banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HỌC SỐNG CÔ ĐƠN

Đăng lúc: Thứ ba - 20/07/2021 04:26 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HỌC SỐNG CÔ ĐƠN

HỌC SỐNG CÔ ĐƠN

Ai hy vọng vào tương lai sẽ tận dụng mọi cơ hội của hiện tại, vậy tại sao chúng ta không biến giây phút hiện tại thành những khoảnh khắc đáng sống?!

Trong mấy năm gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin về số người tự tử ngày càng gia tăng tại các nước phát triển. Đặc biệt đáng chú ý hơn trong thời gian cách ly do đại dịch. Một bài báo trên trang baotintuc.vn (ngày 30.11.2020) đã viết ngay ở phần mở đầu rằng: «Các chuyên gia đã cảnh báo đại dịch có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Thất nghiệp lan tràn, cô lập xã hội và tâm lý lo lắng đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên toàn cầu. Tại Nhật Bản, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy chỉ trong tháng 10 vừa qua nạn tự tử đã cướp đi nhiều sinh mạng hơn so với đại dịch Covid -19 trong cả năm 2020 cho đến nay. Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ tự tử hàng tháng ở nước này đã tăng lên 2.087 người»[1]. Tự sát, từ trước đến nay vẫn luôn là cách giải quyết nhanh gọn của những người cô đơn, không tìm thấy ý nghĩa và mục đích sống, bế tắc không lối thoát. Thật vậy, con người ta không chịu nỗi sự cô đơn và biệt lập. Tình hình dịch bệnh trên quê hương Việt Nam thân yêu cũng đang diễn biến phức tạp, chưa biết nó đưa chúng ta đi đâu và đến bao giờ, những nguyên tắc cách ly xã hội ngày càng xiết chặt và nghiêm ngặt hơn. Nên chăng chúng ta cần phải học để sống: học sống cô đơn để có thể sống cách tròn đầy trong mọi hoàn cảnh.
 
Con người tương quan và cô độc
 
Con người tự bản chất là một nhân vị mang tính xã hội. Con người luôn sống trong sự tương quan, gặp gỡ và đi vào trong mối hiệp thông với người khác. Chỉ trong mối tương quan với người khác con người mới thật là chính mình. Thế nên, người ta luôn đi tìm một nửa của mình là vậy. Và ngày nay, một căn bệnh khá phổ biến liên quan đến chiều kích xã hội tính của con người là tự kỷ. Người mắc bệnh này không ý thức sự hiện diện của người khác và không đi vào tương quan với người khác. Như thế, không gặp gỡ và đi vào trong tương quan giữa các cá nhân với nhau khiến người ta bệnh.
 
Thế nhưng, con người cũng có kinh nghiệm tận chính thâm tâm của mình rằng khát mong được gặp gỡ người khác hiếm khi được mãn nguyện. Ngoài chốc lát “hiệp thông”, con người nhanh chóng chua chát nhận ra rằng, giữa mình và người khác, cho dù là người thân nhất cũng có một phần không thể thông truyền được, một khoảng cách không thể nào vượt qua được. Bởi vậy, Jean Paul Statre (triết gia người Pháp) mới bảo “Chúng ta mãi mãi là những người cô đơn đi bên cạnh nhau”. Thật vậy, có nhiều nghệ sĩ danh tiếng, họ là người của công chúng, hàng trăm ngàn fan hâm mộ ngày đêm tung hô, ca ngợi, nhưng cuối cùng họ cũng cảm thấy lẻ loi, cô đơn đến tuyệt vọng.
 
Cha Michel Hubaut bảo rằng hiện diện và cô tịch, tương quan và cô độc là cặp bài trùng không thể tách lìa trong bí ẩn của con người. Một người luôn luôn gặp gỡ, trao đổi trong một cuộc sống nhộn nhịp, sẽ mong được ở một mình; một người làm việc trong các phòng nghiên cứu và trong các môi trường tĩnh lặng cần gặp gỡ, tương quan với ai đó để tâm sự. Sự luân phiên giữa gặp gỡ và “một mình” trở thành qui luật của sự quân bình của con người.
 
Cô đơn hành trình gặp gỡ chính mình để là một người bạn tốt
 
Cô đơn cũng có nhiều kiểu. Có những kiểu cô đơn dẫn tới tuyệt vọng. Đó là sự cô đơn của những người sợ hãi và trốn chạy cuộc sống. Nó hủy diệt con người. Thế nhưng còn có một kiểu cô đơn khác thăng tiến con người. “Sự cô đơn là công cụ tuyệt đối cần thiết dành cho những ai khao khát tìm hiểu và theo đuổi thân phận đích thực của họ. Không có sự thôi thúc của cô đơn, một người có thể không bao giờ trở nên chính mình sâu sắc hơn, có thể thậm chí không bao giờ bắt đầu cuộc tìm kiếm những giá trị mà cuối cùng nhân tính hóa họ” (Eugene Kennedy). Đó là sự cô đơn mà truyền thống tu đức Kitô giáo gọi là cô tịch. Là sự chú tâm, là ý thức của lý trí và của con tim: ý thức sự hiện hữu của chính mình, của người khác và hơn hết là của Thiên Chúa.
 
Chỉ trong sự lẻ loi và cô độc của cõi lòng người ta mới nhận biết chính mình: tính tình, cảm xúc, nhu cầu, tiềm năng, khao khát được cho đi và được đón nhận trong tự do. Chỉ trong sự cô tịch này con người mới lắng nghe được tiếng của cõi lòng, của Thần Khí, của những âm thanh êm nhẹ mời gọi họ sống thanh cao, mời gọi họ buông bỏ, mời gọi họ dấn thân, mời gọi họ trân quý sự hiện diện của người khác.
 
Trong cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều người đã đạt đến sự quân bình này. Ở đây chỉ đơn cử hai trường hợp cụ thể thôi cũng đủ để chúng ta thấy được giá trị và ý nghĩa của cô đơn hay đúng hơn là cô tịch đối với cuộc sống con người. Viktor E. Frankl, những kinh nghiệm vượt qua nỗi cô đơn và sợ hãi tại trại tập trung Auschwitz (trại tập trung của Đức Quốc Xã) đã làm nền tảng cho phương pháp trị liệu tâm lý của ông. Theo ông, “Ai tìm thấy cái tại sao phải sống thì sẽ biết phải sống thế nào” và “cái tại” sao ấy người ta không tìm thấy nơi khoa học nhưng nơi niềm tin. Kinh nghiệm để ông vượt qua thời gian kinh hoàng dài đằng đẵng của nhọc nhằn thể xác và đau khổ tinh thần là mỗi ngày nhìn thấy ánh sáng mặt trời xuyên qua lớp khói mù dày đặc của những lò hơi ngạt, là nhìn thấy con chim nhỏ nhảy nhót trên hàng rào kẽm gai của trại giam. Người thứ hai là Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, sau hơn 9 năm tù biệt giam, ngài vẫn là con người vui vẻ, hăng say, nhiệt tình và yêu đời, yêu người như thuở nào. Bí quyết của ngài là cầu nguyện, dâng Thánh Lễ âm thầm, sống nơi mình đang bị giam giữ như sống nơi nhà của mình, làm bạn với người duy nhất có bên cạnh và chia sẻ cuộc sống cùng họ.
Vậy, những người sống sót là người thấy niềm vui và hy vọng trong những đau khổ.
 
Học sống cô đơn
 
Phải chăng việc cách ly xã hội ngày càng nghiêm ngặt hơn cũng trở thành cơ hội để chúng ta học sống cô đơn?! Việc cách ly xã hội giúp ta trải nghiệm một chút về sự cô tịch của con người mà bấy lâu nay những ồn ào, vội vã của cuộc sống làm ta quên mất giá trị của nó. Xin gợi ý nơi đây một vài điều đơn sơ nhỏ bé có thể thực hiện được để cuộc sống đơn độc hiện nay không làm ta chán ngán, nhưng là cô hội để ta sống tốt hơn và yêu cuộc sống hơn.
          _ Quét dọn và sắp xếp lại căn nhà của bạn, biết đâu bạn sẽ tìm lại được một điều gì đó quý giá mà mình đã đánh mất.
          _ Xem lại album hình, những kỷ niệm bạn có với gia đình, bạn bè.
          _ Thể dục.
          _ Chơi cờ.
          _ Chăm sóc mảnh vườn, gieo hạt một loại hoa bạn yêu thích, quan sát quá trình nảy mầm và lớn lên của nó, bạn sẽ thấy yêu sự sống hơn và yêu cuộc sống hơn.
          _ Đọc một cuốn sách giúp bạn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
          _ Làm bạn với người duy nhất có bên cạnh bạn, làm bạn chân thành trên thế giới ảo nơi đó không ai biết bạn là ai.
          _ Để ý và làm chủ những tình cảm, suy nghĩ, ước muốn, lời nói làm bạn nóng nảy.
          _ Tránh nói những lời làm người khác đau khổ và tổn thương, nói những lời động viên khích lệ.
          _ Hạn chế những cuộc tán gẫu vô ích.
          _ Tiết độ.
          _ Sống thật với chính mình, với người khác và tôn trọng sự thật dù phải bị thiệt thòi.
          _ Cầu nguyện: thỉnh thoảng thầm thì trong trí và trong tim bạn một lời kinh quen thuộc, một đoạn thánh ca bạn yêu thích, hay cùng với những người đang ở bên cạnh bạn đọc thành tiếng những lời kinh ấy.

Học sống cô đơn không chỉ trong mùa dịch bệnh này thôi, nhưng nếu bạn muốn kiên vững trong cuộc sống hãy tìm những khoảng lặng và những phút riêng tư để tâm hồn bạn được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Học sống cô đơn khi còn trẻ, để đến tuổi già không phải buồn phiền và lẻ loi. Học sống cô đơn khi còn khỏe, để đến khi bệnh tật không sợ hãi và thất vọng. Ai hy vọng vào tương lai sẽ tận dụng mọi cơ hội của hiện tại, vậy tại sao chúng ta không biến giây phút hiện tại thành những khoảnh khắc đáng sống?!  
 

[1]https://baotintuc.vn/the-gioi/so-nguoi-tu-tu-tai-nhat-ban-trong-thang-10-nhieu-hon-tu-vong-vi-covid-ca-nam

Tác giả bài viết: Ngọc Trong Đá
Từ khóa:

kỹ năng sống

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc