banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

RÈN NHÂN CÁCH

Đăng lúc: Thứ ba - 26/12/2017 19:35 - Người đăng bài viết: menthanhgia
RÈN NHÂN CÁCH

RÈN NHÂN CÁCH

Đã là người con người cần phải có nhân cách. Vì thế, rèn nhân cách là bổn phận quan trọng của cả đời người. Xin chia sẻ nơi đây những bài viết về rèn luyện nhân cách của tác giả Hoàng Xuân Việt để góp thêm phần nào hành trình luyện tập và sống của mỗi người chúng ta.

Nhân cách là một trong những lý tưởng cao đẹp của con người. Đối với bản thân ta còn có nhân cách nghĩa là cần sống đúng lề luật luân lý, đúng phẩm giá của chúng ta, bởi lẽ dễ hiểu chúng ta là những nhân vị. Chúng ta có phận sự căn bản là làm cho mình ngày một Người hơn, ngày một văn minh hơn – văn minh hiểu theo nghĩa thẩm sâu của tiếng. Đào luyện nhân cách chẳng những là thi hành một phận sự người nhất của con người, mà còn làm cho xã hội mến phục ta để trên đời ta hoạt động thành công.

Bạn? Một người trẻ mà chúng tôi rất quý mến – vừa rời bỏ ngưỡng cửa gia đình và mái hiên trường học để bước chân ra lập thân trên trường đời. Nếu bạn đã có một nhân cách đáng phục rồi, thì mấy trang đơn mọn sau đây là những tiếng chuông khiêm tốn giúp bạn củng cố thêm nhân cách đầy giá trị của mình và phát triển nó đến chổ hoàn mỹ. Nếu bạn là người vừa dấn thân vào cuộc sống xã hội mà băn khoăn tìm một phương thế để rèn đúc nhân cách thì quyển sách này là người bạn tri kỷ của bạn, có thể giúp bạn đoạt ý nguyện trong một ngày không xa.

Xin bạn đừng đòi nơi đây những tranh luận thuyết trường giang đại hải về nhân cách hay đủ tất cả những phương pháp đào luyện đời sống tâm thần nhé. Cuốn sách này chúng tôi chỉ vì tương lai của bạn mà viết, chỉ vì niềm mong mỏi có mau chóng một nhân cách khả quan của bạn, nên chú trọng bàn riêng những bí quyết. Chúng tôi sẽ gửi bạn những đức dũng, đức tự khiển, đức điềm đạm, đức khôn ngoan, đức lạc quan, đức thu tâm. Khi bàn đức thu tâm chúng tôi nhấn mạnh những đức thành thật, hiền từ, vui vẻ, khiêm tốn, bác ái, tự trọng, thanh khiết…Chúng tôi cũng nói khẩn thiết vì những bí quyết mà chúng tôi bàn cùng bạn ở đây là những bí quyết không có không được, nếu muốn có một nhân cách khả quan.

CHƯƠNG I: CHIẾC CHÌA KHÓA THẦN DIỆU

“Con người không phải là thiên thần, cũng không phải là thú vật…”, “Con người chỉ là cây sậy yếu nhất trong vạn vật nhưng là một cây sậy biết “tư tưởng”.
                                                                                        Pascal
 “Ai không có chí khí không phải là người mà là đồ vật”
                                                                   Chamfort

I. Hãy nắm lấy chiếc chìa khóa thần diệu
II. Tại sao tâm linh dục cần thiết
III. Tương quan giữa hai thứ tâm linh hoạt
IV. Địa vị của tinh thần
V. Tự ám thị

I.  Hãy nắm lấy chìa chiếc chìa khóa thần diệu
Có một điều chúng tôi biết chắc trăm phần trăm là hiện giờ bạn đang khao khát tạo ra cho mình một nhân cách, bạn đang chờ chúng tôi chỉ những phương thế tốt nhất. Nhưng thưa bạn, trước khi bàn cùng bạn những bí quyết, chúng tôi muốn bạn nắm lấy chìa khóa thần diệu này là tâm linh dục. Chỉ có tâm linh dục thôi mới là chiếc chìa khóa đầu tiên, tất yếu “mở” cho bạn một nhân cách đáng phục đối với người chung quanh.

II. Tại sao tâm linh dục cần thiết?
Chắc bạn am hiểu rằng con người cấu thành bởi hai yếu tố cột trụ là thể xác và tâm thần. Thể xác cấu thành bởi những yếu tố vật chất chịu ảnh hưởng của dân tộc, gia đình, di truyền, đẳng cấp. Thể xác ấy phối hợp mật thiết với một cơ quan quan hệ hơn là nguyên sinh khí (principe vital) để sống, để được điều khiển. Vì đó, trong một người, trong một cái Tôi, có hai cơ cấu tâm linh khác nhau. Tâm linh hoạt thượng đẳng tức là ý thức và sáng kiến và tâm linh hoạt hạ đẳng (psychisme iférieur) tức là hạ ý thức và tự động tính. Có lẽ những tiếng này hơi khó hiểu phải không bạn? Không sao, chúng tôi cố gắng giúp bạn hiểu dễ dàng.

1. Ý thức
Bạn có thể nói ý thức là năng lực giúp ta nhận biết được ta đang làm công việc gì. Bây giờ bạn đang cầm quyển “Rèn nhân cách” phải không? Bạn tập trung tinh thần lại, chú ý và hiểu biết rõ như hai lần hai là bốn rằng bạn cầm quyển Rèn nhân cách. Hành vi mà bạn làm đó chúng tôi gọi là hành vi ý thức. Người ta cũng có thể gọi nó là sự chú ý suy nghĩ vì nó xảy ra do sự tập trung tinh thần lại tận tâm não sâu kín, cá biệt của chúng ta.
 
2.  Sáng kiến
Sáng kiến là hình vi mà ta làm do ý muốn suy nghĩ của ta. Nó được cưu mang trong đầu óc của ta, được suy nghĩ, cân đo lợi hại. Nó được khởi hành, được điều khiển bởi ý chí tỉnh thức của ta. Mỗi ngày bạn đọc vài trang Rèn nhân cách. Bạn luyện ý chí, bạn tập trung tinh thần. Tôi nói bạn có sáng kiến rèn nhân cách đó.

3. Hạ ý thức
Gọi là hạ ý thức hay vô thức, tất cả cái gì xảy ra trong con người chúng ta mà chúng ta không cảm, không biết, không hiểu, không hay. Não nhớ của bạn và của chúng tôi hiện giờ đây chất chứa biết bao nhiêu kỷ niệm, thế mà chúng ta có cảm biết gì đâu. Nhiều cảm tình tự nhiên của ta như có thiện cảm với ai, có ác cảm với ai, nào chúng ta có biết nếu chúng ta không để ý.

4. Tự động tính
Việc do tự động tính là việc chính chúng ta làm hay xảy ra trong chúng ta mà ngoài vòng kiểm soát, điều khiển của ý muốn chúng ta có nhiều thứ tự động tính.
       a. Tự động tính tinh thần: Một tín đồ đọc thuộc lòng một kinh dài, đọc làu làu mà không cần suy nghĩ phải đọc làm sao. Chúng ta gọi việc kẻ ấy làm là việc tự động tính tinh thần.
       b. Tự động tính sinh lý: Tức là những hành vi như máu tuần hoàn trong huyết quản của chúng ta, sự tiêu hóa của bao tử, sự phát tiết của các nội hạch. Tất cả những hành vi ấy xảy ra trong ta mà ngoài ý muốn của ta.
       c. Tự động tính tâm linh: là những sự tự động như cảm xúc, tưởng tượng mà ta không có ý có. Ban đêm ngủ, bạn nằm chiêm bao, bạn thấy những hình ảnh rùng rợn. Chúng tôi gọi hành vi ấy là tự động tính tâm linh.

Đó! Bây giờ bạn hiểu khá về hai thứ tâm linh hoạt, thượng đẳng và hạ đẳng trong con người của chúng ta rồi. Tâm linh hoạt thượng đẳng tức là ý thức, là sáng kiến nghịch hẳn tâm linh hoạt hạ đẳng tức là hạ ý thức và tự động tính.

Không thể nói đến giá trị con người, nói đến nhân cách đáng phục của một cá nhân mà không nói đến tâm linh dục. Ai cũng tự nhiên biết rằng con người phải sống theo lý trí, phải biết tự chủ, để đừng làm những việc xằng do tình dục khiến xui. Nhưng tự nhiên là con người lười biếng, thích sống dễ dàng, thích sống xoàng xoàng cho khỏe thân. Có thể so sánh con người tự nhiên bị lôi cuốn sống dễ dàng với một đứa bé đi đường trơn mà không thèm bấm chân. Đứa bé đi như ai nấy, nhưng cách đi không có gân cốt, không kiềm hãm hai bắp chân mà để chân trượt bên nào mặc kệ. Đấy mỗi người trong chúng ta tự nhiên lười biếng  “bấm chân” nghĩa là tự chủ và tự điều khiển mà hay “hết mình” giao phó cuộc sống cho bản năng, cho tình dục. Vậy khẩu hiệu của một người muốn sống kiếp người đàng hoàng không thể sống theo tự nhiên mà phải sống như con người để sống đắc nhân tâm, biết sử dụng bộ óc để tổ chức công việc theo khoa học.

Chúng tôi biết người ta có thể nói: “Ồ, cần gì dạy tâm linh dục sớm cho học sinh. Khi chúng lớn lên, ra trường rồi tự học cũng được”. Phải, người ta cũng có thể tự học môn này cũng như học nhiều môn học khác. Nhưng có điều chúng ta đừng quên là biết về tâm linh dục là một chuyện mà thi hành những điều môn ấy dạy cho được lại là một chuyện khác. Vấn đề là biết làm, quen làm chứ không phải chỉ thuộc những nguyên tắc. Mà cho đặng biết làm, quen làm dĩ nhiên phải có sự luyện tập lâu ngày. Tuổi trẻ là tuổi sáp, dễ uốn nắn… Nhà giáo dục cần lợi dụng tuổi trẻ ấy để rèn đúc học sinh có ý chí đanh thép nhưng dẻo dai. Nhiều người lâu ngày tập đức kiên nhẫn mà vẫn trong một chốc lát nóng giận, than trách, đánh đổ công trình luyện tập của mình như mây khói. Thế rồi phải luyện đức ấy lại và cố gắng luyện luôn. Cho nên việc thi hành những điều tâm linh dục dạy không phải chỉ quan hệ ở chổ thi hành một hai lần mà còn ở chổ mải miết cố gắng tập đi tập lại những thói quen tốt mà mình rủi mất. Ngay từ tuổi trẻ, người học sinh đã biết thực hiện sự tự điều khiển rồi thì lớn lên dù có nhiều lần làm nô lệ tình dục, cũng quen với sự tự chủ, tự thắng nên dễ thành công. Đợi tới ra trường rồi mới tập hay đợi tới đầu bạc hoa râm mới đọc vài quyển sách dạy về môn học tối hệ này, thì làm gì dễ có một cuộc đời thành công và hạnh phúc. Một điều không nên quên nói ra ở đây nữa là  chúng ta tự nhiên ưa sống dễ dàng. Chúng ta nhận ra cái hay của cố gắng, nhất là cố gắng sống đàng hoàng, đáng phục. Thấy ai có chí khí chúng ta mến, khen. Nhưng thực hành những nguyên tắc chí dục thì chúng ta cảm thấy khổ. Người học sinh cũng là người như ai, cũng thích sống dễ dàng. Để họ sống phóng túng bao giờ cũng thích hơn là bị buộc sống tự chủ. Mà trong thời kỳ thụ giáo họ còn thích sống phóng túng như thế thì ra khỏi ngưỡng cửa nhà trường, được tự do họ chắc dám tự đặt cho mình những qui tắc để luyện chí không?

Vậy tóm lại, tâm linh dục như chúng tôi vừa nói ở trên rất cần cho đời sống con người. Và người ta phải chịu khó thực hành nó, nó phải được dạy trong các học đường nếu người ta muốn cải tổ gia đình, cải tạo quốc gia, cải toàn nhân loại.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt, Xuất bản 1965, tr. 19 - 28. 
Tác giả bài viết: Hoàng Xuân Việt
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc