồi Calvario, con người cộng tác một cách nào đó với Con Một Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Kitô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được mời gọi chu toàn.

Mỗi người có quyền sáng kiến về kinh tế và sử dụng cách hợp pháp các tài năng của mình.
Vai trò của người lãnh đạo trong các xí nghiệp, họ buộc phải quan tâm đến lợi ích của con người chứ không phải lo lợi nhuận.

Mọi người đều có quyền có việc làm. Tiền lương công bằng. Sự đình công là hợp pháp về mặt luân lý, khi đó là một phương thế không thể tránh khỏi hoặc thậm chí cần thiết để đạt tới những lợi ích tương xứng. Mỗi người có bổn phận đóng góp lệ phí cho các tổ chức an sinh xã hội.

Ž Sự công bằng và tình liên đới
Các nước giàu có trách nhiệm luân lý nghiêm trọng đối với các nước không thể tự bảo đảm cho mình sự phát triển hoặc bị ngăn cản không phát triển được vì những biến cố lịch sử bi thảm. Đây là một bổn phận của tình liên đới và bác ái, và cũng là sự bắt buộc của luật công bằng, nếu sự sung túc của các nước giàu là do những tài nguyên đã không được trả tiền cách công bằng.

Viện trợ trực tiếp là giải pháp thích đáng đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đột xuất, chẳng hạn do thiên tai, nạn dịch…

Sự can thiệp cách trực tiếp vào cơ cấu chính trị và tổ chức đời sống xã hội không thuộc về các mục tử của Hội Thánh. Nhiệm vụ này là một phần ơn gọi của các tín hữu giáo dân, là những người hành động bằng sáng kiến riêng cùng với đồng bào của mình. Các tín hữu có bổn phận đem ánh sáng lời Chúa vào chính cuộc sống và xây dựng nước trời trần thế.

 Yêu thương người nghèo
Lòng yêu mến của Hội Thánh đối với người nghèo được tiếp nối liên tục trong kinh nghiệm truyền thống của Hội Thánh. Tình yêu đó được linh hứng bởi Tin Mừng của các mối phúc, bởi sự khó nghèo của Chúa Giêsu và sự quan tâm của Người đối với người nghèo. “Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 42); “Anh em đã được cho nhưng không thì cũng phải cho nhưng không như vậy” (Mt 10, 8).

Tình yêu đối với người nghèo cũng là một trong những động lực thúc đẩy bổn phận làm việc để có gì chia sẻ cho những người túng thiếu. Thánh Gioan Kim Khẩu nói đến việc quan tâm và giúp đỡ người nghèo cách mạnh mẽ rằng: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ; […] của cải của chúng ta đang nắm giữ không phải là của chúng ta, nhưng là của họ. Phải thỏa mãn những đòi hỏi của đức công bằng trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là phải đền trả vì đức công bằng”.

Gia tăng cảm thức về Thiên Chúa và sự hiểu biết chính mình là nền tảng của mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người.

Có nhiều cái nghèo khác nhau: cùng cực về của cải vật chất, những người chịu sự đàn áp bất công, những người mắc bệnh tật về thể lý và tinh thần, cái chết…  Ngay từ Cựu Ước đã có những chỉ thị pháp lý đủ mọi loại về năm tha nợ, cấm cho vay lấy lãi và cầm đồ, nghĩa vụ đóng thuế thập phân, trả lương mỗi ngày, quyền được mót ruộng và vườn nho…

Sống điều răn thứ X, người Kitô hữu cần tỉnh thức và làm chủ lòng mình trước sự vô trật tự của các ham muốn của cải của người khác, điều là cội rễ của trộm cắp, cướp giật và gian lận.

Sự ham muốn của các giác quan khiến chúng ta ước muốn điều thích thú mà chúng ta không có. Ước muốn này tự chúng là tốt, nhưng chúng thường không giữ sự điều độ của lý trí và thúc đẩy chúng ta ham muốn cách bất chính điều không phải của chúng ta và điều thuộc về tha nhân hay mắc nợ họ.

Điều răn này cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực, cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại. Điều răn này cũng cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế. Một yếu tố khác thúc đẩy con người đi đến những hành xử sai lệch đó là: ganh tị. Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Ganh tị chỉ sự buồn bực khi thấy kẻ khác có của cải, và sự ao ước vô độ muốn lấy của cải đó làm của mình, thậm chí bằng cách bất chính. Ganh tị lại kèm theo ước muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, là trọng tội. “Ganh tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác gặp may lành” (Thánh Gregorio Cả). Ganh tị là một hình thức của sự buồn bực và vì vậy là sự khước từ của đức mến, ganh tị thường là do kiêu ngạo mà ra.

Các Kitô hữu được mời gọi sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính Thiên Chúa mới làm cho con người nên công chính nhờ lòng tin và ân sủng của Người. Nhờ lòng tin và ân sủng ấy họ can đảm đóng đinh tính xác thịt vào thập giá, cùng với các dục vọng và đam mê, họ được Thần Khí hướng dẫn và đi theo những ước muốn của Thần Khí. Ước muốn vinh phúc đích thực giúp họ thoát khỏi tình cảm vô độ đối với của cải trần gian, để ước muốn đó được hoàn thành trong sự chiêm ngắm và vinh phúc phúc của Thiên Chúa.

Điều răn thứ VII bảo vệ quyền sở hữu của con người, đồng thời cũng mời gọi họ sống niềm xác tín của người con cái Chúa, sống trách nhiệm người quản trị của Thiên Chúa: trông nom, chăm sóc, cai quản trái đất, làm sản sinh và hưởng dùng mọi hoa màu của nó trong tự do, ý thức trách nhiệm và tình liên đới, liên đới với người khác trong cùng một thế hệ và liên đới với thế hệ tương lai. Nếu điều răn thứ VII đề cập đến hành động cụ thể của sự tôn trọng sở hữu của cải, thì điều răn thứ X đề cập đến ý tưởng. Điều răn này nhắc nhở con người là một hữu thể đầy ước muốn, lắm khi có những ước muốn bất chính. Nhận biết như thế để điều chỉnh chính mình; để tôn trọng quyền tư hữu của con người và sống ý nghĩa cao cả của quyền tư hữu, đó là: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Và hơn nữa người Kitô hữu cũng được mời gọi sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, để không bám víu vào những của cải trần thế; mà ra công tìm kiếm viên ngọc quý của Nước Trời. Chính Đức Kitô đã tán dương niềm vui của người nghèo và chúc phúc cho họ, “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
 

[1] Đức Thánh Cha Phanxico, Thông điệp Laudato si, s. 66.
[2] X. GLHTCG, s. 2402 – 2401, tr. 670.
[3] X. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (dịch), Docat. Phải làm gì? Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. HCM 2017, s. 90 – 91, tr. 96.
[4] Công Đồng Vatican II, Gaudium et spes, s. 69, tr. 329.
[5] GLHTCG, s. 2404, tr. 671.
[6] X. Docat, s. 92, tr. 97.
[7] GLHTCG, s. 2408, tr. 671.
[8] Công đồng Vatican II, Gaudium et spes, s. 34, tr.

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc