banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

BÊN BỜ GIẾNG GIACOP

Đăng lúc: Thứ hai - 30/07/2018 22:50 - Người đăng bài viết: menthanhgia
BÊN BỜ GIẾNG GIACOP

BÊN BỜ GIẾNG GIACOP

Có những gặp gỡ, trao đổi làm chúng ta nặng trĩu ưu phiền hay làm ta lún sâu vào những mặc cảm và tiêu cực. Cũng có những cuộc gặp gỡ làm cho ta được biến đổi sống tích cực hơn, yêu đời và yêu người hơn

Yêu và được yêu, được gặp gỡ và trao đổi là những nhu cầu rất căn bản của con người. Thế nhưng có những gặp gỡ, trao đổi làm chúng ta nặng trĩu ưu phiền hay làm ta lún sâu vào những mặc cảm và tiêu cực. Cũng có những cuộc gặp gỡ làm cho ta được biến đổi sống tích cực hơn, yêu đời và yêu người hơn.

Đọc câu chuyện bên bờ giếng Giacop chắc hẳn ai ai cũng nhận ra cuộc một gặp gỡ kỳ diệu. Hình ảnh người phụ nữ Samari đi lấy nước lúc 12 giờ trưa gây cho người đọc nhiều thắc mắc. Tại sao chị không đi vào buổi sáng, không đi ban chiều mà lại phải lấy nước lúc 12 giờ trưa nắng như thế? Phải chăng chị đang né tránh mọi người? Sự thật là thế, người phụ nữ ấy đang cố né tránh tiếng xầm xì, soi mói của nhiều người, của bà con lối xóm về thực tế mà chị đang sống. Chị đang mặc cảm với chính mình, về một cuộc sống đã sáu đời chồng mà người chị đang sống với cũng không phải là chồng chị. Chính vì thế, chị muốn tránh những cuộc gặp gỡ, tự mình tách ra và trốn khỏi những mối tương quan.

Thật không may cho chị, khi chị nghĩ rằng vào thời điểm 12 giờ trưa, chị sẽ tránh được mọi người, chị an phận vì sẽ không gặp ai. Thế nhưng bên bờ giếng có một “người lạ mặt” đang nghỉ chân: Đức Giêsu. Ngài là một người Do Thái, mà lại còn là người xin chị nước uống. Có lẽ lúc ấy chị bối rối lắm, nhưng Đức Giêsu đã gợi chuyện trước và đã phá vỡ được ngăn cách. Ngài đã vượt qua ranh giới truyền thống vốn có của sự phân biệt giữa người nam và người nữ, giữa dân tộc và tôn giáo để tạo nên mối thân tình, mở đầu cho một cuộc gặp gỡ. Chính người phụ nữ cũng ý thức được điều mang tính sĩ diện ấy: “Ông là người Do Thái mà lại xin nước uống từ một người phụ nữ Samari sao?” (Ga 4, 9). Từ “cái nước” của đất, Đức Giêsu đưa chị đến ý thức về “cái nước” của Trời và chính Ngài sẽ là Người mang cho chị Nước ấy. Gợi lên trong lòng người phụ nữ những thắc mắc để chính chị đi vào trong tương quan, trao đổi và mở lòng ra đón nhận luồng sinh khí mới. Đức Giêsu - “Người lạ mặt” biết rất rõ cuộc sống của chị từ trước đến giờ nhưng không hề đề cập đến hay xoi mói, cũng không chỉ trích hay lên tiếng dạy đời. Bởi lẽ đó không phải là cuộc gặp gỡ của chỉ trích và phê phán, nhưng là cuộc gặp gỡ của một người biết hạ mình trước kẻ khác để nâng người khác lên. Khi người ta có thể trao đổi và đi vào tương quan, tâm hồn sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Chính tâm hồn được mở ra đó đã làm chị quên bẵng đi nổi khổ tâm mình đang mang và sự dè dặt với người khác, niềm vui như vỡ òa, chị chạy đi quên cả gồng gánh báo cho dân làng “Đến mà xem một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? (Ga 4, 29).

Cuộc sống chung quanh chúng ta, đâu đó cũng có người đang né tránh ta vì mặc cảm với chính mình, nhưng có những lúc vô tình hay hữu ý chính mình lại là nguyên nhận làm người khác sợ và né tránh bởi những tiếng “xì xầm”, “soi mói”. Bởi cái nhìn thiếu thiện cảm của ta hay vì sự “đóng khung” của ta về người ấy. Nhiều lúc người ta muốn vượt ra khỏi nhưng chính ta lại cản trở họ. Chúa Giêsu không hiện diện với ta một cách hữu hình bên bờ giếng nhưng Ngài mời gọi chúng ta là một Kitô hữu ra đi để gặp gỡ, để đi bước trước đến với người khác.

Chúa Giêsu dạy chúng ta biết bao điều hay điều đẹp. Khám phá tương quan chiều dọc với Thiên Chúa, sống với Chúa thật sâu trong từng lần gặp gỡ, càng đi vào mối tương quan với Chúa trong chiều sâu ta mới có “lực” để bước đi và nói về Chúa cho người khác. Từ đó, ta sẽ sống chiều ngang với mọi người tốt hơn và sẽ có cái nhìn mới mẻ đẹp hơn dưới cái nhìn của Chúa. Để gặp gỡ của ta không là điều bất an cho người khác mà là đem lại động lực để họ vươn lên như chính Chúa đã gặp gỡ người phụ nữ bên bờ giếng Giacop năm xưa đã đem lại bình an, hoan lạc và chính chị là trở nên người loan báo Tin Mừng.
Tác giả bài viết: Hoa Học Trò
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc