banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NÓ NHẪN TÂM RA ĐI

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/03/2021 04:12 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NÓ NHẪN TÂM RA ĐI

NÓ NHẪN TÂM RA ĐI

Các em nội trú và ngoại trú của cộng đoàn Têrêsa - Hòa Yên tĩnh tâm tháng 3

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể với những người Pharisees (Biệt phái) được Thánh sử Lu-ca ghi lại (sách Luke 15, 1-3; 11-32) có nội dung khá giản lược để minh họa cho một thông điệp đạo đức thần học.

Một người đàn ông nọ có hai con trai; một hôm, đứa con thứ đòi chia gia sản, ông ta đã đáp ứng nguyện vọng của nó. Sau đó, đứa con này mang tài sản vừa được chia ra đi, sống phóng đãng và phung phí. Một ngày kia, khi lâm vào cảnh túng thiếu, thất bại, nó quay về nhà. Thay vì quay lưng hay trừng phạt, người cha đã cho mở tiệc mừng đón nghịch tử đi hoang trở về. Trong khi đó, đứa con trưởng lại tỏ ra khắc nghiệt, không đồng tình trước sự bao dung của người cha.

Kinh Thánh Tân Ước chỉ kể đến như vậy, ngầm đưa ra thông điệp về sự tha thứ, lòng độ lượng và xót thương của người cha. Người cha trong Kinh Thánh ngụ ý là Thiên Chúa và đứa con là thế gian lầm lạc. Đoạn dụ ngôn trên thường được đọc trong các nhà thờ vào mùa chay – mùa kêu gọi sự sám hối ăn năn. Thực ra, sự tha thứ dành cho người con không dựa trên công đức, vì từ đầu cho đến cuối câu chuyện, độc giả khó có thể tìm thấy bất cứ việc lành nào chàng thanh niên đã làm. Chỉ cần hành động quay về trong hối cải là đủ cho tấm lòng bao dung của người cha vẫn hằng mong đợi.

Tuy câu chuyện thường được nhắc tới như là chuyện “Người con trai hoang đàng”; nhiều nhà phê bình cho rằng câu chuyện nên được đặt tên “Người con đã mất”, sẽ đồng bộ hơn khi được đặt vào chuỗi các dụ ngôn bao gồm Dụ ngôn “Đồng bạc bị đánh mất” và dụ ngôn “Con chiên lạc.” Các câu chuyện này được ký thuật trước đó trong Phúc âm thánh Luca (chương 15). Cả ba câu chuyện kể đều thuộc chủ đề về sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho tội nhân chịu hối cải hơn là người công chính không hề sa ngã. Có lẽ một số người khác cho rằng cần đổi tiêu đề thành “Chuyện về hai người con”, nhằm nhấn mạnh vai trò của người con cả về tính ganh tỵ và lòng hẹp hòi.

Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” được nhắc đến trong bản dân ca Ái Nhĩ Lan The Wild Rover, cũng xuất hiện trong Prodigal Blues, một ca khúc được Billy Idol thể hiện, nói về cuộc đấu tranh của anh chống lại những cơn nghiện ma túy. Bono, ca sĩ của nhóm U2 cũng mượn ý tưởng từ dụ ngôn này để viết ca khúc The First Time. Cũng từ hình ảnh đứa con hoang đàng, Dustin Kensrue viết Please Come Home cho album cùng tên phát hành năm 2007.

Hơn nữa, Câu chuyện về “Đứa con hoang đàng” là hình ảnh khá phổ biến trong các gia đình đương đại; khi những đứa con đến tuổi trưởng thành quyết liệt khước từ niềm tin truyền thống của gia đình, bất kể những nỗ lực của mẹ cha dìu dắt con cái họ từng bước lớn lên trong đức tin, cùng những lời cầu nguyện thấm đẫm tình yêu dành cho đứa con yêu dấu. Kiêu hãnh và mạnh mẽ, chàng trai tìm đến những vùng đất xa lạ, buông mình vào các cuộc phiêu lưu, và háo hức dò tìm các giá trị mới, cho đến khi ngã quỵ trước thất bại và tuyệt vọng. Khi ấy, đứa con hoang đàng mới nhận biết hơi ấm vòng tay ôm của người cha là quý biết bao.

Chắc hẳn trong buổi tĩnh tâm dành cho các em học sinh tại Cộng đoàn Têrêxa hôm Chúa Nhật (ngày 7/3/2021), cha Micae Lê Nguyễn Hoài Vũ  cũng phóng tác từ câu chuyện “Đứa con hoang đàng” trên của thánh Luca. Cha Micae đưa vào đó cuộc đối thoại trực tiếp giữa Chúa Cha và các bạn trẻ hiện diện; làm rõ tính cách điển hình của Người cha và người con hoang. Ngược với “Người con hoang đàng”, câu chuyện về một em bé đi tìm cha tìm mẹ của cha Micae như một lời trẩn tỉnh, giúp các em đi vào sự đối thoại từ chính bản thân với truyền thống tôn giáo và văn hóa thế kỷ 21 mà các em tiếp nhận. Câu chuyện được kể như sau: “ Ngày chào đời, con thấy ông bác sĩ mà con tưởng là cha con, thấy cô y tá con cứ ngỡ là mẹ nên con đã nở nụ cười để chào cha, chào mẹ.” Thời gian cứ mãi trôi, nó chẳng biết cha là ai, mẹ là ai. Nó bán vé số, rong ruỗi trên đường, để mong có một ngày gặp được mẹ cha. Nó thét gào giữa dòng đời: “Con lấy đầu đường xó chợ làm nhà; lấy bạn bè cùng chung cảnh ngộ với con làm anh em. Nhưng cha mẹ ơi, con lấy ai làm cha làm mẹ của con đây?” Bước chân từng ngày chỉ để mong gặp mẹ cha, nhưng chờ mãi cũng không có ngày hạnh phúc đó. Nó gục ngã bên đường vì đói! Nó chết mà chưa một lần gặp mặt mẹ cha.

Ai trong các bạn học sinh hiện diện nơi đây cũng có gia đình, hay ít là biết được cha là ai và mẹ là ai. Các bạn may mắn hơn em bé này. Vậy mà, cớ sao các bạn lại để cha mẹ buồn? Thế mà đối lại, còn một số bạn đã và đang làm gì: chẳng chịu học, ngang – bướng, tệ hơn nữa là hút thuốc, chơi bời lêu lổng... Lẽ nào tương lai của các bạn là những chàng thanh niên, thiếu nữ lang thang trên đường mà chẳng biết làm gì, ... chỉ biết phá làng phá xóm... chỉ biết làm cho cha mẹ khóc!
Đừng như thế nữa, hãy dừng lại! Hãy quyết tâm, và hôm nay, tự hứa sẽ sống tốt hơn, ngoan hơn, để không phụ lòng cha mẹ cùng quý soeurs nơi đây.

Cảm ơn cha Micae về sự nhiệt tâm chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng các em học sinh tại Cộng đoàn Têrêxa. Hoa trái mà cha mang lại cho các em chiều nay là lòng ăn năn hối cải, quyết tâm trở về với Chúa qua Bí tích Hòa Giải. Như những lần tĩnh tâm trước, sau bài chia sẻ của Cha, các em lần lượt đến bên tòa giải tội để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chắc hẳn, cùng với ơn Chúa các em đã và đang biến đổi từng ngày để trở nên những người con tốt hơn.

 



























Tác giả bài viết: CĐ. Têrêsa, Hòa Yên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc