banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

BẢY MƯƠI LẦN BẢY

Đăng lúc: Thứ ba - 06/03/2018 08:30 - Người đăng bài viết: menthanhgia
BẢY MƯƠI LẦN BẢY

BẢY MƯƠI LẦN BẢY

Tình dang dở vì tha nửa vời, Đau lòng quá oán hận đầy vơi. Căm phẫn thù hằn: đời thế đó, Nên tha thứ là huyền nhiệm bởi Trời.

Tết đã qua từ lâu. Đất trời cũng đang giao mùa để vào hạ với những ánh nắng chói chang hơn, thế nhưng dư âm và kỷ niệm của những ngày cuối năm và đầu xuân cứ ùa về. Tối qua, khi đọc đoạn Tin Mừng để chuẩn bị cho giờ nguyện ngắm sáng nay, mấy lời đối thoại ngắn ngủi nghe lóm được từ hai chàng trai trong chiều ba mươi tết hiện rõ trong trí nhớ.

Hai chàng trai ấy là nhân viên của đội bảo vệ môi trường đô thị đi làm sạch và đẹp cho thôn xóm trong những ngày cuối năm với xe rác to kềnh. Vừa thu gom rác vừa trò chuyện với nhau, anh này bảo anh kia: “Nghe nói người công giáo mỗi khi ăn cắp của ai cái gì, đi xưng tội với ông cha là hết tội ngay”. Mấy ngày nay, lang thang một vòng trên Face cũng đọc thấy một vài comment tương tự: người công giáo gì mà đi ăn cắp, có tội, đi xưng tội là hết tội. Nghe đọng lại nơi những lời ấy có chút gì đó không thuyết phục, không hài lòng, có gì đó dường như còn lấn cấn giữa tội và được tha thứ, giữa lỗi phạm và lòng khoan dung, giữa cái còn rất thường tình của con người trong kết án, hình phạt, thậm chí tẩy chay.

Điều gợi nhớ ấy đến từ câu trả lời của Chúa Giêsu khi thánh Phêrô hỏi Ngài: “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ mấy lần, có phải bảy lần không?” -  “Thầy không bảo tha đến bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18, 21 – 22).

Tha thứ dường như luôn là một thách đố của con người nhưng lại là điều thiết yếu cho một cuộc sống bình an, hạnh phúc và để xây dựng một cuộc sống đáng sống. Trong cuộc sống này mối tương quan giữa người với người lắm mong manh, tình yêu nơi mái ấm gia đình lỏng lẻo, hạnh phúc long đong, người người dễ giận dỗi mau hận thù, hạ bệ người khác, vì người ta mãi vẫn không bao giờ học và sống cho được thế nào là “tha thứ bảy mươi lần bảy”: tha thứ vẹn toàn. Tha thứ vẹn toàn trong những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày và cả những chuyện lớn khi con người xúc phạm đến nhau, đến Thiên Chúa và cả đến chính mình. Nếu lòng chúng ta không đủ rộng làm sao hiểu được thế nào là tha thứ. Nếu trí chúng ta không đủ sáng suốt và bình tâm làm sao phân biệt giữa tội và người phạm tội.

Chuyện tha thứ hay thứ tha của việc xưng tội trên kia cũng vậy. Tha thứ không có nghĩa là đồng thuận với tội lỗi, với cái xấu nhưng là trong tình yêu bao dung và quảng đại của đón nhận người khác, vì họ là con người (nhân vị) đang trên đường hoàn thiện chính mình mỗi ngày như bạn và như tôi. “Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai” (Thánh Augustino). Tha thứ toàn vẹn còn là tha thứ luôn luôn bởi ai có thể quyết định được kỳ hạn của hành trình và thời gian hoàn thiện trở nên tốt hơn mỗi ngày của chính mình hay của người khác?

Cha Phêrô Chu Quang Minh trong cuốn THA NỬA VỜI viết rằng: Chấp nhận là thường tình. Nhưng tha thứ là ngoại thường, là linh thánh, ngược với xu hướng con người thú tính tự nhiên. Nhưng người được mời gọi để tha thứ không nửa vời, mà toàn vẹn, thì đó là Huyền Nhiệm Hòa Giải. Có ba đặc điểm về tha thứ là: mãnh liệt trao tặng, một lời mời gọi, một sức mạnh linh thiêng.

Tha thứ toàn vẹn thì mãnh liệt và thiêng liêng vì người trao tặng cho cái mình có. Còn người tha thứ vừa cho đi điều mình có, vừa cho đi chính nhân phẩm của mình. Cho mà bị nhục, bị vu khống, hiểu lầm nhưng vẫn tiếp tục cho đi. Người tha thứ là người nhận rằng mình đau khổ. Nhưng đặt đau khổ sang một bên, quên mình để nghĩ đến ích lợi cho người khác, cho người cần được hòa giải.

Tha thứ là một lời mời gọi bởi nói đến tha thứ là ngầm hiểu đã có lỗi phạm. Trong thứ tha có hai phần, một phần xấu và một phần tốt. Phần xấu cần phải từ bỏ, diệt trừ. Nhưng diệt trừ điều xấu không có nghĩa là diệt trừ người làm điều xấu. Điều xấu đáng ghét còn người làm điều xấu thì đáng thương, đáng thông cảm, cần được mời gọi ăn năn. Khi tha thứ là con người đang làm một lời mời gọi: mời gọi hối cải, mời gọi quay về với điều tốt, điều thiện.

Tha thứ toàn vẹn là một sức mạnh thiêng liêng: là sức mạnh nội tâm nơi đó con người có khả năng tha thứ cho chính mình, vượt qua chính mình để sống an vui tiến trên con đường hoàn thiện khi cảm nhận được và kinh nghiệm được tình yêu của người khác và của Thiên Chúa.

Tình dang dở vì tha nửa vời,
Đau lòng quá oán hận đầy vơi.
Căm phẫn thù hằn: đời thế đó,
Nên tha thứ là huyền nhiệm bởi Trời.

Sống trên đời ai không một lần yếu đuối lỗi phạm? Bí quyết để một đời thanh thoát, nhẹ nhàng, an vui là đi BƯỚC TRƯỚC trong nhận lỗi và tha thứ. “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Niềm vui phó thác, niềm vui không lo lắng, niềm vui của Cánh Chim Trời chỉ đến với ai tha vô điều kiện, tha tuyệt vời, tha cho người cũng như tha cho mình. 

Tác giả bài viết: Ngọc Trong Đá
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc