banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn

Đăng lúc: Thứ năm - 07/12/2017 22:41 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn

Bài tiếp theo của chủ đề Giáo Lý "Tôi phải làm gì tốt để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" - Những nét cản bản về luân lý của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Chúa Giêsu tóm tắt bổn phận của con người đối với Thiên Chúa bằng giới răn: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37). Giới răn này được cụ thể hóa trong ba điều răn đầu tiên của Thập Giới.

♦ Điều 1: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên hết mọi sự.
 Điều 2: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
♦ ŽĐiều 3: Giữ ngày Chúa Nhật

a. Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên hết mọi sự[1]
Đời sống luân lý của chúng ta bắt nguồn từ niềm tin vào Thiên Chúa. Không nhận biết Thiên Chúa là nguyên nhân và những giải thích của mọi hành vi lệch lạc. Điều này được Thánh Vịnh 36 viết lại rằng “Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ, hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời” (Tv 36,2). Vì thế, sống điều răn này là thái độ sống trong đức tin, đức cậy và đức mến. Điều răn này đòi hỏi chúng ta một cách khôn ngoan và tỉnh thức, phải nuôi dưỡng và gìn giữ đức tin của chúng ta, loại bỏ những điều nghịch với đức tin. Những thái độ đối nghịch ấy được bày tỏ trong các hành vi như:

_ Cố tình nghi ngờ là thái độ thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mặc khải và Hội Thánh dạy.
_ Vô tình nghi ngờ là do dự khi tin, khó khăn khi gặp những vấn nạn về đức tin.
_ Sự vô tín: thờ ơ, cố tình từ chối…
_ Lạc giáo: là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin của đức tin hoặc cố tình nghi ngờ về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
_ Bội giáo: là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.
_ Ly giáo: từ chối vâng phục Đức Thánh Cha và từ chối hiệp thông.

Cũng bao gồm một số các hành vi khác như: mê tín, thờ ngẫu tượng, bói toán và ma thuật, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh nhất là đối với bí tích Thánh Thể, sự mại thánh là mua bán các thực tại thiêng liêng; vô thần biểu hiện trong chủ nghĩa duy vật thực tiễn, giới hạn những nhu cầu và tham vọng của mình vào không gian và thời gian. Vì chủ nghĩa nhân bản vô thần một cách sai lầm coi con người là mục đích cho chính mình, là người duy nhất làm nên lịch sử. Vô thần tự nó đối nghịch với nhân đức thờ phượng vì từ chối hay phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Còn chủ nghĩa bất khả tri thì tìm kiếm một thiên chúa nào đó, lãnh đạm thờ ơ hay lười biếng của lương tâm.

Nếu như điều răn “Thờ phượng một mình Thiên Chúa duy nhất” đòi buộc chúng ta tránh những hành vi, thái độ và suy tư trái ngược với tín điều đức tin, thì niềm tin, tình yêu mến và lòng trông cậy cũng tạo nên trong chúng ta cách sống được bày tỏ qua những thái độ:

 _ Thờ phượng: thật vậy, đức mến đưa dẫn chúng ta đến chổ trả lại cho Thiên Chúa điều chúng ta mắc nợ Ngài theo nhân đức công bằng đó là sự thờ phượng. Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy. Là thái độ nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ, là Chúa Tể muôn loài, là tình yêu vô biên và hay thương xót. Thờ lạy là tôn kính và tuyệt đối qui phục Ngài vì nhận biết tính hư vô của thụ tạo, nghĩa là không thể hiên hữu nếu không bởi Thiên Chúa. Tâm tình của thái độ thờ lạy là ca ngợi và chúc tụng.

_ Cầu nguyện được hiểu là nâng tâm hồn lên Thiên Chúa, là diễn tả việc chúng ta thờ phượng Ngài, bởi lẽ cầu nguyện là dâng lên Thiên Chúa các lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh van xin và chuyển cầu.

_Dâng hy lễ là dấu chỉ của việc thờ lạy và tạ ơn, khẩn cầu và hiệp thông. Vì thế, việc dâng hy lễ bên ngoài phải được kết hợp với hy lễ nội tâm bên trong như lời của Thánh Vịnh “Tế phẩm dâng Ngài là tâm hồn tan nát, khiêm cung” (Tv 51, 19) và chính Thiên Chúa, Ngài không cần những hy lễ mang hình thức bên ngoài của chúng ta nhưng Ngài muốn tấm lòng “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Vì chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên Thập Giá bằng sự trao hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta. Vì thế, khi chúng ta kết hợp với hy lễ của Người chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha.

_ Các lời khấn hứa: các kitô hữu được mời gọi tuyên hứa với Thiên Chúa trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối và Truyền Chức Thánh. Do lòng đạo đức cá nhân, Kitô hữu cũng có thể hứa với Thiên Chúa để thực hiện một hành vi, một kinh nguyện, một việc bố thí, việc hành hương…Việc trung thành tuân giữ các lời khấn hứa bày tỏ sự tôn trọng đối với Thiên Chúa và tình yêu của ta đối với Ngài.

Trong các việc đạo đức ngang qua việc thực hành giữ các lời khấn hứa, thì việc khấn Dòng của các tu sĩ mang ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là sự lựa chọn đầy ý thức và tự do với Thiên Chúa về những điều thiện, điều tốt lành cá nhân có thể thực hiện. Khấn Dòng là một hành vi đạo đức thuộc nhân đức thờ phượng. Hội Thánh công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn sống theo các lời khuyên Phúc Âm. “Hội Thánh là Mẹ chúng ta, vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam và nữ muốn theo sát hơn và tỏ lộ cách rõ ràng sự tự hủy của Đấng Cứu Độ, khi chấp nhận sự khó nghèo trong sự tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: họ tự nguyện tùng phục một con người vì Thiên Chúa trong con đường nên trọn lành, hơn cả mức đòi buộc của giới răn, hầu nên giống Đức Kitô, Đấng vâng phục cách trọn vẹn”[2].

b.   Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ[3]
Điều răn thứ hai dạy chúng ta phải tôn kính Danh Chúa. Cũng như điều răn thứ nhất, điều răn này thuộc nhân đức thờ phượng, một cách đặc biệt hơn qui định việc sử dụng ngôn từ của chúng ta trong các vấn đề thánh.

Tôn kính Danh Chúa diễn tả lòng tôn kính cần phải có đối với mầu nhiệm của chính Thiên Chúa và đối với mọi thực tại thiêng liêng. Cảm thức về sự thánh thiêng thuộc nhân đức thờ phượng. Trong tất cả các lời mặc khải có một lời độc đáo đó là lời mặc khải về Danh của Thiên Chúa. Lần đầu tiên trên núi Horeb Chúa mặc khải Danh của Ngài cho Môsê “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14), bản tiếng Anh là “I am who am” nghĩa là “Ta là Đấng Ta là”, nói lên căn tính của chính Ngài, hiện hữu và hằng hữu, Ngài là chính mình trong căn nguyên và bản tính. Và Danh ấy được mặc khải trong suốt dòng lịch sử cứu độ được trình cách phong phú trong Kinh Thánh, bày tỏ chính điều “Thiên Chúa là”. Trong muôn vàn Danh Thánh được mặc khải ấy thì theo Đức Thánh Cha Phanxico, danh của Thiên Chúa là Thương Xót được trình bày qua cuốn sách “His Name is Mercy”. Theo Đức Thánh Cha “thương xót” là thuộc tính đầu tiên của Thiên Chúa, Thương Xót là Tên của Ngài.

Vì thế, người tín hữu cần phải làm cho Danh Chúa được cả sáng bằng cách sống của mình, can đảm tuyên xưng đức tin mà không sợ sệt. Thánh Gioan tác giả Tin Mừng thứ IV ghi lại lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu rằng “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Điều răn này còn là giới luật cấm chúng ta lạm dụng Danh Thiên Chúa, nghĩa là tránh mọi cách sử dụng bất xứng đối với Danh Thiên Chúa, danh của Chúa Giêsu Kitô, của Đức Mẹ và các thánh. Những lời hứa với tha nhân nhân Danh Thiên Chúa đều liên hệ đến danh dự, sự trung tín, sự chân thật và quyền bính thần linh. Do đó những lời hứa ấy phải được tuân giữ bởi đức công bằng. Không giữ các lời hứa ấy là lạm dụng Danh Thiên Chúa và một cách nào đó làm cho Thiên Chúa trở thành kẻ nói dối. Nói phạm thượng là nói những lời căm ghét, cay đắng, than trách, thách đố trong lòng hay ngoài miệng với Thiên Chúa, kêu tên Thiên Chúa vô cớ, thề gian và bội thề là không tôn kính Danh Ngài cách đúng đắn và làm ô Danh Ngài.

Lời thề chân thật là lấy Thiên Chúa làm chứng cho điều mình xác quyết, là kêu cầu sự chân thật thần linh làm bảo chứng cho sự chân thật của mình. Vì lời thề, khi là chân thật và chính đáng, làm sáng tỏ mối tương quan giữa lời nói của con người với chân lý của Thiên Chúa. Lời thề là ràng buộc Danh Thiên Chúa “Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Ngài là Đấng anh em phải phụng thờ, anh em sẽ nhân Danh Ngài mà thề” (Đnl 6,13).

Cũng vậy, mỗi kitô hữu cần trân trọng tên thánh cũng như tên gọi của mình, bởi lẽ Thiên Chúa đã goi tên chúng ta từng người một, cần được tôn trọng như dấu chỉ của phẩm giá con người. “Đây là lời Đức Chúa phán, lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Giacop; lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Israel: Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng ta” (Is 43, 1). Trong bí tích Rửa Tội, Danh Chúa thánh hóa con người và kitô hữu nhận tên riêng trong Hội Thánh. Khi Thiên Chúa đặt tên cho ai là Ngài trao cho họ căn tính và sứ mạng, Kinh Thánh trình bày cho chúng ta cách rõ ràng điều này: Chúa gọi Abram và mời gọi ông theo kế hoạch của Ngài, khi Thiên Chúa thiết lập giao ước giữa Ngài và Abram Ngài đổi tên ông thành Abraham: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông thật đông […] Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Abram nữa nhưng là Abraham” (St 17, 1 - 5); cũng trong bối cảnh lập giao ước ấy Sarai vợ ông cũng được đổi tên là Sara (x. St 17, 15). Một lần thay đổi tên khác được trình bày trong câu chuyện của Giacob, khi ông trở về quê hương gặp lại anh trai mình là Esau, trong giấc chiêm bao ông vật lộn với một “người lạ” nhưng người ấy không đánh bại được ông, trước khi thả người ấy ra ông xin “người lạ mặt” chúc phúc cho ông, người ấy không nói lời chúc phúc nhưng nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta và ngươi đã thắng” (St 32,29). Trong Tân Ước khi Chúa gọi Simon và trao cho ông trách nhiệm chăn dắt chiên của Chúa Ngài đổi tên ông thành Phêrô (x. Ga1, 42).

c.    Giữ ngày Chúa Nhật[4]
Lời Chúa trong sách Xuất Hành và trong Tin Mừng theo thánh Macco cho chúng ta thấy những lý do và mục đích của việc tuân giữ điều răn thứ ba này. “Ngươi hãy nhớ ngày sabat mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabat kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào” (Xh 20,8 – 10); “Ngày sabat được tạo nên cho con người chứ không phải con người cho ngày sabat. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabat” (Mc 2, 27 – 28).

Khi nói về ngày sabat, Kinh Thánh nhắc nhớ đến công trình tạo dựng, là ngày được Thiên Chúa chúc phúc và thánh hóa. “Trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabat và coi đó là ngày thánh” (Xh 20,11). Ngày sabat là ngày của Chúa, cũng là ngày tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải phóng Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đó cũng là dấu chỉ của giao ước, là ngày dành riêng để ca ngợi Thiên Chúa, ca ngợi công trình tạo dựng của Ngài và những việc Ngài làm cho dân Israel.

Việc dành riêng ngày sabat đòi buộc con người ngưng mọi hoạt động để nghỉ ngơi và để tôn thờ Thiên Chúa còn mang chiều kích nhân văn trong đó con người tôn trọng sự sống và sống lòng nhân ái đối với người khác, đặc biệt là người nghèo và nô lệ: “Ngày đó ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi và ngoại kiều ở trong thành ngươi, để tôi nam tớ nữ của ngươi được nghỉ ngơi như người” (Đnl 5,14). Điều răn này cũng là cách thức phản kháng và ngăn ngừa khía cạnh nô lệ cho công việc, cho lao động và sùng kính tiền bạc. Bởi lẽ, Giáo Hội bày tỏ rất nhiều quan điểm của mình về giá trị của lao động và lợi ích của của lao động trong việc làm tăng trưởng kinh tế trong rất nhiều thông điệp và giáo huấn khác nhau. Trong thông điệp Populorum progressio (Thông điệp Sự tiến bộ các dân tộc) của Đức Thánh Cha Paolo VI đã viết: “Sự cần thiết của việc tăng trưởng kinh tế và phát triển con người, sự xuất hiện của công nghiệp là dấu chỉ và là nhân tố của sự phát triển đó. Ngang qua việc sử dụng trí thông minh và công việc, con người ngày càng khám phá những bí ẩn của thiên nhiên, tạo thuận lợi cho việc sử dụng cách phong phú tài nguyên. Trong khi ghi dấu nơi mình những khuôn phép của thói quen, cũng vậy con người phát triển nơi chính mình sự cảm nếm và ưa thích của việc khám phá và của phát minh, chấp nhận sự rủi ro của tính toán, sự liều lĩnh của việc thực hiện công việc, khởi xướng hào phóng và ý thức trách nhiệm”[5]. Giáo Hội nhận biết và công nhận giá trị của lao động vì qua đó con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, cũng qua đó con người phát triển, hoàn thiện, sống nhân phẩm và căn tính của chính mình. Thế nhưng, những tổ chức và thể chế của con người lắm khi lạm dụng và đưa ra những chủ trương quá mức đi đến tình trạng bốc lột sức lao động và làm mất đi phẩm chất tốt đẹp của lao động[6].

Thiên Chúa “Khi làm xong công việc của Ngài, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2), cũng vậy đời sống con người được ghi dấu bằng nhịp luân chuyển giữa lao động và nghỉ ngơi. Hơn nữa, luật nghỉ ngơi của ngày sabat còn cho phép con người vun trồng đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo của mình[7]. Giáo Hội còn khuyên chúng ta, khi hưởng những ngày giờ nhàn rỗi, các kitô hữu nên nhớ đến anh chị em của mình, những người có cùng nhu cầu và quyền lợi như mình nhưng không thể nghỉ ngơi vì nghèo khó và túng cực. Theo truyền thống đạo đức Kitô giáo, ngày Chúa Nhật được dành để làm các việc lành và khiêm tốn phục vụ các bệnh nhân, các người tàn tật và người già yếu. Các Kitô hữu thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách dành thời gian và sự chăm sóc cho gia đình và người thân cận, là những điều khó có thể làm trong những ngày trong tuần. Ngày Chúa Nhật cũng là thời gian để suy tư, thinh lặng, trau dồi văn hóa và suy niệm, những điều đó giúp cho sự tăng trưởng của đời sống nội tâm.

Điều răn này khuyên bảo chúng ta giữ ngày của Chúa. Ngày của Chúa là ngày của công trình tạo dựng mới trong đó Chúa Kitô phục sinh vinh thắng mang lại sự sống mới và ơn cứu độ cho con người. Ngày Phục Sinh của Chúa Kitô nhắc nhớ đến công trình tạo dựng lần thứ nhất. Đối với các Kitô hữu ngày này trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày, ngày Lễ thứ nhất của mọi lễ. Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày này là sự hoàn thành của ngày sabat. Trong phụng vụ, các lề luật phụng vụ của ngày sabat được áp dụng vào ngày Chúa Nhật là ngày tiếp nối của ngày sabat. Việc cử hành ngày Chúa Nhật tuân theo qui định luân lý tự nhiên đã được khắc ghi trong trái tim con người, qua đó qui định phụng tự bên ngoài dâng lên Thiên Chúa như dấu chỉ của một lợi ích chung liên quan đến mọi người.

Vì thế, việc tuân giữ ngày Chúa Nhật và cử hành bí tích Thánh Thể của Chúa là trung tâm của đời sống Hội Thánh. “Theo truyền thống tông đồ, mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong ngày Chúa Nhật, ngày đó phải được giữ như là ngày lễ buộc chính yếu trong Hội Thánh toàn cầu”[8]. Ngày này gia đình Giáo Hội qui tụ bên nhau để thờ phượng Chúa và sống tinh thần liên đới, hiệp thông với nhau. Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương và trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho các linh mục như là vị chủ chăn của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám Mục giáo phận. Giáo xứ đưa các kitô hữu vào sinh hoạt thông thường của đời sống phụng vụ và tập họp để cử hành phụng vụ, giảng dạy Giáo Lý và thực thi đức mến trong các công việc từ thiện và huynh đệ. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng “Bạn cũng có thể cầu nguyện ở nhà; nhưng quả thật, bạn không thể cầu nguyện như ở nhà thờ được, vì ở nhà thờ có đông người, đồng thanh kêu lên Thiên Chúa… Ở nhà thờ còn có điều hơn nữa, đó là sự đồng tâm nhất trí, có dây liên kết của đức mến và kinh nguyện của các linh mục”.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng ấy của ngày sabat và ngày của Chúa, Giáo Hội xác định luật buộc của việc tuân giữ ngày này “Các tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ khác”[9]. Vì là luật buộc nên tạo nên tội khi các tín hữu cố tình không tham dự và chỉ được miễn trừ khi có những lý do quan trọng (như bệnh, chăm sóc trẻ sơ sinh…). Việc cử hành chung bí tích Thánh Thể ngày Chúa Nhật là bằng chứng của sự liên kết và trung thành với Đức Kitô và với Hội Thánh của Người. Như vậy, chúng ta chứng tỏ sự hiệp thông của mình trong đức tin và đức mến. Chúng ta cùng nhau làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng của mình vào ơn cứu độ. Chúng ta làm cho nhau thêm vững mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong trường hợp nếu không thể cử hành Thánh Lễ vì lý do thiếu thừa tác viên hay điều kiện xã hội, Giáo Hội tha thiết tha khuyên nhủ các tín hữu nên cung nhau sum họp đọc và chia sẻ lời Chúa tại giáo xứ, gia đình hay một nơi nào đó.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là phong cách sống của người tìm thấy căn nguyên đời mình trong Thiên Chúa. Là chọn Thiên Chúa làm điểm qui chiếu, điểm tựa, làm đối tượng duy nhất của lòng trí và cuộc sống mình; là sống để cho Thiên Chúa được biết đến và yêu mến; là để Thiên Chúa được “danh thơm tiếng tốt” từ muôn vàn cách ứng xử, lời nói, trong cách căn nết ở của chúng ta; là dành riêng những khoảnh khắc trong ngày sống, trong tuần sống, trong tháng sống để thờ phượng Ngài trong các Bí Tích và trong kinh nguyện. Hãy sống sao cho “để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến” (Đức Cha Marcel Piquet Lợi).
 
 

[1] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012, s. 2084 – 2094, tr. 597 – 600.
[2] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium, s. 42, tr. 150 – 151.
[3] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 2095 – 2109, tr. 600 – 2109.
[4] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 2110 – 2132, tr. 604 – 2132.
[5] Paolo VI, Populorum progression, s. 25.
[6] Như trên, s. 26.
[7] X. Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, s. 67.
[8] Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, điều 1246, 1, tr. 379.
[9] Bộ Giáo Luật 1983, điều 1247, tr. 380.                  

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc