banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Tâm linh dục với nhân cách

Đăng lúc: Thứ năm - 18/10/2018 09:51 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Tâm linh dục với nhân cách

Tâm linh dục với nhân cách

Rèn nhân cách (tiếp theo)

Bây giờ có lẽ bạn đã am hiểu tâm linh dục. Bạn đã biết bản chất và những lợi ích của nó gây ra. Khỏi cần chúng tôi khuyên nhắn bạn, bạn tin chắc chắn rằng cho được có một nhân cách khả quan không thể dùng phương thế nào khác hơn là tâm linh dục. Chúng tôi đã nói tâm linh dục là phương pháp tự giáo dục nhờ nó tâm linh hoạt thượng đẳng chỉ huy tâm linh hoạt hạ đẳng hay nói một cách khác nhờ nó cá tính của chúng ta có một giá trị tinh thần mà ta gọi là nhân cách. Có lẽ bạn đang hỏi chúng tôi: Cá tính là gì? Nhân cách là gì? Chúng tôi xin tìm hiểu với bạn. Cá tính con người là tất cả những yếu tố vật chất như những tế bào, máu, xương, tất cả những tính chất như huyết học tính, dân tộc tính, đảng cấp tính, địa phương tính, tất cả tâm hồn cấu thành nên một hữu thể cá biệt với mọi hữu thể khác mà chúng ta gọi là con người. Quan niệm về cá tính con người như vậy chứa quan niệm nhân vị. Nhân vị là một hữu thể biết tư tưởng. Hãy nghe Boèce định nghĩa nhân vị “Nói đúng, nhân vị là bản chất cá biệt của lý trí tự nhiên”. Nó đồng nghĩa với “con vật có lý trí” của Aristote hay, “cây sậy biết tư tưởng” của Pascal. Nó hiểu là con người có khả năng phân biệt lành dữ, có khả năng làm chủ, sai khiến lấy mình. Nhân vị là một cá thể, một hữu thể nào bất khả phân hay khi bị phân tách sẽ mất đi bản thể và hữu thể ấy khác hẳn mọi hữu thể khác. Cục đá là một cá thể, con bò, con cóc là những cá thể…
 
Cho nên khi nào nghe nói cá thể bạn đừng tưởng ngay cá thể là nhân vị, dù khái niệm này hàm chứa nó. Cũng như từ cá tính tự nó không hiểu là nhân vị… Con vật, trâu, cọp, gà đều có cá tính chỉ khi gọi Cá tính con người thì mới hiểu là đặc tính của vật có lý trí và ý muốn tự do.
 
Còn Nhân cách hiểu theo nguyên ngữ là tính cách của một nhân vị hay nói cách khác là tính cách của một con vật có lý trí và ý muốn tự do. Hiểu theo nghĩa này thì là người ai cũng có nhân cách. Gọi là người thì tự nhiên có chất người.
 
Nhân cách có thể hiểu với một nghĩa khác: nghĩa rộng hơn. Nhân cách là đặc tính của một nhân vị được giáo luyện cao về lý trí và ý muốn. Nhân cách đây không phải là một sự kiện, một đặc tính mà là người ai cũng có. Nó là một lý tưởng, một giá trị tinh thần mà mỗi người phải lo chiếm đoạt để sống xứng đáng với địa vị làm người. Paul Foulquié nói: Theo nghĩa rộng, nhân cách là một cá thể có một hay nhiều đặc điểm siêu quần về nhân vị tức là về trí khôn và ý chí”. Ông cũng gọi nhân cách là: “Sự siêu đẳng tinh thần căn cứ trên sự phát triển đặc biệt của những quan năng làm cho con người khác thú vật, những quan năng ấy là trí khôn và ý chí”. Hai tiếng nhân cách mà chúng tôi bàn cùng bạn đây hiểu theo nghĩa sau nầy.
 
Cá tính con người nếu để tự nhiên, không kiềm hãm không giáo luyện gì hết, thì chẳng khác nào một miếng rừng hoang vu mọc đủ thứ cỏ cây hỗn độn. Là con người, chúng ta có nhân vị. Chúng ta cũng có quyền hãnh diện là được Tạo Hóa thương riêng hơn các tạo vật khác dưới bóng mặt trời. Nhưng nếu nhân vị của ta, tức là cá tính người của ta, không được kiềm hãm, giáo dục thì không đến đỗi chúng ta làm thú vật nhưng chúng ta rất hổ thẹn với chúng. Chúng không thể có nhân cách được vì không có nhân vị. Thôi thì đành đi. Chúng không lãnh trách nhiệm vì sự thấp kém về giá trị của chúng. Còn con người có nhân vị nghĩa là có một lý tưởng nằm ngay trong bản chất của ta, ta phải chiếm đoạt. Lý tưởng ấy Pindare đã nhắc cho ta: “Bạn hãy làm người cho ra người”. Nếu ta “bỏ hoang” khu rừng cá tính của ta thì chắc chắn chẳng những hai quan năng cột trụ của ta là lý trí và ý muốn không được phát triển, thành vô ích đã đành mà thú tính của ta cũng ồ ạt lớn lên trong sự dã man. Con người của chúng ta biến thành một con vật với tất cả ác tính của thú vật mà còn thêm sự chỉ dẫn sai lạc của trí khôn, sự thúc đẩy điên cuồng của ý chí. Những cử động, hành vi, lời nói của ta sẽ đáng tởm gớm, rừng rợn hơn của những mãnh thú quanh năm sống trong rừng già.
 
Vậy cần phải có tâm linh dục để chúng ta gột rửa chất thú trong chúng ta và đồng thời phát triển đến tuyệt đỉnh chất người. Phải sử dụng lối tự giáo dục này như một lợi khí tất yếu để ta sống một kiếp sống xứng đáng với địa vị mà Tạo Hóa đặt ta đứng trên hoàn vũ. Trong cuộc sống, nhiều khi gặp người nầy, bạn khinh rẻ, thấy người kia sao tự nhiên bạn mến phục. Người bị bạn kinh rẻ là người đã đã không thi hành hay thi hành rất ít những bí quyết chúng tôi chỉ. Người được bạn kính phục chỉ vì thi hành hết hay một phần lớn các bí quyết ấy. Điều mà chúng tôi gọi là bí quyết thực ra không có gì mới lạ lắm. Có lẽ bạn biết hết rồi. Chúng tôi chỉ giúp bạn bằng cách tập trung chúng lại, trình bày cách thực dụng để bạn dễ nhớ thi hành hầu mau thành công trong việc “rèn nhân cách”. Điều chúng tôi tha thiết là bạn hãy tin như tin có quả đất, sự cần thiết, sự hiệu nghiệm của khoa tâm linh dục. Ngoài ân sủng, phép lạ, trên mặt đất này chỉ có nó thôi mới giúp bạn thành người theo đúng nghĩa của tiếng Người.


Bài kỳ tới: Tự kỷ ám thị

Trích trong tập sác RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc