GIÁO DỤC LÀ CÔNG VIỆC CỦA TÂM HỒN
Năm học mới đang đến, mọi hình thức và cấp bậc của giáo dục: giáo dục học đường từ bậc mầm non cho đến đại học..., giáo dục Kitô giáo: từ các lớp Giáo Lý cho đến các Học Viện Thần Học... tất cả đang bắt đầu. Chúng ta cùng nhau đọc lại những điều tâm huyết của Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục tài ba về giáo dục.
Nếu chúng ta muốn tỏ ra là người tha thiết quan tâm tới lợi ích đích thực của các học sinh chúng ta, và thôi thúc chúng ta chu toàn bổn phận, các con đừng bao giờ quên rằng mình đang thay mặt cho cha mẹ của lớp trẻ thân yêu này, lớp trẻ đã từng là đối tượng ưu ái khiến cha luôn bận tâm, lao nhọc, học hỏi và thực thi tác vụ linh mục. Chúng còn là đối tượng cho toàn thể Dòng Sa-lê-diêng chúng ta phục vụ nữa. Do đó, nếu chúng con muốn là những người cha đích thực của các học sinh, nhất thiết chúng con phải có tấm lòng của một người Cha, và như thế, chúng con đừng bao giờ dùng biện pháp cưỡng chế hay ra hình phạt cách vô lý và không công bằng, cũng đừng theo lối của người làm việc miễn cưỡng, hoặc chỉ làm vừa đủ để chu toàn phận sự của mình. Các con rất thân mến, trong công việc giáo dục dài lâu của cha, biết bao lần cha đã phải tâm niệm về chân lý cao cả này: bực tức thì bao giờ cũng dễ hơn là nhẫn nại, dọa nạt một đứa trẻ thì dễ hơn là thu phục nó. Cha còn dám nói thêm rằng: thường chúng ta dễ theo tính kiêu căng và nóng nảy mà trừng phạt những em bướng bỉnh, hơn là lấy lòng cương nghị và hiền từ mà sửa dạy và chịu đựng chúng. Lòng bác ái mà cha xin chúng con chính là đức ái mà thánh Phaolo đã dành cho các tín hữu mới trở lại đạo Chúa. Đức ái này đã khiến thánh nhân phải nhiều phen khóc lóc van nài khi thấy họ ít vâng lời và không đáp lại lòng nhiệt thành của người.
Khi sửa phạt, thật khó mà giữ được bình tĩnh. Nhưng đó lại là điều tối cần để không ai có thể nghĩ rằng ta làm thế vì thị uy hay trút cơn giận.
Hãy coi các trẻ nhỏ dưới quyền chúng ta như là con cái. Hãy dấn thân phục vụ chúng theo gương Chúa Giêsu. Người đến không phải để ra lệnh nhưng là để vâng phục. Các con phải cảm thấy xấu hổ khi thấy mình lộ vẻ thống trị, và nếu có thống trị thì cũng chỉ là để phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Chúa Giêsu đã cư xử như thế với các Tông Đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, thô kệch, và cả lòng trung thành yếu kém của các ông nữa. Rồi khi đối xử với các tội nhân cách nhân hậu và thân mật, người đã làm cho lắm kẻ phải ngạc nhiên, nhiều người khó chịu, nhưng cũng khiến cho biết bao người hy vọng được Thiên Chúa thứ tha. Vì thế, Đức Giêsu bảo ta hãy học nơi Người để biết sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Bởi vì trẻ em là con cái chúng ta, nên phải sử trị lỗi lầm của chúng, ta phải tránh mọi sự nóng giận, hay ít ra phải nén lòng đến độ xem ra đã hoàn toàn dập tắt được cơn nóng giận rồi. Tuyệt đối không để cho cõi lòng sôi sục, không được có khóe nhìn kinh bỉ, không được phép dùng lời ăn tiếng nói hạ nhục một ai. Nhưng hãy cứ cảm thông lúc này và hy vọng vào tương lai. Như vậy, các con mới là những người cha đích thực và sửa dạy chúng thật sự.
Trong những trường hợp trầm trọng, ta nên khiêm hạ nài xin Thiên Chúa, hơn là tuôn ra những lời lẽ vừa khiến cho người nghe phật lòng, lại vừa không ích lợi gì cho kẻ phạm lỗi.
Các con hãy nhớ rằng giáo dục là công việc của tâm hồn, nơi chỉ có Thiên Chúa làm chủ. Thế nên ta không thể đạt được gì nếu Thiên Chúa không dạy ta nghệ thuật và không trao cho ta bí quyết giáo dục.
Hãy cố gắng làm cho mình được yêu mến. Hãy vun trồng tâm tình kính sợ Thiên Chúa. Như thế, ta có thể dễ dàng mở được cánh cửa của bao tâm hồn và liên kết lại với chúng mà ca hát, ngợi khen và chúc tụng Đấng đã muốn trở nên mẫu mực của chúng ta, đường đi của chúng ta và gương lành cho chúng ta trong mọi sự, đặc biệt trong việc giáo dục thanh thiếu niến.
Trích trong Các bài đọc Kinh Sách, tập 3, Mùa Thường Niên tuần I - XVII
Ý kiến bạn đọc