1. Có óc phán đoán theo tinh thần khoa học
Óc phán đoán theo tinh thần khoa học, thiệt trên đời không mấy người có. Phần đông người ta phán đoán vụt chạc, theo thành kiến, theo dư luận, theo tình dục, theo sự yên trí của mình.
Phán đoán vụt chạc hình như là thứ bệnh tinh thần rất phổ biến. Gặp một người thanh niên và một thiếu nữ nói chuyện với nhau ở một đầu cầu nọ khi chiều xuống liền cho là hai người có tình nghĩa trăng hoa. Vẫn hiểu thường về chiều, trên nhiều con cầu, có không ít cặp trai gái trao đổi tâm sự với nhau vì yêu mến. Nhưng đâu phải mỗi trai gái nào hễ nói chuyện với nhau ở trường hợp ấy là vì đã yêu nhau, muốn điều “trên bộc trong dâu” đâu. Rất có thể hai chị em hay hai anh em đang đi về đâu tình cờ dừng lại nghỉ chân, rất có thể hai lạ vì việc gì đó cần bàn luận với nhau trong chốc lát. Trên đời này có biết bao nhiêu cái có thể, nếu ta không thận trọng, khó bề mà phán đoán đúng luôn. Có kẻ khác, khi muốn quyết đoán, không chịu khó suy nghĩ lâu mà chỉ suy nghĩ cho có chừng rồi bảo phải bảo quấy cách tuyệt đối. Sự đời đâu phải cái gì cũng dễ dàng. Có rất nhiều việc phiền phức, phân tích mọi mặt. Có thể nói trong một trăm vấn đề, nếu ta phán đoán cẩu thả thì hết chín mươi lăm vấn đề để ta phán đoán sai sự thật cách tuyệt đối, hay đúng một phần nào thôi.
Phán đoán theo thành kiến cũng là lối phán đoán khó bề đúng sự thật. Người ta không còn khách quan đủ, bị ám ảnh bởi một hệ thống tư tưởng nào đó, nên cho những tư tưởng, ý kiến, không ăn khớp đầu óc của mình đều sai lầm. Thường người phán đoán theo thành kiến qui nạp không đúng luật lý luận của luận học. Họ phán đoán lối Vua Sở trong Án Tử Xuân Thu. Bạn biết ông này phán đoán làm sao chắc? Ngày nọ, ông thấy lính dẫn một tên tội giả làm người nước Tề, liền hỏi sao bắt y thế, lính bảo vì y ăn trộm. Vua Sở ngạc nhiên hỏi Án Tử: Thế thì người Tề ăn trộm hết sao? Thiếu gì người khác hay phán đoán như Vua Sở. Thấy một vài nhà sư cô vãi “ngã mặn” họ liền lên án tất cả giáo lý nhà Phật. Gặp vài giáo sư việt – ngữ nói không thông pháp văn hay anh văn, họ liền ôm sồm cho rằng bất cứ giáo sư Việt ngữ nào cũng dốt ngoại ngữ và trong trường không biết làm chỉ hơn là dạy Việt văn. Người ta gọi những kẻ phán đoán như vậy là những người có đầu óc giảng lượt. Họ không để ý kiếm cho đủ bằng chứng trước khi phán quyết mà chỉ căn cứ vào một vài việc riêng rồi qui nao “ngang”.
Còn phán đoán theo dư luận? Thứ phán đoán này cũng không có giá trị gì lắm. Vẫn hiểu rằng trong luân lý học có chỗ dạy ta tin sự phán đoán phổ biến và người mình nói: “chó đâu có sủa lỗ không”, nhưng trong rất nhiều trường hợp, dư luận cũng sai bét. Hồi thời Trung cổ, dư luận đã bậy lại còn tàn ác nữa. Galilée nghịch với nói phải ở tù và mất cách đau thương? Trong xã hội, nhiều lúc có một chính khách nào khéo ảnh hưởng quần chúng thì dư luận rần rộn hoan nghênh, nâng thanh danh của họ lên tận mây xanh. Khi họ bị đả đảo thì cũng chính dư luận dìm họ xuống tận hố bùn nhục nhã. Cách đây non hai chục thế kỷ, dư luận chẳng đã long trời lở đất rước Đức Giêsu vào thành Giêrusalem? Rồi năm sáu bữa sau, dư luận xôn xao bôi nhọ Ngài, cho Ngài là tên loạn, tên mê hoặc nhân dân. Hồi nào dư luận cho Bảo Đại là minh quân lái con thuyền quốc gia, rồi hồi nào cũng chính dư luận cho Bảo Đại là tên giật quán quân về dâm dục. Nhưng ta đừng tin như hai lần hai là bốn tất cả những gì phần đông quả quyết. Tiếc thay, trong xã hội ít kẻ có tinh thần độc lập, chịu khó kiểm điểm dư luận để gạn lọc những gì sai lạc ra. Trong một chương trước. Chúng tôi đã nói phần đông con người ít vận dụng óc phán đoán mà thường cậy nhờ kẻ khác suy nghĩ, phán quyết thế cho mình. Bởi cái bệnh lười này nên tật tin dư luận dễ phát triển và biến thành cố tật trong nhiều người, kể cả những bậc học cao hiểu rộng, tai to mặt lớn. Thái độ ỷ lại người khác về đường tư tưởng như vậy không xứng đáng về cho con người. Là người, chúng ta phải tỏ mình là người, ở chỗ sử dụng trí tuệ của mình cách độc lập.
Người ta cũng phán đoán theo tình dục rất thường. Trí phán đoán, nhiều kẻ để nó bị chi phối bởi tình yêu, cơn ghen ghét, tính nóng giận, lòng hăng hái… Trong lúc yêu mến ai, thì mọi thứ đều là tốt đẹp cả, cái gì cũng đáng khen. Đến lúc ghét ai thì dù người bên cạnh có thiện tâm đến mấy cũng chẳng tốt đẹp gì, người ta thường “vạch lá tìm sâu”. Người phán đoán theo tình dục thật không còn gì tinh thần khách quan, không kể gì giá trị của lý trí. Họ không biết tự chủ, dễ dàng làm mồi ngon cho sự mụ quáng, cho bản năng.
Để có óc phán đoán theo tinh thần khoa học, xin bạn chú ý đến một vài qui tắc của Descartes trong quyển phương pháp luận: như chỉ nhận một điều gì thật khi đã chứng minh rằng có là thật, phải có óc phân tích để giải quyết vấn đề bằng cách chia sẻ nó ra nhiều mặt, rồi phải thêm óc tổng hợp sắp xếp những gì mình phân tích lại thành loại thứ; hơn nữa chịu khó nghiên cứu vấn đề có toàn diện không. Tóm lại, trước khi phán đoán, xin bạn chịu khó dẹp mọi ảnh hưởng của tính lười biếng, của thành kiến, dư luận, tình dục, yên trí… Bạn cố gắng quan sát chu đáo, so sánh kỹ lưỡng, phân tích, tổng hợp những sự kiện, thí nghiệm đặt giả thuyết rồi chứng minh. Nhờ cố gắng luyện óc phán đoán như vậy, trí khôn ngoan của bạn ngày một phát triển và nhân cách của bạn gia tăng.
2. Đừng tự mãn
Đọc Tuân Tử bạn còn nhớ câu chuyện này không? Sau một buổi hội luận việc nước cùng quần thần, Vũ Hầu cười đắc chí vì quần thần bàn chuyện thua mình cả. Ngô Khởi thấy thế làm bất bình, nói với Vũ Hầu: “Sở Trang Vương khi bàn việc nước mà quần thần bàn thua thì lo lắng. Hỏi sao, Sở Trang Vương nói theo cổ nhân, chư hầu có thầy giỏi thì làm vương, có bạn giỏi thì làm bá, có người giải cho những nghi ngờ thì nước còn, ai bàn việc thua mình thì mất nước. Sở Trang Vương cùng bàn luận thắng quần thần như Vua mà âu sầu, còn Vua lại hớn hở vui mừng”. Vũ Hầu biết lỗi, hối hận cám ơn Ngô Khởi như bậc đại nhân. Câu chuyện tuy đơn sơ, nhưng, thưa bạn, nó chứa đựng một bài học sâu xa về đời sống. Đành rằng trên đời, ta cũng có đầu óc như ai, ta phải tin nơi khả năng tư tưởng của mình. Ta phải biết tư tưởng độc lập, đừng có cái tật ỷ lại kẻ khác, cậy nhờ thiên hạ quyết đoán cho mình trong hết mọi việc. đành vậy, nhưng tự tín không có nghĩa là tự mãn cách trẻ con. Việc đời nhiều khi rất phức tạp. Vốn kiến thức của ta vả lại cũng giới hạn. Cả đời ta luôn cần những ý kiến của kẻ khác để nhãn giới, tầm thức của ta được nới rộng ra. Người mà quá dương dương tự đắc, cho mình là kho kiến văn hoa nhân loại, khinh miệt kẻ dưới, thường rất mù quáng trong việc xét đoán. Người ta hay sánh cái học của loài người với rừng biển. Chúng ta phải trải qua mấy kiếp người mới quan sát đầy đủ cuộc đời, mới thu lượm hết kinh nghiệm của người cổ kim, ngay trong ngành học thuộc về chuyên môn của chúng ta, chúng ta chưa chắc đã rành mạch hết. Thế tại sao trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta quá ư tự đắc, không chịu hạ mình bàn luận cùng kẻ khác những điều chúng ta không am hiểu. Có nhiều người nông nổi, tự đắc đến nỗi cho mình là xuất chúng ngay trong công việc mà mình không từng biết, ngay trong ngành học mà mình ù ù cạc cạc, không biết. Sự tự ái, óc kiêu căng của con người nhiều khi thái quá.
Nếu bạn muốn có óc khôn ngoan, để đắc lực, xin bạn đừng tự mãn. Bạn cứ tự tín đi, cứ có óc sáng kiến, cứ phán đoán độc lập, cứ giành sự phán quyết cho mình đi. Nhưng thỉnh thoảng, bạn nên bàn luận điều bạn đang dự tính cùng vài bậc khôn ngoan, có học lực, già kinh nghiệm, sự phán quyết của bạn nhờ đó tránh khỏi nhiều hối hận về sau.
3. Khéo cương nhu
Trong thiên hạ, người khôn ngoan là người biết tùy người, tùy việc, tùy hoàn cảnh, tùy cơ thì mà xử đối cương nhu. Không có cái biết này mà cứng nhắc không đúng lúc thì nhất định người khác sẽ ghét và thất bại. Lòng tự ái của con người rất cao. Là người, tự nhiên ai cũng muốn cái tôi của mình được coi là quan trọng. Từ một bậc cao cả cho đến người tầm thường nhất trong thiên hạ, có thể nhịn được cái gì dễ dàng nhưng khó bề nhịn cái kẻ khác làm nhục mình. Khi bị nhục người ta nghe nhân cách mình bị uy hiếp, cá nhân mình bị chà đạp tận trong tâm can, người ta đau nhói, buồn sầu, bứt ruột, bứt rứt, khao khát làm nhục lại kẻ thù. Những khi ở một mình, nhất là những lúc đêm về, người bị làm