banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

BIỂU LỘ CỦA ĐỨC DŨNG

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/08/2019 03:29 - Người đăng bài viết: menthanhgia
BIỂU LỘ CỦA ĐỨC DŨNG

BIỂU LỘ CỦA ĐỨC DŨNG

Chúng tôi không dám khuyên bạn làm những việc đại dũng như của viên chỉ huy người Đức để biểu lộ đức dũng mà chỉ ước mong bạn trung tín trong những việc nhỏ nhặt hằng ngày thôi

Những việc tích lũy khí lực, tập trung tinh thần luyện lương tâm cương trực, óc tự tin, tạo một lý tưởng tuyệt vời cao đẹp, nhồi nắn ý chí cứng rắn, tất cả là những phương thế xây dựng cho bạn một tâm hồn đại dũng. Nhưng đức dũng để cho được tạo ra nhân cách đáng phục không phải chỉ tiềm tàng trong tâm hồn bạn mà cần được bộ lộ ra bên ngoài. Đành rằng khi bạn có tâm hồn cường dũng bạn có “cái gì đó” làm cho kẻ khác kính phục. “Cái gì ấy” có hơi huyền bí khó diễn tả cho cặn kẽ nhưng vẫn có. Lúc Napoléon mới lên thị trưởng, có nhiều quan văn võ cao tuổi chưa từng gặp ngài nên có ý khinh rẻ, nhưng lúc gặp ngài, ngài chưa nói nửa lời mà họ khép nép. Và có một đại thần thật thà thú nhận khi gặp Napoléon lần đầu sợ ngay. Chúng tôi biết rằng đức dũng tiềm tàng của bạn có thể làm cho ai gặp bạn cũng trọng phục, song nếu bạn chú ý biểu lộ nó trên con người của bạn, trong cử chỉ, phong độ, lời nói, hành vi thì nhân cách của bạn gia tăng gấp bội.
 
1. Biểu lộ dũng khí trên con người của mình
Không phải cố gắng làm cho thân hình xem ra cứng cỏi, cộc cằn thô lỗ mà gọi là dũng. Cái dũng đó là thứ dũng của kẻ bất chí, còn chất dã man. Cũng không phải trợn mắt, trề môi, hất hàm, gật đầu, ưỡng ngực cách hung tợn, liếng láo mà gọi là dũng đâu. Đó là thứ dũng của hạng tiểu nhân, lấc xấc, vụng chạc, làm nô lệ cho bản năng. Bạn nên đề phòng tất cả những thái độ không đúng trên đây của đức dũng. Muốn cho đức dũng biểu lộ cách đáng phục trên con người của bạn, bạn cần thi hành những điều này. Có gương mặt lúc nào cũng điềm đạm, tỏ vẻ như mỉm cười. Đôi mắt mở sáng, nhìn vật gì người nào, đều nhìn với tất cả sự trầm tĩnh. Toàn thân giữ sự thản nhiên. Thở chậm đều giúp cho sắc mặt giữ luôn vẻ trầm lặng.

Nếu bạn thuộc phái mạnh, bạn đừng hớt tóc hay ăn mặc cách nào đó tỏ ra mình bạc nhược. Cách ăn mặc hay đồ trang sức bên ngoài chỉ là những thứ phụ thuộc, không trực tiếp xây dựng dũng khí của bạn, nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng chúng có ảnh hưởng ít nhiều trong sự bộc lộ dũng khí của một con người.

 
2. Biểu lộ dũng khí trong cử chỉ
Dũng ở đây là không thô bạo. Tuy nhiên, bạn đừng vì lẽ đó mà bước qua thái cực của thô bạo là có cử chỉ của người bạc nhược. Bạn hãy ở mức trung dung là được. Các cử chỉ của bạn phải luôn có tính cách trầm tĩnh, tự nhiên, mực thước, hợp lý, hiền từ nhưng lúc nào cũng cho người ta biết rằng chúng chất chứa một nguồn dũng khí dồi dào.
 
3. Biểu lộ dũng khí trong phong độ
Có hai thứ phong độ của người dũng mà bạn cần phải tránh. Phong độ của kẻ thô lỗ và phong độ của người khiếp nhược. Người thô lỗ thích đi đứng rầm rộ, thích múa tay, chống nạnh, nghinh mặt, quơ tay bân này đá bên kia. Họ đi tới gần ai, người ấy tuy chưa thấy mặt nhưng có thể biết trước được, kẻ khiếp nhược thì đi đứng ra vẻ sợ sệt, khiếp đảm. Họ đưa bước như kẻ chân gối mỏi từ mấy kiếp. Đén chỗ đông người, họ rón rén, ai mời ngồi họ bẽn lẽn nếu không chạy trốn, thì rút cổ nghẻo đầu từ chối cách rụt rè hay ngồi cách miễng cưỡng, khép nép, thẹn thùng. Cách đi đứng của bạn phải thản nhiên, khoan thai, chỉnh tề. Hãy điềm đạm. Người điềm đạm dù khi gặp chuyện gấp, khi phải chạy vẫn có phong độ thản nhiên, vẫn biểu lộ dũng khí. Người điềm đạm không vừa đi vừa nhảy, không đang đi bỗng chạy, không móc đá vật gì trên đường, không búng tay vô lý, cũng không khóm róm xuôi tay sát thân mình đi đứng cứng ngắc như tử thi. Người điềm đạm ý thức mọi cử động cách hợp lý, lịch sự thôi.
 
4. Biểu lộ dũng khí trong lời nói
Trước hết điều bạn nói phải là điều thật hay ít ra không phản sự thật. Một người có chí khí luôn là người chân thành, không bao giờ họ có ý nghĩ lường gạt ai. Có nhiều sự thật họ không có quyền nói thì hoặc làm thinh hoặc từ chối trả lời bằng cách nào đó nhưng không bao giờ có ác tâm làm cho kẻ khác làm lạc. Họ dám coi thường cái chết hơn là khiếp nhược buông ra một lời nghịch với tâm tưởng của mình. Bạn có nhớ cái chết của khủng khiếp của tướng Régulus không? Régulus là một tù binh La Mã ở tại thành Carthage. Ông còn được ủy thác công việc dẫn một sứ thần của thành này sang La Mã xin đình chiến. Trước khi thi hành sứ mệnh Régulus bị buộc phải thề nếu việc xin đình chiến không thành công thì phải trở về ở tù như xưa. Régulus hứa khi ông về tới La Mã, nơi ông gởi bao thân tình cao quý, thượng nghị viện bảo ông ở lại luôn tại La Mã và nói dối rằng lời thề ngày trước chỉ là kết quả của sự bắt buộc thôi. Régulus bất đồng ý kiến. Ông cho nói dối như thế không có gì đê mạt bằng. Nó chẳng những nghịch với tinh thần thượng mã của người La Mã mà cách riêng chà đạp chí khí của ông. Vì thế, ông lục tục trở về La Mã và lãnh cái chết trong tất cả sự rùng rợn.

Bạn thấy chưa một bậc đại chí tôn trọng lời nói của mình. Muốn cho thiên hạ nhìn thấy chí khí của bạn, bạn hãy yêu chân lý. Bạn hãy lấy câu này của E. Hello làm châm ngôn cho đời sống của mình: “Con người phải sống trong chân lý, tư tưởng như mình sống và nói, như mình tư tưởng”.

Trong khi nói chuyện xin bạn để ý tránh những nhược điểm này. Là nói đi nói lại, người ta gọi cách trào phúng là “nói cao su”. Đừng nói với giọng đả đớt, âu yếm tỏ ra một tâm hồn bún thiêu. Tránh sự bẻ miệng kiểu cách hay vừa bẻ miệng vừa nghẻo cổ, vừa liếc mắt để nói một cách “điệu đàng”. Cũng đừng nói giọng oanh hát, một giọng lè nhè như người say rượu gật gù. Tất cả là đối thủ của chí khí. Điều gì cần bạn nên nói rõ, lớn vừa nghe, chậm rãi, âm điệu tùy tâm tình, ý nghĩa. Sắc mặt có thể thay đổi theo sy nghĩa của lời nói nhưng đừng thái quá xem như làm tuồng. Bạn cũng có thể dùng tay ra điệu, xoe tròn mắt khi nói, nhưng bao giờ cũng phải tránh sự quá lố, kiểu cách, nói lập dị.

Một điều chúng tôi muốn bạn để ý nữa là bạn tùy vấn đề, tùy người nghe, tùy nơi chốn, tùy thời cơ mà nói cho mỗi âm thanh của bạn, tuy không cứng đến cọc, mà có cái gì cương cương, hiểu theo tinh thần nhà nho. Không cần bạn nói lớn tiếng, xổn xảng, không cần gằn từng tiếng, nhấn từng câu, bạn cứ nói êm dịu, êm dịu chứ không phải âu yếm, van lơn nhé. Bạn cứ thủng thẳng, hòa hoãn tường trình ý kiến của mình với nét mặt cực kỳ điềm đạm, vui tươi nếu cần.

Sau hết xin bạn đừng khi nào nói giễu cợt và chọc ghẹo thái quá. Trong thời gian trước bạn biểu lộ chí khí bao nhiêu, có tư cách đáng phục bao nhiêu, khi bạn giễu cợt thái quá, chọc ghẹo thái quá, người ta liền có cảm tưởng xấu về bạn ngay. Theo tâm lý thường tình, khi nào mình giễu cợt hay chọc kẻ khác thì tự nhiên mình hạ mình xuống, làm cớ cho chí khí kẻ khác bộc lộ ra và do đó họ tích cực chinh phục mình. Vậy xin bạn thận trọng trong những lời nói đùa. Nói đùa vừa phải, tùy nơi, tùy lúc, tùy người.

 
5. Biểu lộ dũng khí trong hành động
Bạn nên thề hứa với lương tâm, trong đời đừng khi nào làm việc gì đê mạt dù không ai thấy. Hồi nhỏ, trong một lần đi đóng trại, anh đoàn trưởng hướng đạo của chúng tôi, giữa đêm khuya ngủ dậy làm biếng đi ra xa trại để tiểu tiện, nên lén lại gần đám “sói con” để tiểu. Chúng tôi biết được, nhưng làm thinh vì muốn giữ thể diện cho anh. Nhưng từ đó về sau không còn phục anh lắm vì rõ ràng anh là một người chỉ dũng khí với kẻ khác mà không dũng khí với chính mình. Anh hành động theo sự phán đoán của kẻ khác mà bất kể tiếng nói của lương tâm. Xin bạn đừng như thế. Bạn hãy cương quyết không bao giờ khỏa lấp tiếng lương tâm để làm điều gì tổn hại đến nhân cách mình. Bởi biết “quân tử thận kỳ độc” nên trong đời họ thề quyết không khi nào vô lý chỉ vì sợ dư luận, lúc ở riêng, làm những việc đồi bại.

Thường thường khi ta yêu mến ai cách nồng mặn quá, ta muốn làm đẹp lòng kẻ ấy, muốn biểu hiện tình yêu của mình ra bằng lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ. Những hành vi của chúng ta dưới sức chi phối của ái tình thường rất yếu đuối. Ta không còn tự chủ, ta bớt sáng suốt, ta nghèo lương tri nên làm nhiều việc biểu lộ tình thương một cách ngây dại, về sau khi tình cảm lắng xuống rồi chúng ta mới hối hận vì mình đã không anh dũng bao nhiêu. Vậy bạn nên đề phòng những hành vi của mình khi ái tình nổi sóng gió. Muốn khỏi hối tiếc về hành vi của mình thì nên tập đức tự chủ. Cố gắng ý thức mọi hành động của mình và chỉ hành động theo ý chí, theo sự soi sáng của trí tuệ.

Trong khi giao tiếp với người khác, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều người cười nói lăng xăng, có thái độ bu lu bu loa. Sự niềm nở thái quá hay làm cho người ta mất tự chủ, tỏ ra lăng xăng, rối rít, lính quýnh. Mà nếu không tự chủ đủ, có những thái độ như vậy thì thôi còn gì là chí khí. Bạn hãy tập cho mình điềm tĩnh, chào hỏi, ăn nói thản nhiên: người ta vẫn có thể vừa điềm đạm vừa rất mực bặt thiệp.

Khi làm việc dưới quyền của người có kẻ quyền cai trị hay giáo dục, ta hay tỏ ra mất tự nhiên hay làm bộ siêng năng làm kỹ lưỡng để gây thiện cảm ở họ. Lối gây thiện cảm này nhất định ta phải tránh xa. Không phải tỏ ra tự đắc, hách dịch với kẻ lớn hơn mình để gây khổ cho mình, nhưng bao giờ ta cũng phải kính nhân vị của mình trước hết. Vẫn vâng lời, kính phục họ, nhưng ta luôn tỏ ra mình là một con người có bản lĩnh.

Cũng rất thường khi ta hành động trước mắt đám người nhỏ hơn ta về quyền chức hay tuổi tác, ta hay có thái độ kiêu căng, hách dịch, nóng nảy. Những thái độ này cũng không kém bạc nhược hơn những thái độ luồn cúi trên. Kẻ nhỏ hơn ta cũng là những nhân vị. Ta phải trọng phục họ như trọng phục mình. Vả lại một người có chí khí đối với ai cũng hành động theo lẽ phải, không bao giờ khóm róm, luồn cúi kẻ lớn mà cũng không bao giờ hống hách, dọa nạt người nhỏ.

Khi một nam thanh gặp một thiếu nữ đẹp, hay một thiếu nữ gặp một chàng trai có duyên sắc, thường mất hẳn sự tự nhiên và ít tự chủ trong lời nói, việc làm. Nhiều người trong trường hợp này thường có ý chí rất mạnh nhưng lại trở thành yếu đuối, làm sao tiếp chuyện hay làm việc gì trước mặt người khác phái mà mình cho là đẹp. Cũng rất thường người nam dễ bị sai khiến bởi người nữ trong những cuộc gặp gỡ này. Họ như quên rằng mình có nam tính, bất kể gì dũng khí và lăng xăng, lui cui, chạy chỗ này chỗ nọ để làm theo ý người đẹp, để mua thiện cảm nơi họ. Trong những trường hợp ta gặp người mà ta tự nhiên cảm thương, phải lo tự chủ ngay. Có thể giúp mình bằng cách tự vấn: “đến khi răng long tóc bạc, tôi còn những tâm tình có như bây giờ không?”. Phải có ý thức về mọi lời nói, hành vi, cử chỉ. Nên tự ám thị rằng một tâm hồn thật anh dũng chẳng những anh dũng chốn tên bay đạn lạc mà còn cần anh dũng một mình trước mặt giai nhân.

Dưới mái nhà gia đình, có nhiều người con, nhiều khi cha mẹ rầy la hay đối phó lại cách cộc cằn mà còn cho vậy là “khôn”, là “tân tiến”, là “anh dũng”. Hành động đó là hành động đối nghịch với chí khí. Người chí khí rất mực mềm dẻo nhất là khi đối xử với cha mẹ. Dù cha mẹ có quấy rầy trăm phần trăm, họ vẫn nhịn nhục những lời rầy mắng oan ức rồi sau cơn giận của cha mẹ, họ mới ôn tồn tỏ bày điều hơn lẽ thiệt. Họ không ỷ mình có chức quyền, ăn học cao, sáng suốt hơn cha mẹ rồi “lên mặt” ăn nói, đối xử với kẻ sinh ra mình cách tiểu nhân. Họ thấy rằng sự lỗ mãng đối với cha mẹ bằng thái độ, hay lời nói hay hành vi bao giờ cũng biểu lộ một tâm hồn thiếu tự chủ, không hợp lý, làm nô lệ cho bản năng.

Tóm lại về mặt tiêu cực bạn chịu khó tránh những hành động phản nghịch với chí khí. Về mặt tích cực, bạn nên tìm dịp biểu lộ tinh thần anh dũng dù trong những việc hết sức tầm thường. Không phải ham thích chức quyền nhưng nên có đầu óc ưa thích trách nhiệm, can đảm lãnh tụ. Tự tin, tận dụng những năng khiếu của mình để giúp cho kẻ dưới thành công. Trong những khi nguy hiểm, nếu thấy cần thì hãy hào kiệt gánh vác trọng trách thế cho người dưới. Các hy sinh ấy chẳng những gia tăng nghị lực mà còn phát triển uy tín ngày càng hơn.

Bắt tay thi hành một công việc, hãy cương quyết thi hành chu đáo. Chiến thắng những sự đổi ý định vô lý, những niềm hoài nghi về thất bại, những lo sợ dư luận. “Làm chu đáo việc bạn đang làm”. Viết câu này vào một mảnh giấy dán nơi bạn có thể thường xuyên nhìn thấy. Những bổn phận hằng ngày cố gắng thi hành siêng năng với nụ cười. Thường thường người ta hay chờ những việc vĩ đại để tỏ ra mình có chí khí. Nhưng người ta không nhớ rằng trong đời những “dịp để làm vĩ nhân” có không bao nhiêu. Và người ta vẫn có thể là anh hùng nếu biết chịu khó làm xong những việc nhỏ mọn. Những người dẻo dai thi hành chu đáo những việc không quan trọng mới có hy vọng thành công những việc đại trọng. Chúa Cứu Thế chẳng đã nói rất đúng: “Ai trung tín trong việc nhỏ hèn, người ấy mới trung tín trong việc lớn”. Trong ngạn ngữ kinh, đoạn V, câu 8 có viết: “Lửa thử vàng, gian khổ thử người anh dũng”. Bạn nên lấy câu này làm bảo bối cho mình khi gặp truân chuyên. Chúa Giêsu cứu nhân loại đã từng chết trên thập giá. Ngài còn vậy huống chi bạn và chúng tôi. Chính đau khổ làm cho công việc của chúng ta có giá trị. Trên đời khi nào gánh vác việc gì, gặp đau khổ, xin bạn đừng lấy làm lạ, đừng rên rỉ, ngã lòng. Chịu đau khổ đi, đau khổ sẽ qua, sự chịu khó của bạn sẽ tồn tại, làm cho công việc của bạn tiến đến thành công cách chắc chắn.

Cũng hãy biểu lộ chí khí của mình bằng hành động trung tín. Đọc lại lịch sử đại thế chiến thứ hai bạn có nhớ gương trung tín của Griesheim không? Griesheim chỉ huy một tiểu đội đi tuần, gặp một đoàn quân thiện chiến của Nga. Ông thấy thất thế liền cho binh sĩ tốt của mình rút vào một cơ sở nọ để giữ thế thủ. Đại đội Nga nã súng đại bác vào cơ sở ấy nghe như long trời lở đất và tiếng súng vẫn cứ ầm ĩ cho đến lúc trong cơ sở của Griesheim không còn vọng ra tiếng súng trả lời nào. Sĩ quan Nga và cơ quân ùa vào nhà quân địch trú, thấy một cảnh tang tóc lạnh lùng đang phơi bày. Bao nhiêu lính của Griesheim nằm oằn oại trên máu đào. Chỉ có Griesheim còn nằm thoi thóp. Viên chỉ huy Nga thành thật hỏi: “Sao ngài không lên tiếng đầu hàng để khỏi cái chết khủng khiếp này?”. Griesheim gần thở hơi cuối cùng uể oải chỉ dấu thập trên ngực mình và thều thào nói: “Ở nước tôi binh sĩ nào có dấu hiệu này thì không bao giờ đầu hàng”. Thật là một gương sáng về lòng trung tín.

Chúng tôi không dám khuyên bạn làm những việc đại dũng như của viên chỉ huy người Đức này mà chỉ ước mong bạn trung tín trong những việc nhỏ nhặt hằng ngày thôi. Giao du với bèn bạn, yêu mến ai, hứa hẹn làm điều gì với kẻ nọ người kia đừng có óc bội bạc. Thấy không thể giao du với ai, yêu mến ai, cộng tác được cùng ai thì cứ anh hùng, lễ phép, êm dịu cho họ biết lý do chính đáng của mình rồi chia ly. Đừng có tật tiểu nhân thất hứa, phản bội, xây dựng ác cảm trên thiện cảm của người bấy lâu mình quen biết, thân thích. Dù kẻ mình tín nhiệm bị chỉ trích thế nào, mình lâm vào cảnh khổ đến đâu, hãy cố gắng giữ lòng trung tín với họ. Hành động như thế mới là người có chí khí, mới đáng thiên hạ ca ngợi.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt
 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc