TẾ NHỊ VÀ CẢM THÔNG
Lắm khi con người ta quá bảo vệ lý lẽ và cái mình đáng được hưởng mà quên đi rằng bên cạnh mình cũng có những con người cần được để ý và lưu tâm.
Đã sáu năm vì bổn phận và công việc tôi đi lại hằng ngày bằng phương tiện giao thông công cộng. Mỗi ngày, ngày nào cũng vậy đi và về cùng một thời khóa biểu như nhau, lấy cùng những tuyến xe bus như nhau, gặp gỡ cùng một khuôn mặt, nghe cùng một cách điệu và giọng nói của những người kẻ nhập cư, người bản xứ đang mỗi ngày vất vả kiếm kế mưu sinh.
Lên xe bus vào những giờ cao điểm, ngày nào tìm được ghế ngồi phải nói là may mắn. Không có thói quen tìm chỗ ngồi mỗi khi bước lên xe, tôi thường nép mình tìm một chỗ đứng vững chắc và quan sát. Trên xe bus như một xã hội đa văn hóa và đa chủng tộc thu nhỏ thể hiện qua màu da, vóc dáng, phong cách…. Tôi quan sát từ cách người ta lên xuống xe, cách người ta chào hỏi nhau, cách người ta thể hiện chính mình trong đám đông người không biết ai là ai.
Ngày nọ, cũng như mọi ngày chuyến xe bus cuối ngày luôn chật ních người. Phía bên này, chàng trai trẻ độ tuổi đôi mươi nhẹ nhàng nhường chỗ ngồi cho cụ già. Bên kia, người thiếu phụ dựa đầu trên thành ghế khép hờ đôi mắt, gương mặt tỏ lộ rõ sự mệt mỏi sau một ngày dài vất vả cần được nghỉ ngơi. Đột nhiên có lời qua tiếng lại thật to. Trên dãy ghế đầu, một cụ bà vừa đứng lên khỏi ghế lại vội vàng ngồi xuống với những lời lẽ bực tức “Cô còn trẻ sao lại đi giành ghế ngồi với một bà già chứ?”.“Không phải, tôi cứ nghĩ là bà xuống xe nên tôi mới ghé vào ngồi”, người thiếu phụ trẻ phân trần. Như bắt được đề tài, thế là hai người phụ nữ ngồi đối diện, nói đủ to cho người thiếu nữ trẻ kia nghe, họ đi từ ca ngợi đạo đức lễ giáo xưa kia cho đến phê bình thói quen ứng xử không ra gì ngày nay, từ cách ứng xử của một người xuất thân từ một nước văn minh tiến bộ đến dân tộc được xem như thiếu giáo dục và kém văn minh. Người thiếu phụ trẻ thinh lặng, trên đôi gò má cao những giọt nước mắt lăn dài.
Những giọt nước mắt ấy là phản ứng tự nhiên đầy nhạy cảm của một người bị hiểu lầm và xúc phạm. Giá trị đạo đức và những ứng xử tế nhị kia thời nào con người ta cũng sống và tôn trọng, dân tộc nào cũng có, chỉ có điều con người ta cần một chút tôn trọng, tế nhị để thấu hiểu và cảm thông cho nhau để tránh đi những giọt nước mắt đau khổ và giằn vặt. Lắm khi con người ta quá bảo vệ lý lẽ và cái mình đáng được hưởng mà quên đi rằng bên cạnh mình cũng có những con người cần được để ý và lưu tâm.
Ý kiến bạn đọc