Đăng lúc: Chủ nhật - 10/09/2017 03:59
- Người đăng bài viết: menthanhgia
THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?
Những nét căn bản về luân lý của Giáo Lý Hội Thánh Công giáo (tiếp theo)
DÀN Ý I. Người thanh niên giàu có đi tìm sự sống đời đời 1. Phẩm giá của nhân vị: con người là hình ảnh của Thiên Chúa 2. Ơn gọi của con người là đến hưởng vinh phúc
II. “Sao anh hỏi tôi về điều tốt?”: Thiên Chúa nguồn gốc của mọi sự tốt lành III. “Hãy giữ các điều răn” 1. Các điều răn: luật tự nhiên Thiên Chúa khắc ghi trong con người a. Mến Chúa b. Yêu người 2. Tiếng nói của lương tâm 3. Các đam mê 4. Tội lỗi
IV. “Tôi còn thiếu điều gì nữa chăng?” 1. Bán đi những gì anh có: các nhân đức 2. Phân phát cho người nghèo: cộng đồng nhân vị 3. Hãy đến theo Tôi: lời mời gọi đáp trả trong tự do a. Sự tự do b. Lề luật và ân sủng c. Cộng đoàn Giáo Hội
I. Người thanh niên giàu có đi tìm sự sống đời đời 1. Phẩm giá của nhân vị: con người là hình ảnh của Thiên Chúa Chàng thanh niên trong đoạn Tin Mừng của thánh Mattheu hỏi Chúa Giêsu về phương cách để đạt đến sự sống đời đời là hình ảnh con người của mọi thời đại, mọi nền văn hóa, luôn khao khát đi tìm căn tính của chính mình, đi tìm ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. Tôi là ai? Sống để làm gì? Đâu là cùng đích của cuộc sống…? Theo dòng lịch sử nhân loại con người được hiểu và nhìn nhận dưới nhiều nét vằ đặc tính khác nhau trong từng quan điểm và góc nhìn của suy tư triết lý và khoa học.
Triết học cũng đi tìm hiểu căn nguyên của con người được chia ra các giai đoạn như sau[1]: Thế giới nhân chủng triết học Hy Lạp cổ (I – VI) mang đậm nét duy lý trên nền tảng của triết học nhị nguyên cho rằng con người là một hữu thể bao gồm 2 yếu tố đối lập: linh hồn thiêng liêng và thể xác vật chất.
Đối với Socrat (469 – 399 a.C) con người là một hữu thể lý trí, ông nhấn mạnh đến lý trí và linh hồn. Platon (423 – 347 a. C) định nghĩa con người là một phức hợp không hoàn hảo của linh hồn và thân xác. Cái làm cho con người là chính mình đó là linh hồn. Linh hồn thiêng liêng, bất tử, bảo đảm cho con người tham dự vào thế giới siêu nhiên. Thân xác là thế giới vật chất, là nhà tù của linh hồn. Linh hồn thiêng liêng bất tử, bảo đảm cho con người tham dự vào thế giới siêu nhiên. Thân xác là thế giới của vật chất, là nhà tù của linh hồn. Ông có cái nhìn tiêu cực về thân xác.
Aristote (384 – 322 a.C) cho rằng con người được hiểu như bản thể đầu tiên bao gồm linh hồn và thân xác. Linh hồn và thân xác làm nên một bản thể duy nhất của một con người.
Trong sự khám phá của nhân học Hy Lạp cổ con người là linh hồn duy lý. Con người khác con vật ở lý trí. Nhờ lý trí con người có khả năng nhận biết chính mình, lý trí là căn nguyên và nguyên lý tồn tại của con người.
Con người của thế giới trung đại (VI – XV) là con người của Kitô giáo, được ảnh hưởng sâu sắc từ Kinh Thánh và suy tư thần học. Hai khuôn mặt tiêu biểu của giai đoạn này là thánh Augustino (354 – 430) và thánh Toma Aquino (1225 – 1274).
Con người của Kinh Thánh không phải là một thực tại được lắp vào vũ trụ như thế giới cổ đại nhưng được sai vào thế giới. Sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới.
Theo Thánh Augustino con người không tự hoàn thiện trong chính mình, họ được mời gọi đến với Thiên Chúa và chỉ đến với Ngài con người mới tìm được căn tính thực sự của chính mình và bình an. Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa được thực hiện qua trung gian của Đức Giêsu Kitô. Ảnh hưởng của triết học nhị nguyên Platon, thánh Augustino cũng thấy nơi con người thân xác và linh hồn hai thực tại phân chia, hai yếu tố tách rời không hợp nhất với nhau trong cùng một bản thể nhưng liên kết với nhau và cần có nhau để tồn tại. Tuy nhiên khác với Platon, đối với Thánh Augustino, linh hồn con người được sáng tạo bởi Thiên Chúa, được mời gọi ở một cuộc sống bất tử, ước muốn, tự do và yêu thương. Thân xác là vật chất tự nó không xấu, bản chất là tốt lành bởi vì là công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Theo Thánh Toma Aquino linh hồn và thân xác không phải là hai bản thể tách rời nhau, nhưng cả hai cấu thành nên một bản thể duy nhất. Sự hợp nhất nên một của thân xác và linh hồn hệ tại ở chính “hành động hiện hữu” của con người. Không hiện hữu một con người trong sự tách rời của linh hồn và thân xác. Con người là một hữu thể vừa thiêng liêng vừa vật chất, trong đó căn bản thiêng liêng và vật chất kết hợp sâu sắc để tạo nên hữu thể duy nhất.
Con người cổ đại và trung đại đặt nền tảng căn tính và hiện hữu của mình trong Thiên Chúa. Trong thế giới hiện đại và đương thời con người đứng trước những thay đổi lớn lao. Con người của thế giới hiện đại quay lưng lại với nhận thức tôn giáo và tiết học để đề cao khoa học.
Con người của thế giới hiện đại không muốn tương quan với Thiên Chúa và vũ trụ. Con người là trung tâm. Đối với con người của những thế kỷ này không phải là giá trị làm nên ước muốn nhưng ước muốn làm nên giá trị. Con người được nặn đẽo nên từ những nhu cầu, từ sự thúc đẩy của ước muốn và của khao khát. Bởi đó, theo Freud tiêu chuẩn để đánh giá quá trình trưởng thành của con người là khả năng yêu thương và làm việc, khả năng cái tôi kiềm chế và thúc đẩy của bản năng.
Con người của thế giới đương thời tuyên bố cái chết của Thiên Chúa (Friedrich Nietzsche 1844 – 1990). Quan điểm nổi bật hình thành nên tính cách đặc trưng của con người hiện nay là đồng hóa con người với công việc, không phải là công việc vì con người nhưng là con người vì công việc. Thuyết cấp tiến cố gắng đưa con người đến tự do cá nhân. Hệ quả của khuynh hướng này là phủ nhận khả năng tự chủ và chế ngự các nhu cần bản năng của con người. Quy tắc của con người không còn là hy sinh, kiêng cử, khuôn phép nhưng là thỏa mãn các nhu cầu. Vì thế, đối diện với chính mình ngày nay con người hoàn toàn trống rỗng nội tâm, gãy vỡ và không hợp nhất trong chính mình. Con người tự tạo ra tôn giáo cho riêng mình và tôn thờ chính mình.
Con người cũng là đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và thực nghiệm khác nhau. Ngành sinh học nhìn thấy con người như một tổng thể các bộ phận và cơ quan; y học đi tìm hiểu con người trong những bệnh tật và tổn thương của các cơ quan; khoa tâm lý nghiên cứu cái hỷ nộ ái ố của con người; xã hội học thấy rằng con người là một động vật có xã hội tính nghĩa là nghiên cứu con người trong các tương quan xã hội….
Vậy con người là ai hay con người là gì? Theo khái niệm Hy Lạp, con người là mặt nạ, nghĩa là con người là những gì bày tỏ trước mắt, là cái để truyền thông cho người khác biết mình là ai. Chúng ta thấy rằng dọc theo dòng lịch sử người ta phân tích, tìm hiểu và biết con người ở nhiều chiều kích khác nhau. Một cách không thể chối cải và người ta có thể đồng ý cách dứt khoát rằng con người trong bước đi của dòng lịch sử thể hiện cái căn tính và phụ tùy của chính mình, cả hai làm nên sự hiện hữu tròn đầy của con người.
Căn tính thật sự ấy được mặc khải từ Thiên Chúa, niềm tin Kitô giáo xác tín con người là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, là nghĩa tử của Ngài. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là một nhân vị có lý trí, tự do và yêu thương (Cfr. GLHTCG 1701 – 1709). Theo mặc khải thì căn tính con người được bày tỏ trong sách Sáng Thế 1, 26– 27 “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta…”. Hai cặp từ quan trọng nói lên căn tính con người đó là “là hình ảnh và giống Thiên Chúa”.
Vậy ở điểm nào con người giống Thiên Chúa? Có nhiều lập trường khác nhau giải thích nhị thức “là hình ảnh và giống Thiên Chúa” của con người. _ Một lập trường cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa hệ tại ở phẩm giá thiêng liêng, ở lý trí và khả năng tiếp xúc với những điều siêu việt. _ Lập trường cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa hệ tại ở hình dáng thể lý bên ngoài. _ Một lập trường khác bàn luận về căn tính ‘là hình ảnh” nghĩa là làm cho người mình muốn bày tỏ được hiện diện. _ Nhà thần học K. Barth giải thích nhị thức “là hình ảnh và giống Thiên Chúa”[2] trong sự lập luận về sự giống và khác nhau giữa Thiên Chúa và con người. Nghĩa là con người là hữu thể có khả năng giống Thiên Chúa, khả năng trở nên như Ngài. Là căn tính con người được mời gọi “Hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Niềm xác tín này bày tỏ mối tương quan hỗ tương giữa con người với Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa làm người để con người được trở nên giống Ngài và con người là nơi thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa. Vậy ý nghĩa thần học của “con người là hình ảnh Thiên Chúa” là: con người là “bản sao” của Thiên Chúa, nghĩa là con người là bản sao của tất cả những cái cấu thành nên đường nét căn bản và sâu sắc nhiệm mầu của chính mình, là bản sao trong chính căn tính con người ở tình yêu hoàn hảo và sự tự do. Con người là “bản sao của Thiên Chúa” nhờ dự phần vào sự sống siêu nhiên. Vì thế Thiên Chúa tự nhiên là thiêng liêng, là một nhân vị có nhận thức, là tình yêu, cũng vậy bởi tham dự vào căn tính của Ngài con người cũng là một hữu thể thiêng liêng, có khả năng nhận biết, chọn lựa ước muốn và yêu thương. Hơn nữa, bản chất tương quan với Thiên Chúa cũng cho phép con người hiểu và biết phân định giữa giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối, cũng nhận thức cách rõ ràng rằng giá trị tương đối hệ tại ở giá trị tuyệt đối.
Bên cạnh đó, mối tương quan căn tính này tạo nên trong con người sự khao khát và năng động hướng về Thiên Chúa. Vì thế, sự kết hợp với Thiên Chúa trở nên ơn gọi và cùng đích của con người. Tương quan với Thiên Chúa là hành trình gồm hai chiều kích: chiều kích thứ nhất thúc đẩy con người ra khỏi chính mình hướng về người khác, cách cụ thể là hướng về Thiên Chúa, mở lòng ra đón nhận Ngài và để được Ngài đón nhận; chiều kích thứ hai là định hướng về Thiên Chúa, bởi lẽ nếu Thiên Chúa là cội nguồn của con người, thì Ngài cũng là định hướng duy nhất cho mọi chọn lựa của chúng ta.
Phẩm giá con người hệ tại ở việc con người được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài. Thực thi đời sống luân lý con người chứng tỏ phẩm giá cao cả của họ. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa con người được phú ban khả năng và được mời gọi trở nên hoàn thiện mỗi ngày. Bốn yếu tố nền tảng làm nên khả năng và tính cách hóa hành trình trưởng thành của con người đó là: lý trí, ý chí, ước muốn và tự do.
“Ở đâu Thiên Chúa không chiếm chổ nhất nhân phẩm con người rơi vào khốn cùng. Vì thế con người ngày hôm nay cần khám phá khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu Kitô” (ĐTC Biển Đức XVI).
[1] X. K. Pompo, Chi è l’uomo? Introduzione all’antropologia filosofica in dialogo con le culture, Armando s.r.l, Roma 2009, 25 – 67. (Con người là ai? Dẫn nhập vào nhân học triết trong đối thoại với các nền văn hóa).
[2] X., C. Laudazi, Di fronte al mistero dell’uomo. Temi fondamentali di antropologia teologica, Edizioni OCD, Roma Morena 2007, 275 – 278. (Trước mầu nhiệm con người. Những đề tài căn bản về nhân học Kitô giáo).
Ý kiến bạn đọc