nhục, nhớ lại cách uất hận thái độ ngang trái của kẻ khinh miệt mình, bi quan về số phận của mình, cho mình đã bị hạ thấp quá, cảm thấy cần được đề cao cá nhân mình lên bằng cách trả đũa. Bạn thấy tâm lý con người khi bị chạm lòng tự ái là như thế đó. Nên chẳng lạ gì từ cảnh sống gia đình đến cảnh sống xã hội, có biết bao cuộc chửi mắng, vu khống, kiện cáo, đánh đập, sát hại nhau. Cách chung, con người đều tự nhiên có đầu óc như vậy. Cổ nhân nói không sai: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”. Chỉ những bậc khôn ngoan hơn người mới chế ngự được lòng uất hận thôi. Ai kia bị vợ bạc đãi, chứ Socrate có bà vợ dữ, coi ông không ra gì, ông vẫn điềm nhiên cười khi vợ đổ nước trên đầu mình trước mắt chúng bạn. Ai kia sợ bị ám sát, tìm người thù hãm hại chứ Giêsu, bậc chí nhân điềm đạm, bị bao kẻ thù tàn nhẫn chưởi mắng, đánh đập, sát hại, trước khi trút hơi thở cuối cùng cũng ngửa đầu cất tiếng: “Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết”, để xin Thượng Đế tha thứ cho thù địch của mình. Hầu hết những người làm nên đại nghiệp trên đời, có nhân cách đáng phục đều có lối xử thế mềm dịu như thế. Có khi họ còn thừa sức thắng kẻ nghịch, nhưng sự khôn ngoan chỉ cho họ thấy rằng không nên đem cái chí của người quân tử mà chạm với cái dã man của kẻ tiểu nhân. Họ không hay nóng nảy và thích khôn vặt như những người tầm thường như chúng ta, vì họ nghĩ đất chưa dọn sẵn, giữa lúc trời hạn, dù giống có tốt thế nào đi nữa gieo xuống cũng phải chết héo. Nhưng khi họ ở dưới cường quyền, họ càng mềm dẻo hơn nữa vì họ dư biết câu này của La Fontaire: “Lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng hay hơn”.
Trong cuộc xử thế, cho được nên người khôn ngoan, xin bạn bắt chước những bậc cổ nhân chí cực điềm đạm ở chỗ cương nhưng mà nhu. Người La-tinh nói: “Suaviter sed fortiter” êm dịu mà cứng rắn. Bên trong bạn anh dũng, có lý lẽ, có khả năng thắng người, nhưng trong nhiều trường hợp, bạn không biểu lộ cương tính của mình mà đối xử bằng nụ cười, bằng lời thanh nhã, dịu hiền. Bạn nói: nhiều khi tức quá, mình có lý nhịn sao được, ở hiền sao được? Chúng tôi đồng ý. Lắm lúc kẻ trên, người ngang vai, hay bậc dưới ngược đãi chúng ta, thảy vào đầu chúng ta những câu nói khiến chúng ta bị xúc phạm. Nhưng thưa bạn, nếu muốn hơn người, nếu muốn hòa thuận, nếu muốn đắc lực, thi hành đại chí thì phải nhẫn nhịn. Đem cái phẫn nộ của mình để đối với cái dũng dã man, kẻ dại khờ nào trên đời này không biết làm. Chúng ta bắt chước cũng được vậy. Nhưng như thế còn gì là phẩm giá con người, như thế làm sao chúng ta không khỏi thất bại. Bạn nên tin rằng cái nhu bao giờ cũng thắng cái cương. Thường Tung trong giờ hấp hối hả miệng cho Lão Tử coi rồi hỏi: “Lưỡi của thầy còn không?” – Lão Tử thưa: Còn. – Răng thầy còn không? – Lão Tử thưa: Răng rụng cả. Vậy có biết tại sao lưỡi còn không? Thưa lưỡi còn chắc tại lưỡi mềm, răng rụng chắc tại răng cứng. Thường Tung gật đầu, miệng thều thào đáp: phải. Thiệt là một bài học xử thế tuyệt vời.
Trong chốn tu trì, dụng nhu vẫn là bí quyết cần thiết để tu sĩ chiếm đoạt lý tưởng. Không phải giả hình, mặt ngoài ra vẻ khiêm tốn, hiền dịu mà trong lòng chứa đầy kiêu hãnh, cứng cỏi. Không phải vậy, nhưng để đạt đến đời sống tu trì cần phải dụng nhu. Trong cuộc sống hằng ngày dụng nhu vẫn có lợi. Thiếu gì người bị người khác ghét bỏ, ít bạn bè chỉ vì không biết tiểu nhẫn. Ở chung với người khác, thấy người này làm sai ý, họ chắc lưỡi, thấy kẻ nọ nói trái tai, họ trề môi tỏ ý bất mãn. Nhiều khi họ có lý lắm, vẫn bị ghét. Trái lại, người khôn coi tất cả những gì nghịch ý diễn ra trước mắt mình như không có. Họ biết “bỏ qua” không để những gì vô ích bận lòng. Chính thái độ điềm nhiên ấy làm cho thiên hạ mến phục họ. Hơn ai hết, họ là người hiểu lời bất hủ này của tác giả Đạo Đức Kinh: “Thiên hạ chi chí nhu trì sinh thiên hạ chi chí kiên, cái thiên hạ cho là mềm thường thắng cái thiên hạ cho là cứng”, nên dù trong xã hội, kẻ thất giáo ăn ở thô bỉ thế nào đối với họ, nếu thấy không cần trả lời, họ làm thinh. Bạn có thích lối xử thế ấy không? Có lẽ bạn hồ nghi giá trị của nó? Cho nó là bạc nhược?
Như chúng tôi bàn cùng bạn, xin bạn đừng cho là đồng nghĩa với thiếu sức, nhu rồi cảm thấy bất lực, đầu hàng người ta. Cái đó không phải là nhu thưa bạn, mà là khiếp nhược. Nó không phải là đức mà là tật của con người thiếu tâm luyện, nghèo ý chí, giàu tính tự ty. Nhu mà chúng tôi nói với bạn đây là đức tính hiền dịu của con người điềm tĩnh, biết tự chủ, của người anh dũng hơn người, có thể thắng người nhưng tha người, thấy chưa phải lúc hành động nên dằn tính hăng hái lại. Nó tuy có tính chất tiêu cực mà thắng cái cứng cách tích cực. Nó giống như nước, còn cứng giống như lửa, lửa thì ồn ào, nóng bỏng. Tư tưởng đó không phải chúng tôi sáng tác nhưng lão tử đã nói với bạn tự ngàn xưa: “Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc thi năng thắng, kỳ vô dĩ địch chi: Trong thiên hạ không gì nhu nhược như nước, mà dùng để thắng cái cứng mạnh thì không gì hơn nó, không gì thế nó được. Thật là những lời vàng ngọc làm sao! Gặp cứng, gặp bạo mà đem cứng ra đối phó, ắt phải gặp họa. Vả lại bạn thấy có bao giờ chà tre chui vào hang còng, hang cua ở một bờ đê để làm cho đê vỡ được không. Nhưng nước làm được. Nước cứ rầm rì chảy, chui vào mọi hang ngách, thấm vào từng thớ đất làm cho đê bở và lở dần dần. Trong thiên hạ, người có thái độ cộc cằn, ăn nói đình đám, hung tợn, hành động thô bạo có bao giờ gần gũi hết mọi người, hay nếu có gần được cũng không dễ gì len vào cung lòng kẻ khác được để hiểu họ. Trái lại, kẻ dùng nhu tình, mặt hiền lương, tướng hiền lương, thái độ hiền lương, vẻ ngoài không xa chi, nhưng đi sát được mọi giai tầng xã hội, khám phá được những chỗ sâu kín nhất của nhân tâm. Điều này nếu biết tâm lý học, bạn sẽ cho là không khó lắm. Con người nào cũng tự nhiên ưa sự êm dịu. Sự êm dịu diễn ra trên nụ cười, trong cái nhìn nhẹ nhàng, trong âm thanh ngọt ngào rung động tâm hồn kẻ khác.
Tuy nhiên, trên đời cũng có những người không thích êm dịu cũng không chịu cứng rắn, nhưng phải có cái cứng rắn thì mới “xuống nước”. Trong nhiều trường hợp, đối với những người ấy, bạn phải dùng cương đạo mới thành công. Xin bạn để ý hai tiếng cương đạo. Bạn nói có thiện chí cách nào, có tài ngoại giao, có khiếu bặt thiệp, có nghệ thuật dẫn dụ đến đâu, chúng tôi cũng nói bạn sẽ thất bại nếu bạn không biết cứng với những kẻ không gặp cứng không êm. Không biết phải Tôn Vũ nói câu này hay không: “Thượng lược dụng mưu, trung lược dụng đức, hạ lược dụng võ”. Cho nhiều người ta nên dùng mưu trí, dùng đạo hạnh cho cho nhiều người ta phải dùng võ. Cách nay gần hai 2000 năm, Đức Giêsu, một nhà chí cực đạo hạnh, để đuổi con buôn lạm dụng đền thờ Giêrusalem làm chợ búa, dùng roi đánh đuổi chúng và trách móc họ nặng lời. Đối với hạng người ngoan cố này, Giêsu thấy dụng nhu như đối với bao kẻ khác không được.
Tóm lại, có luật chung này là bạn hãy cố gắng dụng nhu, tận lực dụng nhu, dụng nhu nhưng thủ cương tính bên trong, rồi khi cần dụng cương thì cứ dụng cương, dụng cương nhưng vẫn giữ nhu tính. Hành động, nói năng như vậy bạn sẽ là một bậc đại khôn. Nhờ sự khôn ngoan, nhân cách của bạn được nẩy nở, bạn được mến yêu và trọng phục.
4. Biết đợi thời gian
Trong nhiều tôn giáo, bạn có thường nghe nói Trời hay Alah hay Thượng Đế, Chúa… khi phạt con người, chờ lúc con người chết rồi mới phạt không? Riêng chúng tôi, mỗi lần nghe như vậy, chúng tôi có ý nghĩ này: Đấng vạn năng quả thực vô cùng khôn ngoan. Ngài không hấp tấp trong hành động như chúng ta. Ai có tội, có lỗi với Ngài, Ngài đợi người ấy chết rồi mới xét xử. Còn phán xét cả nhân loại thì Ngài đợi đến tận thế mới làm. Bậc đại trí như Ngài cần gì thời gian để suy nghĩ, có sợ gì lầm lạc mà còn hành động điềm tĩnh như vậy, huống gì chúng tôi và bạn. Khi bạn muốn làm, muốn viết, muốn nói điều gì quan trọng, xin hãy chịu khó đợi một thời gian khá lâu rồi hãy thi hành ý muốn. Nhờ yếu tố thời gian, tình cảm của bạn lắng xuống, lòng ước vọng êm đi, não tưởng tượng bớt bồng bột, lý trí được sáng rõ, bạn sẽ thấy đâu chân giả, lợi hại cách rõ ràng. Khi thấy như vậy rồi bạn hành động không muộn lắm mà có kết quả tốt đẹp. Sự chờ đợi thời gian về mặt luyện chí làm bạn anh dũng, về mặt xử thế giúp bạn khỏi những quyết định hay hành vi gây hối tiếc cho bạn mãi mãi.
Bạn thử nhớ lại coi xung quanh mình có biết bao người thất bại trong cuộc sống sinh nhai, trong việc giáo dục, trong ngành chính trị… chỉ vì hay quyết định hấp tấp, hay hành động cấp bách. Xét đời tư của mình, chắc bạn thấy hơn một lần phải hối tiếc vì không biết đợi thời gian. Nhưng ở đời có dại rồi mới nên khôn và không có bài học dạy khôn nào quý báu bằng những cái dại. Vậy thì, từ nay bạn dứt khoát quyết đoán, ăn nói, làm việc điềm tĩnh, chậm rãi, dè dặt hơn.
Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt
Ý kiến bạn đọc