banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHIỀU HƯỚNG CỦA ĐỜI TU CHIÊM NIỆM VÀ DỰ SINH

Đăng lúc: Thứ ba - 06/12/2022 03:16 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHIỀU HƯỚNG CỦA ĐỜI TU CHIÊM NIỆM VÀ DỰ SINH

CHIỀU HƯỚNG CỦA ĐỜI TU CHIÊM NIỆM VÀ DỰ SINH


(tiếp theo kỳ trước)

CHƯƠNG III
NGUỒN GỐC VÀ BIỆT TÍNH CỦA ĐỜI TU DỰ SINH

Muốn hiểu đời tu của tôi, phải đặt nó dưới ánh sáng của cộng đoàn trong đó tôi sống. Thường thường những cộng đoàn có thể là chiêm niệm hoặc dự sinh. Trong quyển sách này chúng ta lưu tâm đến đời tu dự sinh, điều này không có nghĩa là chúng ta coi thường sự cao trọng và cần thiết của đời chiêm niệm. Nhưng dù sao, ngày nay với đà vận chuyển của lịch sử, lần đầu tiên cộng đoàn tu sĩ dự sinh đã tự thể hiện được. Do đó, việc làm sáng tỏ giá trị độc nhất của lối sống này là một điều khẩn cấp.
 
CHIỀU HƯỚNG CỦA ĐỜI TU CHIÊM NIỆM VÀ DỰ SINH
 
Đời dự sinh là một hình thức dấn thân của tu sĩ vào văn hóa, trong lúc đó việc suy niệm là yếu tố chính của đời chiêm niệm. Vì vậy, tu sĩ chiêm niệm tự xa lánh càng nhiều càng tốt sự dấn thân vào văn hóa. Nam và nữ tu sĩ sống đời ẩn dật dùng một ít thời giờ cho sinh hoạt văn hóa và xem đó như một cách khuây khỏa tâm trí cần có trong đời chuyên lo thờ phượng. Họ xem công tác văn hóa là phương tiện đối với việc chiêm niệm và việc duy trì những điều kiện thuận tiện cho việc chiêm niệm; công tác đó không thể chi phối thái độ của người tu sĩ luôn sẵn sàng để hiện diện trước mặt Thiên Chúa trong nơi thanh vắng. Để được như vậy, những luật lệ, thói quen và lời giảng dạy  trong những cộng đoàn có khuynh hướng nhấn mạnh đến điểm này: không một tu sĩ nào được tham gia vào những công tác văn hóa đến nỗi làm suy giảm tính cách ưu tiên và toàn vẹn của đời chiêm niệm.
 
Trong khuôn khổ của hướng sống chiêm niệm, việc ao ước hòa mình sâu xa vào công tác văn hóa đương nhiên sẽ được cảm nghiệm như một sự cám dỗ. Vì vậy, nhiều tu viện đã chọn công việc chăm lo nhà cửa, vườn tược và gạt bỏ những sinh hoạt khoa học hoặc nghệ thuật. Họ đã cảm thấy rằng sau những hoạt động khoa học hay nghệ thuật, tu sĩ khó có thể để hết tâm trí vào suy niệm. Đàng khác, những tu viện hoặc tu sĩ đã dấn thân vào nghệ thuật hoặc ngành học nào, cũng tìm thấy trong bút ký của những bậc tu sĩ gương mẫu những cách thức siêu việt hóa những công tác này, để giũ sao cho tâm trí luôn sẵn sàng hiện diện đối với Thiên Chúa trong thanh vắng. Những cơ cấu của cộng đoàn chiêm niệm – luật lệ, tập quán, thể thức gặp gỡ và cả đến những nhà cửa – đều chịu ảnh hưởng của ý định muốn duy trì thái độ sẵn sàng đối với sự chiêm niệm, ở một mức độ cao hơn mức độ tìm thấy trong những đường hướng văn hóa khác ngoài tu viện.
 
Đường hướng chiêm niệm khác với thể thức căn bản của đời tu dự sinh. Đời tu dự sinh nhằm mục đích hiện diện đối với Đấng Thánh mặc khải và khai triển qua những đường hướng văn hóa; trái lại tu sĩ chiêm niệm phải tránh dấn thân quá nhiều vào đường hướng này nếu muốn giữ cho tâm trí luôn sẵn sàng sống đời chiêm niệm thuần túy. Tu sĩ chiêm niệm chỉ dấn thân vào những hình thức phụ của văn hóa, để có thể trở lại hiện diện với Thiên Chúa mặc khải trong chốn sâu thẳm và yên tĩnh nhất của tâm hồn con người. Đàng khác, tu sĩ dự sinh ép mình vào những giờ kinh nguyện, yên lặng và suy niệm để có thể hiện diện toàn vẹn trước Đấng Thánh mặc khải trong văn hóa, văn hóa trong đó tu sĩ dự sinh phải tham gia nếu muốn trở nên chứng ta hữu hiệu trong thể thức tu mà mình đã chọn. Cuộc đời của tu sĩ chiêm niệm sẽ hỏng nếu người đó cố tình tránh việc chiêm niệm bằng cách hăng say dấn thân vào những công tác văn hóa của người đồng thời; còn đối với tu sĩ dự sinh thái độ nghịch lại được xem như là thất bại. Tổ chức hành chính, công tác văn hóa, công tác xã hội đôi khi có những phiền phức, nhưng người tu sĩ dự sinh sẽ không chu toàn bổn phận của mình nếu tránh né những phiền phức đó bằng cách sống đời chiêm niệm vào những giờ mà đáng lý họ phải dấn thân vào công việc. Các vị linh hướng của tu sĩ chiêm niệm thường khuyên bảo họ giảm bớt sự dấn thân vào văn hóa. Đối với tu sĩ dự sinh thì vị linh hướng thúc đẩy họ lướt thắng tính thụ động hoặc thờ ơ khả dĩ ngăn cản họ để hết tâm trí vào việc tìm hiểu, khoa học, nghệ thuật hoặc công tác văn hóa khác.

Lúc xưa, Chúa Thánh Thần thúc đẩy một số nam nữ làm chứng nhân cho sự hiện diện đối với Đấng Thánh trong các tu viện, ở đó họ có thể dồn hết tâm trí vào cuộc sống chiêm niệm với Thiên Chúa. Luôn luôn cần có những chứng tá. Nhân loại cần được chứng kiến một số người biểu tượng cho chân lý này: hành động nhân bản cao trọng nhất là thờ lạy trong chiêm niệm. Nhưng với thời gian, những người nam nữ khác lại được Thánh Linh thúc đẩy và hướng về việc làm chứng cho khía cạnh siêu nhiên của công tác văn hóa, công tác mà nhờ đó nhân loại tiến hóa không ngừng. Như vậy, những cộng đoàn tu sĩ dự sinh đã trồi hiện, từ những cộng đoàn chiêm niệm, và ngày nay ý nghĩa độc đáo của những cộng đoàn đó chỉ có thể tìm thấy được trong khuôn khổ kế hoạch của Đấng Thánh. Một vài cơ cấu chiêm niệm vẫn còn ảnh hưởng đến đời tu dự sinh. Hậu quả là đời sống này có thể được hướng dẫn bởi hai nguyên tắc có vẻ trái nghịch nhau: một là dành ưu tiên cho việc chiêm niệm trong nơi thanh vắng, biệt lập; hai là dành ưu tiên cho thái độ sẵn sàng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa hiện diện trong văn hóa. Vì muốn hoàn toàn chiêm niệm và hoàn toàn dự sinh cùng một lượt, nên tu sĩ dự sinh có thể cảm thấy phần nào mình giống như sinh vật lưỡng thể. Trong lúc ra công phối hợp cả hai đường hướng, họ có thể đi đến kết quả là không trở nên tu sĩ chiêm niệm chân chính, cũng không phải là một người góp phần đánh giá vào văn hóa. Vì có một lối hiện diện mơ hồ với thực tại, nên họ khó có thể đạt được tình trạng tích hiệp và quân bình cá nhân. Hơn nữa, những người cộng tác với họ không cảm thấy được rằng họ hết tâm tham gia. Họ như người xa lạ thờ ơ và những kẻ khác khó tin tưởng họ sẽ trung thành với lý tưởng chung. Kết quả là những người này sẽ tuyên bố rằng tu sĩ không nên tham dự vào những công trình văn hóa của nhân loại, bởi lẽ tu sĩ hình như không để tâm hết vào công việc.

Chúng ta đã phải đợi hằng thế kỷ và có lẽ còn phải đợi một thời gian lâu hơn nữa, mới thấy được đời tu dự sinh tách biệt rõ ràng khỏi đời chiêm niệm. Không ai có lỗi về sự kiện trên đây cả. Sự trồi hiện của bất cứ một cơ cấu văn hóa nào cũng bao hàm một tiến trình chậm, trong đó một hình thức chuyên biệt bộc phát từ một hình thức khác dưới sức thúc đẩy của những nhu cầu mới trong nhân loại. Lúc khởi thủy, chỉ cần tu sĩ chiêm niệm lo việc thờ phượng và làm chứng tá, cũng đủ để duy trì nơi con người thái độ cởi mở đối với giá trị siêu việt của những công trình văn hóa, xã hội và thực tiễn. Lúc ban đầu, những phạm vi khác biệt của sự hiện diện văn hóa chưa được phân hóa rõ rệt. Những phạm vi đó chưa biến hóa thành công trình biệt lập, phức tạp khả dĩ bó buộc những ai dấn thân vào phải tận dụng tất cả năng lực và tâm trí. Những cơ cấu văn hóa và xã hội ít tiến hóa thì còn liên hệ mật thiết với đường hướng tôn giáo, đường hướng này rất sâu đậm và thấm nhuần toàn thể xã hội. Dân chúng giữ một số hình thức sùng bái và lễ nghi tôn giáo giúp họ sống hiện diện đối với Đấng Thánh, mặc khải trong biến cố xã hội, nghề nghiệp và phong tục. Hơn nữa, sự hiện diện của rất nhiều tu viện ở giữa dân chúng cũng luôn nhắc nhở con người phải có thái độ cởi mở đối với khía cạnh siêu việt của cuộc sống và văn hóa.

Ngày nay với đà chuyên biệt hóa, giữa dân chúng cần có một số chứng tá đặc biệt được mời gọi để thể hiện trước mắt mọi người sự hiện diện đối với Đấng Thánh, trong văn hóa và bằng những hoạt động và sáng tác văn hóa. Những công tác xã hội, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và hành chánh càng ngày càng phân hóa, chuyên biệt hóa và hướng về sự chế ngự thế giới; sự kiện này khiến cho con người khó có thể luôn ý thức được tính chất linh thiêng của việc phát triển văn hóa. Do đó trải qua bao thế kỷ, dưới sự linh hướng của Chúa Thánh Thần, những cộng đoàn tu sĩ đã để cho các phần tử tự do tham gia vào các hoạt động văn hóa, nhưng vẫn không để cho hệ thống tổ chức và cơ cấu xã hội chi phối đến nỗi không còn trung thành với đường hướng linh thiêng của việc tham dự vào văn hóa. Họ phải đề cao tính cách linh thiêng của việc tham dự vào văn hóa bằng cách dấn thân vào muôn vàn hình thức công tác văn hóa, tùy theo tài năng và ý hướng của mình. Nhờ cách đó, những tu sĩ dự sinh có thể hòa mình càng ngày càng nhiều với nhân loại, biểu hiệu và làm chứng cho sự kết hợp của cái linh thiêng với phàm tục, tôn giáo với đời sống, thánh thiện với văn hóa.

Những thanh niên thiếu nữ cương nghị có thể mong ước phục vụ văn hóa bằng đời tu, nhưng đồng thời họ cảm thấy thắc mắc bởi thái độ mơ hồ của một số tu sĩ gặp trong học đường, bệnh viện, văn phòng hoặc cơ sở nghệ thuật. Thái độ này phát sinh sự lầm lẫn giữa chiêm niệm với việc tham dự vào văn hóa, và từ việc cố tìm vô ích một giải pháp dung hòa cả hai lối sống, trong lúc đáng lý phải nhận thức rằng mỗi lối sống đều tốt đẹp và độc nhất. Trong khi tu sĩ dự sinh có thể không cảm thấy mong muốn trở lại đời sống chiêm niệm thuần túy, họ lại có thể lấy quyết định sai lầm chỉ nên hòa mình vào những công việc nào khả dĩ ít chi phối khả năng chiêm niệm, chẳng hạn như giáo lý, ban các phép bí tích, truyền bá những hình thức sùng kính, hoặc giảng dạy thánh kinh, thần học. Khuynh hướng đồng hóa cái linh thiêng với chỉ một vài loại công việc phát xuất từ sự phân cách giữa cái thánh, cái linh thiêng với cái phàm tục, giữa linh hồn với thể xác. Sự phân cách trên đây chẳng có tính cách Kitô giáo chút nào và nó đã làm phương hại đến Kitô giáo ngay từ khi mới thành lập trong xã hội Hy Lạp La Mã. Sự phân cách này còn có thể được diễn tả bằng ý kiến cho rằng việc phục vụ những xóm nghèo giữa những người nghèo, giảng dạy giáo lý hoặc những công tác tông đồ và truyền giáo tương tự như vậy, là “thánh” hơn những công tác khác, và vì thế phải được các tu sĩ nhận lãnh. Trái lại việc quản trị, khoa học, nghệ thuật và giảng dạy không có căn bản ‘thánh” so với những công tác trên, do đó tu sĩ không nên dấn thân vào. Sự phân cách giữa đạo với đời còn có một triệu chứng khác nữa, đó là khuynh hướng vô thức muốn đồng hóa với một thành phần dân chúng. Theo khuynh hướng này thì làm việc giữa giới nghèo và ở những vùng truyền giáo là “thánh”, còn phục vụ những nhu cầu của giới trung lưu, của giáo sư đại học hoặc của người giàu là “không thánh”. Tu sĩ nào đã vượt quá sự phân cách cũ rích đó biết rằng tất cả hình thức tham dự vào văn hóa đều “thánh thiện”. Cả cộng đoàn và họ đều phải nhận thức rằng dân chúng thuộc bất cứ thành phần nào cũng được Chúa Kitô mời gọi và tu sĩ phải ham thích làm chứng cho khả năng cởi mở đối với cái siêu việt trong mọi người, trong mọi cố gắng và trong mỗi khí cạnh của thế giới hiện đại.

(còn tiếp)

Trích trong tập sách SUNG MÃN NHÂN CÁCH TRONG ĐỜI TU của Adrian Van Kaam, Hồng Quang FSC chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc