banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỜI TU VÀ VĂN HÓA

Đăng lúc: Thứ hai - 17/10/2022 22:33 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỜI TU VÀ VĂN HÓA

ĐỜI TU VÀ VĂN HÓA

Hoạt động văn hóa trở nên như một nhiệm tích trong đó tôi được gặp Ngài một cách mật thiết.

Đến đây chúng ta thấy rõ là đời tu dự sinh không những có thể đảm bảo thái độ hướng thần trong một nền văn minh, mà còn đảm bảo sự khai triển chân chính của nhân loại về mặt văn hóa. Tất nhiên nhận định trên đây chỉ đúng với điều kiện là đời tu phải được sống một cách chân chính. Nếu có được điều kiện này, thì cái phúc lớn nhất cho bất cứ văn minh nào là được thấm nhuần bởi sự hiện diện của những tu sĩ dự sinh; những người luôn tinh luyện việc khai triển văn hóa chân chính của nhân loại, bằng cách âm thầm loại bỏ những quyền lợi ích kỷ cá nhân hay của tập thể, vì chỉ nghĩ đến sự hiện diện căn bản đối với ý nghĩa siêu việt của văn hóa.
 
Sự hiện diện hướng thần trên đây có tính cách sẵn sàng hấp thụ hơn là một hoạt động tranh đấu. Được hiện diện trước Đấng Thánh là một ân huệ, chớ không phải một điều có thể chinh phục được. Tôi càng sẵn sàng đón nhận ân huệ này, thì những hoạt động văn hóa của tôi hình như càng được chia sẻ tính chất rạng chiếu của Ánh Sáng. Hành động của tôi lúc đó sẽ diễn tả đời sống thiêng liêng của tôi, và hiện diện của tôi đối với ý nghĩa linh thiêng của văn hóa trở thành tự nhiên và dễ dàng. Việc tham gia của tôi vào văn hóa có thể cho phép kẻ khác thấy được tôi sống hiện diện với ý nghĩa linh thiêng của văn hóa, và như vậy họ sẽ có dịp hòa mình theo đà phát triển, thể thức và lối diễn tả của văn hóa. Là tu sĩ, có thể tôi có vẻ sống như tách biệt khỏi thế giới bận rộn của sự dấn thân vào thực tế. Chẳng khác gì văn hóa trong đó tôi dự phần, tôi thấy nó dưới khía cạnh mà người bên cạnh tôi không thấy; chẳng khác gì hoạt động văn hóa của tôi được hướng dẫn bởi những động lực mà người bên cạnh tôi không có. Đôi khi người đó cảm thấy như vậy vì chỉ trông thấy bề ngoài của những hoạt động và mục tiêu văn hóa. Có lẽ người đó chưa thấu triệt được ý nghĩa sâu xa của những hoạt động văn hóa. Những lo lắng cho cái nhất thời, những khát khao vô thức về nhân vọng, chức quyền và tài sản mà những tiêu chuẩn của thế giới hiện đại như thúc giục thêm, tất cả những yếu tố này khiến người đó sống ở một mức độ hiện hữu chưa sâu đủ để có thể tiếp xúc với ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống thường nhật.

Cách tôi đáp ứng lại “cuộc sống không có gì dị thường cả. Được hun đúc bởi sự mặc khải của Kitô giáo, linh hướng và nâng đỡ bởi ơn thánh, sự hiện diện hướng thần của tôi có tính cách siêu nhiên và siêu văn hóa; do đó ngay từ lúc đầu nó đã xa lạ đối với những người cùng tôi dự phần vào văn hóa. Là tu sĩ, tôi có thể khiến họ ngạc nhiên bởi thái độ tự nhiên và bình thản lúc tôi đứng trước công việc. Họ khó có thể hiểu tại sao tôi ít bận tâm đến địa vị và thành công. Họ có thể cố tìm hiểu những động cơ của tôi, nhất là lúc địa vị và thành công trở thành ý nghĩa chính yếu của công việc họ làm. Hơn thế nữa, họ có thể nghi ngờ tôi có ẩn ý, thí dụ như muốn làm tăng ảnh hưởng của giáo phái và cộng đoàn của tôi trong thế giới. Ngày nào cái nhìn của họ còn bị giới hạn bởi những khía cạnh hời hợt của công tác văn hóa và bởi những như cầu nhu cầu nhất thời, thì không thể nào họ có thể tìm ra ý nghĩa đời sống của tôi. Họ cũng có thể nghĩ rằng tôi mắc một chứng bệnh tâm lý nào đó, khi họ thấy tôi tận lực thi hành công tác văn hóa chung, mà không bận tâm bao nhiêu đến lợi ích vật chất hay sự phát huy bản thân. Dần dần họ phải công nhận tôi là một người có tâm hồn thanh lãng và quân bình; nhưng lúc đó họ lại có thể cho rằng chính sự ích kỷ của tập thể đã phát động của tôi không có chủ đích thuyết phục họ theo đạo hoặc phát triển địa vị, danh vọng và tài sản của một giáo phái hoặc cộng đoàn tu sĩ, lúc đó bắt buộc họ phải công nhận rằng sự dấn thân của tôi vào văn hóa là một huyền nhiệm. Kinh nghiệm trên đây có thể khơi động tính hiếu kỳ của họ. Ơn thánh có thể dùng tính hiếu kỳ để giúp họ ước đoán rằng công tác văn hóa còn có một khía cạnh nào khác mà họ không thấy; nó ẩn khuất đối với họ, nhưng chính nó mới cắt nghĩa được thái độ say mê tuy vẫn bình thản lúc tôi dấn thân vào công việc tay chân, khoa học hay nghệ thuật.

Dần dần ơn thánh có thể cho thấy chính họ cũng có khả năng cởi mở đối với giá trị siêu việt trong mỗi cố gắng văn hóa. Được vậy, họ sẽ rất đỗi ngạc nhiên khi cảm nghiệm rằng công tác văn hóa của họ không tiêu tan thành ảo mộng; trái lại, dưới mọi khía cạnh nó tỏa lan một nét tươi đẹp và một ý nghĩa mà từ trước đến nay nó vẫn thiếu. Giá trị ẩn khuất của toàn thể văn hóa được mặc khải huy hoàng cho họ. Họ vươn mình lên khỏi phạm trù lưỡng nghi, của sự hiện diện trực tiếp và siêu việt, để phối hợp cả hai yếu tố trong sự hợp nhất của kinh nghiệm và hành động. Một sự duy nhất hóa như vậy không phải là kết quả của óc suy lý, nhưng là một kinh nghiệm bao quát toàn thể hiện hữu của họ. Họ có thể khám phá ra rằng những thể thức tham dự vào văn hóa không phải là những thể thức biệt lập cần phải nỗ lực để tích hiệp vào trong một nhân cách độc nhất; nhưng đúng hơn, sự hiện diện hướng thần ở ngay trung tâm nhân cách của họ và nó là nguồn năng lực duy nhất từ đó trồi hiện những thể thức tham gia vào văn hóa, và những thể thức này biểu lộ và làm tỏa sáng sự hiện diện hướng thần.
 
Là một tu sĩ chân chính sự phần vào văn hóa, tôi phải tỏ ra vừa rất nhạy cảm vừa rất siêu nhiên; nhạy cảm đối với những hình thái trực tiếp của hoạt động văn hóa và những người cùng tôi dự phần vào văn hóa, và siêu nhiên vì sự tham gia của tôi vào văn hóa là một sự thờ phượng phát khởi từ hiện diện của tôi với Đấng Thánh. Cách sống của tôi phải biến đổi biểu diện của những biến cố có vẻ chóng qua và vô nghĩa nhất, thành giá trị cao quý, tươi sáng và vĩnh cửu. Khi nào tôi hiện diện trước những biến cố giống như là hiện diện trước mặc khải của Đấng Thánh, tức thì tôi sẽ thấy rõ thực chất của các biến cố. Khi nào hiện diện của tôi trước Đấng Thánh tỏa sáng trên những thực tại thường nhật, lúc đó tôi sẽ nhận ra giá trị vĩnh cửu trong những biểu hiện vô nghĩa nhất. Sống trong thái độ thờ phượng là vượt quá thực tại hữu hình, để đạt đến chân lý tiềm ẩn trong biến cố hằng ngày. Kinh nghiệm này có được mỗi khi tôi biết dùng ánh sáng  của thần linh để linh động hóa những công việc thấp hèn nhất.
 
Lúc nào Thiên Chúa ban cho tôi ơn được hiện diện đối với ý nghĩa linh thiêng của thực tại hằng ngày, bản thân tôi có thể trở nên một lời mời gọi kẻ khác tìm lại phần linh thiêng trong văn hóa. Lối hiện diện của tôi có thể giúp họ thấy nguồn mạch mà mọi người được kêu gọi đến để trích ra ý nghĩa cho cuộc sống. Tôi không tự phô trương như một “gương sáng” cho những ai cùng tôi cộng tác vào văn hóa, nhưng tôi mời gọi mỗi cá nhân tìm ra trong chính bản thân họ kiễu mẫu theo đó họ phải sống cho xứng hợp. Tôi chỉ giúp bằng cách nhắc nhở - bằng cách sống hơn là bằng lời nói – họ phải hiện diện đối với Đấng Thánh qua sự thờ phượng, vì chính sự thờ phượng mới hiểu lộ tính cách độc đáo của bản thân họ. Thờ lạy Đấng Thánh trong và bằng việc tham dự vào văn hóa, tôi có thể khơi động một thái độ tương trợ nơi những người cùng tôi góp phần vào văn hóa. Nhưng không bao giờ tôi có thể ép buộc họ phải ý thức điều đó. Thật ra, cũng có thể là tôi chẳng tìm thấy trong họ thái độ sẵn sàng chấp nhận sự thờ phượng. Trong trường hợp đó tôi cũng không cảm thấy đời tôi vô nghĩa hoặc công việc của tôi bất thành. Trên bình diện một tu sĩ dự phần vào văn hóa, ý nghĩa sâu xa nhất cũng như nguồn sinh lực và nguồn vui của đời tôi, là việc tôi ý thức được rằng tôi là một nhân vị độc nhất và nhân vị đó đã đáp lại lời mời gọi phụng thờ và làm chứng tá cho Đấng Thánh bằng công tác văn hóa. Chu toàn phận sự đó là cả một phụng vụ. Mỗi cảm nghĩ, cử chỉ và hoạt động là một sự thờ lạy Thiên Chúa, Đấng làm cho văn hóa được thể hiện bằng cách bảo tồn nhân loại, cho phép nhân loại được phát huy để trở nên kẻ bảo vệ và sáng tạo văn hóa của Ngài trong vũ trụ. Tôi cảm thấy được cộng tác với Đấng Thánh. Tôi cảm tạ Người khi nhận thấy được nâng lên cao để hòa mình vào dòng lịch sử linh thiêng của nhân loại. Hơn thế nữa, tôi cảm thấy được vui đùa trước dung nhân Đấng Tối Cao, Đấng đã tái tạo trái đất mỗi ngày bằng những cố gắng văn hóa của con người.
 
Trong lịch sử có những thời buổi dân chúng như tách biệt khỏi Thiên Ý. Thiên Chúa chưa chết đối với họ, nhưng họ đã chết đối với Thiên Chúa. Trong những giai đoạn đó những tu sĩ dự phần vào văn hóa hình như không thể nào khơi động lại khuynh hướng thờ phượng đang tắt lịm trong lòng nhân loại. Điều đó không có nghĩa là tu sĩ trở nên vô dụng. Trái lại họ đáng cần hơn bao giờ hết. Vì chính trong những thời kỳ đó, nhân loại cần có một số ít người – giáo dân hay là tu sĩ – đứng ta duy trì việc thờ phượng trước mặt Đấng Thánh và dâng hiến lên Ngài nền văn hóa đang cố tình bỏ quên Ngài. Quả thật những người đó mới đáng cần nhất, rất có thể là Thiên Chúa dung thứ một nền văn hóa vì nhờ có một thiểu số tiếp tục tận hiến văn hóa cho Ngài mặc dù những kẻ khác đã lãng quên.
 
Hoàn cảnh này có thể so sáng với khuynh hướng cởi mở của con người đối với khía cạnh thi vị của cuộc sống. Có những lúc đa số quần chúng vì bận tâm trong việc mưu sinh và kinh tế, quên hẳn khả năng thi văn của mình. Điều đó không có nghĩa là thi sĩ trở thành vô dụng đối với nhân loại. Trái lại, nếu không còn thi sĩ nào để duy trì khía cạnh thi vị của hiện hữu, nhân loại sẽ khó lòng tìm được khả năng thi văn lúc nhu cầu nhân bản sâu xa này sống lại trong tâm hồn. Sự vắng bóng thi sĩ và thi ca trong một thời gian quá lâu, còn có thể làm thi ca mất đi thể thức cụ thể khả dĩ giúp nhân loại đáp ứng với khía cạnh thi vị sau thời gian đã lãng quên. Đành rằng người thi sĩ đơn độc không được quần chúng nồng nhiệt đón nhận, sùng bái; nhưng không vì thế mà thi sĩ không còn nguồn vui. Trong thời gian đó người thi sĩ có thể tìm thấy niềm vui sâu xa trong chính thi ca, trong việc tán dương ngôn ngữ, trong hiện diệm âm thầm đối với những gì mặc khải cho con người biết tận hiến cuộc đời cho cái Đẹp.
 
Là một tu sĩ góp phần vào văn hóa, tôi rất hữu ích đối với nền văn hóa, tôi rất hữu ích đối với nền văn hóa đang tạm quên lãng Đấng Thánh. Tôi đã được kêu gọi để duy trì thái độ cởi mở của con người đối với giá trị tôn giáo. Lúc nào nhân loại sẵn sàng khuyến khích thái độ đó, nhân loại sẽ hoan hỉ nhận thấy rằng giá trị tôn giáo sau một thời gian quên lãng, nay vẫn chưa biến mất và con đường đưa đến giá trị đó vẫn chưa hoàn toàn bế tắc. Nhưng nếu trong thời gian đó tôi lầm lỗi bằng cách đặt ý nghĩa và nguồn vui của đời tôi vào hiệu năng của biểu trưng trong việc thờ phượng rất có thể  tôi sẽ chuốc lấy sự vỡ mộng hoặc thất vọng. Từ nay tôi phải luôn căn cứ bản thân, ý nghĩa và nguồn vui của mọi dự phóng, vào niềm hân hoan phát huy khía cạnh tôn giáo của văn hóa, mỗi ngày trưởng thành hơn trong việc thờ phượng Đấng làm cho văn hóa được hiện hữu. Hoạt động văn hóa trở nên như một nhiệm tích trong đó tôi được gặp Ngài một cách mật thiết.

Trích trong tập sách SUNG MÃN NHÂN CÁCH TRONG ĐỜI TU của Adrian Van Kaam, bản dịch của Hồng Quang, FSC

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc