banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

BÍ QUYẾT LUYỆN ĐỨC DŨNG: LOẠI TRỪ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

Đăng lúc: Thứ hai - 11/02/2019 21:52 - Người đăng bài viết: menthanhgia
BÍ QUYẾT LUYỆN ĐỨC DŨNG: LOẠI TRỪ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

BÍ QUYẾT LUYỆN ĐỨC DŨNG: LOẠI TRỪ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

Bí quyết rèn Đức Dũng: loại trừ cảm xúc tiêu cực, tránh dùng thực phẩm gây kích thích, tập sống lạc quan

Không thể có một người có nhân cách đáng phục, nghĩa là có chí khí trong từng lời nói, cử chỉ, hành vi mà trong tâm hồn không có nghị lực. Muốn có nghị lực phải một mặt tiêu trừ những nguyên do làm tổn hại nguồn lực tâm can (forces psychonerveuses) của ta, mặt khác là bồi bổ khí lực. Chúng ta biết tất cả hoạt động của ta đều được trợ tiếp về khí lực bởi tâm linh hoạt và thần kinh hệ. Thần kinh hệ thực ra không phải tự nó sản xuất khí lực mà nó chỉ huy cho những tế bào là những cơ quan súc tích nguồn động lực sinh lý hóa sinh ra bởi những thực phẩm được tiêu hóa. Cũng chính nguồn động lực sinh lý hóa này là điều kiện cho đời sống tinh thần của ta. Tuy dầu tâm tình, ước vọng, tư tưởng của ta không phải do vật chất mà ra nhưng nếu không có động lực sinh lý hóa thì không thể có được. Chúng làm điều kiện chớ không phải chúng chỉ huy. Chỉ huy là thần kinh hệ là tâm linh hoạt. Tất cả hai yếu tố nầy được điều khiển bởi một cơ quan tối thượng là bộ óc. Vậy nếu muốn phong phú hóa nguồn lực tâm can thì ta phải khai trừ tất cả những gì làm cho bộ óc ta mệt nhọc một cách vô ích.

Chúng ta nên cố gắng tránh những thực phẩm lâu tiêu vì sự chậm tiêu hóa làm cho óc não ngầy ngật. Những món ăn uống kích thích thần kinh quá như tỏi, ớt, cà phê, rượu mạnh ta nên dùng vừa phải thôi. Các chất nầy bị lạm dụng sẽ làm cho thần kinh hệ mất quân bình, khiến ta náo động nhiều quá.

Hãy tránh cho tâm thần của chúng ta những tư tưởng, những  tâm tình mà chúng tôi tạm gọi là những ung nhọt của tâm thần hay nói đúng hơn là những “lỗ mọt” của nguồn lực tâm can. Chúng ta thường để hồn mình lưu lạc trong bóng tối dĩ vãng.

Nằm đêm một mình, gác tay lên trán, ngồi cô liêu nơi bàn viết, cắn móng tay. Chúng ta hồi tưởng lại những lỗi lầm xưa. Chúng ta tưởng tượng lại những sơ sót những vụng dại. Bao nhiêu lời ngạo nghễ phê bình vu cáo của kẻ khác đối với ta, bao nhiêu thái độ lạnh nhạt, cái ngó khinh người của kẻ nọ người kia đối với người ta thân thích, rộn rịp kéo về xâm chiếm não nhớ ta. Ta âu sầu, tức giận, hối tiếc. Ta mưu tính việc phục thù. Ta hồ nghi sự phản động của địch thù ta, ta lo sợ tai nạn rồi đây xảy đến cho mình khốn khổ. Lúc nãy mình nói hành nói xấu một người nọ, có chức có quyền không biết họ có nghe không. Chúng ta hồi hộp “mất tinh thần” có nét mặt tang chế. Thưa bạn tất cả những tâm tình, tư tưởng chìm đắm trong bi quan, trong dĩ vãng đen tối ấy xin bạn hãy nhanh chóng loại trừ nó thẳng tay. Chúng là kẻ thù của tâm lực. Chúng cám dỗ bạn làm cho bạn khổ tâm, làm cho bạn yếu đuối để rồi không còn dũng khí hầu sống anh hùng.

Thanh trừ những thù địch của nguồn lực tâm can ấy rồi bạn hãy tạo ngay cho tầm hồn mình một bầu khí thanh bình, vui vẻ. Cái mà những nhà đạo đức công giáo gọi là sự tĩnh tâm, xin bạn hãy cung cấp cho mình. Nhóm lại tức tốc trong đầu óc bạn ngọn lửa lạc quan. Dĩ vãng là dĩ vãng. Nó đầy tội lỗi, đầy lầm lạc, đầy oán thù, đầy thất bại, đầy xấu hổ à? Giá có vậy đi nữa, bây giờ lỡ rồi làm sao tránh khỏi. Có ai đi hốt một tô nước đổ trên đống cát không? Bạn hãy đánh trên dĩ vãng của bạn một con dấu chéo và hét lên một tiếng “Quên!”. Bạn hãy quên phức đi tất cả thời đã qua. Lo sống cách hăng say cuộc sống hiện tại. Chính hiện tại mới đáng kể vì đời ta có giá trị hay không là tùy ở nó; nó cũng là mẹ đẻ của tương lai. Ta hãy mạnh mẽ, tích cực reo cười sống nó. Nhờ sự quật cường như vậy, tâm thần bạn trở nên thư thái. Nghị lực tựu tập lần lần.

Một thứ quân thù nữa của nghị lực là già hàm. Chúng ta tự nhiên thích nói thao thao bất tuyệt. Chúng ta đem tâm sự của mình ra bàn luận cho người khác nghe. Chúng ta hy vọng được an ủi, được nhẹ nhàng trong tâm trí. Chúng ta khoe khoang vốn kiến thức của mình. Ai hỏi ta về những ngành học mà chúng ta sở trường hay biết chút ít, chúng ta nói không kịp thở. Chúng ta rất thích cướp lời của kẻ khác để cãi lộn. Được một vài tin tức gì lạ, chúng ta nghe ngột ngạt, nghe cần “diễn thuyết” cho thiên hạ nghe. Chúng ta cũng hay đa ngôn để đàm tiếu về kẻ khác. Không có chủ để để bàn luận thì chúng ta chỉ trích, vạch lá tìm sâu, giả bộ thương hại kẻ nầy người kia rồi trách móc họ sao như thế này mà không như thế nọ. Chúng ta cũng ưa đem những khuyết tật, những khuyết điểm tự nhiên của kẻ khác như lé mắt, méo miệng, què chân ra để trào phúng. Khi học hỏi được điều gì hay, khi tìm được một lý tưởng nào chúng ta không thể chậm chậm chờ đợi sự thi hành mà khoái trá đi “thuyết trình” cho kẻ xung quanh. Hình như ai chúng ta coi là tri âm, tri kỷ cả. Lúc đa ngôn ta không còn tự chủ nữa, mà để trí não cho tưởng tượng, tình dục, bản năng chi phối. Tâm thần ta nao động. Thể xác chúng ta quá vận động. Vì thế khí lực của chúng ta bị tiêu tán rất nhiều. Nếu muốn nghị lực dồi dào xin bạn hãy hãm khẩu. Ít nói! Ít nói! Đó là khẩu hiệu của bạn. Bạn vẫn bặc thiệp trên đường xã giao, vẫn không phải lù khù mà câm như hến, nhưng bạn không nói tia lia, mà nói với tất cả  sự suy nghĩ về lợi ích. Bạn chỉ nói những điều cần nói cho kẻ cần nghe, vào những nơi lúc cần nói mà thôi. Sự trầm lặng ngoài miệng ảnh hưởng đến sự trầm lặng nội tâm, làm cho khí lực của bạn tích lũy phong phú.

Cảm xúc! Đó là một kẻ thù không đội trời chung nữa của nguồn nghị lực. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta nhiều lần bị kích động và cảm xúc cuồng nhiệt. Lời chúng ta nói chân thành lại bị kẻ dã tâm bẻ lại và cắt nghĩa sai. Chúng ta sống đường hoàng, đứa tiểu nhân ganh tị, vạch lá tìm sâu, bôi nhọ danh tiếng ta. Như thế, chúng ta không nổi nóng sao được? Công trình của chúng ta xây đắp bao năm bỗng một ngày nọ tan tành! Cõi lòng chúng ta như bị trăm nghìn ngọn dao đâm thủng. Đang đi trên con lộ, vô ý chúng ta đạp trên đuôi một con rắn mái ngầm. Lạnh lạnh, ngoa ngoe! Trời ơi! Trái tim đập thiếu điều rụng xuống đất. Một bóng giai nhân, một tài trai mơn trớn trái tim đầy xuân tình của ta. Ta đang sống trong những giây phút chờ đợi sự gặp gỡ. Tình yêu nóng ran cả lồng ngực và ta ước vọng được yêu lại, được gặp gỡ để trao đổi. Chúng tôi không thể kể hết cùng bạn những trường hợp mà chúng ta bị cảm xúc. Điều chúng tôi muốn nói với bạn là trong cuộc sống chúng ta thường hay gặp những nguyên nhân hoặc nội tại hoặc ngoại lai làm cho mình cảm xúc mạnh mẽ. Những khi bị cảm xúc như thế, nếu chúng ta dễ dàng làm mồi ngon cho tình cảm thì nguồn khí lực của chúng ta rất bị tổn hao. Bạn hãy dùng sự tự chủ kiềm hãm tất cả những cảm xúc lại. Hành động tự chủ này chúng tôi không thể diễn ra cùng bạn bằng lời nói được. Nó là cái gì cầm lại, trì lại của tinh thần, của ý chí tự do. Do sự luyện tập thường xuyên bạn sẽ thi hành được chắn chắn. Nhờ sự tự chủ, tinh thần của bạn sáng suốt, chỉ huy những hành động của bạn, giúp bạn tránh khỏi những thất bại mà sự cảm xúc có thể xô đẩy bạn té vào. Trong những khi bị cảm xúc dày vò mà bạn tự chủ thì không phải nghị lực bạn bị tiêu trầm mà bạn cường dũng hơn những khi bình thường không có cảm xúc. Nhưng nếu bạn thấy khi có một cảm xúc, mình khó bề tự chủ thì có cách hay hơn hết là bạn tìm cách tránh những trường hợp mà bạn hay bị cảm xúc. Ai không chịu nổi sức ma túy của rượu thì đừng uống rượu phải không bạn?

Sự mệt mỏi thái quá? Không thể bàn về những nguyên nhân làm hao tổn khí lực mà tôi quên bàn cùng bạn về sự mệt mỏi thái quá. Bạn dư biết rằng thể xác ảnh hưởng tâm thần ta rất nhiều. Từ xưa Juvénal chẳng đã nói: “Tinh thần tráng kiện trong thể xác tráng kiện”. Những khi bạn làm việc tổn hại sức quá như nhiều đêm thức trắng để viết văn, để trang trí một phòng triển lãm, khi từ sớm mai đến tối cặm cụi dệt, may, đọc sách báo… tâm thần của bạn mất đi sự quân bình, thần kinh hệ quá căng thẳng. Vào những lúc ấy bạn rất nghèo nghị lực. Bạn cảm thấy đời sao đen tối quá, cuộc sống sao lờ đờ tựa một bóng diều trên nền trời thu tàn. Ai có bàn cùng bạn những vấn đề thắc mắc bạn không mấy quan tâm. Nhựa tranh đấu như khô cạn hẳn trong huyết quản của bạn từ lâu. Tâm hồn của bạn sở dĩ uể oải như vậy chắc chắn tại thể xác của bạn không được mạnh mẽ. Muốn cho nó dồi dào nhựa sống trở lại, bạn cần phải nghỉ ngơi. Bạn phải ăn uống đầy đủ, ngủ cho thật nhiều, tìm nơi thoáng khí thập thể dục, thở cho dài. Cương quyết đừng khi nào làm việc đến mệt nhừ.

Rủi những khi bị đau ốm, tinh thần bị xuống, bạn đừng để những ý tưởng hắc ám lôi cuốn mình bi quan về đời sống. Dù cơ thể yếu liệt, tâm thần bạn hãy luôn tự chủ, luôn nuôi nấng bằng những ý tưởng lành mạnh, đầy sức khỏe siêu nhiên. Nhờ đó khi lành mạnh, bạn vẫn có đủ khí lực để tranh đấu với cuộc sống.

Sau hết, muốn giữ gìn sức khỏe đầy đủ để luôn giàu có nghị lực, bạn nên giữ đúng vệ sinh, sống nơi có giàu dưỡng khí, ăn uống đồ tự nhiên nhiều hơn là đồ chế tạo. Dùng rau cải, cá hơn là thịt. Tránh những món ăn, vật uống làm hao tổn sức lực hay kích thích nó thái quá. Lúc đau ốm tìm bác sĩ lành nghề. Mỗi đêm ngủ ít nữa 8, 9 giờ. Trong chương trình làm việc nhớ ghi giờ giải trí. Lúc làm việc hãy làm với tất cả sự bình tĩnh. Nên lấy câu này của người xưa làm khẩu hiệu cho cuộc sống: “Quân tử thảng đẳng đẳng tiểu nhân trường kích thích”. Đừng quên rằng thường người ta mệt mỏi không phải vì làm việc nhiều mà vì vội vàng, luýnh quýnh, chạy nước rút.

Riêng về tâm thần, bạn có thể tích lũy nghị lực một cách tích cực bằng sự ý thức về mọi nhịp điệu của cuộc sống mình. Điều này chúng tôi đã nói nhiều ở phần I. Từ giây phút này bạn hãy cương quyết kiểm soát kỹ lưỡng, gắt gao những tư tưởng, tâm tình ước vọng, mơ mộng, cử chỉ, thái độ hành vi, lời nói của bạn. Bạn hãy cố gắng tỉnh thức, hiểu biết mình đang tưởng, đang cảm xúc, đang cử động, đang hành động và nói năng. Tất cả những công việc này nó là do ý chí của bạn và được trí khôn bạn soi sáng chớ không phải là con đẻ của tự động tính và có một cách vô ý thức.

Tóm lại, nhờ những phương thế trên, bạn tạo cho mình một nguồn nghị lực phong phú. Khi bạn có nghị lực phong phú, tâm hồn bạn rất cường dũng. Bạn không có sự lười biếng, qua đôi mắt bạn một con người đáng khâm phục, vì dũng khí của bạn tạo cho bạn một nhân cách ảnh hưởng mạnh mẽ đến kẻ khác.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc