banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

RÈN ĐỨC THU TÂM

Đăng lúc: Thứ ba - 07/07/2020 19:57 - Người đăng bài viết: menthanhgia
RÈN ĐỨC THU TÂM

RÈN ĐỨC THU TÂM

Rèn đức thu tâm: Phải thành thật và hiền dịu

Trong những bài trước chúng ta đã bàn về rèn đức thu tâm qua việc tập bỏ các điều xấu và không nên, lần này chúng ta sẽ bàn về rèn luyện đức này qua việc thực hiện các thói quen tốt.
 
Phải thành thật
Chúng ta có ý thu tâm lâu bền, có ý kiến những bè bạn giúp ta đắc lực luôn, có ý sống hạnh phúc với kẻ khác chớ không phải chủ tâm lường gạt thiên hạ trong một thời gian để chiếm đoạt một lợi lộc nào. Vì thế, lối giao thiệp của chúng ta không thể lấy sự giả dối làm nồng cốt được. Mà trái lại, chúng ta phải dối xử với tất cả sự chân thành. Trong tâm tưởng của chúng ta thế nào thì khi hành động, nói năng, ra điệu bộ cũng phải thế ấy. Có thể chúng ta đối xử vụng về, lạnh nhạt, có thể chúng ta sai lầm, nhưng nếu chúng ta thành thật, sau cùng kẻ khác cũng hiểu ta, có thiện cảm với ta. Dùng môi miệng đa ngôn để nói mình tốt bụng, để nịnh hót chỉ dụ, hoặc được những con người chỉ mua lòng những kẻ sâu sắc trong một thời gian rồi sau cùng cũng bị người ta am hiểu ruột gan giả dối của mình và bị oán ghét.

Vả lại, ta hơi đâu mà giả dối cho nổi. Cuộc đời có không biết bao nhiêu hạng người với trăm nghìn tính nết khác nhau. Rồi mỗi người cũng thay đổi tính tình theo thời gian, hoàn cảnh. Làm sao chúng ta có đủ thứ mánh lới để làm đẹp lòng mọi người. Điều tai nạn nhất là dù ta khéo tráo trở cách nào, chính việc tráo trở, chiều chuộng cách giả dối của ta đối với nhiều người quá, kẻ khác cũng nghi ngờ ta, mất ở ta sự tín nhiệm. Vậy chi bằng ta ở thành thật với hết mọi người. Ta cứ ăn ngay nói thẳng. Điều gi cần cho kẻ khác biết, ta cho biết như ta tưởng. Khi phải thi thố lòng tốt của mình, ta thi thố cách tự nhiên, không nhiều lời, kiểu cách, khách sáo, không có thái độ lòe đời. Lúc nào ta cũng muốn kẻ khác hòa thuận, hạnh phúc, thành công, vì thế ta không khi nào láo xược, hại ai, tính mưu kế làm cho kẻ khác bất hòa và thất bại. Nếu trong xã hội mà bạn sống thành thật như vậy chúng tôi dám chắc bạn sẽ có rất nhiều thân hữu và sẽ thấy đời mình êm vui. Một lời nói của bạn có giá trị như một giấy giao kèo nên ai cũng tín nhiệm bạn. Người ta coi bạn như mình, nên khi có công việc gì đại sự, cần giải quyết cách sáng suốt thì đến bạn. Có thể khi mới gặp một hạn người nào, vì thành thật, bạn không bu lu bu loa, không nhiều lời, nhiều thái độ niềm nở, nên họ hiểu lầm bạn, cho là bạn lãnh đạm, hiểm tâm…Nhưng không sao! Thời gian sẽ trả lại tín nhiệm cho bạn. Người ta, sau khi chạy chơi cùng những kẻ láo xược, già hàm, môi miệng, bị thất bại, bị bạc đãi, sẽ từ từ trở về bạn, có thiện cảm sâu xa với bạn. Hơn nữa, có khi sống trong một xã hội, bởi bạn thành thật ít nói nên không có nhiều kẻ đến chơi giỡn mua vui. Nhưng bạn đừng tưởng không ai quý mến bạn. Ngay trong hạng hay giỡn cợt, ham giao du cùng những kẻ giả dối vẫn mến phục bạn cách chân thành. Họ sở dĩ lui tới thường cùng kẻ môi miệng chỉ vì nhu cầu háo thắng, vì thiếu tự chủ, vì ham hài hước, vì không ở một mình được. Song lúc tới cùng những kẻ ấy để giải trí chớ không phải để tính những việc quan trọng, thường thường họ bỏ bê bạn, ít chơi giỡn với bạn, song khi có việc quan trọng họ đến bạn ngay. Vậy, tóm lại, xin bạn hãy xử thế bằng tất cả sự thành thật.
 
Phải hiền dịu
Ở đâu và thời nào người ta cũng đều tự nhiên quý mến kẻ hiền dịu. Tại sao? Có lẽ có nhiều lý do khác. Nhưng chắc chắn là tại người ta thấy trong kẻ hiền dịu một người bạn thân. Ruồi tự nhiên ưa đường mật. Con người cũng tương tự thế. Thấy trong ai có sự êm dịu, có sự thân thiết thì tìm đến, trao đổi tâm hồn và cho rằng sự sống chung với kẻ ấy là hạnh phúc. Nếu bạn dùng vũ khí hãm hại một người yếu thế bạn, nếu bạn quát tháo, thịnh nộ, đe dọa một đứa con nít thì có thể hai thứ người ấy làm thinh, chịu thua bạn. Nhưng chúng tôi chắc chắn trong thâm tâm họ không mến phục bạn. Khi nào kẻ yếu có vũ khí như bạn, khi đứa bé lớn khôn, bạn sẽ thấy họ đối xử với bạn làm sao. Lão Tử thật tỏ ra khôn hơn chúng ta khi ông nói: “Nhu thắng cang, nhược thắng cường”. Trong xã hội, ít có thứ người tự nhiên ưa thích hung dữ. Có nhiều kẻ ác phải có biện pháp mạnh đối phó mới chịu thua. Nhưng trong thâm tâm mọi người, kể cả kẻ ác đều có lòng mến thích cái êm dịu. Ai không biết làm thỏa mãn tính tự nhiên này của kẻ khác thì không trông gì dẫn dụ người khác. Đã không dẫn dụ được còn gây ác cảm nữa. Bất kỳ ai, dù kẻ học rộng, hay kẻ quê mùa dốt nát, một khi có lập trường nào thường khư khư giữ lấy không muốn kẻ khác cho mình là lầm. Có người dám nóng cộc, hy sinh cả tình bạn, tình cốt nhục, quyền lợi để bảo tồn tư tưởng của mình nữa. Gặp nhữnh kẻ ấy, bạn xẳng được không? Lửa đang cháy, muốn trừ nó, bạn đem thêm lửa lại à? Dĩ nhiên bạn phải dùng nước, nghĩa là ăn nói mềm mỏng, tâm phục họ hơn là lý phục. Chúng tôi đồng ý với bạn rằng cần mà cho kẻ khác hành động theo lẽ phải, dù họ có ghét mình mặc kệ, chứ không nên khiến họ hành động vì sợ e không dẻo dai. Nhưng bạn đừng quên chân lý này là con người ưa sự thật mà không ưa thấy kẻ khác đem lý lẽ cho mình biết rằng mình lầm, rằng mình phải theo lý lẽ của kẻ khác. Bạn không nhớ trong khoảng đời đã qua của bạn, có biết bao nhiêu cuộc bàn cãi sôi nổi, trong đó bạn có lý lắm, đối phương của bạn lầm trăm phần trăm, mà họ vẫn “cãi gân” với bạn, vẫn cho rằng mình có lý. Có kinh nghiệm đã cho bạn thấy rằng mình cần hợp lý, nhưng nếu chỉ ỷ tài lý luận của mình, đem đủ thứ lối biện luận đổ  vào đầu đối phương, sau cùng chỉ làm cho họ ghét mình và mình mệt mỏi, chứ không thuyết phục được họ. Muốn họ nghe theo mình, phải tấn công trái tim hơn là bộ óc của họ, nghĩa là phải dùng sự êm dịu, coi họ như bạn thân. Khi họ thấy mình coi họ là bạn thân rồi, mình nói lý gì họ cũng chịu. Vậy trong cuộc sống hằng ngày, đối với bất kỳ ai, xin bạn đừng coi sự thuyết dụ như một chiến công hung ác để chiếm phần thắng cho mình. Sự phán quyết tuyệt đối, độc đoán, cộc cằn, xẳng xốn thường là của những tâm hồn còn chất dã man, chưa có kinh nghiệm về cuộc sống, không muốn làm những việc cao cao. Phần bạn, bạn là kẻ có giáo dục đàng hoàng, đã biết con người ưa êm dịu và muốn dẫn dụ kẻ khác thi hành lý tưởng, xin bạn hãy lấy sự ngọt ngào làm lợi khí xã giao. Sự ngọt ngào giống như nước làm cho lửa giận của kẻ khác không bừng lên được, khiến đầu óc họ hết chống đối với ta và ý chí của ta mật thiết với của họ. Lẽ dĩ nhiên, sự êm dịu của người quân tử, bạn đừng hiểu là nhu nhược. Người nhu nhược không có chí khí, không phán quyết độc lập, hay để cho kẻ khác ăn qua, ảnh hưởng và thường thưa “Amen” khi kẻ khác quả quyết. Bạn không nên bắt chước như thế. Sự êm dịu phải được ý chí chỉ huy và lý trí soi sáng. Bạn êm dịu và bạn tự chủ, không sống theo bản năng nóng cộc, hay coi mình quan trọng và chà đạp người khác. Bạn êm dịu vì bạn điềm đạm, nhẫn nhịn. Bạn êm dịu, nhưng bạn thấy trước phải dẫn dắt đối phương đến chân lý mà bạn đã nhắm tới bằng cách họ không hay biết. Cho được nên người êm dịu, trong tâm tưởng bạn nên có tinh thần bác ái, trọng nhân phẩm, muốn lấy thái độ quân tử đối với hành động tiểu nhân, cương quyết dùng nước thắng lửa. Bên ngoài, bạn nên có lối đi hòa hoãn, đừng gầm gầm, bước đi nghe như có vẻ muốn chạy hơn là đi. Phong độ ấy khiến kẻ khác vừa thấy bạn là có cảm tưởng gặp một người hung bạo, độc đoán. Nên có lối đi hiền từ, bước êm mà chắc, mặt đưa tới trước cách điềm nhiên như lúc nào cũng tưởng để đón rước người hay để đối phó với những gì gây tai họa. Gương mặt luôn thản nhiên và điểm nét cười. Lúc bàn chuyện, hãy mở đầu như có gì quan trọng, nói chậm chậm, nói trong sự mỉm cười, vừa nói vừa nhìn vào mắt người đang nghe, nói với điệu bộ êm dịu của tay, nói cách hỏi, nói trong khiêm tốn. Khi người khác bắt bẻ, hãy ôn tồn đặt lại vấn đề, xin họ trình bày hết ý kiến. Họ có gì sơ sót, không cần đính chính thì bỏ qua. Điều gì muốn họ đồng ý với mình thì xin họ giúp mình tìm sự thật. Nếu bạn xử thế như vậy, làm sao bạn không thu được lòng người. Những giáo sĩ công giáo có thói quen mỗi sáng đọc nửa giờ Kinh Thánh. Chúng tôi xin bạn mỗi sáng để dành năm phút thôi, đọc câu Kinh Thánh này của Đức Giêsu: “Các con hãy học cùng Ta là kẻ hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Bắt chước Ngài, bạn không lầm đâu. Bạn nhớ Ngài là Thượng Đế có vạn năng chứ, mà Ngài vẫn xử thế hiền lành. Và nhờ đó Ngài mới là đối tượng yêu mến cách nồng nhiệt của bao nhiêu triệu người từ năm một đến bây giờ, đến mãi mãi. Ngài thành công được như thế, bắt chước Ngài bạn không lỗ lã gì. Và về sau trên bước đường đời nếu thấy ai dùng bạo lực, dùng lời nói thô lỗ mà xử thế, bạn đừng theo. Thành công của họ là nhất thời và là mẹ của những thất bại. Bạn nên tin rằng người đời yêu mến, kính trọng kẻ hiền dịu bao nhiêu, thì cũng coi thường kẻ hung dữ bấy nhiêu. Lịch sử loài người được lãnh đạo phần lớn bởi những con người hiền dịu.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc