banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

BÍ QUYẾT RÈN ĐỨC THU TÂM

Đăng lúc: Thứ năm - 12/03/2020 21:05 - Người đăng bài viết: menthanhgia
BÍ QUYẾT RÈN ĐỨC THU TÂM

BÍ QUYẾT RÈN ĐỨC THU TÂM

Bí quyết rèn Đức Thu Tâm phần 1

1. Đừng giả dối
Abrahm Lincoln nói: “Bạn có thể lường gạt mọi người trong một thời gian và lường gạt vài người luôn mãi, song bạn không thể lường gạt luôn mãi với hết mọi người”. Trong đạo xử thế, cách riêng trong việc thu tâm, xin bạn hãy coi câu này như một câu Thánh Kinh. Giao tiếp với mọi người, muốn chiếm đoạt lòng người, xin bạn cương quyết đừng khi nào giả dối. Dù bạn có cả một nghệ thuật bịp bợm đi nữa, sau cùng, bạn cũng bị thiên hạ “lột mặt nạ” và những thiện cảm bạn xây dựng từ trước sẽ biến thành mây khói để nhường chỗ cho ác cảm chua cay.
 
2. Đừng có chỉ trích
Người gây ác cảm thường nhất là người có óc chỉ trích. Xin bạn hãy để ý óc chỉ trích chớ không phải óc phê bình. Người có óc phê bình, trong khi tôi cần bình phẩm theo thinh thần khoa học, nhìn nhận hay dở và chỉ cách làm cho hay hơn và sửa chữa điều chưa tốt. Còn kẻ có óc chỉ trích thì chỉ thổi lông tìm vết, chỉ quan sát phán đoán những gì xấu tệ của người, vật hay việc mà họ muốn xét đoán thôi. Họ có thái độ lạnh nhạt, chua chát. Gương mặt họ đầy vẻ mỉa mai, khinh đời. trong mắt của họ có cả sự ác độc, hẹp hòi, eo sách, nhỏ mọn. Tiếng nói hay lời văn của họ nhuộm màu sắc bi quan, phá hoại, nghi kỵ, hiềm thù. Họ có đầu óc phê bình vụn vặt, nên gặp ai vật gì, chuyện gì cũng lên mặt dạy đời, chê cái này tệ, cái kia dở. Học bực tức rùn vai, chắc lưỡi, thở ra tỏ thái độc tham tiếc sự ngu dốt của người.

Trong cuộc xử thế, bạn có phải là một người hay chỉ trích hay không? Nếu phải, xin bạn mau mau cải hoán tật xấu của mình để khỏi sống cô độc. Thiệt là người đời ai cũng có óc vạch lá tìm sâu. Tại sao vậy? Tại vì con người tự nhiên cho mình đầy đủ, mù quáng về mình và tự nhiên quan tâm đến kẻ khác, tìm khuyết điểm của kẻ khác để có cái sung sướng đê mạt vì tưởng rằng mình hoàn thiện. Con người cũng tự nhiên ích kỷ, coi mình là trọng hệ , là có lý hơn ai cả, vì đó, trong khi phán đoán hay phán quyết cách chủ quan. Xin bạn nhớ loại trừ những tật xấu ấy trong bạn. Chúng là mẹ đẻ của óc chỉ trích đấy. Vì chúng mà bạn không đặt mình ở hoàn cảnh kẻ khác, không tìm hiểu người, không chịu khó nghiên cứu điều mình chỉ trích cách toàn thiện. Là một người có tinh thần khoa học và có óc quân tử, bạn luôn phán đoán cách khách quan, dè dặt với đủ chứng cớ, trong những khi cần thiết thôi. Bạn dễ dàng tha thứ sự yếu đuối tự nhiên của con người và bạn biết là người ai không có khuyết điểm. Nếu ta muốn kiếm một con người hoàn toàn trên đời là ta xây ảo mộng. Sự hoàn toàn không có ở dương gian. Chúng ta, dù muốn dù không, phải sống với những con người có ít nhiều khuyết điểm. Vấn đề là phải hài hòa chớ không phải lo nhìn gai góc xung quanh. Vả lại, trên đời, nếu ta chỉ trích quá không ai dám giao du, cộng tác với ta cả. Người ta có cảm tưởng  như ra trước tòa án khi ở gần ta. Vậy trông gì chúng có bạn thân để tìm nguồn an ủi cho đời sống, để đắc lực. Còn nỗi khổ này nữa là cái gì và ai ta cũng chỉ trích hết. Mà thử hỏi những gì ta làm và cá nhân của ta có hoàn toàn không? Hoàn toàn thì chắc chắc không rồi, mà bất toàn thì tại sao chúng ta gay gắt với kẻ khác chi? Trong đạo xử thế, điều hay nhất là là, là sống đường hoàng chứ không phải chỉ trích, nói hay mà không làm, không sống đáng phục. Vậy nhất định trong cuộc giao thiệp hằng ngày, bạn phải từ bỏ óc chỉ trích.   

 
3. Đừng có tật tỏ mình ra thông thái “rởm”
Trong khi giao thiệp với kẻ khác, có người hay muốn thiên hạ nhìn nhận vốn kiến thức, tài ba, kinh nghiệm, của mình nên hay hỏi những câu không hợp người, hợp thời, hợp nơi, cố ý cho kẻ bị hỏi phải “bí” và do đó, mình có dịp lên mặt thông thái. Thiệt là lối xử thế mê mạt, vụng về. Gặp một nhà sư chúng ta ta hỏi sao chổi Harley tìm được mấy năm. Gặp chị bán hàng rong, chúng ta đi hỏi làm sao pha màu để vẽ đẹp. Chi vậy? Chúng ta thông thiên văn học hay hội họa. Phải rồi. Nhưng chúng ta đang thu tâm mà. Làm cho kẻ khác ngượng nghịu, hổ thẹn vì cảm thấy mình ngu dốt, để tỏ ra mình thông thái cách sái mùa là gieo ác cảm. Tật xấu này nhiều người mắc phải mà vô ý thức. Giáo tiếp với người, nhưng họ không hiểu biết tâm lý người. Thưa bạn, nếu bạn muốn thu tâm, xin bạn vui lòng xa tránh những thái độ này của hạng người nghèo tâm lý xã giao, thích tỏ ra mình thông thái nhưng lại va chạm tự ái của kẻ khác.
 
4. Đừng cẩu thả bên ngoài
Khô lân chả phụng ngon thiệt, nhưng nếu bạn dọn trong một chiếc muỗng dài thì chúng tôi có cảm tưởng xấu về món ăn của bạn dọn ngay. Chúng ta có giá trị vì chúng ta có nhiều đức tính. Nhưng giá trị chúng ta sẽ bị coi rẻ ít nhiều nếu bên ngoài của chúng ta có vẻ lôi thôi quá. Bạn cũng như chúng tôi, chúng ta không kính phục những người quá nô lệ cho việc trang sức bên ngoài. Bởi có tâm lý trưởng giả và đầu óc làm tôi tớ dư luận, họ quá săn sóc thân thể của mình, săn sóc đến đỗi người ta có cảm tưởng rằng trong đời họ chỉ có việc “làm tốt” là lý tưởng. Nhưng chúng ta cũng không làm sao kính phục được một con người có bộ ngoài không xứng đáng bao nhiêu. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không trách sự cẩu thả hình thức của kẻ xấu số, nghèo nàn vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải như thế. Họ là những người đáng thương hại chứ không phải đáng chê trách. Hạng người người cẩu thả mà chúng tôi nói đây là hạng người có đủ phương tiện để có một bên ngoài khả kính song vì lười biếng, vì lầm tưởng nên biến thành đối tượng cho thiên hạ chê cười.

Thưa bạn, bề ngoài giúp nhân cách ta gia tăng, gieo ở kẻ khác nhiều thiện cảm. Bề ngoài ở đây hiểu là sạch sẽ, là cách ăn mặc hợp vệ sinh, vừa phải, đúng thời trang và ăn ở đường hoàng. Có nhiều người viện lý là đơn sơ đâu có nghĩa là xập xệ, lôi thôi, tồi tệ. Đơn sơ là một nhân đức còn tất cả những cái nầy là tật xấu. xin bạn để ý kỹ điều đó.

 
5. Đừng cãi vặt
Lúc thiếu thời, Franklin rất hay cãi vặt. Ai nói nghịch ý ông là chồm tới cãi cho đến cùng. Nhưng sau nhiều lần cãi vặt ông thấy mình bị thất bại, mất thiện cảm, thua bè bạn. Ông quyết tâm sửa tật xấu ấy, sau cùng trở nên một chính khách mềm dẻo, lịch thiệp trong chánh giới hoa kỳ. Trong cuộc sống xã hội, chắc bạn biết có rất nhiều người hay cãi vặt như Franklin hồi nhỏ. Có tâm tâm lý chung của loài người là thích tỏ ra mình quan trọng, tài giỏi, giàu kinh nghiệm nên họ không muốn cho ai hơn mình. Kẻ nào nói điều gì nghịch tâm tưởng của họ là họ lý luận, biện chứng, cãi như xỉ vả vào mặt người ta, cố ý cho người ta phải im lặng. Họ không chịu bỏ qua một cơ hội nào khi họ thấy có thể đem thằng tôi đáng ghét của mình ra. Trong khi cãi, họ có cảm tưởng rằng các người nghe thầm khen họ, cho họ là bặt thiệp, lanh trí, lợi khẩu, học rộng, sâu sắc. Họ cũng tưởng rằng đối phương của họ nhìn nhận họ có lý, thắng và “xếp vi kỳ” chịu thua. Chúng tôi có một người bạn hay cãi vặt có hạng. bữa kia, chúng tôi mời vài bạn thân trong làng văn dùng một bữa tiệc chơi. Tình cờ có một ông khách quen với một văn hữu của chúng tôi đếm thăm chúng tôi, chúng tôi cũng mời đi dự tiệc chung cho vui. Trong khi dùng bữa, ông khách bàn về văn chương, khen hai câu:
“Hỡi cô tát nước bên đàng.

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”

là tuyệt và cho của đại chúng sáng tác. Anh bạn “hiếu chiến” của chúng tôi nghe mấy tiếng “của đại chúng sáng tác”, nheo mắt lại, buông nĩa xuống, hỏi: “Ông nói của ai?”. Ông khách đáp: “Chắc chắn của đại chúng. Ông còn ngờ à?”. Bạn của tôi rổn rảng quát: “Ông lầm to… Hai câu ấy của Bàng Bá Lân mà ông không dè”. Thế rồi anh lý luận, anh dẫn chứng, anh hỏi chúng tôi có phải không, anh làm ông khách dường như tái mặt, có vẻ buồn rầu và bầu khí bữa tiệc chua như chanh. Lúc về đến nhà chúng tôi, ông khách nói nhỏ với chúng tôi: “Ông ấy lầm. Đó là những câu ca dao của đại chúng chứ của Bàng Bá Lân nào”… Bạn thấy chưa, ông bạn của chúng tôi bỏ muỗng nỉa xuống nghĩa là gì bạn biết không… và tốn không biết bao nhiêu hơi phổi để tranh biện, đã cho ông khách là lầm và sau cùng vẫn bị cho là cãi bậy, là vô lý. Ông bạn của chúng tôi có lý thật. Hai câu ấy của Bàng Bá Lân. Ông quả rành văn học sử nước nhà thật. Nhưng ông không biết tu tâm chút nào. Ông đã tỏ mình ra thông thái, cãi như xỉ vả vào mặt không khách, lý luận như muốn bửa óc ông khách ra mà dạy khôn. Ông tưởng ông thắng cuộc tranh biện đó. Ông khách của chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác trên đời, không thích người ta chạm tự ái của mình. Trong khi chúng ta cãi bất tuyệt, đem nhiều lý hùng ra để đánh bại đối phương, chúng ta khoái chí trong người thật. Nhưng đối phương chúng ta có tâm lý như chúng ta đâu. Chúng ta đã làm họ mất mặt, đã đem cái khôn của mình chứng minh cho họ thấy cái dại của họ, nghĩa là đã làm tổn thương lòng tự ái của họ, sự kiêu căng của họ. Bấy giờ họ đâu để ý gì đến lý luận của ta mà lo tự vệ, lo làm cho mình khỏi mất mặt. Họ khẩu chiến với ta. Kết quả là sao? Là ta mất thiện cảm ở họ chứ sao. Họ coi ta như thù địch, nghi kỵ ta, coi ta là tiểu nhân. Bạn nói: “Trên đời này là gì có kẻ biết nghĩ, nhận điều phải chớ”. Bạn có lý, nhưng không hoàn toàn. Trong xã hội, được bao nhiêu người biết tự chủ, biết êm dịu nghe bạn dạy khôn, nghe bạn vạch lá tìm sâu, lý luận chiến thắng họ. Hình như hạng người ấy ít lắm. Và trong những kẻ ấy vẫn có kẻ nhịn bặn ngoài mặt nhưng trong một thời gian rồi cũng tìm cơ hội mà “hạ” bạn. Hạng người thiếu tự chủ, hay trả đũa thì nhiều như cỏ cú. Gặp hạng người này bạn đừng trông lý phục họ dễ dàng. Họ sẽ đấu khẩu với bạn để sau này khư khư giữ lập trường của mình và cho bạn là người cãi bậy.

Có bí quyết linh diệu nhất là tránh đi những cuộc cãi vặt. Bạn đừng bận tâm để ý cãi chi những điều lặt vặt kẻ khác nói nghịch mình. Phải biết bỏ qua, ừ ừ, hử hử rồi đề cập những vấn đề khác. Khi kẻ khác bắt bẻ bạn mà thấy không cần tranh biện, thì bạn cũng hãy chịu thua đi cho rồi. Bạn đừng bắt chước những kẻ hay tỏ mình khôn vặt. Kết quả là gieo ác cảm chứ không có lợi lộc gì.

 
6. Đừng chỉ nhớ có mình
Bạn có biết cả ngày chúng ta nói tiếng nào nhiều nhất. Tiếng TÔI. Dale Carnegie nói, theo một điều tra nọ của công ty điện thoại ở Mỹ thì trong trong 500 câu chuyện, người ta dùng đến 3900 lần tiếng tôi.

Tôi, tôi, tôi. Tôi như thế này. Tôi như thế kia. Tôi không. Tôi phải. Thiệt là. Tôi và tôi…Pascal nói: “Cái Tôi là cái đáng ghét”. Thế mà chúng ta lại không mấy khi chịu coi câu ấy như châm ngôn để xử thế. Chúng ta quên phớt chân lý này. Là bất cứ ai trên đời kể cả những người kém cỏi nhất đều coi mình là trung tâm điểm của vũ trụ, đều tự nhiên ưa thích những ai quan tâm đến mình, kính trọng mình. Tâm lý này khiến  con người chỉ nghĩ, tưởng tới cá nhân hay những gì có liên hệ tới cá nhân mình và đồng thời không kể gì đến kẻ khác. Bởi vậy, khi giao tiếp với ai mà chúng ta chỉ đề cập đến mình, đến những quyền lợi của mình thù tự nhiên kẻ ấy nghe câu chuyện vô vị, chán nản và có ác cảm với ta. Song nếu ta quên mình đi, đừng nói đến cái tôi của ta nữa mà cho tha nhân là quan trọng, đề cập đến sức khỏe hạnh phúc, tài năng, thành công, hy sinh của họ, thì ta được họ mến thích ngay. Xin bạn nhớ kỹ , không một ai trên đời không cảm sung sướng khi được kẻ khác quan tâm đến. Publins Syrus nói: “Chúng ta chỉ quan tâm đến ai quan tâm đến chúng ta”. Chúng ta vậy mà bạn đừng quên người khác cũng vậy. Con người tự nhiên thèm được lưu tâm. Bạn muốn thu tâm, sao bạn không quan tâm đến người bạn giao tiếp. Từ đây, xin bạn hãy chú trọng tới bất cứ ai bạn có cơ hội gặp gỡ. Tỏ thái độ niềm nở với họ, chăm chỉ nghe họ nói chuyện, mở nụ cười tỏ ta tán thành những điều họ nói. Khi bè bạn của bạn đau ốm, xin bạn dành chút thời gian đến thăm hay viết thư cầu chúc mạnh khỏe. Người xung quanh bạn có khí sắc buồn thảm, bạn nên hỏi thăm coi tại sao và cố gắng giúp họ bớt ưu phiền. Xin bạn đóng khuôn câu này treo trên vách nhà để làm kinh nhật tụng. “Tôi càng chú trọng đến kẻ khác, tôi càng được kẻ khác quý mến, quan tâm”.

 
7. Đừng nhỏ mọn  
Nếu bạn chủ trương rằng trên đời bạn chỉ giao du, gây thiện cảm với những người có đức tính hoàn toàn thì chúng tôi xin thưa thẳng với bạn rằng bạn có lẽ sẽ phải thất vọng. Dưới bóng mặt trời này, theo kinh nghiệm từ cổ chí kim, ngoài Giêsu, không có ai hoàn toàn. Muốn thu tâm kẻ khác, bạn chịu khó tránh thói nhỏ mọn, hay chấp nhất, hay bươi móc lỗi lầm kẻ khác. Cái câu: “Bạn hãy biết bạn” của Socrate, trên đời mấy ai lấy làm chuẩn mực cho đời sống. Phần đông, chúng ta có tật tọc mạch, tìm kiếm lỗi lầm của thiên hạ để chỉ trích, để nói hành, để mỉa mai. Cách nay mấy thế kỷ, Chúa Giêsu nói với những người Phariseu quá mù quáng về mình, trong mắt mình có cây đà mà không thấy, lại đi tìm thấy mảnh rác ở mắt kả khác. Con người ngày nay không khác những người Phariseu bao nhiêu. Nếu bạn muốn có nhiều người mến thích mình, hãy cấp tốc thanh trừ tật xấu ấy. Trước hết, bạn nên tự kiểm, tìm những tật xấu của mình để loại bỏ. Từ nghìn xưa, Khổng Tử khuyên bạn: “Mỗi người tự quét trước cửa nhà mình, đừng quan tâm đến giọt sương trên nhà kẻ khác”. Nhờ sự tự tu, bạn biến thành kẻ khả ái đối với thiên hạ. Và nhất là bạn không nhỏ mọn, thiên hạ thấy dễ “chơi” với bạn, thấy dễ dàng tha thứ cho bạn khi bạn lỗi lầm. Điều này cơ hồ trở nên một định luật trong đạo đức xử thế. Những kẻ dễ tánh, không thắc mắc, làm bạn được với nhiều người. Khi nói điều gì, kẻ khác chăm chú nghe. Người ta ít quan tâm đến sự chỉ trích họ. Khi cần đính chính điều gì, trong những điều kẻ ấy nói, người ta thi hành cách bất đắc dĩ, quân tử và có thái độ kính trọng, dịu hiền. Tổng thống Hoa Kỳ, Abraham Lincoln, lúc thiếu thời, có lẽ Lincoln giàu tật xấu hơn bạn và chúng tôi. Ông chỉ trích, vạch lá tìm sâu hài hước cách sâu độc. Nhưng khi lớn lên. Ông tự tu luyện tinh thần quân tử và trở thành một trong những tay lãnh đạo quần chúng lỗi lạc. Đối với tật xấu của người khác, ông chẳng nói gì hết. Ông trầm tĩnh tha thứ lỗi lầm của kẻ xử bạc với ông. Trong những trường hợp quan trọng, ông dùng sự êm dịu dẫn dụ kẻ khác theo mình. Chả trách gì Lincoln chết lâu quá rồi mà trong đầu óc dân tộc Mỹ vần còn nóng hổi niềm quý mến ông. Từ đây bạn hãy trở thành “khúc gỗ” trước mọi khuyết điểm của kẻ khác đi. Thiên hạ xử với bạn bằng ích kỷ, tiểu tâm, kiêu kỳ, xấc xược, bạn hãy trả lại cho họ bằng bác ái, quân tử, khiêm nhu, lễ độ. Đối với người trên cũng như kẻ dưới, nhất là kẻ dưới, bạn nên tìm hiểu hơn là kết án.

Không phải khinh rẻ loài người, nhưng đừng quá lạc quan tin rằng ai cũng khôn luôn luôn hết đâu. Mỗi người đều có cái dại. Tại sao ta chấp nhất cái dại của người. Và biết chừng đâu lúc ta nhỏ mọn với người lại là lúc ta dại! Tóm lại, bạn đừng nhỏ mọn bắt bớ kẻ khác, nên tìm hiểu kẻ khác, tha thứ cho người và thỉnh thoảng thành thật khen ngợi những đức tính của người. Bí quyết ấy sẽ làm cho bạn được quý mến và đắc lực.

(Còn tiếp)

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt 

Từ khóa:

Rèn nhân cách

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc