banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

SỰ TỎA SÁNG CỦA GIÁ TRỊ TÔN GIÁO

Đăng lúc: Thứ năm - 14/07/2022 20:52 - Người đăng bài viết: menthanhgia
SỰ TỎA SÁNG CỦA GIÁ TRỊ TÔN GIÁO

SỰ TỎA SÁNG CỦA GIÁ TRỊ TÔN GIÁO

Tiếp theo kỳ trước

(tiếp theo kỳ trước)

Là một tu sĩ dự sinh, tôi làm chứng cho việc thờ phượng, cùng với những người đã được xã hội dành ra để tận hiến cuộc đời cho khía cạnh tôn giáo của đời sống và văn hóa. Chúng tôi tạo thành một cộng đoàn gồm những phàm nhân không bận tâm bởi những đòi hỏi gắn liền với việc chăm sóc gia đình. Để phát huy giá trị tôn giáo, tôi muốn được tự do bằng cách khước từ việc lập gia đình với tất cả những gì bao hàm trong bổn phận gia đình: lo âu cá nhân, vấn đề tình cảm, tâm trí chi phối bởi công việc và những bận tâm chức vụ. Cộng đoàn tu sĩ thường không bị bận tâm bởi việc điều hành chức vụ hoặc bởi tình cảm giống như cộng đoàn hôn nhân. Tôi khấn hứa sống độc thân, điều đó có nghĩa là tôi tự do hy sinh quyền thành lập một gia đình riêng cho tôi, chính vì tôi ý thức rằng những hậu quả thực tế của việc lập gia đình sẽ làm suy giảm cường độ của việc thờ phượng và làm chứng cho giá trị tôn giáo, trong lúc này tôi cảm thấy được kêu gọi sống theo thể thức độc đáo này.

Bổn phận gia đình là bổn phận phức tạp vè nhiều đòi hỏi nhất. Để nuôi dưỡng và phát triển một tập đoàn phức tạp gồm những đứa con chưa tự lập, dễ tổn thương và chưa sản xuất được, cha mẹ phải dấn thân nhiều vào vô số hoạt động cần thiết cho việc an ninh và tăng trưởng của mỗi phần tử. Rất khó có thể giữ cho mình luôn ý thức được ý nghĩa siêu việt của tha nhân, lúc mà tâm trí bận rộn với muôn vàn vấn đề của một gia đình phải tranh đấu để sinh tồn và phát triển trong những điều kiện khó khăn của xã hội. Bất cứ một chuyên viên trị liệu tâm lý hay một cố vấn hôn nhân nào cũng có thể làm chứng điều đó. Sự kiện một xã hội đã đạt được nền văn hóa và thịnh vượng cao cũng không làm giảm – trái lại có thể làm tăng – sự lo lắng cho gia đình: bởi lẽ đơn vị gia đình trong một văn hóa cao phải cố gắng làm sao cho mỗi phần tử được dự phần vào văn hóa. Thí dụ giáo dục bậc đại học là một yếu tố đặc biệt của văn hóa cao; sự kiện này gia tăng trách nhiệm của cha mẹ và bó buộc cha mẹ phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cho con cái được vào đại học đúng lúc, sau khi đã được chuẩn bị đúng mức, và với sự nâng đỡ tài chính đầy đủ.

Ý nghĩa siêu việt của người và sự vật rất dễ bị xem thường bởi một xã hội trong đó nhu cầu thường nhật và những yêu sách đặc biệt càng ngày càng chiếm ưu thế. Và dẫu rằng nếu ý nghĩa siêu việt không còn, thì đời sẽ mất đi một cái gì căn bản nhất và làm cho đời đáng sống. Mặc dù bị dồn dập bởi những vấn đề điều hành chức vụ và tinh cảm liên quan đến những biểu hiện trực tiếp của người và vật, nhân loại vẫn được kêu gọi sống cởi mở với cả hai khía cạnh trực tiếp và siêu việt. Việc bảo tồn gia đình đương nhiên đưa đến những lo âu tình cảm và chức vụ; nếu bây giờ những mối lo đó gia tăng, làm cho tâm trí phải bận rộn với cái trực tiếp và chi phối thái độ cởi mở với cái siêu việt, thì không có chi lạ nếu trạng thái ngược lại của đời độc thân đã trở thành biểu hiện cho thái độ cởi mở đối với cái siêu việt. Sống độc thân, hiểu rộng hơn có nghĩa là giữ cho bản thân được sẵn sàng đón nhận sự mặc khải của cái siêu việt, hay nói cách khác đừng để cho những khía cạnh chức vụ và tình cảm lấn át. Nói như vậy không có nghĩa là tình yêu hay đời sống hôn nhân không có “yếu tố độc thân” của nó. Yếu tố này xuất hiện mỗi khi có sự siêu việt hóa những khía cạnh của việc bận tâm chức vụ. Thật vậy, biểu hiện trực tiếp của tha nhân thường được thấm nhuần bởi sự hiện diện đối với ý nghĩa siêu việt của họ. Nhưng không thể chối cãi được rằng tính cách siêu việt có đôi khi rất khó thực hiện trong đời sống hôn nhân. Vì thế ngày nay rất cần có những cộng đoàn gồm những người liên kết với nhau theo một hình thức đặc biệt để làm chứng cho thái độ cởi mở đối với cái siêu việt, một thái độ tối cần để con người được phát triển xứng hợp với thân phận làm người. Như chúng ta đã có dịp thấy, mỗi người được kêu gọi để thực hiện sự sung mãn văn hóa; mỗi người được kêu gọi để sống đời hiện diện hướng dẫn. Kết hôn hay độc thân, dấn thân vào những cố gắng tu đức hay những công cuộc thế trần, con người vân được tiền định để trở thành một sự hiện diện đối với Đấng Thánh trong bản thân cũng như trong tất cả những gì thực hiện được.

Con người tự nhân bản hóa tới mức độ vâng phục chấp nhận sự cởi mở đối với việc khai triển của thực tại, phát triển lòng kính yêu đối với tha nhân, sống trong tâm trạng đầy cung kính và vui sướng trước những hoàn cảnh của cuộc đời. Hơn nữa là một thần trí nhập thể, qua thái độ cởi mở và đầy cung kính con người sẽ cảm thấy bị thu hút bởi hai lực đối nghịch: một bên là những biểu diện trực tiếp của người và vật, một bên là nền tảng siêu việt và nguồn gốc của chúng trong Đấng Thánh. Để cho sự hiện diện đối với biểu diện trực tiếp không lấn át sự hiện diện của siêu việt, con người phải nuôi dưỡng yếu tố siêu việt hay là độc thân trong đời của mình. Để thực hiện điều đó, nhân loại cần có những đoàn chứng tá đặc biệt. Vì thế, trong văn hóa Đông phương cũng như Tây phương đương nhiên phải có những đoàn người nam và nữ xuất hiện để làm chứng cho khía cạnh siêu việt hay là độc thân của sự hiện diện căn bản đối với biểu hiện trực tiếp của thực tại.

Cộng đoàn tu-sĩ nhận thức mối tương quan giữa cái siêu việt và cái trực tiếp như thế nào, điều đó tùy ở nhãn quan tôn giáo của văn hóa trong đó cộng đoàn đã xuất hiện. Thí dụ, đời tu hun-đúc bởi những tôn giáo đông phương có khuynh hướng gần như chối bỏ chân lý vào sự hiện diện chiêm niệm đối với các siêu việt. Trái lại đời tu Kitô giáo căn cứ trên giáo thuyết nhập thể, sự kiện này bao hàm lòng tôn kính sâu xa đối với những biểu hiện trực tiếp, xem đó như những hiện thân của sự Thánh. Do đó, đời tu Kitô giáo kể cả hình thức chiêm niệm cao nhất, vẫn phần nào hòa mình vào cái trực tiếp. Nhưng dầu sao nó cũng thường tránh hình thức dấn thân nào khó cho phép con người thực hiện sự hiện diện với cường độ cao nhất đối với ý nghĩa siêu việt của người, hoàn cảnh và biến cố. Kinh nghiệm lâu đời của nhân loại cũng cho thấy như vậy. Bổn phận hằng ngày đối với gia đình có thể là một phần của con đường đưa đến thánh thiện, nhưng nó cũng có thể gây thêm khó khăn cho con người trong việc duy trì thái độ cởi mở đối với khía cạnh siêu việt của đời sống. Một số người đã được kêu gọi để chỉ đường đi đến siêu việt bằng cách cho nhân loại thấy sự phát triển sung mãn khía cạnh siêu việt của đời sống, và đồng thời gạt bỏ một phần những hình thức dấn thân khác. Bởi lẽ đó, tu sĩ tránh việc bận tâm săn sóc gia đình và đồng thời sự lo lắng để thu góp và tích trữ những tài sản cá nhân.
 
Căn bản của cả đời tu là sự hiện diện cao độ và độc hữu đối với Đấng Thánh. Không phải tất cả tu sĩ đều sống sự hiện diện này dưới cùng một hình thức, và chính ở điểm này chúng ta thấy được nguồn gốc sự phân biệt giữa tu sĩ chiêm niệm và tu sĩ dự sinh. Mục đích của đời chiêm niệm là hiện diện đối với Đấng Thánh mặc khải trong bầu không khí yên tĩnh của tu viện, trong lúc đó mục đích của đời dự sinh là hiện diện đối với Đấng Thánh mặc khải trong sự khai triển văn hóa. Tu sĩ chiêm niệm làm chứng cho sự thờ phượng trong yên lặng và tĩnh tâm, còn tu sĩ dự sinh làm chứng cho sự thờ phượng Đấng Thánh trong mỗi hành động tham dự vào văn hóa. Do đó, tu sĩ chiêm niệm kiêng một số công việc, ngành học và công tác xã hội, tuy rằng những điều này rất có giá trị trong đời tu dự sinh. Những cộng đoàn trong đó chiêm niệm chiếm ưu thế nâng đỡ cộng đoàn dự sinh, bằng cách nhắc nhở rằng sự hiện diện của họ đối với Đấng Thánh rất dễ bị xao lãng vì quá bận tâm đến giá trị trực tiếp của công việc. Nếu không có gương sáng của những tu sĩ chiêm niệm, thì những cộng đoàn tu sĩ làm chứng cho sự hiện diện của Đấng Thánh bằng đường lối dự phần vào các sinh hoạt thế trần – tuy rằng không phải bằng con đường hôn nhân và tư sản – có thể sẽ chìm đắm trong sự dấn thân vào cái trực tiếp và làm mất ý nghĩa của cộng đoàn tu sĩ.

Vì thế, sự phát triển  hoàn toàn của hiện diện hướng thần trong văn hóa, giả định trước một đẳng cấp giữa những cộng đoàn tu sĩ: tất cả cộng đoàn đề giống nhau trongv iệc gạt bỏ những sự dấn thân đòi hỏi quá nhiều bận tâm, như những lo lắng chức vụ và tình cảm của đời sống gia đình; nhưng những cộng đoàn sẽ khác nhau về mức độ và cách thức gạt bỏ những kiểu dấn thân ít đòi hỏi hơn. Thái độ của cộng đoàn tu sĩ có thể ví như thái độ của thi sĩ tránh công việc, hoặc người thích khảo cứu tránh đời sống xã hội quá bận rộn. Và điều đó không có nghĩa là kết án những hình thức rời rạc của đời sống, và đồng thời làm chứng ta đặc biệt cho một thể thức duy nhất. Thể thức duy nhất ở đây là phát huy sự hiện diện siêu việt đối với Đấng Thánh.

còn tiếp

Trích trong tập sách SUNG MÃN NHÂN CÁCH TRONG ĐỜI TU của Adrian Van Kaam, bản dịch của Hồng Quang, FSC

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc