banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

PHƯƠNG THẾ CỦA TÂM LINH DỤC

Đăng lúc: Thứ tư - 01/08/2018 05:37 - Người đăng bài viết: menthanhgia
PHƯƠNG THẾ CỦA TÂM LINH DỤC

PHƯƠNG THẾ CỦA TÂM LINH DỤC

Rèn nhân cách (tiếp theo)

Bàn cùng bạn về phương thế của tâm linh dục, chúng tôi thấy cần phải nói ngay về sức mạnh của ý tưởng đối với đời sống con người. Tâm lý học dạy cho chúng ta biết trước khi chúng ta hành động, những xu hướng của chúng ta như bản năng, tình dục và ý chí của chúng ta bị lay chuyển, bị xô đẩy. Những xu hướng và ý chí bị lay chuyển xô đẩy bởi ý tưởng. Ý tưởng ở đây được hiểu hoặc là tư tưởng, con đẻ của trí khôn hoặc là tri giác hay hình ảnh con đẻ của ngũ quan. Chúng là nguyên nhân đầu tiên cho những tác động của con người. Hãy lấy một ví dụ: thấy rượu, người ghiền rượu có ý tưởng về việc uống rượu. Ý tưởng xô đẩy ý chí thèm rượu, thúc giục tập quán uống rượu nổi lên. Thế là ý tưởng “uống rượu” được đưa đến đối tượng của nó là “rượu”. Việc uống rượu xảy ra. Bạn có thể kể tác động theo thứ tự: Thấy rượu, có ý tưởng về uống rượu, “ý chí thèm rượu”, tập quán đưa đến rượu, “uống rượu”.

Vậy chúng tôi có thể nói cùng bạn ý tưởng trong đầu óc không phải chỉ là hình ảnh yếu đuối mà trái lại là những lực lượng. Chúng là tượng trưng của những đối tượng, là những gì tuy tinh thần những thực tại. Nhờ nó những xu hướng của chúng ta mới có thể từ trạng thái tiềm thể chuyển sang hữu thể, từ thèm ước đến việc làm. Tuy nhiên nói như vậy không có ý bảo rằng hành động bao giờ cũng là con đẻ của ý tưởng. Có nhiều khi chính những hành động sinh ra ý tưởng rồi ý tưởng sinh ra hành động lại. Một đứa bé trong khi chưa có tuổi khôn, cử động bằng chân, đi đứng, đâu có ý nghĩ về những hành động nầy. Nó hành động theo bản năng trng một thời gian; những thói quen hành động ăn rễ tận tiềm thức. Kịp khi khi trí khôn phát triển kha khá, nó mới biết rằng thế nào là cử động chân tay, thế nào là đi đứng. Lúc bấy giờ từ trong tiềm thức của nó vọt lên ý thức. Các ý nghĩ ấy sai khiến ý chí, xu hướng để được diễn ra bằng hành động: múa tay, quơ chân, đi đứng… Như vậy trong lúc đứa bé chưa có ý thức, thì hành động sinh ra ý tưởng rồi đến lúc nó có ý thức thì trái lại ý tưởng sinh hành động.

Trong khi có sự tác động quật lại của ý tưởng như vậy cần có tác vi của ý chí, của óc suy nghĩ. J. De Courberive nói: “Muốn tức là hành động theo một ý tưởng được chọn lựa, được thừa nhận, được nghiền ngẫm trước”. Nhờ ý muốn chúng ta không để mình hành động máy móc, theo sự thúc đẩy của tình dục, bản năng. Chúng ta vận dụng óc suy nghĩ dưới sự chi phối của ý chí để biết cách rõ rệt rằng mình phải hành động hay đang hành động. Bạn có thể tóm lại lịch trình của tác động có ý thức như vầy: Tác động vô thức, theo bản năng, ý tưởng về tác động. Sự vận dụng trí tuệ dưới sự chỉ huy bởi ý muốn, ý thức về ý nghĩ tác động. Ý nghĩ xô đẩy xu hướng đến tác động. Sự thực hành của tác động có ý thức. Tất cả những điều chúng tôi bàn cùng bạn có mục đích nhắn bạn điều này, là chúng ta có thể dùng ý tưởng một cách ý thức do trí tuệ và ý muốn để làm những việc một cách có ý thức. Và sự vận dụng ý tưởng như thế là một phương thế đầu tiên, căn bản của tâm linh dục. Nhờ đọc những sách bàn về việc giáo luyện tâm hồn, bạn có những ý tưởng hay nói đúng hơn như chúng ta hiểu từ nãy đến giờ, là ta có ý lực về chí khí, về tự chủ, về điềm đạm, về cẩn ngôn, về trong sạch, về cương nhu…

Chúng ta dùng ý chí tự nói rằng mình sẽ thi hành những điều mình học. Thế rồi những ý lực nói trên dược ý thức, được muốn, được xô đẩy đến hành động xuyên qua sự hoạt động của những xu hướng, thứ xu hướng bị kiềm chế bởi trí tuệ và ý muốn. Bạn thấy chưa! Cái phương thế đầu tiên, cột trụ của tâm linh dục? Bởi nhận thấy vai trò quan trọng của ý chí trong tâm linh dục nên ngay chương đầu của quyển sách này chúng tôi thảo luận về nó cùng bạn. Nếu bạn muốn rèn đúc cho mình có một ý chí gang thép, có khả năng điều khiển mọi hành vi của mình mà thấy trong sách này không đủ thì xin bạn tìm đọc quyển “Người chí khí”.
Một phương thế nữa hỗ trợ cho phương thế thứ nhất là sự Tự Ám Thị. Chúng tôi đã bàn khá nhiều về vấn đề này trong quyển “Ngón thần để luyện tâm”. Đây chúng tôi chỉ nhắn cùng bạn những yếu tố quan trọng. Ở trên chúng tôi đã nói cùng bạn rằng chính những ý tưởng có lực lượng, có khả năng sinh hành động. Mà để cho các ý tưởng ăn sâu trong trí để sinh hành động thì không cách nào hay hơn bằng tự ám thị cả. Bạn hãy dồn nhét một tư tưởng tận bản ngã sâu kín của bạn bằng cách quả quyết và đọc đi đọc lại một câu nào đó chứa đựng ý tưởng ấy.

Chúng tôi có lần gọi phương pháp tự giáo dục này là “Ngón Thần”. Đó là một cách nói chơi, kỳ thực chỉ là sự vận dụng những lực lượng tự nhiên thôi. Tâm linh hoạt hạ đẳng của chúng ta tức là tự động tính và vô ý thức có khả năng lay chuyển phần tâm linh hoạt thượng đẳng tức là sáng kiến và hữu thức. Nếu nó chỉ chứa những ý tưởng xoàng, hắc ám, ô uế thì hành động của chúng ta tầm thường, vô giá trị, tội lỗi. Nếu ta biết biến nó thành một kho ý tưởng lành mạnh, thiện mỹ thì hành động của chúng ta có giá trị khả quan. Thay vì tập trung vào tiềm thức những ý tưởng phụ nhược, dâm ô ta tập trung những ý tưởng anh dũng thanh khiết.
Những phương thế tự ám thị đắc lực nhất là:

 
1. Quả quyết
Muốn khiêm tốn. Đừng nói “Tôi không kiêu ngạo” mà nói “Tôi khiêm tốn”.

2. Dồn nhét ý tưởng vào óc
Ý tưởng “Tôi khiêm tốn” đừng nói thoáng qua miệng mà phải tập trung tinh thần lại, cố gắng cho nó thâm nhập vào não, suy nghĩ làm sao cho nó “thuộc lòng trong cân não ta.
 
3. Lặp đi lặp lại công thức tự ám thị
Muốn vậy phải nhiều lần với ý thức, đọc đi đọc lại những công thức ngắn ngắn, rõ ràng về những ý tưởng mà mình nhồi nhét vào óc.

Có thể lặp đi lặp lại công thức tự ám thị bằng cách đọc lầm thầm, bằng cách chép nhiều lần, bằng cách nghe, ngắm hình ảnh hay máy động chân tay. Nên lựa những lúc thuận lợi và thích hợp cho óc não dễ suy nghĩ, dễ nhớ. Lúc thuận lợi và thích hợp thường là sáng sau khi vệ sianh cá nhân, tối trước khi đi ngủ. Hãy tìm nơi yên lặng và ít ánh sáng. Nếu thuộc lòng những công thức rồi nhắm mắt lại đọc thầm thì càng hay. Cần chọn những thì giờ nhất định để ám thị. Cần kiên nhẫn nữa. Đừng tự ám thị theo tình dục nghĩa là vui làm buồn thôi.

Một điều bạn nên nhớ là tự ám thị chớ không phải là bị ám thị. Tự ám thị ở đây là hành động có ý thức, hành động do đầu óc độc lập. Còn bị ám thị thường là hành động vô thức, bị nô lệ. Chúng tôi không muốn bạn bị ám thị như chúng tôi như chúng tôi đã nói nhiều lần trong quyển “Ngón Thần”. Mà chỉ muốn bạn tự ám thị để rèn luyện tâm hồn thôi. Muốn thành công trong việc này bạn nên cắt nhiều tấm thẻ cỡ thẻ thăm. Trong mỗi thẻ bạn ghi một câu ngắn về việc đào luyện tâm hồn. Mỗi ngày bạn dùng nó để tự ám thị. Vài tuần bạn đổi thẻ. Công việc tâm linh dục của bạn chắc chắn đem đến cho bạn kết quả khả quan.

Một phương thế tâm linh dục nữa, phương thế anh em với tự ám thị là “làm như đã có rồi vậy”. Tức là bạn hãy sống, hãy hành động, cử động, nói năng theo một ý lực nào bằng cách như bạn đã quen nhiều với ý lực ấy lâu rồi. Muốn có ý chí. Bạn đừng ngại ngùng tưởng rằng có ý chí khó lắm. Hãy hành động như đã có ý chí rồi đi. Nghĩa là hành động cương quyết, nói năng cương quyết. Nghĩa là dẻo dai làm việc, kiên trì chịu khó, quyết định mau. Nghĩa là đi đứng anh dũng, lúc nói chuyện hãy ngó vào cặp mắt kẻ khác mà nói.

Đấy, bạn thấy chưa! Là những phương thế căn bản bạn cần dùng để cho việc tự giáo luyện về tâm thần của bạn thành công.

Bài kỳ tới: Tâm linh dục với nhân cách

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của HOÀNG XUÂN VIỆT
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc