1. Óc tự chủ
Muốn tự khiển trước hết phải tập tự chủ, vì tự khiển là tự chủ thường xuyên, là có thói quen kiềm hãm, hướng dẫn mình. Người tự chủ về mặt tiêu cực, dùng lý trí phản đối sự lôi cuốn của mặc cảm, của xung động, của xúc động sinh ra bởi ngoại giới hay bởi những tâm tưởng trong con người. Về mặt tích cực, dùng ý chí trấn áp những lực lượng trên, dồn ép chúng lại để bắt chúng tuân theo những tác động bổ ích.
Hoạt động là điều rất hay nhưng khi tính hoạt động quá phát triển, con người thường có đầu óc náo động, nói năng già hàm, mặt mày vớn vát, tay chân múa máy, than trách thân phận, cuộc đời. Phải dùng ý chí trấn áp hoạt động quá lố ấy. Hãm nó lại như người ta hãm một con ngựa quá hăng – Con người nghèo nàn hoạt động, ngày tối không buồn làm việc nặng nhọc, chỉ ham thích nhàn rỗi, lôi kiếp sống cách lờ đờ như lục bình trôi nước. Tính cách ấy không phải là điềm đạm mà là nhu nhược. Họ cần dùng ý chí để bỏ đi tính lười biếng của mình.
Những khi dục vọng gào thét, khi bản năng trong ta chỗi dậy, tính ích kỷ thúc đẩy cầu danh, tranh lợi thái quá cũng hãy tự chủ. Dục vọng tự nó không phải xấu, chỉ xấu khi là năng lực mưu cầu những gì có hại cho hạnh phúc con người. Ta nên kiềm chế nó trong những trường hợp này và lợi dụng chúng để ham muốn những điều bổ ích cho mình cũng như cho đồng loại.
Óc tưởng tượng rất cần thiết. Để ta có tư tưởng dồi dào, để được nhiều sáng kiến. Những nhà phát minh nổi tiếng thường là những bậc giàu óc tưởng tượng hơn người. Thiếu gì người sống thời trước Galiée đã từng thấy ông từ ở đền thờ Pise châm dầu cho chiếc đèn treo trước Thánh Thể nhưng chỉ có ông với óc quan sát tinh vi và óc tưởng tượng phong phú phát minh ra máy đồng hồ mà chúng ta dùng hiện nay. Óc tưởng tượng cũng giúp cho người sáng tác văn chương. Nhưng óc tưởng tượng chỉ có ích khi nó được tổ chức, được soi rọi bởi trí tuệ và điều khiển bởi ý chí thôi. Nhiều khi nó như con ngựa chứng, hoạt động tha hồ, hỗn độn, làm cho tâm thần ta mất nghị lực, mất sáng suốt. Những khi đó hãy dùng ý chí tự chủ ngay, tức là kiềm hãm trí tưởng tượng, hướng nó vào việc tìm kiếm những vấn đề ích lợi cho mình.
Kiểm điểm đời sống cá nhân. Mỗi người đều thấy mình có những tập quán rất kỳ dị. Có người ưa cắn răng. Có kẻ hễ đi là búng tay, nói là rùn vai… Ta nên tự xét và cố gắng dùng tự chủ tiêu diệt dần những thói quen xấu. Sẵn đây chúng tôi cũng muốn nói đến những bệnh ghiền. Ghiền trà, ghiền rượu, ghiền thuốc… Chúng tôi không dám chủ trương tiêu diệt những chứng bệnh ghiền này. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ lỡ ghiền ta nên cố gắng tự chủ. Sự tự chủ thường xuyên có thể giúp ta cuối cùng hết ghiền. Riêng về những thứ ghiền dâm dục và ghiền những món ăn kỳ quái nên loại trừ thẳng thắn. Phải dùng ý chí đanh thép để loại trừ chúng.
Không phán đoán vội vàng. Có khi vì tập quán, vì thành kiến, vì ảnh hưởng của dư luận, vì sự yên trí, thiên vị, vì mắt quan sát cẩu thả, vì những nhận xét bề ngoài, nông cạn nên phán đoán vội vàng, tuyệt đối. Người có óc phán đoán phản khoa học như vậy rất thường phán đoán sai lầm. Muốn có một tinh thần phán đoán đúng đắn họ phải kiềm hãm tính vội đoán. Theo thánh Toma, điều cần thiết họ phải thi hành là suy nghĩ nhiều. Trầm ngâm suy nghĩ, nghiên cứu vấn đề mình phải quyết đoán, tức là điều khiển tính vụt chạc, là cân đo phải trái, là tự chủ rất mực.
Tự nhiên, chúng ta có tính xã hội. Nhờ bẩm chất này, chúng ta ưa thích gần gũi với kẻ khác. Nhưng khi không có chừng mực, nó làm cho ta mất đi sự sống trầm mặc, lúc nào cũng muốn ở chung với người khác, chung đụng với người này và người kia. Theo Pascal trong những giời phút yêu đương, chúng ta hành động theo những lý lẽ của con tim. Rất có thể chúng ta ăn nói, cử động, hành động như người ngây dại để rồi qua cơn ân ái chúng ta hối hận trọn đời. Xã hội tính phát triển trong mù quáng cũng hay làm cho ta ưa thích một số người nào đó mà không buồn giao du với bao người khác. Chân trời giao thiệp của ta rất chật hẹp nên hành động chúng ta ít thành công – Muốn kiềm hãm tính xã hội tính sai lạc, ta cứ dùng ý chí. Nó là cái “phanh” chận ta lại những khi trái tim ta mù quáng yêu đương. Nó giúp ta chọn bạn cách đúng đắn.
Còn một yếu tố nữa chúng ta cần phải luyện tập đó là cảm tính quá khích. Cảm tính là những bẩm chất qua đó chúng ta có những cảm xúc, cảm tình. Khi nó hoạt động quá lố, tâm trí ta bị ám ảnh, thần kinh căng thẳng, hành động, lời nói mất đi sự điềm tĩnh. Chính nó làm nồng cốt cho tinh thần hợp đoàn chúng tôi nói ở trên hoạt động sai đường. Cũng chính nó làm chúng ta khi chạm tự ái giận run, ghét cay ghét đắng, khi mất tình yêu thì ghen tuông, khi tai họa đến tâm thần loạn, tim như ngừng đập, môi tái, nói năng lập cập. Muốn sử dụng cảm tính vào những việc bổ ích cho đời, muốn tránh những tai nạn sinh ra từ những cảm xúc quá độ, hãy rèn luyện sự tự chủ.
Chúng tôi có nên quên nhắn bạn sự hiềm hãm của tật già hàm không? Chúng ta biết lời nói hay có giá trị không gì sánh bằng. Tô Tần, Trương Nghi chẳng đã dùng ba tấc lưỡi của mình để đem ích lợi cho 7 nước sao; Napoleón viết trên lịch sử Pháp quốc những trang chiến thắng vẻ vang phần lớn nhờ tài hùng biện của mình. Để giúp thành công trong giao thiệp, giáo dục, mua bán, làm chính trị, ở những nước cấp tiến người ta con tổ chức mở những học đường dạy ăn nói nữa.
Vậy chúng ta hãy trau dồi lời nói hay cần thiết cho chúng ta thành công. Nhưng nói hay không có nghĩa là nói huyên thuyên, thao thao bất tuyệt những câu chuyện lạt như nước ốc. Phần đông con người có tật già hàm. Người ta nghe trong người ngột ngạt, cần diễn lộ tâm sự mình ra những khi bị uất ức, bị vu cáo, bị chỉ trích, bị hiểu lầm. Những khi tâm hồn cao hứng, lạc quan người ta cũng khó bề đóng chặt nó lại. Người ta hy vọng sự cảm thông, sự hiểu mình trong khi đem ruột gan mình bày ra cho kẻ khác am tường. Người ta cũng có khi già hàm vì tính nhẹ dạ, thấy gì nói đấy, thấy chi nghịch lý là chỉ trích, thỏa dạ thì hoan nghênh, ủng hộ. Cũng rất thường người ta đa ngôn để khoe cùng kẻ khác vốn kinh nghiệm, kiến thức của mình. Thưa bạn, nếu bạn tự xét có tật đa ngôn, từ đây hãy nỗ lực tự chủ. Không phải câm như hến khi sống trong xã hội, nhưng ta đừng quá nhiều lời. Tập thói quen làm thinh đúng nơi, đúng lúc. Chỉ nói những gì không nói không được thôi.
2. Khuôn ép đời sống theo một ý lực và sống trung thành với chương trình sống của mình
Tâm lý học dạy cho chúng ta biết thường chúng ta hành động theo sự thu hút của một ý tưởng. Những đối tượng khách quan vào đầu óc ta bằng những hình ảnh đưa đến ngũ quan. Những hình ảnh, nhờ trí năng tác động và thụ động, biến thành những ý tưởng. Ý tưởng khêu gợi lòng ham thích, tính quyến luyến của ta, thúc đẩy ta tiến về đối tượng để chiếm đoạt đối tượng. Do định luật ấy của tâm lý học bạn có thể nói ý tưởng tự nó có lực điều khiển hành động của ta. Chúng tôi đồng ý với L. Daudet để nói: “Con người sống và chết vì những hình ảnh của mình”. Chính những ý tưởng chỉ huy cuộc sống con người, ảnh hưởng nội tâm của con người, làm cho nó cảm xúc, hành động, nói năng – Epietète không phải vô lý khi ông nói: “Cái chết hay sự lưu đày tự nó không đáng kinh khủng mà chính dư luận của thiên hạ về chết, về ly hương làm cho tâm hồn náo động” – Biết năng lực của ý tưởng thì sao chúng ta không dùng nó để tập đức tự khiển. Người tự khiển là người luôn tự chủ, luôn ép mình sống theo một lý tưởng cao đẹp tuyệt vời. Vậy chúng ta hãy tạo cho mình một lý tưởng, nghĩa là một ý tưởng có thể giúp chúng ta thành công, hạnh phúc. Nó là một ý lực làm cho chúng ta gồm toàn sức lực, trí lực, tâm lực của mình để thực hiện nó. Lẽ dĩ nhiên, trong việc dùng ý lực để tự khiển, chúng ta, chúng ta dùng bí quyết để ám thị. Phương pháp tự giáo dục này buộc trói ý lực trong tận óc não chúng ta, làm cho chúng ta tưởng nhớ tới nó luôn. Mà hễ tưởng nhớ thì tức nhiên ham muốn, tiến đến hành động. Để giúp việc hành động mau thành công, chúng ta hoạch định những chương trình. Chương trình có thể trường kỳ cho 5 năm hay 10 năm, cả đời. Nó cũng có thể đoản kỳ cho một ngày, một tuần, một tháng, một năm. Lẽ dĩ nhiên những chi tiết của chương trình sống chúng ta không làm gì hoạch định trước một lần được. Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết nhiều việc bất ngờ trên đời xảy ra có thể làm cho ta thay đổi một vài điểm đã nhất định của chương trình mình. Nhưng dù sao những điểm đại hệ ta phải hoạch định trước và phải cố gắng triền miên thực hiện. Chính trong sự nỗ lực trung thành với chương trình sống của mình, chúng ta mới nhận biết tinh thần tự khiển của chúng ta đến trình độ nào.
3. Khéo sử dụng ý chí
Nói đến đức tự khiển là nói sự xử dụng ý chí để thúc đẩy những ý tưởng cảu ta diễn lộ ra bằng hành động. Ở đây chúng tôi không mất giờ bàn về bản chất của ý chí, về giá trị của nó đối với trí tuệ, mà chỉ nói thẳng công dụng của nó thôi. Khi ta có một ý tưởng, ý chí có phận sự làm cho ta ham muốn ý tưởng ấy, ham muốn cách có hiệu quả, thúc đẩy ta tiến đến đối tượng mà ý tưởng ấy trượng trưng. Ý chí còn có nhiệm vụ đàn áp những sự xung động, những cảm xúc có do bản năng và tự động tính. Vậy về mặt tiêu cực, ý chí bài trừ những lực lượng nào của cảm tính có thể làm hại ta, về mặt tích cực, nó giúp ta tự điều khiển theo sự chỉ dẫn của tiền lý trí. Công việc chính của ý chí là giúp ta lái con thuyền đời sống của mình. Một người có nghị lực mà không biết tự khiển không thể gọi là người tự khiển. Họ giống như một con thuyền trên sóng biển mà người cầm lái ngồi khoanh tay. Người tự khiển tự nói: “Tôi chiến thắng tình cảm của tôi. Tôi làm chủ những khuynh hướng, thói quen, sở thích, tình dục của tôi”. Và họ cũng nói: “Tôi sống đời sống theo ý tôi muốn. Tôi hành động những gì tôi đã muốn. Trí khôn của tôi đã nhắm một mục đích, đã chỉ cho tôi sắp một chương trình rồi, ý chí của tôi là người cầm lái con thuyền đời tôi, nó hướng tôi đến bến thành công”.
Khéo dùng ý chí để tự khiển là khéo suy nghĩ, khéo quyết định và khéo trì khí – Bạn nói: “Tôi có thể có thừa ý chí nhưng không biết dùng thế nào để tự khiển? Thì trong mọi công việc bạn muốn thành công bạn hãy chú ý thực hiện chu đáo ba giai đoạn này của trí tuệ và ý chí – Trước một vấn đề khó khăn, bạn suy nghĩ, nghiên cứu toàn diện, tìm chứng cớ cân đo lợi hại, tiên kiến những trở lực, những thành công. Đó là công việc của trí tuệ - Bây giờ đến công việc của ý chí là bạn hãy quyết định chọn một trong những ý này ra nơi trí bạn, đừng tham lam, phải biết hy sinh những ý khác, có thể những ý khác có những cái hay nhưng ý ta chọn có nhiều cái hay hơn. Cương quyết thi hành nó. Một công việc quan trọng nữa cũng thuộc quyền chỉ huy của ý chí là bền dẻo thực hiện điều ta quyết định – J. De Courberive khuyên ta cho để trì chí nên tập trung tinh thần những khi nó bị tản mát, muốn đổi ý định; nên có óc liên tục những khi muốn nhưng sự thực hành ý định, lựa việc để làm trước, nên mềm dẻo, thích nghi với mọi cảnh khổ để bảo trì ý định, nên bình tâm đón nhận thử thách.
Bạn có thể bắt chước Thống Chế Foch hoạch định chương trình hành động của mình theo phương pháp này. Trước hết, bạn nên đặt mục đích của công việc. Bạn có thể tự hỏi: LÀm gì bây giờ? Mục đích hiện ra trong tâm trí bạn. Bạn quan niệm nó và yêu quý nó. Bây giờ b ạn tìm phương thế thi hành – Bạn ghi rõ rệt các phương thế - Cương quyết chọn những phương thế linh hiệu nhất để thành công – Sau cùng là bắt tay thi hành. Quan trọng nhất là thi hành, ý chí làm cho nó có hiệu quả.
4. Khéo sử dụng lý trí: ở trên, chúng tôi đã nói phớt qua cùng bạn vai trò của lý trí trong việc tự khiển. Vì sự quan trọng của nó, chúng ta muốn bạn quan tâm đến nó thêm – Muốn sống một đời sống con người theo chân nghĩa của tiếng người, chẳng những ta phải sử dụng ý chí như một lực lượng mà còn phải sử dụng lý trí như một ngọn đèn soi đường dẫn lối – Không có lý trí mà chỉ có ý chí và cảm tính thôi thì chúng ta hành động chẳng khác gì những con vật vô tri.
5. Có thể so sánh đời chúng ta như một chiếc tàu thả máy lơn, đâm đầu chạy bất luận phương hướng nào trên biển cả, chạy điên cuồng, chạy lộn xộn vì không ai cầm lái. Cái tội hạ đẳng của ta, ý chí của ta chỉ bổ ích cho ta khi chúng được lý trí hướng dẫn về nẻo thật, về lẽ phải. Khi chúng ta còn nhỏ, lý trí chúng ta còn ở thời kỳ mầm mộng, chúng ta sử dụng nó. Nhưng chúng ta có những lý trí khác được phát triển đầy đủ hướng dẫn cuộc sinh hoạt của chúng ta. Những lý trí ấy là cha mẹ, anh chị em chúng ta. Chúng ta sống dưới tay họ chẳng khác nào con thuyền trên sóng dưới sự chỉ huy của người cầm lái. Những bậc ấy lo liệu cung cấp cho chúng ta những gì có ích cho chúng ta. Vì thế, trong lúc ấu trĩ có thể nói được là chúng ta sống cuộc đời giống như thú vật, chúng ta không tự khiển. Khi bước chân vào ngưỡng cửa nhà trường, lúc ấy lý trí của chúng ta đã nẩy nở, nhưng chúng ta cũng chưa tự khiển được về nhiều phương diện, chúng ta phải cần những những thầy giáo hướng dẫn cuộc học tập của mình. Qua hai cơ quan giáo dục này rồi, lý trí chúng ta phát triển nhiều, chúng ta có phận sự sử dụng nó một mình để điều khiển cuộc sống của mình trên con đường lý tưởng. Nhưng thưa bạn, có phải mỗi người đều ý thức về phận sự này đâu. Rất nhiều người sống nô lệ dưới sức lôi cuốn của thú tính, tình dục, khuynh hướng, thói quen, ý chí mù quáng, cảm tính không cương, óc tưởng tượng, hỗn độn. Họ không mấy suy nghĩ, bắt buộc hành động, lời nói của mình không theo những lẽ phải, theo những suy nghĩ kỹ lưỡng. Nhiều kẻ khác rất lười tư tưởng nên cả đời cậy nhờ kẻ khác tư tưởng thế cho mình. Họ là những người tôn sùng tư tưởng của kẻ có quyền chức, kẻ học giỏi. Cái tình thần “Tử viết: Magister dixit” là tinh thần “ruột” của họ, nên người ta không lấy làm lạ gì khi bàn chuyện với ai mà họ “xem tướng” là ăn đứt họ về học vấn, chức quyền thị họ không biết làm gì khác hơn là “dạ” để tán thành. Ngoài ra những hạng người ấy, họ còn những phương thế khác tư tưởng thế cho họ như báo chí, radio, quảng cáo. Trong cuộc sống hằng ngày không mấy khi người ta thấy họ có sáng kiến hay quyết định tự mình. Họ cậy nhờ bè bạn hay kẻ nọ người kia suy nghĩ hộ, quyết định hộ.
Thưa bạn, tất cả những thứ người ấy tuy mang danh người, nhưng đâu có sống đời sống con người cho thật. Sống người nghĩa là tư tưởng, suy nghĩ, là ý thức những tác động của mình, là có sáng kiến, là dùng ý chí được soi sáng bởi lý trí để hành động sáng suốt, anh dũng, dẻo bền. Chính đời sống ấy là lý tưởng của chúng ta, là đối tượng của sự tự khiển. Chúng ta tự mình điều khiển mình trên nẻo sống cao cả ấy dưới ánh sáng của trí khôn. Mà cho đặng trí khôn ta khỏi lầm lạc chúng ta phải tập tư tưởng. Muốn biết rộng về những bí quyết rèn luyện tinh thần xin bạn tìm độc quyền “Tổ chức đời sống tinh thần”[1] của chúng tôi. Ở đây, chúng tôi chỉ nhấn mạnh cùng bạn sự cần thiết của việc suy nghĩ. Chỉ những tác động, lời nói, cử chỉ nào có ảnh hưởng của sự suy nghĩ mới là của con người và sự suy nghĩ có đúng đắn, cuộc sống con người mới có giá trị khả quan. Vấn đề giá trị con người mà chúng tôi đặt ở đây, xin bạn hiểu là giá trị cá nhân, của từng người trng nhân loại. Ai muốn sống xứng đáng kiếp người, phải biết suy nghĩ, phải sáng suốt tự mình điều khiển thuyền đời mình. Khi kẻ khác tư tưởng thế giùm ta, chỉ dẫn ta hành động, khi ta mù quáng vâng lời kẻ khác, khi ấy không phải ta tự khiển, nên vì đó ta không xây dựng giá trị đời sống của mình. Dễ hiểu quá: Ta nào có chịu trách nhiệm những hành động của ta đâu. Để chịu trách nhiệm về một hành động, người ấy phải là tác giả có ý thức của nó. Lúc còn nhỏ, ta nhờ cha mẹ khôn ngoan suy nghĩ giùm ta, điều khiển chúng ta, nhưng khi chúng ta lớn rồi, chúng ta phải tự mình điều khiển cuộc sống mình chứ. Nói như thế không phải chúng ta tự cao, tự mãn, không cậy nhờ đến sách báo, đến những bậc cao tuổi, học rộng, giàu kinh nghiệm khi nghiên cứu một vấn đề gì. Không! Chúng ta vẫn cậy nhờ kẻ khác nhưng trước hết phải tự minh suy nghĩ độc lập, phán quyết theo đầu óc của mình, chớ không nô lệ tư tưởng của người.
Sau hết, chúng tôi thấy cần nhắc lại cùng bạn rằng, muốn tự khiển phải học tư duy. Không tư duy đúng đắn sẽ không thể lèo lái cuộc sống được, sẽ làm cho đời mình hỏng đi. Muốn tự khiển mà không tập tư duy sáng suốt thì chẳng khác nào không biết làm tài xế mà lại điều khiển một chiếc xe hơi chạy xuống dốc.
Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt
[1] Sẽ xuất bản trong tủ sách: “Tôi tự học” ngăn Giáo dục của nhà Nhân Xã.
Ý kiến bạn đọc