banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

BẢN CHẤT VÀ LỢI ÍCH CỦA TÂM LINH DỤC

Đăng lúc: Thứ tư - 06/06/2018 05:37 - Người đăng bài viết: menthanhgia
BẢN CHẤT VÀ LỢI ÍCH CỦA TÂM LINH DỤC

BẢN CHẤT VÀ LỢI ÍCH CỦA TÂM LINH DỤC

Rèn nhân cách (tiếp theo)

CHƯƠNG II
TÂM LINH DỤC


“Tâm linh dục là phương pháp tự giáo dục giúp con người nên Người hơn, điều khiển lấy mình, hành động nói năng, cử động theo ý chí được soi sáng bởi trí khôn và tạo cho con người một nhân cách đáng phục”.
                                                                        Feurzinger
_ Bản chất của tâm linh dục
_ Ích lợi của tâm linh dục
_ Phương thế của tâm linh dục
_ Tâm linh dục với nhân cách
_ Tự ám thị

 
I. Bản chất của tâm linh dục
Con người tuy có tinh thần nhưng không thể làm thiên thần vì còn có thể xác. Pascal nói: Con người không phải là thiên thần. Con người tuy có thể xác nhưng không được sống y như thú thật vì có bổn phận làm người. Tác giả Les Provinciales cũng nói con người không phải là thú vật.

Định luật con người là phải sống nên người theo như tạo hóa muốn. Pindare bảo con người “Bạn hãy trở nên người”. Về mặt siêu nhiên con người nhờ ân sủng cứu chuộc của Chúa Giêsu, về mặt phàm tục chỉ nhờ có tâm linh dục.

Tâm linh dục là phương pháp tự giáo dục giúp con người dùng tâm linh hoạt thượng đẳng chinh phục, điều khiển tâm linh hoạt hạ đẳng. Nó không nhắm việc tiêu trừ tâm linh hoạt hạ đẳng vì đó là điều muốn phi lý, nghịch hẳn sự sinh tồn của con người. Nó nhắm sự khai thác năng lực của tự động tính, bắt nó vâng phục ý chí suy nghĩ. Bạn có thể nói thẳng rằng mục đích của tâm linh dục là sự tự chủ, sự tự điều khiển từ tâm tưởng, ước vọng, tâm tình, tưởng tượng đến cử chỉ, cử động, hành vi, lời nói. Chương trình của tâm linh dục gọi được là rộng bao la. Chúng ta nào phải rèn ý chí, đúc tình cảm, luyện tình yêu, tập tính điềm đạm, chú ý, súc tích khí lực, nào phải chế ngự tưởng tượng, lòng ham muốn thái quá… Nhưng chung qui, tâm linh dục tự bản chất bao giờ cũng nhắm sự củng cố địa vị ưu đẳng cho tinh thần, nhắm sự phản động của ý chí đối với bản năng, với tự động tính.

II. 
Ích lợi của tâm linh dục
1. Là bí quyết cải tạo giá trị đời người
Nếu bạn tự nhiên được xu hướng về sáng kiến, về hành động có ý thức, về sự tự chủ, tự khiển thì quả bạn có duyên may lắm. Chắc chắn trên đường đời bạn sẽ làm nên và có nhân cách đáng phục đối với mọi người. Nhưng thưa bạn, giá bạn có một vốn di truyền không mấy tốt đẹp, có một tính khí rất hung tợn, bạn hành động bao giờ cũng vô ý thức, phán đoán nông nổi, nói nắng hấp tấp, cử động vụng chạc thì bạn phải làm sao? Tâm linh hoạt hạ đẳng đang nắm chủ quyền khắc nghiệt trên tâm linh hoạt thượng đẳng của bạn đấy. Hoặc bạn để nguyên tính khí của mình vậy và chà đạp kiếp sống của mình, một cuộc đời từ trẻ đến già một cách đáng kinh bỉ, hoặc bạn làm một cuộc cách mạng bản thân – làm cái mà Khổng Tử gọi là tu thân đó – để tạo một nhân cách đáng phục. Hai con đường, bạn chọn con đường nào? Chắc chắn bạn chọn con đường sau.

Mà đi con đường sau bạn phải dùng phương thế gì, thưa bạn, nếu không phải bằng tâm linh dục. Chính phương pháp tự giáo dục nầy tạo lại thế quân bình cho hai thứ tâm linh hoạt của bạn. Nhờ đó tâm linh hoạt thượng đẳng được tôn trọng nhưng không xả diệt hay quá đàn áp tâm linh hoạt hạ đẳng mà kiểm soát, chỉ huy nó. Giá trị đời bạn dần dần được xây dựng lại do những tư tưởng chính đáng, những tâm tình trong sạch, những cử động điềm đạm, những hành vi có hữu thức và những lời nói mực thước.

2. Là lò dào luyện dân tộc nên hùng cường
Một dân tộc muốn được hùng cường phải có chính trị sáng suốt. Nhưng chỉ chính trị thôi mà không có tâm linh dục, dân tộc không sớm thì muộn cũng suy yếu, nô lệ ngoại bang. Những quốc pháp nghiêm cấm, trừng trị đồi phong bại tục, những luật nhà nước ra qui định về kinh tế toàn là những điều ăn phớt ngoài cá nhân. Chúng chỉ cảnh tỉnh cá nhân, chặn cá nhân lại, không cho làm điều ác chớ không có khả năng xây dựng tâm hồn con người cho thiện hảo. Công việc này thuộc lĩnh vực luân lý mà phần hạ là tâm linh dục (phần thượng của luân lý bạn dư biết là nhiệm bí học). Tâm linh dục phải được áp dụng, lương tâm con người mới dễ làm lành lánh dữ, ý chí con người mới nhắm đến hạnh phúc, trí tuệ con người mới nhắm sự thật. Trong một nhà nước mà có cả bộ hình luật nghiêm khắc, có cả đội cảnh sát, có hàng nghìn tù ngục cũng khó bề  giảm được số công dân phạm tội ác, nếu không chú trọng giáo dục về luân lý. Ý chí của người dân yếu đuối, tình dục của họ tất nhiên tung hoành. Quốc gia vì đó có nhiều thanh niên, thiếu nữ trụy lạc. Những nạn ly dị, phá thai thường xảy ra. Nhiều người là kho vi trùng ghê tởm. Như thế có trông gì một dân tộc hùng mạnh không? Hơn nữa người trẻ mà không được phát triển chu toàn về đường trí thức và chí khí cường dũng thì làm sao có được nhiều công dân giàu óc sáng kiến, tổ chức kinh doanh làm giàu cho nước nhà, sao có nhiều đầu óc biết tự tin, biết tranh đấu với người ngoại quốc về mọi mặt? Vậy thưa bạn, một dân tộc muốn hùng mạnh không phải chỉ cần có chính trị mà còn cần – cần đến nỗi không có không được – tâm linh dục là phương pháp rèn luyện con người tận trong tâm hồn cho thành những đầu óc sáng suốt, những trái tim trong sạch, những lương tâm lành mạnh, những ý chí gang thép.

2. Là phương thế khai hóa và bảo tồn văn minh
Cho những dân tộc dã man, bán khai, tâm linh dục là một phương thế giúp họ tiến đến nền văn minh chính đáng. Ở những dân tộc lạc hậu, phần nhiều trong mỗi cá nhân còn nhiều thú tính. Người ta ít ý thức công việc, lời nói của mình. Người ta hành động theo bản năng nhiều hơn lý tính. Cuộc sống xã hội của họ còn “nhám” chưa “lịch sự” đủ. Nhờ tâm linh dục, họ dùng ý chí chế ngự tự động tính và xử đối với nhau bằng thái độ nhẫn nhịn, lời nói ôn hòa, lễ phép. Cho những dân tộc đã được gọi là văn minh, tâm linh dục cũng vẫn cần thiết. Nhờ có nền văn minh chính đáng được bảo tồn. Nó giúp cho con người khỏi mang lốt học thức, mang lốt văn minh mà vẫn có tâm hồn dã man và lối sống mọi rợ. Dân tộc nào đã văn minh rồi mà còn quý trọng nó thì ngày càng văn minh hơn. Trái lại dân tộc nào đã văn minh đến trình độ rất cao mà khinh rẻ nó, chạy theo vật chất, ăn chơi, vô thần, thì nhất định phải suy đồi khốn nạn.

4. Là “ngón thần” của những nhà giáo dục
Bạn có muốn cho con cái của bạn sẽ là danh dự của bạn, là mũ triều, là nguồn an ủi cho bạn lúc bạn trở về già không? Thì bạn cứ triệt để bắt chúng thi hành tâm linh dục ngay từ lúc chúng còn trong xuân trẻ. Theo Auguste Comte mỗi đứa trẻ là một người dã man. Nghĩa là tàng trữ trong mình nó con người “thú”, con người sống theo bản năng nhiều hơn theo lý trí. Biết vậy hãy luyện tập con cái mình có ý chí từ những việc nhỏ đến những việc lớn. Đừng để chúng muốn gì được nấy. Tập cho chúng bỏ ý riêng. Chỉ cho chúng cách tư tưởng độc lập, phán đoán với suy nghĩ. Đừng để chúng có óc nô lệ, hành động vô ý thức. Nên cho chúng một lý tưởng cao cả rồi tập cho chúng mỗi ngày chịu khó chiếm đoạt lý tưởng ấy.

Bạn là những sĩ quan chỉ huy hay là những thầy giáo, bạn cũng có thể dùng tâm linh dục để rèn đúc những quân nhân can đảm, lương thiện ái quốc, tôn trọng kỷ luật, những học sinh siêng năng, không làm mọt sách mà biết tư tưởng theo quan điểm của mình, có ý chí mà không nóng cộc, lễ độ mà không luồn cúi.

Bạn làm tuyên úy những hội đoàn thanh niên thiếu nữ, nếu bạn muốn chúng biến thành những người hướng đạo lành nghề, những cán bộ hoạt động việc tông đồ đắc lực, có đời sống bên trong chắc chắn về thánh đức thì thay vì chỉ lo đi đóng trại, làm tuồng đánh banh, du lịch, bạn thêm việc rèn đúc tâm hồn cho chúng. Bạn hãy coi công việc này là sự sống của các cuộc huấn luyện thì bạn mới mong công trình tuyên úy của mình có kết quả như ý.

Chúng tôi không thể kể cho bạn biết những kết quả mà tâm linh dục đem đến cho những nhà giáo dục cách khác nhau. Một vài bằng chứng trên tạm chứng minh cho bạn hiểu rằng nó rất bổ ích cho nghề “rèn người”.

5. Là nền tảng của nhiệm bí học
Lần nọ có một bực trí thức giầu Tây học nói với chúng tôi: “Bá láp”! Cái loại sách “học làm người” rèn luyện tâm lý cái gì? Vậy chứ mình giữ những điều trong Thánh Kinh, trong Kinh Điển của Phật, của Khổng không đủ nên thánh sao? Tôi mỉm cười, và bực trí thức ấy hình như bây giờ hối hận. Chúng tôi chắc chắn phải chi hồi đó họ hiểu rõ vai trò của tâm linh dục trong việc nên thánh thì họ không làm gì dám thốt ra những lời đáng than khóc trên.

Nhiệm bí học đúng đắn thường có ba giai đoạn hay nói theo những thần học gia, có ba đường: luyện đạo, minh đạo và hiệp đạo.

Trong giai đoạn đầu hay lúc luyện đạo, một tâm hồn có thánh sủng cố gắng tránh xa mọi tội nhẹ để luôn trong sạch hầu chuẩn bị hợp nhất với Thượng Đế. Tâm hồn phải tích cực tranh đấu với tình dục, với thế gian để cõi lòng luôn trắng, luôn đượm mùi hương thánh sủng. Mà luyện đạo này tức là một phần lớn tâm linh dục đấy.

Chương trình của tâm linh học phần nhiều giống với những việc chính của luyện đạo, như chinh phục tình dục, tiết độ , khiêm tốn, nhẫn nại, rèn luyện chí khí, hiền dịu, chịu khó, trong sạch, v.v… Bởi thế ta có thể nói tâm linh dục là nền tảng của nhiệm bí học. Cũng như ai muốn bước chân vào đại học thì phải bước chân vào tiểu học, ai muốn đi đến minh đạo hay hiệp đạo của nhiệm bí học thì trước hết phải qua luyện đạo, phải dùng tâm linh dục mới mong thành công. Có nhiều tâm hồn nông cạn tưởng đâu không cần tu thân chừng muốn làm thánh thì làm. Họ tưởng đâu cứ đọc kinh như vẹt rồi Thượng Đế làm phép lạ cho họ nên thánh mà bất cần sự tu tâm luyện tánh. Quan niệm về nhân đức như vậy là một quan niệm thật sai lầm. Ta phải tận lực đi rồi trời mới giúp ta chứ. Trước khi làm thánh phải lo làm người. Có một linh mục thông thái và rất thánh nói với chúng tôi một câu chí lý: “Đừng tưởng con người cứ lo làm chó làm heo mãi mà trông làm thánh được”. Khi mà giáo hội tính phong thánh một ai, trước hết không hỏi kẻ ấy có đọc kinh nhiều ít mà hỏi coi họ có cam đảm sống theo đường lối nhân đức nào, họ có hành động theo ý chí được soi sáng bởi lý trí không? Ai từng đọc những tiểu sử những thánh công giáo đều biết rằng các bậc này đều là những bậc tu tâm luyện tánh cách đáng phục. Thoạt đầu, lúc còn nhỏ thánh Vincent de Paul rất kiêu ngạo, phách lối nhưng rồi do công tu luyện Ngài trở thành bậc đại thánh có tiếng về đức khiêm từ. Bà thánh Thérèse tự nhiên có tính mắc mỏ hay gây nhưng nhờ mến Chúa, hãm mình, sau cùng quân tử đến nỗi ai muốn làm cho bà vui thì hãy chọc giận và làm khổ cho bà.

Hơn nữa, một người làm sao làm thánh một cách chắn chắn khỏi sai lầm nếu không biết phán đoán chính đính. Không phán đoán chính đính sẽ có một trong những thứ lương tâm sai lạc rất hại cho việc làm thánh: Là lương tâm bối rối, lưỡng lự, hoài nghi, phóng thứ. Không có lương tâm lành mạnh làm sao biết được mực trung dung để hành thiện vì nhân đức bao giờ cũng ở mực trung như thánh Toma bảo “Virtus in med io stat”.

Làm sao nhân đức đến hơi thở cuối cùng để làm thánh nếu không có ý chí đanh thép mà dẻo dai. Con đường làm thánh phải đâu con đường đầy những bông hoa hường, đầy may mắn dễ dàng an ủi.

Mới khởi sự đi đường nhân đức thường được Thánh Linh cho nếm sự ngọt ngào, thú vị thiêng liêng nhưng rồi khi đi sâu vào đàng thánh thiện người ta hay gặp những giây phút khô khan, nhàm chán, sầu buồn. Nếu chúng tôi không lầm thì nữ đại thánh Thérèse đã phải những đêm tối của cuộc đời sống hai mươi năm dằn vặt. Để vượt thắng những cám dỗ ngã lòng, những nổi loạn của xác thịt cần phải có một ý chí hơn người. Mà làm sao để có óc phán đoán đúng đắn, có ý chí dẻo dai để dễ bề nên thánh. Phải nhờ tâm linh dục. Nói như vậy không có ý rằng tâm linh dục siêu vượt nhiệm bí học. Mà chỉ nói phương pháp trước dọn đường cho phương pháp sau thôi. Muốn thành một nhạc sĩ đại tài trước hết phải chịu khó học âm nhạc. Dĩ nhiên quá! Phải không bạn. Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh điều đó là vì chúng tôi thấy rằng không làm gì thành công trong nhiệm bí học mà không tu tâm, và cũng không làm gì sống đời luân lý đáng phục mà bất chấp tâm linh dục (J. Courberiver).

6. Là bí quyết “làm nên” của người bạn trẻ
Rất nhiều bạn trẻ sau khi rời bỏ ngưỡng cửa học đường tưởng rằng cuộc giáo dục của mình đã chấm dứt. Nhưng kỳ thực có phải vậy đâu. Những điều họ học ở dưới hiên học đường, như hơn một lần chúng tôi đã nói, chỉ là vốn học chìa khóa để họ mở cái kho tàng văn hóa bao la của nhân loại. Riêng về đường tâm đức, họ còn phải tự học luôn. Ngoài trường đời, cuộc sống đâu có êm như bàn thạch, đâu có cái gì cũng vô tư, thơ mộng như khi còn gần bút nghiên với thầy cô giáo. Trong cuộc vật lộn không ngừng của xã hội, có rất nhiều cái thực tế rất chua chát để đón nhận nó họ cần phải có một ý chí trui rèn rắn chắc, dẻo dai. Ý chí ấy nếu họ được chuẩn bị trong nhà trường rồi thì ở trường đời cần được thử thách. Giá nó chưa được chuẩn bị thì chính lúc lìa bóng học đường họ phải lo cấp tốc luyện tập để “làm nên”. Ngoài ra ý chí, người bạn trẻ còn cần nào là sáng kiến, phán đoán ngay thẳng, sự tự chủ. Tất cả những cái ấy giúp họ tổ chức đời sống, hướng dẫn hành động của mình. Mà làm sao cho có được? Dĩ nhiên là nhờ tâm linh dục. Thầy giáo không dạy cho ta thì thôi chúng ta sẽ cố gắng tự lập. Sức cố gắng của chúng ta sẽ không hoài công vì khi chúng ta nên người đường hoàng chúng ta sẽ thấy đời có nhiều hạnh phúc và công việc của chúng ta kết đầy những hoa quả thành công.

7. 
Là nguồn nhựa sống mới cho tuổi già
Và buổi tang du thường con người nhàm chán đời sống. Nhà văn Sertillanges trên tám mươi tuổi mà nói rằng mình luôn còn trẻ, còn ham sống và bí quyết là ham làm việc luôn, là viết quyển sách này xong thì khởi sự cuốn khác. Mấy ai về già mà có tâm hồn trẻ trung như tác giả cuốn “La Vie intellectuelle”[1]. Những tâm hồn già cỗi hay buồn rầu vì thấy cuộc đời quả là một suối lệ chảy thao thao và nhất là vì thấy cái chết sao ghê gớm quá. Đôi khi người ta nghĩ đã có một thời gian mình không có trên mặt đất thì rồi đây sẽ có một thời gian mình vắng bóng thiên thu. Tuổi già lắm khi cũng đau quặng cõi lòng vì phải bệnh tật, vì thấy con cái nghèo đói, thất bại, bội bạc, chia ly, chết chóc. Cái tinh thần cứ xuống của lớp người đang xuống ấy làm sao cứu vãn? Làm sao đem lại cho tuổi tang du âm u sầu não một ánh mặt trời hy vọng sáng láng, vui tươi. Thì dùng tâm linh dục. Nó chắc chắn là nguồn nhựa sống mới của tuổi già. Nhờ nó bậc cao niên có chí khí cường dũng chịu mọi thử thách của đoạn đời tàn tạ. Nó giúp họ mở những nụ cười hoan lạc, hăng hái sống, hăng hái tu thân tích đức, trên những nếp nhăn, con đẻ của thời gian gió bụi. Tuy da thịt của người già dã mòn mỏi đi nhưng nhờ tâm linh dục chúng sẽ được bọc bên trong một tâm hồn dám ngó cái chết bằng cặp mắt của Socrate và lúc nào cũng anh dũng lợi dụng cuộc đời để làm ích cho xã hội và xây đắp hạnh phúc bất tận cho cõi lai sinh của mình.
 
8. Là “gân lực” của những bệnh nhân
Thưa bạn! Có lẽ vì bạn và chúng tôi được duyên may khỏi nhiều thứ bệnh tật rùng rợn, nên nhiều khi chúng ta ít nhớ đến bao bệnh nhân đang vô cùng khốn nạn, đang oằn oại đau thương trên giường chết. Bạn ơi! Hiện giờ đây có không ít người vì chiến tranh đã mất đi tay chân khi thân thể còn sôi trào nhựa sống xuân xanh. Có biết bao thân xác gầy còm như mắm và buồng phổi hủng hơn cái rổ. Cũng có biết bao linh hồn trong sạch như băng nhưng lại bị nhốt trong những thân xác phong hủi không còn lỗ mũi, da mặt. Thưa bạn, làm sao chúng tôi kể hết cho bạn những thứ bệnh tật của nhiều ngời xấu số bây giờ đang chịu có lẽ thế cho bạn và chúng tôi. Chúng tôi chỉ kể sơ những thứ bệnh trên để hỏi bạn điều này. Là trong khi khốn cực chịu đau bệnh như vậy ngoài thần lực ra, bệnh nhân làm sao chịu nổi với sức đay nghiến của khổ đau, sức trách móc của sầu buồn, sức hiếp đáp của bi quan và cô đơn. Chắc chắn họ phải cần một ý chí như gang. Và cho có được ý chí ấy chắc chắn phải cần nhờ tâm linh dục. Với tâm linh dục họ sẽ có một tâm hồn thật điềm đạm, coi đau khổ ưu phiền như cỏ rác. Họ cắn răng chịu sự áp bức của bất công để tìm trong đau khổ chút hạnh phúc và nhất là họ chọi nhọc nhằn để góp công cùng Đấng Cứu Thế là người đã vì họ chịu vô vàn khổ muộn đau thương.

9. Là phương thế đào tạo những công dân xứng đáng của một nước thật sự dân chủ
Trong một nước dân chủ, bạn biết, không có vấn đề bị cai trị dưới những bàn tay độc tài. Người dân của quốc gia dân chủ không phải là những con người máy, chỉ biết vâng lời mù quáng một ý muốn nào đó. Hai chữ dân chủ chúng tôi hiểu ở đây không phải là thứ dân chủ bánh vẽ, giả hiệu của những tay lãnh tụ chính trị cáo già, độc tài, khát máu chủ trương dùng bịp bợm, ma túy quần chúng. Trong một nước dân chủ thực sự, chính người dân cai trị lấy mình. Dĩ nhiên là có quốc hội, một cơ quan gồm những người quyết định về luật pháp của nước. Nhưng các thành phần cấu tạo nên quốc hội là những người của dân tự do đưa lên. Trong mọi nghành hoạt động chính trị đều có sự tham gia ít nhiều của dân chúng. Mà cho có được người dân sáng suốt hành động, nắm giữ chu đáo guồng máy chính quyền, trước tiên họ phải có đầu não được giáo luyện đầy đủ, phải biết tự chủ và tự khiển. Theo Montesquieu, trong một nước cộng hòa dân chủ, điều hệ tại là người dân phải có đức. Muốn một nước tự trị, dân chủ mà người dân không biết khôn ngoan, không có ý chí mạnh mẽ là muốn sự hoan lạc và hỗn độn mà thôi. Lời nói của các tác giả sách Đại học: Tu thân… trị quốc, phải được áp dụng triệt để trong một nước cộng hòa dân chủ. Mà làm sao áp dụng nếu không dùng tâm linh dục. Chính sự giáo dục này sẽ đào luyện cho quốc gia những công dân chân thành yêu nước, biết phụng sự vận mệnh quốc gia, phục vụ cho quyền lợi quốc dân. Chính tâm linh dục rèn đúc cho cơ quan hành chính những cán bộ, những lãnh tụ cần, kiệm, liêm, chính. Chính lối rèn đúc tâm hồn này nhồi nắn cho dân tộc nuhững quân đội gồm những tướng sĩ coi cái chết nhẹ như lông hồng, gồm những sĩ tốt dám thề lấy da ngựa bọc thây để phụng thờ sông núi. Một lần nữa, chúng tôi ước muốn những người có phận sự giáo dục quốc dân nên mau mau cho vào chương trình quốc gia giáo dục môn học làm người và cách riêng ngành tâm linh dục. Bắt buộc giáo viên, giáo sư rèn luyện cho tuổi xuân những môn học này chu đáo là chính phủ biết làm cho nước nhà mau tiến đến trình độ văn minh chân chính, khả quan. Lẽ dĩ nhiên tiền đổ ra tốn phí vì những môn học ấy sẽ làm cho chính phủ bớt tốn tiền nuôi nhiều lính cảnh sát, xây cất nhiều nhà thương điên, nhà tù, trại giáo hóa…

10. Là nguồn hăng hái hoạt động
Cha De Tourville nói: “Chúng ta sinh ra già khằng rồi chúng ta chết yểu”. Có lẽ vì tiền, thời đại của chúng ta có rất nhiều những người tuổi còn xuân trẻ mà thân xác trông rất cằn cỗi và tâm hồn chí cực già nua. Có lẽ vì quá lo lắng, vì quá trụy lạc, vì không biết giữ gìn sức khỏe nên nhiều thanh niên chưa sạch máu đầu là đã có tướng bộ của kẻ ngoài bảy mươi. Người ta thấy những nét nhăn nheo của mặt, những mí mắt mỏi mòn, đôi môi xám chì, sắc da vàng bủng báo hiệu một kiếp sống tàn tạ như những lá già về thu vàng úa. Rồi lại có những tuổi trẻ, đời gởi nhiều hy vọng, lại có đầu óc đáng thương tiếc làm sao. Họ thấy cuộc đời nhiều gia góc quá. Bao nhiêu công việc của họ gặp toàn là những trở lực, những mỉa mai, chỉ trích của người xung quanh. Dĩ vãng của họ, họ coi như cả một đêm mù tối và chỉ gây cho họ những hối tiếc chua cay. Cuộc hiện tại của họ đầy những khó khăn, đầy những bài toán rắc rối. Tương lai của họ như một màn sương sữa trên biển bao la. Họ không còn thấy một lý tưởng nào có thể cất tâm hồn họ lên khỏi hối bi quan sâu thẳm. Trí não của họ rối ben, uể oải, buồn rầu, thất vọng, và họ ngáp cuộc đời một cách đau xót, cô liêu…Thưa bạn, cho những thân xác già trước tuổi, cho những cõi lòng già trong tuổi trẻ ấy, thiết tưởng tâm linh dục là một liều thuốc hoàn xuân rất linh nghiệm. Tuy dầu có thân hình kiệt quệ về sức khỏe, có tinh thần bi quan, nếu ta biết quật cường, biết rèn luyện cho mình một ý chí mạnh mẽ thì ta vẫn có thể có sự hăng hái sống và hoạt động thành công. Sự trẻ trung của một con người đâu phải chỉ căn cứ ở mái tóc xanh, ở vai u thịt bắp, ở gò má hồng hào, mà còn ở tâm hồn lạc quan nữa. Dù ta ốm yếu, nếu ta lạc quan sống ta cũng thấy hăng hái tìm mọi cách để tìm lại sức khỏe. Dù ta bị nhiều phong trần nếu ta hăng hái sống, ta cũng vẫn còn hy vọng thành công rực rỡ ở ngày mai. Ta hãy biết lợi dụng tâm linh dục như một lợi khí rèn luyện lại cho tâm hồn suy nhược của ta chí khí. Ta cương quyết chiến thắng những rủ rê của những tính ươn hèn, của sự bạc nhược, của lòng thất vọng, của những tập quán làm cho đời ta dần dần không thích hoạt động, không ham tranh đấu. Tức tốc ta tạo trong tâm hồn ta một sức khỏe tinh thần để sống chu đáo cảnh sống hiện tại. Mạnh tay ta khóa chặt dĩ vãng đầy thất bại, ưu buồn và ta thấy trong hiện tại hình ảnh của một ngày mai huy hoàng. Ta tin chắc rằng nhờ tâm linh dục ta sẽ tiêu trừ con người cũ bi quan, thất bại của ta để mặc lốt con người mới đầy nhựa sống, sôi trào tình yêu đời, yêu nhân loại, lúc nào cũng hăng hái đấu tranh cho một lý tưởng tuyệt vời cao cả.

11. Là bí quyết gây hạnh phúc
Một người hạnh phúc thật là người giữ được sự diềm đạm trong tâm hồn cũng như sự điềm đạm ở ngoại thân. Nhờ sự điềm đạm tâm hồn, ta tiêu diệt hết mọi mỗi lo lắng, ưu sầu, băn khoăn bối rối, hoài nghi cũng những lý tưởng hắc ám, tất cả là con đẻ của cuộc sống đầy nước mắt. Chúng như bầy sâu rút rỉa tâm hồn ta lúc nào cũng ở không yên. Ta ăn không khỏe, ngủ không ngon cũng vì những con mọt đáng sợ ấy. Sự điềm đạm giúp ta tiêu trừ chúng và tạo lại thế quân bình trong cõi lòng. Đời ta nhờ đó cảm thấy thanh nhàn. Hạnh phúc là đó. Vẫn hiểu có thể ta bị thất bại, ta bị chỉ trích, ta sẽ bị đau, ta sẽ chết. Nhưng đức hiềm đạm bảo ta dù ta bị các thứ ấy ta vẫn bắt chước Socrate mà giữ vững sự thản nhiên cho tâm hồn hạnh phúc. Ta thản nhiên vì ta biết nếu ta phải bị khổ mà sau khi ta chuẩn bị, cố gắng thoát khỏi rồi không được, thì dù ta thức suốt sáng để lo âu, bỏ ăn để ưu sầu ta cũng không khỏi khổ được. Vậy một mặt cố gắng chuẩn bị cách khôn ngoan cho ngày mai, chuẩn bị chứ không phải bối rối, bồn chồn, mặt khác ta cứ thản nhiên sống cho đời táung sướng. Hơn nữa, nhờ sự  điềm đạm ngoại thân, ta ít cử động cách vô ích, ta không náo động như múa men tay chân, gật đầu, trợn mắt, trề môi… Thân thể ta ít tốn khí lực và do đó còn nhiều sức khỏe. Mà thưa bạn, làm sao cho có sự điềm đạm vừa nội tâm vừa ngoại thân. Thì có gì khó lắm đâu thưa bạn. Hãy dùng tâm linh dục thôi. Loại giáo dục này sẽ đem nguồn hạnh phúc chân chính lại cho ta, thứ hạnh phúc không phải ngoại lai, căn cứ trên tiền của, chức quyền, danh dự mà nội tại căn cứ trên tâm hồn, trên sự thư thái, vô tư, vui vẻ. Một điều căn bản này chúng ta nên để ý là hạnh phúc của con người thường không tùy đối tượng mà họ theo đuổi, song thường tùy những phản động tâm lý của họ. Bạn có thể nói mà không sợ lầm rằng hạnh phúc cách chung là cái gì chủ quan. Hai người nọ yêu một người nào đó – đối tượng tình yêu của hai người có một thôi. Song có thể một người nghe hạnh phúc vì yêu mà trông cậy chiếm hữu được người yêu. Trông cậy vì một hai lý do gì đó nhưng chưa chắc… Còn người kia cũng yêu tha thiết nhưng sao thường nghe khổ vì hồ nghi bị bôi bạc, bị bỏ rơi…Vẫn hiểu rằng cho được hạnh phúc cần phải có đối tượng của hạnh phúc. Người ta không sao trông gì gặp được thứ hạnh phúc không không, hứa hẹn ở Niết Bàn. Nhưng hạnh phúc trước tiên là do ta chứ không phải tùy ở ngoại giới. Napoléon  lúc tung hoành trong chiến thắng nhiều lúc rên khổ. Song khi cô lẻ ở đảo Sainte Helène đoi khi vẫn thấy hạnh phúc vì có … con rùa. Pellisson ở trong tù cũng cảm thấy sung sướng được vì có con nhền nhện dệt lưới làm bạn. Chúng tôi có quen một “bà lớn” ở miền quê Việt Nam. Nghe nói bà lớn chắc bạn biết được chúng tôi mói bà gì rồi. Đó là bà phủ rất giàu có, chủ điền của mấy trăm mẫu đất vừa vườn vừa ruộng. Chúng tôi thường đến thăm bà và không lần nào đến mà không nghe bà than khổ. Bà nói sao nó mệt quá, sao nóng nực quá! Sao thằng ở nó chậm quá, sao con bếp nó ngốc quá, sao nó nhức từng lóng tay lóng chân. Mà bạn tưởng bà làm việc gì nặng nhọc lắm sao? Không. Từ ban thái tảo cho đến tối hình như bà chỉ ăn – nằm – lết vãn gõ – ngoáy trầu – “tán dóc”, sai đầy tớ.

… Thì ra đối tượng hạnh phúc của “bà lớn” là chức quyền, điền viên, tiền bạc, thực phẩm không làm cho bà hạnh phúc và cũng không làm cho bà khổ. Mà bà khổ chỉ tại vì bà cảm thấy khổ mà thôi.

Tôi cũng được hân hạnh quen với một nhà nho nọ. Ông là người thuộc lớp ông cha chúng ta, có một tinh thần cách mạng không gặp thời, thất chí, tìm nơi sơn cốc ẩn thân để giữ thanh danh của mình. Ông sống một cuộc đời gọi là rất nghèo khổ. Nhà là một mái lầcf bấp “hột gà” soi bóng đặt nền. Quanh năm ông trồng thuốc, bán được chút ít tiền để sống. thế mà lúc nào tôi cũng đến viếng ông để thọ đôi điều chỉ giáo, thì đều thấy ông vui cười hớn hở, tỏ ra rất bằng lòng, rất sung sướng với điều kiện sinh sống của mình. Ông khoe cái ống điếu bình trên 30 tuổi của ông. Ông cắt nghĩa cách trồng thuốc, ông dạy cách ướp thuốc. Ông phẩm bình cả Lục Vân Tiên nữa. Và bạn để ý cho: khi ông nói, ông ngồi cách trịnh trọng trên manh chiếu rách đậy cách cẩu thả bộ vạt tre cũ kỹ. Xen vào những câu nói chậm rãi, ung dung hớp những ngụm nước…xa kê và tỏ ra có cuộc đời sung sướng. Hồi còn bé, chúng tôi cho ông già này là thứ người khốn nạn. Nhưng khi lớn tuổi, giao tiếp nhiều với ông chúng tôi mới nhận ra chân lý này là: hạnh phúc con người tùy ở con người rất nhiều, tùy ở ý tưởng của con người đối với sự thật và ý tưởng khoái lạc là con đẻ của sự lạc quan.  Muốn có tinh thần lạc quan, người ta cần tập có óc thích nghi với hoàn cảnh mà mình sống. Nhưng thích nghi không phải việc dễ làm. Cuộc đời có rất nhiều bề trái chua chát. Những nghịch cảnh trong cuộc sống đã làm nhiều người bi quan. Chamfort oán ghét cuộc đời đến nỗi nói: “Thế gian là tác phẩm của quỉ điên”. Để đón nhận được những cái trái mắt chướng tai phải có một chí nhẫn nại không phương thế nào hay hơn là dùng tâm linh dục. Chịu khó thi hành khoa học này, ta sẽ có óc dẻo dai, ngó sủng lệ cách lạnh nhạt, cười trước mọi thử thách của trần thế và tâm hồn lúc nào cũng nhàn nhạ sướng vui.

 
12. Là bí quyết để thành công
Những bậc thành công danh tiếng trên đời như Giêsu – Khổng Tử - Théodore – Roosevelt – Lyautey đều là những người dẻo dai làm việc, xử thế rất tài tình. Mà những bậc người trên đây đây phần nhiều có phải tự nhiên vậy đâu. Nói Giêsu là Chúa Trời thì thôi, còn những bậc trên kia cũng phàm nhân như ta, tuy họ có thiên bẩm nhưng chắc chắn cũng do công phu họ rèn luyện đời sống tâm linh của họ rất nhiều. Nhờ tâm linh dục người ta súc tích khí lực, tập trung tinh thần nên công việc có hiệu năng như ý. Rồi công việc không phải mình ôm lấy thi hành một mình mà phải cậy nhờ kẻ khác công tác. Muốn được nhiều người cộng tác đắc lực phải có thuật dụng nhân. Bí quyết cột trụ của việc dụng nhân là sự đắc nhân tâm, một bí quyết để có được phải nhờ sự rèn luyện tâm tính.

Đó là chưa nói để được thành công ta cần phải sáng suốt tổ chức công việc như hệ thống hóa những bổn phận, kiểm soát những trách nhiệm… Mà muốn tổ chức sáng suốt đâu phải chỉ lo học hành cho cao. Ta cần nhất phải tập suy nghĩ kỹ, phán đoán chín chắn, khôn ngoan dự phòng và dè dặt trong mọi trường hợp. Nếu chịu khó thi hành tâm linh dục thì trí não chúng ta chắc chắn sẽ được sáng suốt và công việc của ta trên đường đời dễ thành công.

13. Là bí quyết gây ảnh hưởng
Thiếu gì khi người giao tiếp với bạn mà không làm cho bạn kính phục, thích mến, không thuyết phục được bạn và không thay đổi được hành động của bạn. Bạn nhớ lại đi. Thiếu gì. Và chúng tôi dám quả quyết với bạn rằng sở dĩ họ không ảnh hưởng được bạn như vậy một phần lớn là vì họ không được giáo luyện đầy đủ về tâm tính. Có nhiều lý do làm cho bạn không kính phục, yêu mến, vâng lời họ nhưng phần chắc vi họ xử đối với bạn không lịch sự đủ, họ không quý trọng bạn, họ tưởng chỉ mình họ có lý và lý lẽ của họ là những điều phi lý. Là con người không lịch sự nên tiếp xúc với bạn họ ăn nói thô lỗ, quê mùa. Họ ra bộ tịch vụng chạc. Họ nói như bắp rang. Trong cách hút thuốc, cách uống hay cách ngồi, cách đứng tỏ ra là người bị chi phối bởi thú tính. Một con người như vậy làm sao bạn phục được?

Lúc bàn chuyện cùng bạn họ chỉ thảo luận về cái tôi của họ, về những chuyện hay thành công của họ. Họ hay chê bạn bất tài, thiếu học, ít khôn ngoan. Họ bất kể những quyền lợi, những cố gắng, những ưu điểm và hành động của bạn. Nói tóm lại họ không coi bạn là người ra gì? Dĩ nhiên ai yêu mến được kẻ khinh chê mình hả bạn.

Khi có vấn đề gì thắc mắc, họ thảo luận theo sự chi phối của tình dục. Họ hay nổi cộc. Không kể gì sự suy nghĩ, họ phán đoán vấn đề theo tình cảm, theo sự nhận xét góc cạnh, mặt ngoài. Bao nhiêu lý lẽ của bạn đưa ra họ dùng lý luận độc đoán, cộc cằn bẻ hết. Trên nhiều điểm họ thất lý mà vẫn ngoan cố bảo thủ điều phi lý của mình. Sau bao lần giao tiếp cùng bạn, họ xử đối với bạn như vậy. Cuối cùng bạn chẳng những không nghe theo họ mà còn coi họ rẻ như cỏ rơm. Mà tại sao họ thất bại thê thảm như thế. Thưa bạn! Chỉ vì thiếu tâm linh dục thôi. Nếu đã thi hành tâm linh dục thì họ có tinh thần rất mềm mỏng, có lối xử thế lịch sự làm cho bạn nhận ở họ một con người văn minh thật. Bàn chuyện cùng bạn, họ quên mất cái Ngã của mình, không đề cập đến quyền lợi của mình mà chỉ thảo luận về bạn. Họ cho bạn là quan trọng. Họ cũng trình thuyết những lý lẽ của họ để lừa sự thật nhưng chỉ trình thuyết những lý hợp lý và bằng cách đắc nhân tâm. Họ có thái độ hòa hoãn, vui vẻ nhìn nhận những lẽ phải của bạn và can đảm phục thiện khi biết mình nói điều sai quấy.

Chúng tôi không thể kể hết cho bạn những kết quả của tâm linh dục – những kết quả tạo cho người thi hành nó có nhân cách đáng mến phục – mà chỉ kể vài kết quả ở trên thôi. Tưởng bấy nhiêu ấy cũng đủ làm cho bạn nhận thấy rằng trong việc gây ảnh hưởng ở người mình tiếp xúc tâm linh dục giúp chúng ta không ít.


Bài lần tới:  Phương thế của tâm linh dục

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt
 

[1] Cuốn: Đời trí thức, xuất bản trong tủ sách “Tôi tự học” ngăn “Giáo dục”.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc