banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Ý CHÍ GANG THÉP

Đăng lúc: Thứ tư - 17/07/2019 05:27 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Ý CHÍ GANG THÉP

Ý CHÍ GANG THÉP

Rèn ý chí để có đức dũng

Một người có một một ý chí gang thép, tự nhiên có tâm hồn anh dũng, khiến kẻ khác chú ý và trọng phục. Bạn không tin chúng tôi ư? Thì bạn hãy cùng chúng tôi tưởng tượng một con người không có ý chí coi thiên hạ đánh giá thế nào. Hãy nói đến những khuyết điểm về ba điều kiện thường gây ảnh hưởng lớn trên ý chí của một con người bạc nhược. Ba điều kiện ấy là: Trí tưởng tượng, tình cảm và tính khí. Người bất chí không biết cầm cương cho não tưởng tượng của mình. Khi phải làm công việc gì, anh không làm theo sự suy xét của lý trí mà chỉ làm theo sự tưởng tượng. Anh không để ý rằng khi có những nguyên nhân nào đó, theo luật tự nhiên, sẽ có những kết quả nào đó, không tránh được. Anh cứ tư tưởng một cách chủ quan thôi.

Anh vô tình muốn cho công việc phải xảy ra thế nào đó như anh ước vọng, chớ không chịu thấy kết quả của công việc theo sự lý luận. Vì thế, thỉnh thoảng  có những thực tế chua cay nhắc chừng cho anh ta bằng những bài học thất bại, anh đâm ra bi quan.

Anh nô lệ tình cảm. Bởi không quen lối sống dưới sự điều khiển của lý tính, bởi không quen sự tự chủ bằng ý chí, anh sống và hành động theo sự thúc đẩy của tình cảm. Vào những khi anh vui vẻ thì ai anh cũng coi là tri âm cả, công việc nào kẻ khác giao cho anh, anh thi hành tận tâm. Nhưng khi chiều thu xuống trên cõi lòng của anh, thì anh coi thiên hạ như quân thù, bỏ bê mọi công việc.

Một người sống theo trí tưởng tượng và theo nguồn tình cảm thì tự nhiên tính khí hung tợn. con người không được ý chí kiềm hãm nên nhiều lúc nóng giận một cách dã man. Anh không bao giờ biết nhẫn nại, chịu khó làm một công việc gì đòi hỏi nhiều cố gắng. Người có ý chí gang thép sẽ có một giá trị, chúng ta có thể rèn luyện ý chí của mình.

Trước hết nhờ sự  giáo luyện về ý chí, bạn trở thành một con người mà ai cũng phải nhận rằng có chân giá trị. Tại sao? Bởi lẽ, bạn tỏ ra rằng bạn là người với tất cả ý nghĩa thẳm sâu của nó. Bạn biết tự chủ, quản trị tình cảm, óc tưởng tượng, xu hướng, bản năng… Bạn biết tự khiển, làm công việc gì dù nhỏ mọn cũng cũng bởi bạn muốn chứ không phải ngoan ngoãn vâng theo sự sai khiến của tâm linh hoạt hạ đẳng. Hơn nữa, ý chí có khả năng thúc đẩy ta hành động thành công. Ta có một hoài bão, một lý tưởng mà không có đủ nghị lực thì hoài bão, lý tưởng trở thành những gì nếu không phải là ảo tưởng. Nhưng không phải có nghị lực là hành động thành công luôn. Có nhiều người rất giàu nghị lực nhưng không sử dụng đúng vẫn không làm nên danh phận gì. Có nghị lực mà chỉ là thứ nghị lực để la rầy anh chị em trong nhà, vợ con, ăn thua với bạn bè thì không sinh ích gì. Nhưng có nghị lực là để thi hành một chương trình hoạch định rõ ràng.
Ý chí có rèn luyện được không hay chỉ trời cho ai nấy hưởng?

Thưa bạn? đành rằng có người tự nhiên Tạo Hóa phú thác cho họ ý chí hơn người, như Napo léon chẳng hạn. Vốn nghị lực được phú bẩm, họ vẫn phải phát triển thêm chứ không phải có bao nhiêu dùng bấy nhiêu. Còn phần đông những người khác làm nên đại nghiệp đều khổ công rèn luyện ý chí. Foch trước khi nổi danh là bậc đại chí đã từng tập đọc chậm, tập viết rõ nét để rèn ý chí. Vậy bạn hãy tin rằng ý chí có thể rèn luyện được. Bạn than van mình không có ý chí. Xin bạn hãy nghe lời chúng tôi làm công việc này rồi chúng tôi sẽ trả lời cho bạn biết bạn sẽ có ý chí gang thép hay không. Bạn hãy tưởng tượng trong trí bạn hình ảnh cái trứng gà đi. Bây giờ bạn hãy lấy tay làm hiệu cho chúng tôi biết cái trứng gà bao lớn, có hình dài hay tròn. Chắc chắn bạn làm được như chúng tôi muốn.
Mà bạn làm được, đó là bạn có ý muốn rồi đó nhưng ý muốn ấy chưa được trui rèn cho cứng rắn. Bây giờ bạn hãy làm cho nó cứng rắn thôi. Có gì đâu. Điều kiện là bạn hãy tin là mỗi người đều có mầm ước muốn trong người. Nghĩa là có một khả năng hành động theo một ý tưởng đã thấy trước, suy nghĩ, chọn lựa trước. Pacelse nói rằng con người không thể làm được điều mà họ tưởng không thể nào làm nên. Bạn đã được ban cho ý chí, nếu bạn bi quan tưởng rằng ý chí là phú bẩm của Napoléon, Nguyễn Huệ hay Gandhi, thì chắc chắn cả đời bạn phải làm nô lệ cho bản năng và tự động tính. Còn nếu bạn lạc quan tin tưởng rằng với phương pháp sáng suốt bạn cố gắng luyện tập nó, một ngày gần đây bạn sẽ  thấy bạn nên cường dũng khác thường.

Chúng tôi đề nghị một vài bí quyết để rèn luyện ý chí gang thép. Bạn sẽ có thể thực hành những quyết định mà tự bạn dùng trí tuệ suy xét, dùng ý chí thúc đẩy thi hành.

 
1. Tôi muốn
Bạn nói là bạn muốn, muốn chứ không phải ước, muốn có nghĩa là tiến tới hành động, nhất định thành công mới thôi. Thánh François de Sale nghe tin phong thánh François Xavier liền nói: «Đó là thánh François thứ ba, tôi sẽ là thánh François thứ bốn”. Quả thực, bây giờ trong hành hiển thánh công giáo, ngài là thánh François thứ bốn. Đấy bạn thấy hiệu lực phi thường của hai tiếng “tôi muốn”. Vậy từ đây trong bất cứ việc gì khi suy nghĩ kỹ rồi bạn nãy nói “Tôi muốn, tôi muốn thành công”.
 
2. Âu yếm một lý tưởng
Hãy có một lý tưởng và yêu lý tưởng của bạn, bạn sẽ có một ý chí gang thép. Không bao giờ người ta muốn cái gì mà người ta không biết. Cũng thế, không thể bạn muốn thi hành một điều gì mà bạn không có ý nghĩ về nó. Vậy để cho được mạnh mẽ, hãy có một lý tưởng, nó là động lực thúc đẩy ý chí của bạn. Oéza Zichy một quận công người Hung Gia Lợi sau khi gẫy một cánh tay vì một tai nạn lúc đi săn, đâm ra chán đời. Nhưng ông muốn cho khoảng đời mình có ý nghĩa nên có ý nghĩ chơi dương cầm. Lý tưởng chơi dương cầm ám ảnh ông, ông cương quyết rèn luyện ngón đàn của mình, sau cùng ông có một tay thôi nhưng ông rất nổi tiếng về nghề chơi dương cầm.
 
3. Nuôi dưỡng lý tưởng
Có khi có một lý tưởng tuyệt đẹp song không có cơ hội để nó mốc meo, không đem ra thực hành. Thế là ta khoongc có dịp để muốn. Ta hãy tập “nuôi dưỡng” luôn một lý tưởng nào mà ta cho là hay đẹp để khi có đủ những điều kiện “thiên thời địa lợi nhân hòa” rồi thì ta muốn và đem ra thực hành.

4. Tập hành động phản nghịch lại với mình
Erasme de Rotterdam phri hành động nghịch lại với mình để thắng tính tự nhiên chịu không được mùi tanh của cá. Richelieu bao lần cố gắng can đảm mới bớt sợ sóc. Thưa bạn, trên đời có thiếu gì cái chúng ta tự nhiên sợ hay ưa thích cách vô lý. Muốn có một ý chí sắt đá, ta nên tập làm nghịch lại tính tự nhiên của mình. Chúng tôi muốn nhắc bạn sự tự chủ đó. Bạn có sợ trùng không? Thiếu gì em bé bắt cả giỏ trùng để luồn vào dây nhợ câu cá, câu tôm. Gặp một bức thư người nhà gửi  và thư đề “thơ gấp”. Không hề gì. Bỏ thơ vào túi, không lâu lắm đâu bạn, năm phút sau rồi hãy xé ra đọc. Ăn cơm rồi muốn tráng miệng một trái chuối to, nhường trái chuối to cho người kế bên, ăn trái nhỏ hơn. Mấy việc nhỏ nhặt ấy nếu bạn thi hành được bằng cách làm nghịch lại tính tự nhiên của mình, bạn sẽ có ý chí gang thép.

Trong một ký túc xá nọ có sáu nhà vệ sinh, mỗi nhà có một móc gài để đóng cửa. Phần đông ký túc sinh đều không chịu sử dụng những móc gài ấy ngay cả vào và ra. Có một học sinh nọ cương quyết mỗi lần đi vệ sinh dù không có ai cũng đóng cửa và sau khi xong cũng đóng gài cửa cẩn thận. Có lần học sinh ấy thú thật với chúng tôi rằng anh cố ý làm như thế để luyện ý chí. Thật là một tấm gương tuy rất nhỏ mọn nhưng rất đáng cho chúng ta noi theo. Làm gì  mỗi ngày bạn không gặp những việc trái ý. Bạn chịu khó làm cho được một việc đi. Sự cố gắng ấy sẽ làm cho ý chí của bạn gang thép cách lạ lùng. Một triết nhân xưa ngày nào không làm được một việc thiện thì cho rằng mình mất một ngày. Bạn hãy tự nói rằng ngày nào tôi không làm được một việc nghịch ý để rèn ý chí là ngày tôi đã mất ngày ấy.

 
5. Hiền dịu
Hiền dịu chẳng những là bí quyết của thành công mà con là bí quyết rèn ý chí. Hằng ngày khi giao tiếp với kẻ khác, bạn gặp biết bao nhiêu điều làm cho bạn nổi nóng, khó tính, cằn nhằn. Xin bạn hãy làm chủ tính khí của bạn khi nóng nảy. Tập hiền dịu với hết mọi người trong mọi trường hợp. Ai đến với bạn, bạn hãy chào họ bằng một nụ cười, hãy vui vẻ bàn chuyện với họ như bàn với bạn thân của mình. Chúng tôi biết điều này khó thực hiện vì tự nhiên chúng ta thích có nét mặt nghiêm nghị. Còn vui vẻ, săn  đón người thì phải hy sinh. Khó làm lắm. Nhưng cố gắng làm được mới là người có ý chí, thưa bạn.
 
6. Kiên nhẫn
Thù địch của ý chí là hấp tấp, là tốc dục, là chạy nước rút. Muốn nên người giàu ý chí, bạn hãy kiên nhẫn, làm việc gì thì nắm nước bền. Hầu hết những bậc nổi danh giàu ý chí đều là những người kiên nhẫn xuất chúng. Mỗi khi kiên nhẫn là mỗi khi tự chủ, mỗi khi tự chủ là thú tính bị đàn áp, nhân tính được phát triển và do đó bạn có ý muốn hơn người.
 
7. Chịu khó
Người nhược chí là người ham thích cuộc sống trưởng giả, lo tìm đủ thứ sung sướng. Ở đời nếu may mắn được sung sướng thì tốt, nếu phải sinh vào một ngôi sao xấu, phải luôn túng quẫn thì bạn nhất định cắn răng chịu chứ đừng than nghèo than khó. Hãy tập chịu hết những cảnh khổ, những nỗi khó khăn. Thiếu gì người nghèo khó đã làm nên đại nghiệp và lưu danh vạn cổ. Pie X, thánh Giáo Hoàng của Công Giáo, lúc còn thơ là một học sinh  nghèo xơ xác. Tổng thống nước Mỹ, ông Garfield trước khi vào Bạch Ốc đã từng rất nghèo và chạy xin việc gần rụng gối. Nhưng ngôi sao kiên nhẫn này trở thành bậc vĩ nhân.
 
8. Làm việc liên tục
Cha đẻ của máy thu lôi, ông Franklin có một bảng thống kê 13 nhân đức để dùng kiểm tâm mỗi ngày. Chiều nào ông cũng lấy nó ra coi mình đã phạm vào mấy nhân đức hay không phạm nhân đức nào cả. Nếu có phạm, ông đánh một chữ thập làm dấu và hối hận rất nhiều. Thánh Toma, ông vua thần học Công Giáo sống không đầy 40 tuổi mà viết tất cả 34 quyển sách. Thật là những bậc người làm việc với tinh thần liên tục cực kỳ quả quan. Họ không hành động theo cảm xúc, vui buồn làm bỏ.

Họ biết chiến thắng những giây phút nặng nhọc, buồn chán để đi đến thành công sau cùng. Bạn muốn rèn luyện ý chí, xin bạn chịu khó đi theo đường lối làm việc của những người ấy. Trong việc rèn luyện tính tình cũng như việc học hành và tổ chức công việc hàng ngày bạn cố gắng dẻo dai. Nên đều đều thi hành chương trình của mình dù đã qua rồi giây phút khởi sự là giây phút hăng hái. Chiến thắng tính lười biếng và tật hay thay đổi dẽ làm cho ý chí của bạn già dặn hơn lên.

 
9. Nội tâm điều đạm và ngoại thân trầm tĩnh
Tự nhiên con người bị náo động trong tâm hồn và bề ngoài hay làm những điệu bộ vụng chạc. Bạn cũng như chúng tôi, chúng ta không làm sao tránh khỏi tính tự nhiên này. Song để có được ý chí gang thép, chúng ta hãy tập trấn tĩnh những náo động nội tâm cũng như ngoại thân của mình. Kiềm hãm óc tưởng tượng, lòng ước vọng lại. Ăn nói, đi đứng, ra điệu bộ trong sự điềm nhiên. Sự tự thắng thường xuyên như vậy giúp ý chí của ta anh dũng rất mau chóng.
 
10.  Đúng giờ
Phải chịu rằng trong chúng ta ai cũng thích sự đúng mực nhưng không mấy ai cố gắng đúng sít. Hồi nhỏ lúc còn là học sinh chúng ta bực mình đọc làm sao khi nghe chuông bãi học đã đổ mà ông giáo vẫn cứ thao thao bất tuyệt, không chịu cho chúng ta ra về. Lớn lên làm thầy giáo, chúng ta không thấy hơn gì những ông giáo hay trễ mà mình biết trước đây. Ít khi chúng ta giữ đúng theo thời giờ chúng ta đã định. Sáng định bảy giờ dậy, chúng ta nằm vươn vai, trở qua lăn lại cho đến bảy rưỡi. Hẹn gặp ai đúng 10giờ ở một nơi nào đó chúng ta đến gần 11giờ. Từ đây, xin bạn hãy chịu khó tập tinh thần đúng giờ, nó là trường đào luyện ý chí đấy.
 
11. Thinh lặng
Không có gì làm tổn hại ý chí cho bằng già hàm. Khi nói nhiều, ý chí phải bị tản mác, bị mất nghị lực như một bình nước sôi cạn dần dần vì hơi nước bay đi. Bởi thế bạn thấy những kẻ già hàm không tỏ ra anh dũng được trong cặp mắt hay trong lời nói. Người ta thấy họ sao “xốp” quá, yếu quá, dễ bị ảnh hưởng và không ảnh hưởng được ai. Trái lại sự thinh lặng làm cho nghị lực tập trung, gia tăng lên, khiến ý chí thành cường dũng. Người thinh lặng có tinh thần sáng suốt, quyết đoán nhanh chóng, mạnh mẽ, nói năng tỉnh táo, cử động điều hòa. Vậy bạn hãy tập thinh lặng để luyện ý chí. Ở một mình mà thinh lặng ý chí không cường dũng bằng khi sống giữa chốn ồn ào mà cố gắng làm thinh. Nhưng thinh lặng đây không có nghĩa là giữa xã hội, ta câm như hến. Thinh lặng như vậy chẳng những nghịch phép xã giao mà còn không luyện cho ta ý chí sắt đá. Một người làm thinh không chịu nói nửa lời, đến khi nói thì nói không kịp thở. Thinh lặng như vậy chẳng khác gì già hàm. Thinh lặng có lợi cho ý chí là vẫn giữ đúng luật lịch sự mà không đa ngôn, không buông một lời nói nào mà không suy nghĩ. Ai nói, hãy nhìn vào mặt họ, mỉm cười hay nghiêm tùy câu chuyện, lắng tai nghe họ cách ân cần. Thỉnh thoảng điểm những nụ cười, những gật đầu, những lời nói ngắn biểu lộ sự đồng ý. Nên thường hỏi kẻ mình tiếp xúc, hỏi cách riêng tư về sức khỏe, thành công, nghề nghiệp của họ, tránh nói về mình. Khi nói thì suy nghĩ chu đáo, nói kỹ từng tiếng. Không phải kiểu cách, tỏ ra thái độ cao ráo, kỳ lạ nhưng luôn thận trọng trong mọi điều mình thốt ra. Lối thinh lặng hiểu đúng như vậy nếu bạn thi hành một thời gian chừng một tháng bạn sẽ ngạc nhiên về sự anh dũng của ý chí của bạn.
 
12. Óc sáng kiến và sáng tác
Trong cuốn “Give yourself a chance” Gordon Byron khuyên nên có óc sáng kiến và trí sáng tác để rèn ý chí. Ông khuyên có lý. Bởi lẽ một ý muốn mạnh mẽ bao giờ cũng thúc đẩy sự sáng kiến và sáng tác. Nếu không vậy không còn là ý muốn nữa. Ta muốn cho ý chí ta phát triển thì ta cố gắng có óc sáng kiến vào trí sáng tác. Trong phạm vi nghề nghiệp của mình, bạn đừng bằng lòng học theo những bậc thầy của mình mà thôi. Hãy cố gắng tạo tác gì mới mẻ. Cương quyết canh tân luôn nghề nghiệp của mình. Sự cương quyết triền miên này là con roi thúc đẩy ý chí ta tiến tới sự cường dũng. Bạn thử thi hành theo Gordon Byron xem!
 
13. Luyện tính dứt khoát
Dè dặt trong quyết định thì nên. Nó là thái độ của kẻ khôn ngoan. Nhưng do dự, hồ nghi quyết định rồi hối hận, tiến thoái, đa nghi thì nên tránh. Nó là binh địch của ý chí. Trong mọi vấn đề, ta hãy tập có óc dứt khoát, tức là sau khi suy nghĩ kỹ về mọi phương diện của vấn đề rồi thì phải quyết định rõ ràng. Đừng khi nào để đầu óc mình chìm đắm trong sự đa nghi, bối rối. Xa lánh cách riêng “lối cương quyết cao su” quyết định mà không dứt khoát. Một ý chí là mà bị sự lưỡng lự ảnh hưởng luôn, sau cùng biến thành một quan năng bạc nhược không chỉ huy gì được hành động của con người.
 
14. Sống với lý tưởng và chương trình
Bạn hãy có lý tưởng tuyệt vời cao đẹp như chúng tôi khuyên bạn ở trên. Những gì bạn tính làm phải được hoạch định từng chi tiết trên mặt giấy. Sau khi quyết định thi hành lý tưởng và chương trình rồi thì dù gặp chướng ngại vật, bị dư luận  bình phẩm, dù nghe trong mình nặng mệt cũng không nản lòng. Cương quyết sống trung thành với lý tưởng và chương trình để đi đến thành công rực rỡ. Sự cố gắng sống như vậy là nuôi ý chí đó bạn.
 
15. Giao du với người giàu ý chí
Nếu bạn cứ theo chơi mãi với kẻ có đầu óc phụ nhược, không có thói quen quả quyết, đi đứng yểu điệu, nói năng như người rên, nhất định không sớm thì muộn bạn sẽ trở thành một người nhược chí. Vậy trên đường đời bạn nên tránh những hạng người này. Bạn nên giao du với người có tính quả quyết, mỗi lời nói như đinh đóng, ý chí chảy trào trên sóng mắt có sao, lối đi đứng biểu lộ chí khí anh dũng. Thấy họ có ý chí tự nhiên bạn cố gắng có ý chí như họ.
 
16. Bớt trào phúng
Kinh nghiệm về đời sống dạy cho chúng ta biết rằng phần đông con người ưa nói hài hước, ưa giễu cợt nhất là khi sống giữa giới mình quen thuộc. Không biết bạn có về phần đông đó không. Nếu có thì xin bạn từ đây chịu khó bớt trào phúng.

Lâu lâu điểm một vài câu vui đầy ý nhị thì nên. Nó tỏ ra bạn là người có óc tinh tế, bặt thiệp. Nhưng ngứa miệng mà trào phúng luôn, gặp ai cũng giễu cợt, cười xuề xòa, nói như thể trên sân khấu thì không nên chút nào cả. Bạn thử xem khi nào bạn hài hước quá tinh thần của bạn xuống nhiều. Tinh thần xuống nghĩa là ý chí tiêu ma ít nhiều đó.

17. 
Nhịn
Không biết bạn nghĩ sao chứ riêng chúng tôi thì những người nóng cọc, hay trả đũa, nói chua chát, nói móc, vạch là tìm sâu kẻ khác là những người làm cho ý chí của mình tổn thương. Trái lại những người hay nhịn là những người gia tăng cho mình nghị lực. Một đàng thì luôn xổ khí lực ra, một đàng thì tự chủ. Dĩ nhiên kẻ sau này lấy họ làm gương cho ý chí của mình mạnh mẽ. Quân Do Thái ồn ào đến bắt Giêsu như bắt trộm cướp. Một môn đồ của Ngài ông Phêrô lấy gươm chặt đứt tai một kẻ địch, Giêsu khuyên môn đồ bỏ gươm vào vỏ và dùng phép vạn năng chữa lành tay kẻ đến hại mình. Lúc bị treo khổ nhục trên Thánh Giá, Ngài còn xin Chúa Cha tha tội cho kẻ làm hại Ngài. Thiệt là một gương nhẫn nhịn vô tiền khoán hậu. Ta nên bắt chước Ngài chút ít để rèn ý chí.
 
18. Thi hành ngay việc khó
Trong ngày ta gặp thiếu gì công việc. Muốn luyện nghị lực hãy cố gắng thi hành ngay những việc khó trước. Nhiều lần thi hành như vậy, ý chí nên hùng cường.
 
19. Vâng lời
Goethe nói với Iphigénie rằng: Ông càng vâng lời thì tâm hồn ông càng tự do. Vâng lời là thi hành ý muốn của kẻ có phận sự giáo dục ta, mưu điều ích lợi cho ta, mưu điều ích lợi cho ta một cách tín nhiệm và trong tinh thần yêu mến. Chính sự vâng lời này là lò luyện ý chí mà nhiều bậc tu sĩ nơi tu viện đã dùng. Họ bỏ ý riêng của mình. Họ tự chủ đấy để theo ý bề trên. Họ là những người rất người. Vậy chúng tôi và bạn nên bắt chước họ, tập bỏ ý riêng mình trong điều phải để cho ý chí nên đanh thép.
 
20. Không bao giờ nói dối
Giêsu thường trước khi dạy các môn đồ hay nói: “Ta nói thật”. Aristote không bao giờ nói dối. Hình như Gandhi chỉ nói láo một lần thôi. Toàn là những gương ta có thể noi theo để rèn ý chí. Nên tin chắc rằng mỗi khi ta kiêng việc nói láo và khi cần nói, nói sự thật, thì ý chí ta gia tăng.
 
21. Kiểm tâm
Chúng tôi đã nói Franklin mỗi ngày kiểm điểm cuộc sống của mình coi có phạm một nhân đức nào trong bảng thống kê nhân đức của ông không? Sextiux về chiều là xét mình coi cả ngày có làm gì để rèn luyện chí khí không? Chúng tôi không dám khuyên bạn quá gắt gao với mình như hai bậc danh nhân này. Mà chỉ muốn bạn lâu lâu chịu khó kiểm tâm. Xét coi mình có làm điều gì nghịch ý chí không, có thi hành đôi bí quyết để thêm cường dũng không? Vấn đề quan trọng là phải biết mình. Cái câu “bạn hãy biết bạn” của một nhà hiền triết nào thật ít ai thi hành chu đáo. Thường chúng ta lo biết kẻ khác, chứ không chịu tìm hiểu mình. Thalès từ ngàn xưa đã nói rất chí lý rằng: “Việc khó nhất là biết mình và dễ nhất là nói xấu người”. Xin bạn, đừng thuộc hạng người việc mình thì quáng việc người thì sáng. Hãy bắt chước những thầy dòng trong nhiều tu viện Công Giáo, mỗi chiều xét mình. Nhờ kiểm tâm như vậy dần dần bạn tránh được những nguyên do làm  bạn nhược chí và cố gắng thi hành những bí quyết giúp mình có trí muốn mạnh mẽ.
Đó là một vài bí quyết đơn sơ giúp bạn cố gắng rèn luyện sẽ có được đức dũng.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của HOÀNG XUÂN VIỆT

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc