banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

LÀM PHỤ NỮ ĐỂ YÊU CHÚA – MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (1910 – 1997)

Đăng lúc: Thứ hai - 12/03/2018 23:20 - Người đăng bài viết: menthanhgia
LÀM PHỤ NỮ ĐỂ YÊU CHÚA – MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (1910 – 1997)

LÀM PHỤ NỮ ĐỂ YÊU CHÚA – MẸ TÊRÊSA CALCUTTA (1910 – 1997)

“Khi chạm đến các chi thể hôi thối của người phung, tôi ý thức là mình đang chạm đến thân thể của Đức Kitô, cũng là thân thể mà tôi đã nhận lãnh khi hiệp thông dưới hình bánh”.

“Khi chạm đến các chi thể hôi thối của người phung, tôi ý thức là mình đang chạm đến thân thể của Đức Kitô, cũng là thân thể mà tôi đã nhận lãnh khi hiệp thông dưới hình bánh”.

Ba chuyến đi, ba chặng đường, ba quyết định đã kéo một thiếu nữ đang hạnh phúc khi sống trong gia đình tại Macedonia, phải rời bỏ nếp sống an bình ấy sang Caltutta dạy dỗ các thiếu nữ địa phương, rồi lại từ bỏ sứ mạng này để hiến thân cho “những người nghèo nhất” trên toàn thế giới. Vào thời ấy, hai chuyến đi đầu tiên của cô không còn nguy hiểm va khó khăn lắm. Cô thiếu nữ tên là Gonxha (hay Agnes) Bojaxhiu, sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại Skopje, phần đất Macadonia lúc ấy đang bị đế quốc Ottoman thống trị, rồi lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo đức, trong bối cảnh đa tôn giáo nhưng không hề có xung đột đặc biệt nào, khi lên 18 tuổi, ước mong trở thành nhà truyền giáo. Cô đến gặp các nữ tu dòng Đức Bà Loretto, có nhà mẹ đặt tại Dublin của nước Ailen.

Có tới cả trăm người – người trong giáo xứ lẫn bạn bè cùng trường – đến tiễn biệt cô một cách hết sức cảm động khi cô đáp tàu đi Zagreb cùng với mẹ và em gái. Đến đây là đường ai nấy đi, và chia tay vĩnh viễn. Nhưng Gonxha không biết điều ấy. Cô cứ nhìn về phía trước: trước mắt là Dublin, nơi cô sẽ cùng với một cô bạn chậm rãi vượt qua châu Âu đế tiến tới.

Dublin chỉ là một chặng đường ngắn với vài ba tuần lễ, đủ cho mẹ Victorine – bề trên tu viện – nhận xét Gonxha hay thinh lặng và nhút nhát, rồi tiếp nhận cô vào dòng. Thế là Gonxha bước vào gia đình thiêng liêng ấy, do Mary Ward thành lập vào thế kỷ 17, chuyên lo giáo dục các thiếu nữ. Chế độ sống tại tu viện rất khắt khe, kỷ luật tu viện cũng rất nghiêm. Để chuẩn bị đi truyền giáo, cô phải học một khóa tiếng Anh hết sức căng.

Chuyến đi thức hai khởi hành ngày 1 tháng 12 năm 1928, dọc theo lộ trình bưu tín Marcha: qua Colombo, Madras, vịnh Bengale, rồi Calcutta, đó là những chặng đường cô phải đi qua trong vòng hơn một tháng để tới thế giới Đông Phương. Chặng cuối cùng là Darjiling, cách Calcutta chừng 600 cây số, một thành phố do người Anh thành lập: đó là một nơi khá mát mẻ với độ cao chừng 2000 mét, giữa một thiên nhiên xanh tươi. Tại đó, các nữ tu dòng Loretto có một cơ sở truyền giáo. Gonxha được nhận làm thỉnh sinh, rồi tập sinh tại đó. Cô dành thời gian để cầu nguyện, để sống đời sống cộng đoàn, tập dạy học, cũng như tập gặp gỡ người nghèo trong một trung tâm y tế nhỏ bé. Cô kết thúc thời gian tập sự ở Calcutta – vừa bằng cách lo lấy các văn bằng cần thiết vừa tham gia dạy học ở “Loretto House”, một cơ sở của nhà dòng có hai trường học: một trường có đóng học phí (trường Sainte – Marie) và một trường miễn phí (trường Loretto – Entally) dành cho các thiếu nữ nghèo hay mồ côi. Từ nay, trong dòng cô được gọi là sơ Têrêsa, có nhiệm vụ dạy dỗ 52 trẻ em nghèo, con số này mau chóng trở thành 300; đồng thời giúp 10 sơ học tập, đồng thời không quên học hành để tốt nghiệp đại học.

Con đường này, dù đòi phải hiến thân rất nhiều, lại rất thích hợp với Têrêsa. Ngoài công tác ở trường, cô còn thăm viếng các gia đình nghèo của các khu ngoại ô gần đó, các khu “ổ chuột” của Caltutta. Cô thật hạnh phúc vì việc làm thích hợp, các trẻ lại rất chịu cô. Cuộc sống của cô thật đơn giản, nhưng đó lại là một cuộc sống đầy hứng thú đối với một thiếu nữ thông minh và quảng đại. Qua thư từ thường xuyên giữa hai bên, mẹ cô luôn nhắc nhở cô bổn phận đầu tiên mà gia đình cô từ lâu nay vẫn trung thành tuân giữ, đó là chia sẻ. Cha cô từng nói: “Đừng bao giờ ăn một miếng gì mà chưa chia sẻ”. Bây giờ mẹ cô lại viết: “Con thân yêu, đừng quên rằng con có phải đi tới một miền đất xa xôi như vậy, chính là vì người nghèo”. Các nữ tu dòng Đức Bà Loretto chắc hẳn đã làm tất cả những gì phù hợp với on gọi giáo dục của mình để giúp người giàu hiểu ra trách nhiệm của mình đối với xã hội cách riêng, người nghèo, cũng như để giúp người nghèo có cơ hội tiếp thu được một nền giáo dục khả dĩ giúp họ có được một cuộc sống xứng đáng. Vì thế, ngay trong dòng mình, sơ Têrêsa đã có điều kiện thực hiện lý tưởng của mình. Thế nhưng, một chuyến đi nữa đã khiến cô bẻ cuộc đời mình vào một khúc quanh quyết định.

Đó vốn chỉ là một chuyến đi bình thường bằng tàu lửa từ Calcutta tới Darjiling, ngày 10 tháng 9 năm 1964. Nhiều người tới đó để nghỉ mát, còn cô đến đó mỗi năm một lần để cùng với các chị em tĩnh tâm thường niên. Cô tâm sự với nhà biên sử Ấn Độ là Desmond Doig nhu cầu mới mà cô bỗng chốc nhận ra trong chuyến đi ấy sau khi đã vất vả lắm để tách riêng ra khỏi đám đông kẻ qua người lại ồn ào: “Trong lúc tôi cầu nguyện một mình và thinh lặng, tôi bỗng nhận ra một tiếng gọi rất rõ. Thông điệp mà tiếng gọi ấy chuyển tới cũng thật rõ ràng: Tôi phải giã từ  tu viện Loretto để hiến thân phục vụ người nghèo bằng cách sống giữa họ. Đó là một mệnh lệnh. Tôi nhận thức rõ tiếng gọi ấy xuất phát từ đâu. Điều duy nhất tôi chưa thấy rõ lắm là làm cách nào đáp lại tiếng gọi ấy. Nói cách khác, tôi biết rõ mình phải đi đâu, nhưng chưa biết làm sao tới được nơi ấy […] Tôi cảm nhận sâu sắc Đức Giêsu muốn tôi phục vụ Ngài nơi những người nghèo, nơi những người bị bỏ rơi, những người đang sống trong các khu ở chuột, những người ở bên lề xã hội, những người không có nơi nương tựa nào. Đức Giêsu mời gọi tôi phục vụ Ngài và đi theo Ngài trong sự nghèo khó thật cụ thể, bằng cách chấp nhận một lối sống đồng hóa tôi với những người túnh thiếu mà nơi đó Ngài đang hiện diện, đang đau khổ và đang sống” (Monique de Huertas, “Mère Teresa” trong “Le grand livre du mois”, éd. Du Centurion, 1993, p. 37).

“Không thể thực hiện, nhưng rất cần thiết”: đó là nhận xét của cha Henry – phụ trách công đoàn Kitô hữu tại Entally – về dự phóng của sơ Têrêsa, sau khi cô bộc bạch tâm hồn với cha linh hướng và với các bề trên. Sau khi làm đơn chính thức xin rời bỏ nội vi, Têrêsa đã nhanh chóng nhận được các phúc đáp: mẹ bề trên tổng quyền dòng Đức Bà Loretto, Tòa Thánh, giám mục giáo phận Calcutta đều đồng ý cho người nữ tu trẻ ấy rời nhà dòng tạm thời một năm; nếu dự phóng của cô thất bại, cánh cửa nhà dòng luôn rộng mở để đón tiếp cô.

Sở dĩ cô được ban phép ấy là vì tất cả mọi người gần gũi cô đều biết rõ đó không phải là một sự bốc đồng của trí khôn, cũng không phải là một phản ứng tình cảm khi đứng trước cảnh tượng khốn khổ bày la liệt trên các đường phố Calcutta. Nhưng những người muốn cứu trợ cac gia đình đang chồng chất lên nhau trong cách khu ổ chuột của cái thành phố đầy cám dỗ này đều nghĩ rằng dự phóng của cô là “không khả thi”. Năm 1947, Calcutta bị ảnh hưởng lớn bởi việc Ấn Độ được công nhận độc lập: việc tranh giành đất đai giữa những người theo Ấn Giáo và những người theo Hồi Giáo, việc thành lập nước Pakistan phía đông – sau này trở thành nước Bangladesh – đã tạo ra những làn sóng hàng triệu người tị nạn muốn trốn khỏi nước Hồi Giáo mới mẻ này. Cứ tưởng tượng 13 triệu dân, trong đó các nhà tài chính, các nhà kỹ nghệ, các nhà trí thức vịnh Bengale chung chạ với một đám đông dân cư luôn ở trong tình trạng nửa sống nửa chết. Trong thảm kịch ấy, đâu đâu cũng thấy nghèo đói, hoàn toàn thiếu vệ sinh và các nạn dịch đáng sợ. Biết bao gia đình phải lấy lề đường làm nhà, phải sục sạo trong rác thức ăn mỗi ngày.

Đúng là “không thể” thực hiện dự phóng của người nữ tu trẻ ấy. Cô là người Châu Âu. Vì thế, dù có mặc giản dị một chiếc xari bằng vải trắng, có đường viền xanh, và mang quốc tịch Ấn Độ, có chắc cô sẽ được những người đã phải trả giá đắt để người Anh ra khỏi xứ chấo nhận chăng? Và làm sao tìm được các thiếu nữ Ấn Độ thuộc mọi giai cấp theo nếp sống của cô, nếu cô quyết định chăm sóc người nghèo bằng cách làm những việc bạc bẽo nhất, lâu nay vẫn dành cho giai cấp thấp nhất ở Ấn Độ làm? Khi ra khỏi nhà dòng Loretto, không những cô đã từ bỏ sự an ninh vật chất và một gia đình thiêng liêng, trong đó cô đang sống sung sướng, mà cô còn từ bỏ một công tác tông đồ cô hằng ưa thích và coi là việc tông đồ chính hiệu: cô đã đổi tất cả để lấy một việc tông đồ mà cô coi là «việc tông đồ trực tiếp hơn, qua đó người ta tập nhìn Đức Giêsu dưới khuôn mặt đau đớn của những người nghèo nhất trong mọi người nghèo».

Sau cùng, đó đúng là một sứ mạng «bất khả thi» khi nhìn tới tính chất phức tạp và đa phương trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói tại các quốc gia đã được cộng đồng thế giới xếp vào «thế giới thứ ba». Phải ưu tiên cho việc nào đây? Chẳng phải là trước hết cần lần cho ra các nguyên nhân cảu tình trạng nghèo đói này hay sao? Bằng không, có gì ích gì khi chỉ lôi được ra khỏi cảnh nghèo đói một dúm người và để tình cảnh nghèo đói ấy gần như y nguyên?

Ý thức những thách đố ấy, sơ Têrêsa dành ngày đầu tiên trong cuộc đời mới của mình để đi qua các đường phố của Calcutta, ngay từ tờ mờ sáng, bên cạnh những người quét đường và những người gủ trên vỉa hè. Sơ rảo quanh cái «đại dương khốn khổ và tuyệt vọng» ấy. Đáp lại sự phó thác hoàn toàn của sơ, Chúa đã cho sơ một dấu hiệu nhỏ để khích lệ: sơ không mang gì ra khỏi nhà dòng mà chỉ nhận 5 đồng rupi, và chẳng mấy chốc sơ cho những người ăn xin hết 4 đồng. Lúc ấy có một linh mục tiến lại gần sơ và xin sơ chút quà cho một tờ báo Công Giáo. Hơi do dự một chút, nhưng rồi Sơ cũng cho luôn đồng rupi cuối cùng của mình. Đến chiều, biết dự phóng của Sơ, vị linh mục ấy đã mang đến cho sơ một phong bì, trong có đựng 50 rupi, Sơ giải thích: «Lúc ấy tôi có cảm giác rất rõ Chúa đã bắt đầu chúc lành cho công trình của mình và Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi» (như trên, p. 42).

Đến đêm, Sơ được các chị dòng Tiểu Muội đón vào nhà; bản thân các chị cũng sống bằng cách hành khất để cứu trợ các cụ già. Ban ngày, Sơ lấy thành phố làm nhà. Trẻ em là những người đầu tiên chú ý tới Sơ – một phụ nữ cô độc nhưng có nụ cười rất an bình. Sơ bắt đầu làm lại cái nghề mà Sơ đã từng làm hồi 16 tuổi, đó là dạy học. Học trò của Sơ là các trẻ em đường phố. Chúng học bảng chữ cái tiếng Bengal, học tin tưởng vào cuộc đời, học tất cả những gì có ích cho chúng có thể lao động và kiếm được tiền cho chúng và gia đình chúng. Trẻ nào siêng năng đi học sẽ được thưởng một cục xà – bông – một vật hỗ trợ quý giá để tắm rửa và đề phòng các bệnh nhiễm trùng.

Sơ Têrêsa dần dần quen với cách tổ chức cuộc sống ngoài đường phố và ở các khu ổ chuột của Calcutta. Sơ sớm hiểu ra rằng đối với người nghèo, giây phút cảm thấy cô đơn kinh khủng và đôi khi, tới mức tuyệt đối là khi chết. Sơ kể lại cho người viết tiểu sử lần tiếp xúc đầu tiên của mình với những người hấp hối bị bỏ rơi: «Một ngày nọ, trong lúc đi tìm người nghèo, tôi phát hiện thấy một phụ nữ đang nằm hấp hối ngoài đường, yếu đến nỗi không thể đuổi mấy con chuột đang gặm các ngón chân mình. Tôi mang bà ấy đến một bệnh viện gần đó, nhưng ở đấy người ta tỏ ra không sẵn sàng đón nhận bà. Sau cùng, trước sự năn nỉ của tôi, họ đành phải đón nhận bà, vừa nhận vừa càu nhàu. Kể từ lúc ấy, tôi quyết định tìm cho ra một chổ để chăm sóc những người bị bỏ rơi. (Như trên, tr. 61).

Đúng là một sự ưu tiên lạ lùng khi tìm nhà cho người hấp hối, đang khi có biết bao người di cư đến thành phố, chờ người này bỏ đi và người kia qua đời để nhét mình vào chổ của người ấy tại một góc đường nào đó, xục xạo trong rác để kiếm thức ăn và hy vọng một cách ngớ ngẩn một ngày nào đó sẽ tìm được việc làm, quên rằng mình đang sống trong một đất nước đại đa số người dân theo đạo Hinđu coi chết như một sự dạo đầu để bước sang một cuộc sống khác, có thể tốt hơn mà cũng có thể xấu hơn cuộc sống hiện tại, tùy theo «karma» (nhiệp chướng). Nhưng người phụ nữ - mà bây giờ được nhiều người gọi là Mẹ Têrêsa – không lý luận như các nhà xã hội học; Mẹ không có tham vọng nào hơn là chăm sóc Đức Giêsu. Dù Ngài đang xuất hiện dưới bộ dạng loài người thế nào, nhưng làm người nghèo chính là tiêu chuẩn chắc chắn để nhận ra Đức Giêsu. Con tim Mẹ mách bảo rằng người hấp hối cũng có quyền sống những giây phút cuối đời mình với đầy đủ phẩm giá, có quyền chuẩn bị hoàn thành cuộc đời mình trong bình an thư thái như đang bước vào nhà Chúa. Mẹ không ngại bày tỏ điều ấy với ngài thị trưởng thành phố, và vị này đã giao cho Mẹ hai căn phòng lớn nằm kế bên một đền thờ Hinđu kính nữ thần Kali.

Căn nhà dành cho người hấp hối bỏ rơi – mang tên là «Nirmal Hriday» tiếng Bengal, có nghĩa là «Nhà khiết tâm» - được khai trương ngày 22 tháng 8 năm 1952, trùng với ngày kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Nhà có khả năng chứa 55 người đàn ông và 55 người phụ nữ. Về mặt vật chất, bệnh nhân chỉ được điều tối thiểu: giường nằm sát nhau, kê trên nền nhà xi – măng, rất dễ lau chùi. Tuy dáng người mảnh khảnh, nhưng Mẹ Têrêsa cứ đều đặn «gom» về nhà những người hấp hối trên vệ đường và trong các ổ chuột. Mẹ ôm họ trên tay, vừa dịu dàng vừa cứng cáp, rồi đặt họ nằm dài trên một nếp giường thô sơ. Tại nhà, đôi tay rộng lớn với những vết thương buồn nôn, thay một bộ quần áo sạch, kiên nhẫn đút cho ăn, nắm lấy tay người hấp hối trong lòng bàn tay mình càng lâu càng tốt để trấn an họ, thường không nói mà chỉ mỉm cười. Mẹ từng nói với chị em: «Hãy luôn giữ nụ cười, hãy cười với Đức Giêsu khi gặp đau khổ. Muốn làm một nhà thừa sai Bác Ái chính hiệu, phải tập chịu đau khổ trong vui tươi». Mẹ hoàn toàn tôn trọng tôn giáo của mỗi người; không tìm cách cải đạo họ, mà cầu nguyện hết sức tự nhiên cùng với ai yêu cầu mình; người Hindu nào muốn được rảy nước lấy từ sông Hằng đều được toại nguyện.

Việc tiếp nhận những người nghèo ấy, thường là những người đau ốm và mắc bệnh truyền nhiễm, đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong khu phố và giữa những người cuồng tín lo ngại đó là một cách truyền bá đạo. Nhưng dù có bị khiêu khích, thậm chí ném đá, hoạt động của Mẹ vẫn không dừng lại, ngay cả hoạt động của một số thiếu nữ chia sẻ lý tưởng của Mẹ hay những người cộng tác tự nguyện đến giúp các ngài một tay cũng không chùn bước. Mọi bệnh nhân – nam lẫn nữ - bị các bệnh viện từ chối đều được mang tới trên cáng hay đều được dìu tới «Nirmal Hriday». Khi nhà sư ở chùa bên cạnh mắc bệnh dịch tả được đưa tới đây trong một tình trạng hết sức đáng thương, được tắm rửa và chăm sóc, các cuộc công kích mới dừng hẳn. Từ nay mọi người hấp hối đều biết rằng họ đã có một mái nhà, và lần nào cũng như lần nào, khi cúi xuống nghe tâm sự cuối cùng của họ, Mẹ Têrêsa đều nghe nói: «Cả đời tôi sống ngoài đường như một con vật, nhưng nay tôi sắp được chết như một thiên thần, được yêu thương và được chăm sóc» - một người được Mẹ tìm thấy trong một cống rãnh và bế trên tay đã tâm sự như thế.

Trong một lần đi thăm thành phố và các vỉa hè, Mẹ Têrêsa đã đau đớn gặp thấy thân thể bé tí của một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nằm trong một thùng rác không đậy nắp. Thật bất ngờ! Lần này, tay Mẹ run lên vì xúc động trước đứa bé tí hon còn thoi thóp ; nhưng Mẹ có một quyết định hết sức nhanh: trẻ con và tất cả những ai được tìm thấy trong tình trạng tương tự như thế đều sẽ được đón nhận, đầu tiên trong căn nhà do một người bạn của Mẹ hiến tặng và sẽ sống cùng Mẹ như các sơ khác, sau đó chuyển sang một căn nhà gần đó – sau này được đặt tên là «Nirmala shishu bhavan», nghĩa là «Mái ấm cho các trẻ em bị bỏ rơi».

Mẹ Têrêsa không quan tâm tới những người trách ngài đã mất thời giờ cho những trẻ em chỉ sống được vài giờ. Phần đông các cháu này khi đưa được về tới nhà thì không còn sống nữa; nhiều cháu sinh non, cân nặng chưa đầy một kí. Nhưng Mẹ không chút hồ nghi về nền tảng sâu xa của việc mình làm: «Chúa ban những gì cần thiết. Ngài đã nuôi sống bông hoa và chim trời; Ngài coi các cháu bé ấy là chính sự sống của mình». Điều Mẹ muốn làm cho các cháu nhỏ này chỉ giản dị là tránh cho chúng bị quăng vào thùng rác hay để chuột gặm. Chính vì thế, Mẹ đã xin phép cấp trên cho Mẹ được nhờ các nhân viên bệnh viện và dưỡng đường đề nghị các bà mẹ tìm cách phá thai hãy giữ con lại và trao nó cho Mẹ khi sinh ra nếu muốn bỏ con. Trên khắp thế giới, Mẹ Têrêsa là người tích cực bảo vệ quyền được sinh ra: không phải bằng lời nói suông mà bằng những hành động rất hữu hiệu là nhận trách nhiệm hàng ngàn cháu, bất kể nó thuộc địa vị nào.

Mọi trẻ được đưa tới mái ấm Shishu bhavan – ngay trong những tháng đầu tiên đã có tới 200 cháu – sẽ được học cách sống, cách chơi và cười. Sạch sẽ luôn là một bận tâm của Mẹ: Mẹ tắm cho chúng bằng những cử chỉ của một bà mẹ. Thấy một cháu mồ côi không chịu ăn, Mẹ yêu cầu một sơ, có dáng dấp bà mẹ quá cố của cháu, dành thời gian ở với cháu cho tới khi cháu quyến luyến sơ: một phương thức rất tốt vì sau đó không lâu cháu đã ăn uống trở lại. Một cháu được các gia đình Ấn Độ hay Âu Châu nhận nuôi. Đó cũng là một điều tưởng là bất khả thi nhưng đã được thực hiện: các gia đình giai cấp thượng lưu đã chấp nhận nuôi các cháu thuộc giai cấp tiện dân, và từ đó cơ quan luật pháp Ấn Độ đã cho phép một trẻ được chấp nhận nuôi có quyền hoàn toàn ngang bằng con cái chính thức. Các bé gái cũng được nhận nuôi, dù người ta thường coi con gái là gánh nặng vô ích vì sẽ phải tốn kém rất nhiều khi cho chúng của hồi môn trước khi về nhà chồng.

Một sự thay đổi nữa trong tập quán Ấn Độ đã được Mẹ Têrêsa đề xuất. Dù không cố ý kiếm tìm, nhưng ngay từ năm 1949 đã có nhiều thiếu nữ, thường là học sinh cũ của Mẹ, đến xin tham gia công tác của Mẹ. Mẹ không giấu giếm họ những khó khăn mà họ sẽ gặp. Cởi bỏ những chiếc váy sang trọng, dệt bằng tơ lụa óng ả để mặc những chiếc váy bằng vải thường, đó chính là sự từ bỏ đầu tiên. Nhiều chị em thuộc giai cấp thượng lưu nay xả thân phục vụ những người vô giai cấp, đó lại là một chuyện khác nữa: Mẹ Têrêsa không ngần ngại gọi đây là cuộc cách mạng, cuộc cách mạng khó nhất, cuộc «cách mạng tình thương ». Nhưng họ đã chấp thuận.

Sau bảy năm, đã có bảy chị em chia sẻ cuộc của Mẹ. Từ nay, phải nghĩ tới việc tìm một cái tên và một luật sống cho cộng đoàn mới mẻ này. Khi tự nhận mình là các Thừa Sai Bác Ái, họ muốn diễn tả cái lý tưởng đã từng khiến Mẹ Têrêsa rời bỏ quê hương và gia đình, cũng là lý tưởng mà hiện nay Mẹ đã hoàn toàn nắm được: truyền giáo cho người nghèo. Bên cạnh ba lời khấn Tin Mừng quen thuộc là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, chị em còn thêm lời lứa long trọng là « phục vụ người nghèo và người nghèo nhất với hết tâm hồn và hoàn toàn miễn phí». Như thế, cuộc đời của chị em được đinh hướng như sau: «Khi thực hiện các lời khấn Tin Mừng, chị em mong muốn xoa dịu nỗi khao khát yêu mến Đức Giêsu Kitô bằng cách tự nguyện hiến thân phục vụ những người nghèo nhất trong số các người nghèo, theo gương sáng và theo giáo huấn của Chúa chúng ta, và nhờ đó loan báo nước Chúa một cách đặc biệt » (như trên, p. 57). Qui luật này đã được Tòa Thánh chấp thuận và đoản sắc thành lập đã được Đức Cha Périer – Giám Mục Calcutta – chính thức trao cho Mẹ ngày 07 tháng 10 năm 1950, trong một thánh lễ long trọng, trước sự có mặt của 11 chị em.

Mẹ Têrêsa làm đủ thứ việc: ngoài căn nhà tiếp nhận người hấp hối và căn nhà dành riêng cho các trẻ sơ sinh, Mẹ còn tìm một căn nhà khác đủ rộng để làm nhà mẹ cỉa Dòng. Và cũng trên con phố ấy, Mẹ mở một điểm tiếp nhận cho các người phung được săn sóc và thoát khỏi nghèo túng. Nhiều Giám Mục Ấn Độ đã xin Mẹ tiếp tay để hoạt động tương tự tại Giáo Phận mình. Rồi đây sẽ là các Giáo Phận Ranchi, Delhi, Jansi, Agra, Asansol, Ambalâ, Bombay, Patna… Cần một ít thời gian để chuẩn bị và thu xếp: mỗi sơ sẽ chỉ có hai chiếc váy, quần áo cá nhân và một cái chậu để tắm rửa. Dù nhà cửa được hiến tặng hay đề nghị sử dụng có cũ kỹ thế nào, Mẹ cũng yêu cầu phải có một phòng nguyện để mỗi chị em có thể hồi tâm và nghỉ ngơi bên Chúa sau khi đã phục vụ Chúa nơi người nghèo.

Kể từ năm 1965, khi con số chị em đã lên tới 300, Mẹ được Tòa Thánh cho phép lập các cộng đoàn ngoài nước Ấn Độ để đáp ứng các yêu cầu từ mọi nơi trên thế giới. Cộng đoàn đầu tiên thuộc loại này là ở Venezuela, một cộng đoàn khác thành lập năm 1968 là cộng đoàn do chính Đức Phaolo VI đề nghị. Những chị em thương được người Roma gọi là «Các sơ Ấn Độ» - dù không phải chị em nào cũng là người Ấn – đã đến sống với đồng bào du canh du cư ở ngoại ô kinh thành muôn thuở, những người vô gia cư, có rất đông chung quanh nhà ga Termini. Vài năm sau, sẽ có một nhà tiếp nhận người nghèo tương tự được đặt ngay tại thành Vatican.

Các cơ sở gia tăng liên tục và kéo dài theo biết bao lo lắng, di chuyển, vận động đủ loại. Mẹ Têrêsa rất phấn khởi và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Mẹ còn xin lỗi là đã không biết cách xây dựng các kế hoạch dài hạn: «Tôi không quan làm các công việc đại sự. Điều chúng tôi cho là quan trọng, chính là các cá nhân. Muốn yêu thương một người thì phải đến sát bên người ấy. Tôi rất tin vào mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân : mỗi người đối với tôi là chính Đức Kitô, và nếu Đức Giêsu chỉ có một thì người ấy cũng chỉ có một đối với tôi trên đời này. Tôi không chăm sóc đám đông, mà chỉ chăm sóc từng người. Nếu chỉ nhắm đám đông, tôi đã không bao giờ khởi sự» (như trên, p. 132). Đã nhiều lần Mẹ Têrêsa giải thích một cách bình thản và xác tín rằng toàn bộ công trình của cả đời Mẹ chỉ bằng một giọt nước trong đạo dương, «nhưng nếu chúng ta không làm thì đại dương ấy sẽ thiếu mất giọt nước của chúng ta» (như trên, p. 79).

Với một sự sắc sảo đặc biệt, Mẹ tiếp nhận từng người nghèo một và đón nhận họ đúng như trong hoàn cảnh thật của họ. Mẹ rảo mắt nhìn quanh những người nghèo một vòng. Mẹ ẵm họ trên tay, nhẹ nhàng lau chùi thân thể đã chết của họ, tắm rửa cho các cháu, cúi xuống thật gần trên những ngườ đã kiệt sức, mặc quần áo sạch cho từng người, vuốt ve những người cảm thấy cô đơn. Cả cuộc đời mình, Mẹ luôn có những phản ứng ấy: chỉ cần thấy một người nghèo bên lề đường là Mẹ lập tức dừng lại, đổi hướng đi, bỏ một cuộc hẹn quan trọng. Mẹ đến nói chuyện với người ấy, giúp người ấy sắp xếp trật tự trong nhà, vừa cười vừa nhìn thẳng vào mặt người ấy. « Nhà nước mà can thiệp thì chắc hẳn tốt hơn. Nhưng các việc làm của xã hội nhắm đến một mục tiêu, còn tình yêu của người Kitô hữu hướng đến một con người» (như trên, p. 131).

«Chúng ta không phải là những nhân viên xã hội. Chúng ta muốn mang lại cho con người niềm vui và tình yêu của Thiên Chúa, như thể chính Chúa đang yêu thương họ qua chúng ta. Như thế, chúng ta đang yêu mến Chúa bằng cách phục vụ Ngài nơi những người nghèo. Có rất nhiều tổ chức chăm lo các người bệnh. Chúng ta không phải là một trong các tổ chức ấy. Chúng ta không phải là một cơ quan cứu tế xã hội. Chúng ta phải hiện diện nhiều hơn, cho nhiều hơn, hiến dâng bản thân mình và qua sự phục vụ ấy, chúng ta trao tặng tình yêu của Thiên Chúa » (Christian Daleau, «Tout pour Jésus», Téqui, 1993, p. 29). Mẹ rất e ngại khi thấy các sơ hay các tình nguyện viên coi thời gian ở bên cạnh người nghèo chỉ là một công tác không hơn không kém: «Đừng chỉ cho người nghèo những việc chăm sóc, mà hãy cho cả tâm hồn mình […]. Làm việc chỉ vì công việc, đó chính là mối nguy hiểm luôn đe dọa chúng ta» (như trên, p. 85).

Một tình nguyện viên – là một thiếu nữ người Pháp mới sống 5 tháng ở Calcutta – đã hiểu ra ý nghĩa của câu nói trên đây: «Ban đầu, tôi cứ tự hỏi đâu là bí quyết của Mẹ Têrêsa […]. Tại sao Mẹ có được nghị lực như thế, điều này tôi đã hiểu ra tại nhà hấp hối: một ngày nọ người ta mang vào nhà một phụ nữ nằm trên cáng bị bỏ rơi tại một đống rác. Thân thể bà ấy chỉ còn là một đống thịt hư thối. Người ta bảo tôi rửa thân thế ấy, nhưng trước đó tôi phải lấy từng con dòi đang lúc nhúc dưới lớp da của bà. Để khỏi nghĩ tới cảm giác buồn nôn trong mình, tôi bắt đầu đếm các con dòi trắng đang cựa quậy trong giọng kềm của tôi: 45, 46, 47… Rồi tôi không thể chịu hơn nữa! Tôi quay mắt đi khỏi đống thịt ấy một lát thì sực nhớ những lời Mẹ Têrêsa cho khắc gần như khắp nơi trong nhà hấp hối: «The Body of Christ, Thân Thể Chúa Kitô. Tôi như bị điện giật. Tôi làm việc ở đây cả mấy tháng rồi, mà đến hôm nay mới hiểu […] Bỗng chốc tôi sực nhớ mình chưa nhìn khuôn mặt của người đàn bà ấy […] Tôi cúi xuống trên mình bà: trước đó tôi chẳng để ý, nhưng dường như cặp mắt bà là bộ duy nhất còn sống. Tôi cười với bà và nói tên tôi cho bà. Bà nhìn tôi, do dự một lát, rồi cũng cố gắng trả lời: bà tên là Champa. Tôi không biết mình đã làm xong công việc tắm rửa cho bà ấy thế nào, tôi chỉ biết là mọi sự bây giờ đã thay đổi» (Lời chứng được đăng trong báo «Famille chrétienne», số 1077, ngày 3 tháng 9 năm 1998).

Nhờ gần gũi người khác, sát gần họ, Mẹ Têrêsa đã có thể «tiếp xúc với Đức Ki tô 24 giờ mỗi ngày». Mẹ rút từ đó ra sức mạnh và niềm vui. Mẹ yêu cầu các sơ cũng làm tương tự. Sau một giờ thờ lạy Chúa, Mẹ gởi chị em đến gặp người nghèo: «Bây giờ, chúng ta hãy rời nhà nguyện để nhìn nhận, yêu mến và phục vụ chính Đức Giêsu mà chúng ta vừa thờ lạy trong phép Thánh Thể» (Monique de Huertas, «Mère Têrêsa», op.cit., p.91).

Từ Đức Giêsu ấy, Mẹ học được cách làm sao có tâm hồn dịu dàng và kính trọng phẩm giá của mỗi người, từ trẻ mới sơ sinh cho đến người hấp hối. Mẹ khuyên một tập sinh trẻ hãy xem các linh mục cầm Thân Mình Đức Kitô trong thánh lễ với tất cả yêu mến và tế nhị để bắt chước khi làm việc trong nhà hấp hối vì ở đây Đức Giêsu đang hiện diện dưới hình dáng của đau khổ. Còn từ người nghèo, Mẹ học được thế nào là yêu mến và phục vụ Chúa. Một người phong vì sợ bị sỉ nhục đã hỏi Mẹ làm sao Mẹ có thể chịu được mùi hôi thối của mình, Mẹ trả lời: «Điều ấy đâu có đáng gì so với những gì ông phải đau đớn chịu đựng». Người bệnh chưng hửng và ngạc nhiên: «Các bà là hạng người nào vậy? Tôi chưa hề thấy ai hành động như bà. Thật đáng khâm phục!». Mẹ liền bày tỏ sự trân trọng đối với người bất hạnh ấy: «Không, ông mới thật đáng khâm phục vì đã chịu khổ vì Đức Kitô». Mẹ thường tỏ ra cảm phục những người nghèo, những người phong, nhũng người bị gạt ra ngoài, những người nghiện rượu: «Nhiều người trong số họ có một nhân cách rất lôi cuốn. Chúng ta phải truyền lại kinh nghiệm mà chúng ta vừa có khi phục vụ họ cho những người không có kinh nghiệm này».

Thật vậy, Mẹ Têrêsa có tài làm cho mọi người chú ý tới người nghèo. Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ phát triển rất nhanh. Mẹ cũng góp phần khai sinh ra một dòng nam, kêu gọi hàng trăm cộng đoàn chiêm niệm đỡ đầu các cơ sở của Dòng, lôi kéo hằng ngàn người cộng tác viên. Mẹ khuyên những cộng tác viên này là đừng làm gì phi thường cho người nghèo, mà hãy thay đổi tâm hồn mình ngay tại nơi mình ở. Ngay trong những công việc mình đang làm trong đời sống thường ngày, tại nơi làm việc hay ngay tại nhà mình. Còn đối với các cộng tác viên đang đau khổ, Mẹ kêu gọi: «Anh chị em là những người ốm đau, những người tàn tật, những người mắc bệnh nan y, hãy đến với chúng tôi, quý vị chính là chén rượu trong đó chúng tôi sẽ húp lấy sức lực để làm việc. Hãy liên kết với Dòng chúng tôi trong tinh thần. Khi chúng tôi làm việc ở các khu ổ chuột, các bạn đã chia sẻ công lao, kinh nguyện và làm việc của chúng tôi bằng những đau khổ và lời cầu nguyện của mình». Tất cả đều được thống nhất trong tâm hồn và hành động của Mẹ, tất cả đều được thống nhất chung quanh Đức Giêsu, chung quanh thân thể Ngài. Khi chiêm ngắm thân thể Đức Giêsu trên thánh giá, Mẹ thấy những người chăm sóc người nghèo được thống nhất lại với nhau: «Những người chiêm niệm là tay Chúa vì khi cầu nguyện họ thường chắp tay. Những nhà thừa sai hoạt động là chân Chúa vì họ đi khắp nơi trên thế giới. Những cộng tác viên là quả tim […]. Chúng ta có thể hợp tác với nhau làm một điều gì đó tốt đẹp cho Chúa» (như trên, p. 163). Trong thân thể duy nhất ấy, Mẹ còn gộp cả nhân vật quan trọng trên thế giới mà Mẹ đã có dịp gặp: khi gặp ai, Mẹ cũng xin người ấy cầu nguyện cho Mẹ. Ngài nhận giải Nobel hòa bình năm 1979, Mẹ đã mời tất cả cử tọa cầu nguyện. Mẹ trao cho chủ tịch Fidel Castro một pho tượng Đức Mẹ nhỏ, trao cho chủ tịch Breznev một tràng hạt; Mẹ khích lệ công nương Diana khi cô quan tâm đến người nghèo.

Mẹ cảm thấy mãn nguyện vì những gì đã nhận được từ người nghèo; một nụ cười của người nghèo là nụ cười của Đấng Mẹ yêu mến; đôi mắt rạng rỡ tươi vui của trẻ em là những viên kim cương dành cho Mẹ. Mẹ tiếp nhận quà của người nghèo một cách hết sức  kính cẩn. Tại Venezuela, một người nghèo biết rõ việc làm của các sơ nhưng lại từ chối nhận bất cứ thứ gì để được thoải mái, đã tặng mẹ một đồng tiền của người Bolivia: «Tôi cảm thấy trong lòng mình rằng người ấy đã cho tôi còn nhiều hơn giải Nobel, vì anh ta cho tôi tất cả những gì anh ta có […] Đêm ấy, chắc anh ta phải đi ngủ mà chưa ăn gì» (như trên, p. 236). Tại Ethiopi, một cháu nhỏ đưa cho Mẹ một miếng socola mà cháu đã được ai đó cho: «Bà hãy cầm lấy miếng này và cho các bạn khác». Tại nhà Nirmal Hriday, ở cuối hành lang chạy giữa hai phòng lớn có một pho tượng Đức Mẹ đội triều thiên vàng. Vàng ấy là do các phụ nữ đã được Mẹ tiếp nhận tỏ lòng biết ơn vì đã được Mẹ giúp làm lại cuộc đời đúng với nhân phẩm: «Những người chẳng có gì lại dám dâng cả vòng triều thiên bằng vàng cho Đức Mẹ» (như trên, p. 67).

Niềm vui không thể cứ giấu mãi trong lòng: nó sẽ trào ra qua ánh mắt, bộc lộ ra trong lời người ta nói, trong cách người ta đi. Niềm vui có sức lây lan. Tại Lộ Đức, khi Mẹ nghe người ấy nói: «Đã lâu lắm rồi tôi không được dịp cảm nhận hơi ấm từ bàn tay con người». Lúc đó, Mẹ hiểu ra chỉ một cử chỉ hết sức giản dị cũng có thể truyền lan cả một niềm vui bao la. Mẹ viết: «Vui không phải đơn thuần là một việc của tính khí. Phục vụ Chúa và các linh hồn không luôn luôn là một việc vui vẻ. Vì thế, chúng ta cần cố gắng có cho được niềm vui ấy và làm cho niềm vui ấy lớn lên trong tâm hồn chúng ta […] Một tâm hồn vui tươi là kết quả tự nhiên của một tâm hồn nồng nàn yêu thương… Niềm vui là nhu cầu và cũng là một điều khả dĩ đối với chúng ta, ngay cả trên bình diện thể lý. Chị em nào đã tập được tinh thần vui tươi sẽ cảm thấy ít mệt mỏi hơn và luôn sẵn sàng lên đường làm điều tốt» (như trên, p. 115).

Cho đến khi chết, lúc 89 tuổi, Mẹ Tê rê sa luôn theo đuổi sứ mạng «bất khả khi» của mình, mà không cần phải thay đổi cách hiện diện cũng như các thực hiện. Vốn có vóc dáng bé nhỏ, nay Mẹ lại càng gù lưng xuống vì phải thường xuyên cúi mình xuống trên giường người hấp hối. Dù là da mặt đã nhăn nheo, nhưng Mẹ vẫn ánh lên cái nhìn trong sáng, pha đôi chút tinh nghịch. Chiếc váy của Mẹ, cũng như của các chị em, nay cả thế giới đều biết. Mẹ sẵn sàng đương đầu với các cơ sở mọc lên ngày càng nhiều. Một số khác tham quan tạt qua thăm các cơ sở nhận xét là «hơi thiếu tổ chức». Nhưng người nghèo xem ra không nghĩ như thế và vẫn tiếp tục đến xin các sơ giúp đỡ. Sáu ngàn nữ tu trên khắp thế giới đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, do Chúa gởi đến thông qua các người nghèo. Hiện nay đã có hơn 500 căn nhà được mở trên khắp thế giới. Các tình nguyện viên vẫn tiếp tục đến Calcutta hay đến các cơ sở khác của Dòng để phục vụ và để tập nhìn ra Chúa Giêsu nơi người nghèo.

Nhiều bản ghi ơn một cách chính thức đã được trao cho Mẹ Têrêsa. Năm 1981 Mẹ được phong làm tiến sĩ danh dự về y học và giải phẫu học của đại học Công Giáo Sacro Cuore ở Roma. Lý do được nêu ra khá rõ ràng: người ta nhìn nhận tầm hiệu quả thật sự của công trình Mẹ đã làm, theo một nghĩa kho học nào đó: «Bằng đủ mọi phương tiện Mẹ Têrêsa đã vượt qua bao chống đối và khó khăn không thể tả hết được để mang đến cho con người sự an ủi của y học ứng dụng, mang sự giúp đỡ cảu một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi đến cho các thân thể đau đớn của người phong, người hấp hối bị bỏ rơi, các trẻ em bị bệnh tật hay phải chết đói, những người không hy vọng được chữa khỏi, cũng như biết bao nạn nhân của một xã hội vô tâm» (Như trên, p. 247).

Từ lâu, Mẹ Têrêsa đã khám phá các phương thế đơn sơ lại có hiệu quả rất cao. Mẹ tiếp tục sử dụng các phương thế ấy, vì nhờ đó Mẹ có thể gần gũi người khác, chia sẻ ngọt bùi với họ. Mẹ yêu cầu Đức Giám Mục của một giáo phận vừa mới khai trương một cơ sở của Dòng rằng «Xin Đức Cha giúp chị em chúng con tiếp tục sống nghèo». Mẹ nhận được rất nhiều tiền bạc, quà tặng quan trọng. Mẹ đón nhận tất cả với lòng tri ân, nhưng Mẹ không bao giờ đếm, không bao giờ làm sổ sách kết toán. Mỗi khi Mẹ có nhu cầu thì tiền bạc đến, và Mẹ sử dụng ngay cho người nghèo. Một vị khách nói với Mẹ: «Nếu ai đó cho tôi một triệu, tôi cũng sẽ làm như Mẹ». Và Mẹ trả lời: «Còn tôi thì không. Tôi sẽ cố gắng làm cho Chúa Giêsu hoàn toàn miễn phí».

Mẹ tin chắc rằng sống nghèo như Đức Giêsu khi chia sẻ thân phận loià người là bảo đảm cho mình được độc lập tự do: «Chúng ta giành được tự do là nhờ sống nghèo». Tự do để yêu thương hết lòng, tự do để yêu mến Đức Giêsu. «Tôi không ngại nói rằng tôi si mê Đức Giêsu vì Ngài là tất cả đối với tôi […] Tôi mong muốn nhiều người học biết Chúa, yêu mến Chúa, phục vụ Chúa vì đó là niềm vui thật sự. Tôi có điều gì, tôi đều muốn ai cũng có» (như trên, p. 238). « Xét theo huyết thống, tôi là người Albani. Xét theo quốc tịch, tôi là người Ấn. Nhưng tôi là một nữ tu Công Giáo. Qua sứ mạng, tôi thuộc về hết mọi người, dù tim tôi chỉ thuộc về một mình Chúa Giêsu» (như trên, p. 54). Khi Mẹ trở về gặp Chúa yêu dấu của Mẹ ngày 5 tháng 9 năm 1997, biết bao người nghèo đã khóc thương mẹ mình.
 
 Trích trong tập sách LÀM PHỤ NỮ ĐỂ YÊU CHÚA của Lucienne Sallé, Lm. Đặng Xuân Thành chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo 2009, tr. 188 - 208.
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc