banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC ĐIỀM ĐẠM VỚI NHÂN CÁCH

Đăng lúc: Thứ năm - 17/10/2019 03:37 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC ĐIỀM ĐẠM VỚI NHÂN CÁCH

ĐỨC ĐIỀM ĐẠM VỚI NHÂN CÁCH

Muốn trở nên một người có nhân cách đáng phục, bạn nên rèn luyện cho mình có được sự điềm tĩnh, tức sự điềm đạm.

Có cả một quân đội cầm nào đèn lồng, đuốc, vũ khí ồ ạt tiến vào khu rừng vắng. Bạn biết đó là quân đội nào không? Đó là một quân đội, cách nay chừng non 20 thế kỷ lãnh huấn lệnh của những thầy cả và những người biệt phái Do Thái đi tìm bắt Đức Giêsu, Người sáng lập đạo Công Giáo. Đêm đã về. Đức Giêsu đang cầu nguyện bên bờ sông Cédron, ở một khu vườn tịch mịch nọ. Quân đội rầm rộ, tiến đến vây bắt Người một cách dã man. Không khí giới, một mình thôi, hết sức điềm tĩnh. Giêsu tiến đến đám quân hung ác và dõng dạc tự nhiên hỏi: “Các anh tìm ai?”. Toán lính trả lời: “Tìm Giêsu Nazareth”. Đức Giêsu nghiêm trang chỉ mình, đáp: “Chính ta đây”. Có kẻ tát vào mặt Ngài một bạt tay. Ngó ngay đoàn quân đang say máu, Ngài nói nói cách điềm đạm: “Hằng ngày Ta ở giữa các ngươi trong đền thờ để dạy dỗ, các ngươi lại không bắt, bây giờ lại đem gươm giáo, đèn gậy đến bắt Ta như bắt một tên một cướp à?”. Nói thế rồi, Ngài phú mình cho địch thủ tha hồ buộc trái, đánh đập mà không buông nửa tiếng than van, trách móc. Thú thật, nhiều câu chuyện đọc trong Tân Ước tôi quên mất, nhưng không làm sao tôi quên được câu chuyện này. Không phải tôi giàu trí nhớ hơn bạn đâu. Mà chỉ vì tôi quá ư thán phục nhân cách của Đức Giêsu biểu hiện ở thái độ rất điềm đạm của Ngài.

Trong hoàn cảnh kinh khủng như thế, cái chết rùng rợn sắp đến cho Ngài, mà Ngài điềm tĩnh hỏi và trả lời cho địch thủ của mình như vậy, thật nhân cách của Ngài đáng thiên hạ kính trọng.

Muốn rèn luyện nhân cách, chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu tạo cho mình một đức điềm đạm. Trường hợp điềm đạm của Đức Giêsu mà chúng ta vừa nói, chỉ là một trong nhiều trường hợp khác mà Ngài tỏ ra là một con người hoàn toàn làm chủ lấy mình. Lúc Ngài giảng đạo, quần chúng Do Thái thán phục Ngài, kẻ ghét Ngài là Biệt Phái, các thầy cả, các ký lục “ngán” Ngài, môn đồ Ngài quý trọng Ngài một phần không nhỏ là do Ngài có tâm hồn thản nhiên, có diện tướng điềm đạm trước những cử chỉ khờ dại, bạc bẽo của dân chúng trước lời vu cáo, khi nhạo, những thái độ hung ác, dã man của quân dữ giết Ngài, trước sự ngây ngô, nhút nhát, bội bạc của nhiều môn đệ. Người ta thấy Ngài lúc nào cũng xử thế bằng sự êm dịu, điềm nhiên.

Nhân cách của Ngài được quý mến nhờ sự “như bất động” của tâm hồn cũng như diện tướng, tại sao ta không bắt chước?

Hầu hết những vĩ nhân trên đời có nhân cách gương mẫu đều là những bậc có nhân cách điềm đạm. Có lẽ bạn bảo rằng Đức Giêsu có nhân cách đáng phục vì điềm đạm, ai cũng đồng ý, nhưng Ngài có thiên tính ai mà bắt chước nổi. Thì đây chúng tôi xin dẫn cho bạn những gương của các bậc hoàn toàn là thường nhân như chúng ta.

Bạn có mến phục Khổng Tử không? Chắc có. Ai mà không mến phục. Chúng tôi cũng như bạn, cả dân tộc Trung Học và bao nhiêu dân tộc khác đều cho nhân cách của Ngài là nhân cách gương mẫu. Ngài diễn độ nhân cách của mình ra trong nhiều trường hợp. Có lần du thuyết ở đất Khuông, ngài bị bao vây nguy hiểm, không biết phương nào để thoát thân. Thấy tận lực rồi àm vẫn bế tắc, ngài vui vẻ lấy đàn ra khảy và ca hát. Tâm hồn của ngài điềm nhiên trước sự hung ác của quân giặc bao vây.

Archimède cũng là người đáng phục nữa. Và cũng là một gương điềm đạm. Có lần ở Syracuse, ngài đang vẽ những hình kỷ - hà - học dưới đất, quân giặc vác gươm giáo đến trước ngài, ngài bất kể cái chết, điềm đạm bảo quân lính: “Coi chừng làm hư danh hình vẽ của tôi”. Đọc truyện Tàu ai mà không quý phục nhân cách cảu Trương Lương. Bạn biết tại sao ông được quý phục như thế không. Phần lớn chỉ vì điềm đạm. Lúc Hán Cao Tổ nổi cơn lôi đình vì Hàn Tín tung hoành xưng bá ở nước Tề. Trương Lương điềm tĩnh bảo Hán Đế hày điềm đạm, phong vương cho Hàn Tín bằng không chẳng những đại nghiệp phải hỏng mà tính mệnh cũng tiêu vong.

Ai viết lịch sử nhân loại đều phải để nhiều trang ca tụng nhân cách của Gandhi. Tại sao thế? Điềm đạm? Điềm đạm đến cả dân tộc có tiếng là điềm đạm như dân tộc Anh còn phải thán phục. Dưới ách thực dân Anh quốc, Gandhi và dân tộc của ông quá uất ức, nhưng không biết làm sao lật đổ quân thù để đem lại tự do cho dân tộc Ấn. Gandhi thấy tỏ ra phẫn uất, dùng bạo lực sẽ chỉ làm cho đồng bào ngày càng thêm khổ trong gọng kềm ngoại quốc thực dân. Ông điềm đạm, bên ngoài cứ khôn khéo giao tiếp với chính phủ Anh, bên ngoài ngấm ngầm, thản nhiên chủ trương bất hợp tác bất bạo động. Ngày nay, bạn thấy ông thành công và trở thành đối tượng ca tụng cho hàng triệu người dân Ấn Độ.

Joffre, khi bị quân nghịch các liệt tấn công, cười như khi được trọng thưởng hay thắng trận vậy… Trong cuốn “How to stop worrying”, Dale Carnegie nói với tổng thống Abraham Lincoln không bao giờ biết bận tâm vì những lời quân thù của ông vi cáo, chỉ trích, bôi nhọ thanh danh và bảo rằng không có đủ thời gian để đọc những bức thư của kẻ chê trách mình.

Thiết tưởng bấy nhiêu gương sáng đó cũng đủ cho bạn tin rằng những người có nhân cách đáng phục đều là những người có ít nhiều đức điềm đạm. Và nếu không làm vĩ nhân như những bậc trên, ít ra ta cũng cố gắng xây dựng nhân cách của mình bằng cách rèn nhân đức này với lòng tự tin sắt đá. Họ là người như chúng ta, nếu vì có phẩm chất điềm đạm hơn người là do sự cố gắng thực hành và luyện tập.

Đức điềm đạm mà chúng tôi bàn ở đây không có nghĩa là sự “bất động vô giác”. Chúng tôi không muốn bạn giết chết cảm tình của chính mình, muốn thế là muốn điều phi lý, vì con người mà không còn cảm tình thì làm sao sống động được. Đức điềm đạm hiểu ở đây là đừng làm tay sai ngoan ngoãn cho cảm tính, cảm xúc, xung động của ta phát sinh do những ý tưởng hay những vật ở ngoại giới, là có một tâm hồn bình yên như bàn thạch, là dùng ý chí chế ngự bản năng, dục tính, xu hướng, là không bao giờ vô ý thức mà bộc lộ ra bằng cử chỉ, thái độ, lời nói, hành vi con người tình cảm của mình. Đức điềm đạm hiểu như vậy là một phần của đức tự khiển đã bàn ở chương trước và không khác đức tự chủ mấy, song chúng tôi bàn riêng trong chương này là cốt ý bạn nhận thấy vai trò hệ trọng của nó trong việc rèn nhân cách và nhất là muốn bạn để ý cách riêng sự thực hành của đức tự chủ trong những việc bên ngoài con người.   

Về phương diện huấn luyện tâm hồn, chính đức điềm đạm, tức là sự tử chủ cao độ của nội tâm cũng như ngoại thân, là chiếc chìa khóa không có không được để nên người đại dũng. Có thể nói người ta đừng mong có đức tính nào đáng khen nếu người ấy không có đức điềm đạm. Nguyễn Duy Cần quả không phải vô lý khi viết: “Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tình điềm đạm làm căn bản”.

Phật bàn về “tâm vô quái ngoại”. Lão nói về “vô vi điềm tĩnh”. Nho luận đến “hạo nhiên chí khí”, toàn chỉ vào một đức tính… Điềm Đạm.

Bạn có thể thêm tiếp lời Nguyễn Quân: Công Giáo chủ trương “Bình yên tâm hồn”. Người ta không thể bàn được việc thánh thiện, hay những đức tính luân lý nào ở một con người nếu không bàn về vấn đề điềm đạm. Phải biết chinh phục những cảm xúc của mình, phải trấn áp những dục tính, lòng tự ái, não tưởng tượng, xu hướng tập quán thì mới có những hành động, lời nói hợp lý, xây dựng nhân cách con người.

Về mặt xử thế, Đức Điềm Đạm tạo cho con người một luồng “nhân điện” khiến bất kỳ ai gặp người điềm đạm đều phải kính nể. Diện tướng của họ cũng như lời nói, cử chỉ, hành vi của họ có một lực ảnh hưởng người khác cách phi thường. Ai đối diện với họ đều phải nghe mất quân bình trong người, nghe bẽn lẽn, rụt rè và khi muốn nói, muốn làm điều gì hay khởi sự cách thiếu tự nhiên.

Trong khi chung sống với nhau những người điềm đạm nổi bật lên.

Bao kẻ xung quanh họ tưởng rằng để thiên hạ để ý đến mình, kính phục, khen ngợi mình thì phải ăn to nói lớn, đa ngôn, lóc chóc. Người điềm đạm có diện tướng chững chạc, nhìn cách lạnh nhạt sự náo động của kẻ khác, đi đứng thản nhiên; lúc phải nói, nói với sắc mặt lạnh như bàn thạch, viới giọng nói êm dịu nhưng cứng rắn, trầm tĩnh mà không lờ đờ. Bao nhiêu cặp mắt đều phải hướng về họ, bao lỗ tai đều lắng nghe họ cách chăm chú. Những lúc cần giải quyết vấn đề quan trọng, bao người khác xôn xao, cãi lẫy, họ có thái độ trầm tư mặc tưởng, hình như không quan tâm đến ai, nhưng sau cùng ai cũng quan tâm đến họ để chờ sự phán quyết có giá trị.

Một người có đức điềm đạm được thiên hạ quý trọng bao nhiêu thì người thiếu bình tĩnh bị khinh rẻ bấy nhiêu. Người náo động bao giờ cũng vụn chạc. Trí tưởng tượng của họ như con ngựa không cương, tha hồ lôi cuốn họ trong mộng và mộng. Cảm tính của họ như một phong biểu, thay đổi mức độ vô chừng. Khi bị kích thích lòng tự ái họ bừng dậy nhanh chóng và sẵn sàng thúc đẩy họ làm những việc sai trái. Tính tình của họ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi dư luận của kẻ khác, bởi những thói quen ngoại giới thay đổi nắng mưa. Những khi vui, họ vui, vui hết sức, xây dựng mộng vàng, ngó cuộc đời đẹp như thơ mộng. Gặp cảnh khó khăn, bị thiên hạ chỉ trích họ lo âu như một bà mẹ bên đứa con thân yêu đang hấp hối. Họ quên ăn bỏ ngủ để đào sâu hố bi quan bằng cách tiếc dĩ vãng, ngán ngẫm hiện tại, sợ tương lai. Con người náo động, mất quân bình của họ được bộc lộ cách trung thành diện tướng của họ. Người ta thường thấy cặp mắt láo liên, hết liếc ngang rồi ngó dọc, lúc lại nháy mắt lia lịa. Mắt họ hình như lúc nào cũng váo vát. Ngó họ, người ta có cảm tưởng gặp một người vừa qua cơn nguy hiểm hay người đang thấy hiểm họ đến với mình mà không biết giải quyết thế nào.

Vì thế, muốn trở nên một người có nhân cách đáng phục, bạn nên rèn luyện cho mình có được sự điềm tĩnh, tức sự điềm đạm.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH  của Hoàng Xuân Việt. 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc