banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THÁNH GIUSE - BẠN TRĂM NĂM ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Đăng lúc: Chủ nhật - 03/03/2019 22:33 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THÁNH GIUSE - BẠN TRĂM NĂM ĐỨC TRINH NỮ MARIA

THÁNH GIUSE - BẠN TRĂM NĂM ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Đến giờ của Thiên Chúa, Giuse tôi tá khiêm hạ của Ngài, bậc công chính cao nhất và kết thúc thời Cựu Ước, nhẹ nhàng bước vào khung trời Tân Ước trong tư thế một chàng rể sủng ái, sánh vai cùng Trinh Nữ Maria, cả hai đều thuộc dòng hoàng gia Đavit, nhưng nay đều là “người nghèo của Thiên Chúa”.
 
Đến giờ của Thiên Chúa, Giuse tôi tá khiêm hạ của Ngài, bậc công chính cao nhất và kết thúc thời Cựu Ước, nhẹ nhàng bước vào khung trời Tân Ước trong tư thế một chàng rể sủng ái, sánh vai cùng Trinh Nữ Maria, cả hai đều thuộc dòng hoàng gia Đavit, nhưng nay đều là “người nghèo của Thiên Chúa”.

Về biến cố Phúc Âm này, công trình nghiên cứu của nhà bách khoa J. Aulagnier kết hợp với các thị kiến của nhà huyền nhiệm Maria Valtorta, cho biết như sau:
“Năm 6 trước công nguyên, hạ tuần tháng 2 , khi hoa hồng chớm nở ở Nazareth trên giàn hồng leo nơi tường nhà cô Maria, thì tại Đền thờ Giêrusalem, vị Thượng Tế (Matthias) cử hành nghi lễ hôn nhân chính thức theo luật cho đôi tân hôn Giuse – Maria, có ông Giacaria và bà Elisabeth tham dự… Hôn ước lập xong hai ông bà (Giacaria -  Elisabeth) và đôi tân hôn lên xe ngựa về Nazareth…”[1].

Nhưng thôi, ta hãy hy sinh câu chuyện hấp dẫn của thị kiến, để đi vào chiều sâu các sự việc của Thiên Chúa: Cuộc hôn nhân có một không hai này trong xã hội loài người, gợi cho ta những suy nghĩ gì?

 
1. Hôn nhân đích thực, hôn nhân khiết trinh
Trước hết, phải nhìn nhận cuộc hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria là một cuộc hôn nhân đích thực, đã ghi rõ trong Kinh Thánh và buộc phải tin, vì những hệ luận rất quan trọng liên hệ đến Chương trình Nhập Thể Cứu Thế của Chúa Giêsu. Phúc Âm gọi Thánh Giuse là “chồng bà Maria” (Mt 1, 16 – 19) và bà Maria là “vợ ông Giuse” (Mt 1, 20 – 24) hoặc là “người đã đính hôn với ông Giuse” (Mt 1, 18; Lc 1, 27; 2, 25).

Theo phong tục Do Thái, việc đính hôn được coi như một giao ước hôn nhân thực sự, cống hiến cho đôi nam nữ đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ, kể cả việc quan hệ vợ chồng, dù cho chưa có cuộc nghinh hôn, - việc này chỉ còn là một thủ tục giao tế bên ngoài. Trên thực tế, Thánh Giuse đã đính hôn – tức là thành hôn – với Đức Maria trước khi Thiên Sứ đến truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai Con Thiên Chúa. Rồi sau khi Thiên Sứ truyền tin cho Thánh Giuse, thì Người đã xúc tiến  và hoàn tất ngay thủ tục chót của cuộc hôn nhân: rước Đức Mẹ về nhà mình (hay: về với mình) như Phúc Âm ghi rành mạch (Mt 1, 20). Do đó, mọi người đương thời đều nhìn nhận hai ông là vợ chồng, và còn gọi là cha mẹ Đức Giêsu (Lc 2, 41 – 43).

Đức Mẹ và Thánh Giuse đã thực sự và chính thức thành hôn với nhau, nhưng đây là một cuộc hôn nhân hoàn toàn trinh khiết, xa hẳn mọi dự tính hay ước muốn về nhục thể và sinh lý.

Chính Chúa Thánh Linh, qua ngôn ngữ của Kinh Thánh, đã cho ta chiêm ngưỡng đức trinh trong toàn vẹn của hai Đấng. Quả thực, Phúc Âm ghi rõ: Khi Thiên Sứ Gabriel đến báo tin cho Đức Mẹ thụ thai và sinh Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ đã hồn nhiên và thẳng thắn thưa ngay: “Điều đó xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến việc phu thê” (Lc 1, 34), tức là không biết việc vợ chồng, hay nói cách tích cực là: “Tôi đã quyết tâm, đã khấn hứa giữ đức đồng trinh”.

Câu trả lời tỏ ra mâu thuẫn với thực tế, vì khi ấy Đức Mẹ đã “đính hôn”, tức là, theo tục Do Thái, đã thành hôn thê của Thánh Giuse rồi. Chính điều có vẻ mâu thuẫn ấy lại nằm trong ý định khôn dò của Thiên Chúa. Thánh Augustino, giáo phụ, Tiến sĩ Hội Thánh, quả quyết:

“…Chúa Kitô trước khi xuống thai trong lòng Đức Maria, đã chọn để được sinh ra từ một nhân đức đồng trinh đã tận hiến cho Thiên Chúa. Điều này được biểu thị qua câu Đức Maria trả lời cho Thiên Sứ:

“Điều ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc phu thê”. Chắc chắn Đức Mẹ đã không nói thế nếu trước đó Người đã không dâng hiến đức đồng trinh của mình cho Thiên Chúa”[2].

Đó cũng là niềm xác tín chung của toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô, như nhà thần học Garrigou – Lagrange phản ánh:

“Đức Maria (qua lời đó) đã muốn nói rằng: Người giữ mình đồng trinh, như Thiên Sứ biết rõ, và Người muốn mãi mãi đồng trinh; hay là Người đã khấn đức đồng trinh và quyết tâm giữ lời khấn hứa ấy, theo kiểu nói diễn dịch của các nhà thần học”[3].

Nhưng câu nói của Đức Mẹ không chỉ biểu thị đức đồng trinh tận hiến của riêng mình mà còn làm chứng cả cho đức khiết trinh của Thánh Giuse. Về điểm này, một tác giả hiện đại khác, Đức Ông Christiani, giúp chúng ta suy luận:

“Đức Mẹ đã đính hôn với Thánh Giuse rồi mà còn thưa với Thiên Sứ: “Tôi không biết đến việc phu thê”, điều này buộc ta phải nhận rằng trước đó Người đã tỏ bày tâm sự với Thánh Giuse về lời khấn của Người, Người đã chia sẻ điều bí nhiệm ấy với Thánh Giuse. Những khám phá mới đây ở Palestina, về những nhà tu hành kỳ lạ mà chúng ta gọi là Esséniens giúp chúng ta chấp nhận điều suy diễn trên đây”[4].


Mặt khác, Garrigou – Lagrange cũng gợi lại tâm tình của Thánh Giuse và so sánh với tài liệu khảo cổ học về phái Esséniens thời đó:
“Chỉ một sự ức đoán đơn giản dựa trên những sự kiện xảy ra tiếp đó, cũng đủ giải thích vì sao lời khấn đồng trinh của Đức Mẹ lại hòa hợp được với cuộc hôn nhân của Người: ấy là vì Thánh Giuse cũng ở trong những tâm tình như tâm tình của khá nhiều con người thời ấy mà người ta gọi là Esséniens. Liên kết bằng hôn nhân với con người công chính ấy, con người cũng khiết tịnh như mình, thì Đức Mẹ tin chắc sẽ được an tâm bình thản trong một nếp sống hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa, do hai linh hồn xứng đáng hiểu nhau và thương nhau trong Chúa”[5].

Tóm lại, “Thánh Giuse cũng có cùng một ý định (như Đức Mẹ) là giữ Đức Đồng Trinh” – như Thánh Toma Aquino khẳng định[6]. Vị “Tiến sĩ Thiên Thần” này còn tuyên xưng:

“Chúng ta tin rằng Thánh Giuse là Đấng đồng trinh. Bởi vì Thiên Chúa đã giao phó một Đức Nữ đồng trinh cho một Đấng đồng trinh, lúc cuối cùng (tức là trên thập giá: trao cho Thánh Gioan) cũng như ngay từ đầu, trước khi Đức Kitô sinh ra” (tức là trao cho Thánh Giuse)[7].

Việc giữ đồng trinh trong bậc hôn nhân không làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu hay bất thành. Thánh Augusino đã luận giải vấn đề này cách dứt khoát và nhà hùng biện Bossuet quảng diễn ý kiến của Thánh nhân như sau:

“Trên hết mọi sự, trong hôn nhân có ba mối dây liên kết: trước hết là khế ước thiêng liêng mà hai người phối ngẫu trao thân gởi phận cho nhau; thứ đến tình yêu phu phụ khiến họ hiến tặng cho nhau một trái tim không còn có thể phân chia nữa và cũng không còn có thể cháy lên bằng những ngọn lửa khác nữa; sau cùng, con cái là mối dây liên kết thứ ba, vì lẽ tình yêu của cha mẹ lại gặp nhau trong hoa trái chung ấy của hôn nhân, thì tình yêu được liên kết bằng một nút thắt chặt hơn.

Thánh Augustino nhận thấy cả ba mối liên kết ấy trong cuộc hôn nhân của Thánh Giuse, vàngười chỉ rõ rằng mọi sự đều giúp vào việc giữ đức trinh khiết. Người nhận thấy trước hết khế ước thiêng liêng mà hai Đấng trao thân gởi phận cho nhau, và đó chính là chỗ ta phải chiêm ngắm sự chiến thắng của đức trinh khiết trong thực tế của cuộc hôn nhân này. Bởi vì Đức Maria thuộc về Thánh Giuse và Thánh Giuse thuộc về Đức Maria linh thánh; thật rõ ràng là hôn nhân của hai Đấng là hôn nhân đích thực, bởi vì hai Đấng đã trao thân gởi phận cho nhau. Nhưng trao thân gời phận như thế nào? Ôi khiết tịnh, đây là vòng hoa chiến thắng của ngươi: Hai Đấng trao gởi cho nhau đức khiết trịnh của mình, và trên căn bản đức trinh khiết đó, hai Đấng nhượng cho nhau một quyền hỗ tương. Quyền nào? Quyền bảo vệ đức trinh khiết ấy của người nọ cho người kia. Phải, Đức Maria có quyền bảo vệ đức trinh khiết của Thánh Giuse và Thánh Giuse có quyền bảo vệ đức trinh khiết của Đức Maria. Không bên nào được quyền tự ý định đoạt, vì tất cả sự trung tín trong cuộc hôn nhân này là ở tại sự bảo vệ đức trinh khiết. Đó là những lời hứa đã kiến kết hai Đấng, đó là khế ước đã kết hợp hai Đấng. Đó là hai đức khiết trinh kết hợp với nhau, để bảo vệ cho nhau muôn thuở, khiết trinh của vị này cũng như khiết trinh của vị kia, bằng sự tương ứng thanh khiết của những ước muốn khiết tịnh: và dương như tôi nhìn thấy – Đức Giám Mục Bossuet kết luận – hai ngôi định tinh giao hội vì hai nguồn hào quang của hai định tinh cấu kết. Đó là mối liên kết thứ hai của hôn nhân này, mà mối liên kết ấy, theo lời Thánh Augustino, càng chặt chẽ hơn bởi lẽ lời hứa mà hai bên trao cho nhau là bất khả vi phạm, mà bất khả vi phạm vì là những lời hứa rất thánh thiện”[8].

Tiếp đó, Thánh Augustino phân tích mối liên kết thứ ba trong hôn nhân của Đức Maria với Thánh Giuse là người Con Chí Thánh do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra trong khuôn khổ cuộc hôn nhân hoàn toàn trinh khiết ấy: Chúa Giêsu Kitô. Điểm này ra sẽ học hỏi kỹ hơn ở chương sau.

Tóm lại, Thánh Giuse đã được vinh dự liên kết với Đức Trinh Nữ Maria bằng một cuộc hôn nhân thự sự, hoàn toàn hợp pháp và đầy đủ giá trị về mọi phương diện. Nếu vào thời kỳ xa xưa, đã có một số ít Giáo phụ tỏ ý nghi ngờ tính cách thực sự của cuộc hôn nhân trinh khiết này, ấy là vì, vào thời đại đó, người ta chưa có được một ý niệm xác đáng và bao quát về bản chất của hôn nhân, và có người còn cho rằng nếu không có quan hệ vợ chồng thực sự thì không phải là hôn nhân, mà ai cũng biết giữa Đức Maria và Thánh Giuse, không có quan hệ vợ chồng thực sự, và Đức Maria đã giữ mình đồng trinh trọn đời. Mặt khác, thời ấy người ta còn cho rằng tình trạng hôn nhân là tình trạng kém cỏi, kém hoàn hảo, và như thế không xứng đáng với Đức Maria. Những lý luận của Thánh Augustino đã đánh tan những hoài nghi và vấn nạn đó, và được sự tán đồng của các vị Tiến sĩ nổi tiếng nhất sau này như Thánh Alberto Cả, Thánh Toma Aquino, Thánh Bonaventura, Chân Phước Duns Scot và nói chung, các nhà thần học mọi thời.

Để củng cố lập luận của mình, Thánh Augustino còn đưa ra một sự kiện thời sự: hồi đó cũng đã có những đôi vợ chồng tự nguyện sống kiêng cữ. Ngài đặt thành vấn đề: như thế có được không? Và trả lời được, với dẫn chứng bằng lời thánh Phaolo như sau:

“Thời gian chẳng còn bao lâu nữa. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có” (1Cr 7, 29)[9].

Đức đồng trinh của Mẹ Maria và Thánh Giuse chẳng những nêu gương cho các tu sĩ nam nữ sống khiết tịnh mà còn tác động cả trong đời sống hôn nhân, tạo nên những cặp vợ chồng sống trinh khiết ngay trong bậc vợ chồng. Sau đây là mấy trường hợp thường được kể đến:

 
a. Vua thánh Henri II (973(?) – 1024), hoàng đế nước Đức (1014 – 1024), sống trinh khiết với bà hoàng hậu Cunegunda (+1033 hay 1039). Bà này sau khi chồng chết đã đi tu dòng. Cả hai đã được phong thánh, có lễ kính ngày 15 tháng 7 cho Thánh Henri và ngày 03 tháng 3 cho Thánh nữ Cunegunda. Sách kinh Nhật khóa của hàng linh mục trước đây ghi rõ: “Gương họa hiếm là vua đã giữ đức trinh khiết trong bậc vợ chồng, vì khi gần qua đời, vua đã trao trả hoàng hậu Cunegunda nguyên tuyền thanh vẹn lại cho thân nhân bà”.
 
b. Thánh nữ Catarina nước Thụy Điển (1330 – 1381), ái nữ bà thánh Brigitta Thụy Điển, trong ngày kết hôn, đã cùng chồng thỏa thuận giữ đức đồng trinh trong bậc phu phụ, sau bà đi tu và chết trong đan viện Wadstena, được phong thánh và có lễ kính ngày 22 tháng 3.
 
Ngoài những vị thánh có sự tích rõ rệt như trên, truyền thuyết cổ đại còn nói đến đức đồng trinh trong bậc vợ chồng của Thánh nữ Cecilia, người Roma, đồng trinh tử đạo thời đế quốc Roma, lễ kính ngày 22 tháng 11. Chồng bà, vẫn theo truyền thuyết, là Valeriano do bà khuyên nhủ trở lại với Chúa.

Những thánh nhân trên đây tìm được sức mạnh ở đâu để sống đức trinh khiết ngay trong bậc vợ chồng, nếu không nhờ tấm gương toàn trinh toàn khiết của Đức Maria và Thánh Giuse và trên hết là ơn Chúa Thánh Linh.

 
3. Lời “Xin Vâng” thứ ba
Kỳ diệu thay, định mệnh của Thánh Giuse: khi đính hôn, Người đính hôn với một thiếu nữ Sion, nhưng lúc thành hôn, là thành hôn với một Mẹ Thiên Chúa. Giữa hai biến cố nhân loại đó, đã có hai biến cố thần linh quan trọng: Đó là cuộc Truyền Tin cho Trinh Nữ Maria, biến Người nên Mẹ Thiên Chúa, và cuộc Truyền Tin cho Thánh Giuse, biến Người nên Phu Quân khiết tịnh của Mẹ Thiên Chúa và Cha Đồng Trinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Cuộc Truyền Tin thứ nhất khả dĩ thực hiện được, là nhờ đã có cuộc đính hôn trước, như bước đầu gây dựng Thánh Gia Thất. Cuộc Truyền Tin thứ hai cần phải đến, để hoàn thành việc gây dựng nói trên, cho Đấng Thiên Sai có môi trường gia đình để sống những năm thơ ấu và quãng đời ẩn dật.

Thánh Linh hé mở cho ta nội dung cuộc Truyền Tin cho Thánh Giuse, nơi chương I Phúc Âm Thánh Mattheu như sau:

“Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Bà Maria, Mẹ Người, lúc ấy đã đính hôn với ông Giuse, song chưa cùng nhau chung sống thì Bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, thì định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy thì Thiên Thần Chúa hiện đến với ông trong giấc mộng và bảo: “Này ông Giuse, con dòng Đavít, ông đừng sợ đón bà Maria hôn thê ông về nhà mình, vì người con do bà cưu mang là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi”.

“Vậy, tất cả sự việc này xảy đến là để ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ trước đây rằng: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh con trai, người ta sẽ đặt tên cho là Emmanuel, tên ấy có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

“Khi tỉnh dậy, ông Giuse đã thực hiện như lời Thiên Thần Chúa dạy: ông đã rước hôn thê về nhà, nhưng ông không ăn ở với bà, mà bà đã sinh một con trai, và ông đặt tên cho là Giêsu” (Mt 1, 18 – 25).

Qua đoạn văn ngắn gọn trên đây, ánh sáng thần khải đã soi tỏ nội tâm sâu kín của Thánh Giuse, bộc lộ cả nhân cách, phẩm giá, nhân đức, chức vị và sứ mệnh của Người.

Đức Maria, từ sau ngày Truyền Tin, đã không hề tiết lộ gì với Thánh Giuse hay bất cứ ai khác. Đối với những biến cố chi tiết như các mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Đồng nơi hang đá Belem hay việc dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, Đức Mẹ còn “cẩn thận giữ mọi kỷ niệm ấy trong lòng và luôn luôn suy gẫm” (Lc 2, 19 – 51), phương chi đối với biến cố căn bản là mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm quá lớn lao, sự kiện quá tế nhị, mà Đức Mẹ chỉ là “tôi tớ khiêm hạ” như Người tự xưng (Lc 1, 48). Chính đức khiêm nhường thẳm sâu của Người khiến Người chỉ biết im lặng – ngay cả với Thánh Giuse phu quân -, đồng thời chỉ biết cầu nguyện và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa an bài. Mấy ngày sau đó, khi đến thăm chị họ Elisabeth, Người có nói gì đâu mà bà chị đã biết rõ mầu nhiệm sâu kín nơi Người, và thốt ra lời chào mừng mang dấu ấn thần khải:

“Em là người có phúc nhất trong giới phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng thật là có phúc. Bởi đâu tôi được hân hạnh Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm như thế này?... (Lc 1, 42 – 43).

Và chúng ta biết Đức Mẹ đã đáp lời chào ấy bằng bài ca “Ngợi khen” (Magnificat) kỳ diệu chừng nào! (Lc 1, 46 – 55). Kinh nghiệm nóng bỏng này càng làm cho Đức Mẹ vững tin ở sự an bài của Thiên Chúa và cứ tiếp tục im lặng cho dầu bào thai trong cung lòng Người sắp tới lúc tỏ rõ dấu hiệu.

Phần Thánh Giuse, ai mà suy thấu những thắc mắc, lo âu, khủng hoảng càng lúc càng dằn vặt tâm trí Người từ khi dấu hiệu bào thai nơi Đức Mẹ càng lúc càng hiện rõ mà Người chẳng hay biết nguyên do! Trước mắt Người, Đức Mẹ vẫn khiêm nhu, dịu hiền, thánh thiện, đáng yêu, đáng kính dường nào! Chẳng những như trước mà còn hơn trước bội phần, vì có chính Đấng là nguồn khiêm nhu, dịu hiền, yêu mến, thánh hiện đang ngự trong cung lòng Người. Nhưng thực tế quá phũ phàng! Bào thai kia tự đâu ra? Tội lỗi chăng? Thánh Giuse không nhân thấy mảy may khiếm khuyết nào nơi Người Nữ đầy ân sủng ấy, nói chi đến tội lỗi! Vậy nên, vì là người công chính, Người không thể tố giác hôn thê Người trước pháp luật để bà phải chịu ném đá theo luật Do Thái.

Đã không phải là tội lỗi, thì chỉ có thể là ơn phúc, mà là ơn phúc lớn, ơn phúc lạ. Chính vì vậy mà Thánh Giuse, người công chính, người khiêm nhường đích thực, cảm thấy mình bất xứng, cảm thấy “sợ” không dám hoàn tất thủ tục hôn nhân, và “định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo”. Như vậy là Người sẵn sàng chấp nhận tất cả phần thiệt về mình, để Đức Mẹ được vô can, hơn nữa, được hoàn toàn tự do theo định mệnh riêng biệt của Người đối với Thiên Chúa.

Một quyết định đại hùng, đại lực, phát xuất từ một đức công chính tuyệt hảo và một đức siêu thoát vẹn toàn. Chính quyết định ấy đã khiến lòng trời xúc động, đoái thương và tức khắc can thiệp như ta vừa thấy. Sứ điệp từ trời chẳng những xé tan màn u ám sợ sệt trong lòng Thánh Giuse mà còn vạch cho Người  con đường ánh sáng: “Này ông Giuse, ông đừng sợ đón bà Maria hôn thê ông về nhà mình (= về với mình). Lời ấy, theo Thánh Gioan Kim Khẩu, có nghĩa là “Ông Giuse hãy giữ lấy người hôn thê mà ông đã muốn lìa bỏ, vì chính Thiên Chúa ban Người  cho ông, chứ không phải cha mẹ Người. Chúa ban Người cho ông không phải để kết hợp nhục thể, nhưng chỉ để ở với ông mà thôi; Chúa dùng tôi (thiên thần) la người đang nói với ông để kết hợp Người với ông đó”[10].

Cao cả dường nào: Trước khi Chúa Giêsu lập bí tích Hôn phối với lời chúc hôn của thừa tác viên Hội Thánh cho đôi tân hôn, thì ở đây chính Thiên Chúa cử sứ thần đến chúc hôn cho Thánh Giuse thành hôn với Thánh Mẫu Ngài. Trong mọi cuộc hôn nhân, kể cả cuộc đính hôn trước đây giữa Đức Mẹ và Thánh Giuse, đó là cha mẹ họ hàng đôi bên lo liệu, giúp đỡ. Ở đây, chính Thiên Chúa ban Đức Mẹ cho Thánh Giuse, chứ không do cha mẹ, họ hàng hay yếu tố nào khác.

Còn về sự “sợ hãi” của Thánh Giuse, khiến Người định lìa bỏ Đức Mẹ - sự sợ hãi mà chính Thiên Thần nói đến – thì Thánh Bernado so sánh với lý do Thánh Phêrô nại ra để xin Chúa Giêsu tránh xa mình trong vụ đánh lưới được mẻ cá lạ: “Lạy Thầy, xin xa ra khỏi tội tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8); hay như viên quan bách quân không muốn Chúa đến nhà mình: “Lạy Thầy, tôi không xứng đáng để Thầy vào trong nhà tôi” (Lc 7,6)[11].

Chỉ có đức khiêm nhường ấy của Thánh Giuse mới cân xứng với đức khiêm nhường của “Nữ tì Thiên Chúa” trong  ngày Truyền Tin. Giữa Đức Mẹ và Thiên Sứ, đã cần có một cuộc đối thoại để làm sáng tỏ mọi sự, và Đức Mẹ đã thưa lời “Xin Vâng” quyết định tất cả. Với Thánh Giuse, chỉ cần một tia sáng của Thiên Chúa soi vào điều bí mật trước mặt Người, thì Thiên Sứ đã mang ánh sáng đến, và thế là quá đủ: Người đã may mắn “Xin Vâng” không lời, chỉ bằng hành động, và hành động tức khắc, mau chóng, cụ thể. Quả thực, sau khi thức giấc, Người đã thực hiện ngay lời Thiên Sứ chỉ vạch: tổ chức cuộc nghinh hôn, rước Đức Mẹ và Chúa Con trong lòng Đức Mẹ về chung sống với mình, và luôn luôn bảo vệ, chở che, nuôi dưỡng, phục vụ cho đến hết đời, trong tinh thần hy sinh tuyệt đối, từ mình tận tuyệt, và phó thác hoàn toàn theo mọi ý muốn của Thiên Chúa.

Đât là lời “Xin Vâng” thứ ba trong nhiệm cuộc Cứu độ. Lời “Xin Vâng” của nhân vật thứ ba và chót hết được nói lên từ một hoàn cảnh bi đát như lửa thử vàng, gian nan thử đức, để đóng góp vào lời “Xin Vâng” của Chúa Con lãnh ý Chúa Cha từ muôn thuở và thực hiện trng ngày Truyền Tin, và lời “Xin Vâng” của Đức Maria đáp tình Ba Ngôi Thiên Chúa cũng trong ngày lịch sử đó.

Ba lời “Xin Vâng” toàn trung, toàn hiếu, toàn yêu, toàn hiến, tuy ở bình diện cao thấp khác nhau khôn tả, mà đều là những điều kiện thiết yếu theo Thánh Ý Yêu Thương Quan Phòng của Thiên Chúa, để hủy diệt thảm họa do tội bất tuân của bộ ba tội lỗi: rắn già Satan cám dỗ, Evà thủ phạm chính và Ađam đồng lõa, đồng phạm.

Ba lời “Xin Vâng” mở đường và nêu gương cho cả loài người tìm lại ân nghĩa với Cha hiền.

 
4. Đôi bạn trọn đời đồng trinh
Cũng như Đức Maria, Thánh Cả Giuse đã giữ đức đồng trinh khiết trọn đời, trước khi gặp Trinh Nữ cũng như trong cuộc sống chung lâu dài với Mẹ Chúa Kitô. Đó là truyền thống thuần khiết và bất di dịch của Hội Thánh từ buổi đầu, được Hội Thánh trân trọng như gia bảo. Nếu trong dòng thời gian, đã có những chuyện thêu dệt hay những ta thuyết trái ngược với truyền thống đó, thì quyền giáo huấn của Giáo Hội và sự can thiệp của các nhà thần học uy tín nhất đã luôn luôn bác bỏ, đồng thời lợi dụng cơ hội để làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa.

Tà thuyết nặng nề hơn hết, và đã xuất hiện ngay trong những thế kỷ đầu tiên, là tà thuyết của phe “duy trí” (gnostiques), chối bỏ đức đồng trinh của Đức Maria và cả Thánh Giuse, coi Chúa Giêsu là con tự nhiên (về mặt sinh lý) của cặp Giuse – Maria, và như vậy là chối bỏ chính Thiên tính Chúa Giêsu, chỉ còn coi Đức Giêsu là một người trần gian như muôn triệu phàm nhân khác. Tức khắc các Giáo phụ đã lên tiếng phi bác sự lầm lạc và bênh vực sự thật. Nổi tiếng nhất là Thánh Giáo phụ Irene (khoảng 135 – 203) với tác phẩm “Phi bác tà thuyết” (Contre les hérésies) ra đời khoảng năm 185. Văn bản hai Phúc Âm của Thánh Mattheu và Thánh Luca là cơ sở chính cho lý luận của người, được bổ sung bằng lời tiên tri Isaia (Is 7,14) loan báo một Trinh Nữ thụ thai và sinh con: chính vì sự Giáng Sinh kỳ diệu ấy mà Chúa Giêsu đã có thể nói về mình: “Ở đây còn có Đấng cao trọng hơn Salomon, hơn Giona” (Mt 12, 41 – 42), và cũng vì lý do đó mà Chúa khen Thánh Phêrô đã nhận biết và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa (Mt 16,16).

Với tác phẩm này, Thánh Irene là người đầu tiên đã gọi Chúa Giêsu là “Adam mới”, với sứ mệnh phục hưng loài người đã sã ngã trong “Adam thứ nhất” và thánh nhân đã để lại một câu nói còn vang vọng mọi thời:

“Nếu Adam thứ nhất đã có một người cha khác chứ không phải là chính Thiên Chúa, thì có lẽ người ta cũng có thể cho rằng Adam thứ hai là do ông Giuse sinh ra đấy. Nhưng nếu Adam thứ nhất đã được tạo dựng từ bùn đất và do Lời Thiên Chúa, thì điều hệ trọng là chính Ngôi Lời, khi làm lại nơi mình việc tạo dựng Adam, cũng phải được tạo dựng bằng một cách thức tương tự. Nhưng vậy thì tạo sao Thiên Chúa đã không muốn làm lại một lần nữa từ bùn đất, mà lại muốn tạo dựng thân thể Chúa Kitô từ Đức Maria? Đó là để cho thân xác từ Đức Maria sinh ra không khác gì thân xác của những người sẽ được cứu chuộc, tức là thân xác của Chúa Kitô cũng là thân xác kia (Adam) được lấy lại và giữ lấy sự giống nhau ban đầu”[12].

Đã gọi Chúa Giêsu là “Adam mới”, Thánh Giáo phụ Irene cũng liên tưởng đến Đức Trinh Nữ Maria như một “Eva mới”. Ngài viết:

“Cũng như loài người phải chết do một trinh nữ (chỉ về Eva thứ nhất) thì cũng vậy, loài người được cứu sống do một trinh nữ, vì có sự đối nghịch triệt để giữa sự bất tuân phục của một trinh nữ với sự tuân phục của một trinh nữ khác. Bằng cách ấy, tội của người cha đầu tiên được xóa bỏ do công tái tạo của người con đầu lòng (của Đức Maria), và sự khôn ngoan của con rắn bị đánh bại bởi đức đơn sơ của bon bồ câu, và những mối dây ràng buộc chúng ta vào sự chết được cắt đứt”[13].

Thánh Irene không quên nhắc đến vai trò nhân chứng của Thánh Giuse trước những mầu nhiệm cao cả ấy, và ca ngợi Người đã tin vào lời các tiên tri loan báo Đấng Cứu Thế ra đời, tin vào lời Thiên Sứ trấn an Người khi nói: “Xin đừng sợ đón Hiền Thê Maria về với mình, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”[14].

Mặt khác, nhà thần học Tertuliano (155 – 222) cũng cho ra đời tập suy luận về “Thể xác Chúa Kitô” (De Carne Christi, khoảng năm 212) để phi bác phe “duy trí” và bênh vực đức đồng trinh của cả Đức Mẹ và Thánh Giuse. Chỉ xin ghi lại lời này của ông như phụ họa lời Đức Giám Mục Irene:

“Con Thiên Chúa mà sinh từ mầm mống nhân loại thì thật không xứng hợp chút nào, bởi vì nếu Người thực sự là con một người trần gian, thì Người không thể đặc biệt là Con Thiên Chúa được và chẳng có gì là hơn vua Salomon và tiên tri Giona”[15].

Ngoài tà thuyết nói trên, cũng trong những thế kỷ đầu, còn hai mối lầm khác phạm đến đức đồng trinh của Thánh Giuse:

_ Một mối lầm do sự thêu dệt của mấy mạo thư hay còn gọi là ngụy thư (apocryphes) xuất bản trong mấy thế kỷ đầu, cho rằng Thánh Giuse đã một đời vợ trước và có sáu con, rồi mới gặp Đức Bà Maria và kết hôn với Người lúc 89 tuổi (!) trong khi Đứ Maria mới khoảng 12 hay 14 tuổi; và hai ông bà đã chung sống với nhau khoảng 20 năm trước khi Thánh Giuse từ trần với 111 tuổi thọ (?!). Sự thêu dệt này xem như có ý giải thích đức đồng trinh của Đức Maria bên cạnh một ông chồng già lụ khụ hết sinh lực đồng thời giải thích từ ngữ “anh em Chúa Giêsu” trong văn bản Phúc Âm là anh em cùng cha khác mẹ với Đấng Cứu Thế.

Ta biết rằng những cuốn mạo thư phổ biến những điều huyền hoặc đã bị Hội Thánh Công Giáo hoàn toàn bác bỏ ngay từ buổi đầu. Vậy mà tàn dư của chúng vẫn còn thấy thấp thoáng trong những thế kỷ sau, cách riêng trên một số ảnh tượng trình bày một Thánh Giuse quá già nua, quá chênh lệch về tuổi tác so với Đức Mẹ.

_ Một mối bận tâm khác phát xuất từ người lạc giáo Helvidius có chủ trương chống đời sống tu hành, coi đức đồng trinh là trái tự nhiên, và con cho rằng chính Đức Maria cũng không giữ đức đồng trinh sau khi sinh Chúa Giêsu, do đó mới có những người con với Thánh Giuse mà Phúc Âm gọi là “những anh em của Chúa Giêsu”.

Như Thánh Irene đã viết tập “Phi bác tà thuyết” để chống phe “duy trí”, đến lượt Thánh Hieronimo (340 – 420) dịch giả bộ Kinh Thánh “Phổ Thông” (Vulgata), cho ra đời tập “Luận về sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria để phi bác Helvidius, đồng thời bác bỏ tất cả những gì thêu dệt trong các mạo thư, và làm nổi bật đức đồng trinh của Đức Mẹ cũng như chính Thánh Giuse.

“Ông nói gì? – Thánh nhân hỏi Helvidius – Rằng Đức Maria không giữ mình đồng trinh mãi mãi sao? Vậy thì phần tôi, tôi xác quyết còn mạnh hơn ông chối bỏ. Tôi xác quyết rằng chẳng những Đức Maria mà cả Thánh Giuse cũng giữ đồng trinh do Đức Maria, để cho từ một hôn nhân trinh khiết nảy sinh một người con khiết tịnh. Quả thực, nếu nơi Đấng thánh hoàn toàn vắng bóng dâm ô, nếu không tài liệu (chính đáng) nào dám viết Thánh Giuse đã có một người vợ khác, và nếu Đức Maria được voi là hôn thê của Người mà Người là Đấng bảo vệ còn hơn là hôn phu, thì phải kết luận rằng Người đã ở trinh khiết với Đức Maria, Người là Đấng xứng đáng được gọi là cha Chúa Kitô”[16].

Thế là Thánh Hieronimo, nhà nghiên cứu Kinh Thánh tiền phong của Giáo Hội La Tinh, đã đặt lý luận về đức đồng trinh của Thánh Giuse trên hai căn bản vững chắc nhất là chức phẩm làm “cha Chúa Giêsu” và chức phẩm “bạn trăm năm Đức Maria”.

Mặt khác, phía các giáo phụ Hy Lạp, Thánh Gioan Kim Khẩu (+ 407) cũng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ đức đồng trinh của Đức Mẹ và Thánh Giuse, đồng thời giải thích chính xác về từ ngữ “anh em Chúa” – tức là anh em bà con, chứ không phải ruột thịt. Thánh nhân viết:

“Điều mà Phúc Âm muốn dạy bảo anh em, Phúc Âm đã nói rồi: Đức Maria vẫn giữ đồng trinh cho đến khi sinh con. Còn về những hậu quả cần thiết và tỏ tường của lời khẳng định ấy, Phúc Âm để cho trí khôn ta hiểu lấy. Điều hiển nhiên là bậc “công chính” (như Thánh Giuse) không bao giờ dám gần gũi gần đấng đã trở nên mẹ do một phép lạ kỳ diệu vinh quang đến thế, và người mẹ ấy sinh con quả là không tiền khoáng hậu trong mọi thế hệ loài người. Nếu luật thông thường trần gian đã thể hiện trong trường hợp này (sinh con do việc vợ chồng), thì làm sao lúc gần tắt thở Chúa Kitô lại trao phó Mẹ Người cho môn đệ dấu yêu và truyền phải đối xử với Đức Mẹ thay Người như con, chứng tỏ Người coi Đức Mẹ như không có chồng (theo lối trần gian)”[17].

Về từ ngữ “những anh em của Chúa” mà cả cho đến ngày nay vẫn có người, nhất là phía anh em Tin Lành, còn hiểu như Helvidius, hay như các mạo thư, hay như phái “duy trí” xưa kia, vị Giáo Phụ hùng biện trứ danh này – Thánh Gioan Kim Khẩu – nói tiếp:

“Anh chị em còn hỏi tôi: vậy làm sao Giacobe và mấy người khác lại được gọi là những anh em của Chúa Giêsu? Hoàn toàn rõ rệt như Thánh Giuse được gọi là chồng Đức Maria. (= Thánh Giuse được gọi là chồng Đức Maria không về thể lý; cũng vậy, những người kia là anh em Chúa Giêsu không về máu mủ, mà chỉ là những anh em họ). Rất nhiều tấm màn bao phủ sự mầu nhiệm, để mầu nhiệm còn được giữ kín (trong thời gian cần thiết); và do đó có lời Thánh Gioan viết: “Chính những anh em Người cũng không tin Người” (Gioan 7,5). Vậy mà những người không tin đó trong buổi đầu, sau đã trở thành những dũng sĩ lớn lao cao cả cho chân lý”[18].

Nối tiếp các Giáo Phụ và như tổng kết quan điểm của thần học Công Giáo về vấn đề này, Thánh sư Toma Aquino (khoảng 1225 – 1274) đưa ra bốn “lý do xứng hợp” để bác bỏ mọi sai lầm xúc phạm đến đức đồng trinh của Đức Mẹ và Thánh Giuse:

 
a. “Sự lầm lạc của Helvidius xúc phạm đến phẩm giá Chúa Kitô, vì cũng như từ đời đời Người là con duy nhất của Chúa Cha, thù cũng vậy, khi đi vào thời gian, Người phải là con duy nhất của Đức Maria mới là điều xứng đáng.
 
b. “Sự lầm lạc ấy xúc phạm đến Chúa Thánh Linh Đấng đã thánh hóa vĩnh viễn cung lòng đồng trinh của Đức Maria.
 
c. “Đó cũng là điều làm giảm thiểu cách trầm trọng phẩm giá và sự thánh thiện của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, vì nếu Người đã được người con như thế  mà còn không mãn nguyện, thì chẳng hóa ra Người bội bạc lắm sao?”
 
d. “Sau cùng, Thánh Giuse đã có ý giữ đức trinh khiết mà lại lỗi điều ấy sau một cuộc Giáng Sinh kỳ diệu như vậy, thì hẳn là một tội phạm thánh quá bất xứng đối với cả hai Đấng, một tội phạm thần quá bất xứng đối với chính Chúa Giêsu Kitô vậy. Những từ ngữ “anh em Chúa Giêsu” được ghi trong Phúc Âm, và Thánh Giacôbe mà người ta gọi là “anh em của Chúa”, thực sự chỉ là những anh em họ, theo kiểu nói Do Thái thời đó; và Thánh truyền đã không bao giờ hiểu cách khác”[19].
 
Vấn đề Đức Mẹ trọn đời đồng trinh – trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh Chúa Giêsu – đã được Công Đồng Latran năm 649 định tín, ai không tin là mắc vạ tuyệt thông. Tín điều ấy minh nhiên chỉ về Đức Mẹ, nhưng mặc nhiên cũng tôn vinh đức đồng trinh của phu quân Người là Thánh Giuse.
 
5. Tuổi thành hôn của thánh Giuse
Vấn đề cuối cùng: tuổi tác Thánh Giuse khi thành hôn với Đức Mẹ. Trái hẳn với truyền thuyết sai lầm phát xuất từ các mạo thư như đã nói trên, mà ảnh hưởng thấy rõ trên một số bức họa, ảnh tượng thời cổ, và dấu vết đôi khi còn lại cả trên một số ảnh tượng thời nay, Thánh Giuse khi kết bạn với Đức Trinh Nữ Maria không phải là một ông già lụ khụ, râu tóc bạc phơ, mà trái lại là một thanh niên giữa thời tráng kiện sung sức.

Xin nói ngay điều ấy mới là truyền thống đích thực từ thời các Kitô hữu tiên khởi, được khảo cổ học chứng minh. Quả thật, theo các di tích nơi các hang toại đạo ở Roma, các nhà khảo cổ nổi tiếng như Rossi, Garrucci, Wilpert, đều nhận xét rằng mỗi khi Thánh Giuse được hình dung, thì đều được hình dung dưới dung mạo một người đàn ông trẻ tuổi và đầy sức sống, chứ không bao giờ mang nét mặt một người đàn ông luống tuổi, già cả[20].

Chính truyền thống đích thực trên đây mới phù hợp với phong tục Do Thái đường thời và suy luận lành mạnh của lý trí con người mọi thời.

Theo phong tục Do Thái thời đó, các thanh niên thiếu nữ lấy vợ lấy chồng rất sớm: thiếu nữ thì có thể ngay từ 12 tuổi trở đi, thanh niên thì phần đông ở lứa tuổi 18 đến 24.

Suy luận lành mạnh của lý trí, thì không gì bằng quan điểm của tiến sĩ Suarez (1548 – 1617), nhà thần học trứ danh Dòng Tên, người Tây Ban Nha. Ông đưa ra ba lý do – mà các nhà thần học đều công nhận – khẳng định Thánh Giuse kết bạn giữa tuổi hoa niên:

 
a. Cần phải thích hợp với phong tục đương thời.
 
b. Thánh Giuse cần phải ở vào tuổi có thể có con, vì nếu không, sẽ không thể bảo vệ tiếng tốt cho Đức Maria.
 
c. Người phải có đủ sức mạnh để làm việc nuôi gia đình.[21]
 
Mặt khác, nếu tra cứu các nhà huyền nhiệm, Bà đáng kinh Maria Agreda theo ơn soi sáng sẽ cho ta biết: Thánh Giuse kết bạn với Đức Trinh Nữ Maria hồ 33 tuổi, và Đức Maria vừa tròn 14 tuổi[22]. Và tôi tá Chúa Anna – Catarina Emmerich, được ơn thị kiến, cũng diễn tả Thánh Giuse khoảng 33 tuổi khi thành hôn với Đức Maria[23].

Đến lượt nhà huyền nhiệm đương thời, bà Maria Valtorta theo nghiên cứu của Aulagnier, chẳng những cho biết về tuổi tác mà cả đến năm tháng của cuộc hôn nhân. Được chuẩn bị từ tháng chín năm 7 trước CN., lúc Đức Maria mới chớm 14 tuổi, hôn lễ chính thức được cử hành tại Đền Thờ Giêrusalem vào cuối tháng hai năm sau, lúc Maria 15 tuổi, tức năm 6 trước C.N. Chúng ta đã biết, như đã kể ở chương này và nơi chương I, Thánh Giuse sinh năm 39 hoặc 38 trước công nguyên thì khi Người thành hôn là 33 hoặc 32 tuổi. Hoàn toàn phù hợp với hai nguồn đặc sủng Agreda và Emmerich. Phần Chúa Giêsu, Ngài giáng sinh năm thứ năm trước công nguyên[24], thay vì năm 1, như ước tính của nhà làm lịch, tu sĩ Dionisio “Nhỏ”.

Tóm lại, cả bốn nguồn: Truyền thống Công Giáo, phong tục Do Thái, suy luận lành mạnh của lý trí, và mặc khải cá biệt, đều xác nhận Thánh Giuse kết hôn với Đức Trinh Nữ Maria giữa tuổi thanh xuân tráng kiện. Nhận định này cho ta càng thêm lòng cảm phục và tôn quý đức trinh khiết lạ lùng của Đấng được tiền định làm cha Ngôi Lời Nhập Thể.

Ở chương trên, chúng ta đã có một vế câu đối về Thánh Giuse:

CÔNG CHÍNH HOÀNG KIM HỒN RẤT THÁNH

Nơi đây, chúng ta có ngay vế thứ hai, để hoàn thành bức phác họa cơ bản về chân dung tinh thần của Người:

KHIẾT TRINH BẠCH NGỌC XÁC NHƯ THẦN

Nếu đức ái vàng ròng là cốt lõi đức công chính và hồn thánh thiện của Thánh Giuse, thì đức khiết trinh “trong ngọc trắng ngà”  của Người đã biến thân xác Người nên như Thiên Thần, nghĩa là như không có thân xác! Dưới ngọn bút của tác giả Ngô Hữu Phán, thì văn Việt Nam đã đạt mức thần kỳ để tôn vinh Đấng Thánh tuyệt diệu của Thiên Chúa[25].

Kết thúc đoạn này, chúng tôi xin mượn lời tác giả  sách “Thành đô huyền nhiệm của Thiên Chúa”, Bà Đáng kính Maria Agreda, mà chào mừng vị Thánh Phu quân Đức Trinh Nữ Maria như sau:

“Ôi bậc Trượng phu của Thiên Chúa! Bởi đâu Người được hạnh phúc lớn lao đến thế, là trong khắp hàng con cháu Adam, người ta chỉ có thể nói về một mình Người rằng Thiên Chúa đã quá yêu thương trọng vọng Người đến nỗi thiên hạ tưởng Ngài là con của Người.

“Người đã được Chúa Cha hằng hữu trao ban Ái Nữ Ngài, Chúa  Con gửi gắm Thánh Mẫu Ngài, Chúa Thánh Linh trao ban Hiền Thê Ngài và đặt Người vào địa vị của Ngài. Cả Ba Ngôi Chí Thánh trao ban vị Nữ Đặc Tuyển Duy Nhất của cả Ba Ngôi làm hôn thê chính thúc của Người.

“Hỡi Đấng Thánh cao cả, Người thấu rõ chăng phẩm giá của Người? Người biết chăng thiếu nữ mà Người vừa nhận làm Bạn Trăm Năm đó, chính là Nữ Vương và Bà Chúa đất trời, còn Người thì được trao giữ những kho tàng vô giá của chính Thiên Chúa.

“Hỡi Người của Thiên Chúa, Người có biết bảo chứng mà Người nắm trong tay có giá trị đến mức nào chăng? Người hãy biết rằng các Thiên Thần và các Thần Sốt Mến, nếu không ghen tương với Người, thì cũng ngât ngây cảm phục cuộc hôn nhân chứa chan hạnh phúc và huyền diệu của Người.

“Xin Người đoái nhận những lời chúc tụng về bao hồng ân và hoan lạc ấy, nhân danh cả loài người. Người nắm giữ trong tay những chứng thư của lòng Chúa thương xót. Người là chủ và chồng một người Nữ cao sang tột độ, liền sau Thiên Chúa. Người sẽ giàu có và hạnh phúc giữa muôn người thế, giữa muôn Thiên thần. Xin người nhớ đến những nỗi khó nghèo và khốn cực của chúng tôi; xin người nhớ đến tôi là con giun đất yếu hèn, nhưng muốn làm tôi tá trung kiên của Người, và được Người gia ân thí phúc bằng sự bảo trợ mạnh mẽ của Người”.[26]

6. 
Một bông hồng cho Nazareth
Đến đây, tại sao chúng ta không dành đôi lời cho Nazareth, địa bàn duy nhất của những biến cố thần linh và lịch sử đó?

Nazareth ngày nay là một thành phố lịch sử, một địa điểm hành hương và du lịch nổi tiếng khắp thế giới, với 33.000 dân cư, cách Giêrusalem 169 cây số, xa hơn nữa, tám cây số về phía nam là Bêlem. Nhưng vào thời Thánh Giuse, đây chỉ là một làng canh nông bé nhỏ, nghèo nàn, không bờ lũy, không vệ thành như những thị trấn theo văn minh Hy Lạp, xa các trục giao thông. Tóm lại, chỉ như một xóm nhỏ của thị trấn gần đấy.

Địa danh Nazareth, gốc ở một từ aram, được giải thích với nhiều ý nghĩa: hoa, vườn hoa, chồi cây, nơi ẩn dật của người tu hành, lại cũng có nghĩa là người coi giữ, bảo vệ… Rõ ràng như một địa danh tiền định, vì tất cả những nghĩa ấy đều xứng hợp với Thánh Gia. Hoa, chồi gợi nhớ lời tiên tri Isaia về nguồn gốc trần gian của Chúa Cứu Thế: “Một chồi sẽ nảy sinh từ gốc Gietse (Ysai) và từ rễ nó, lộc (thay hoa, theo bản dịch khác) sẽ mọc lên: Thần Khí Giavê Thiên Chúa sẽ đậu trên Ngài (hoa, lộc đó)” (Is 11, 1). Nếu Đức Kitô là kỳ hoa của cả vũ trụ, là phúc lộc của cả trần gian, thì Thánh Giuse, một chồi nảy sinh từ gốc Gietsê, chẳng phải là Đấng có sứ mệnh coi giữ Người và bảo vệ Đức Mẹ Đồng Trinh ư? Và cả ba Đấng chẳng phải là những ẩn sĩ sống ẩn dật lâu dài tại Nazareth ư? Và Thánh Gia chẳng phải là Vườn Hoa tuyệt diệu của Thiên Chúa và của loài người ư?.[27]

Mặc dù đã có cư dân từ 2.000 năm trước công nguyên, Nazareth không được Cựu Ước nói đến lần nào, và vị thế tầm thường của nó còn âm vang cả trong Tân Ước, qua câu nói của ông Nathanael: “Từ Nazareth thì có cái gì hay đâu!” (Ga 1, 46).

Chính vị trí bé nhỏ và bị khinh chê đó đã là cái nôi của Nước Trời ở trần gian. Đấy chính là quê tổ và sinh quán của Đức Maria (theo Lc 1, 26), cũng là nơi Người đón nhận Con Thiên Chúa Nhập Thể trng cung lòng Người, tại ngôi nhà riêng của Người, mà trên di tích quý giá đó, sau này mọc lên ngôi Vương Cung Thánh đường kính mầu nhiệm Truyền Tin.

Về phần Thánh Giuse, đã có những ý kiến dị đồng. Tỉ dụ Thánh Giustino (thế kỷ 2) và bà Catarina Emmerich (thế kỷ 18 – 19) nói Người sinh tại Belem; nhà thần học Isidoro Isolani (thế kỷ 15 – 16) và bà Maria Agreda (thế kỷ 17) nói Người sinh tại Nazareth. Ngày nay không còn ai nghi ngờ Nazareth cũng chính là sinh quán của Thánh Giuse. Người ta không rõ dòng họ Người định cư nơi đây từ thời nào, nhưng điều chắc chắn nhất là Người đã có nhà ở tại đây, và đã đón Đức Maria về nhà mình. Đó là ngôi nhà sau này được các giáo hữu tôn kính gọi là “Nhà Nuôi Dưỡng Chúa” và trở thành “Nhà thờ Nuôi Dưỡng”, gần với nhà thờ “Truyền Tin”.

Cảnh trí vô song này đã gợi hứng cho một văn sĩ Pháp, Max Jacob (1876 – 1944), thốt lời như sau, vừa chỉ Đức Trinh Nữ, vừa chỉ Thánh Gia, lại cũng chỉ chung làng Nazareth nhân cách hóa:

“Ngợi khen cô thôn nữ bé nhỏ đã trở thành Hôn Thê Thiên Chúa! Nàng chỉ là một cô gái đồng quê. Gia đình nàng là gia đình của những người bé mọn”[28].
Và một nhà văn khác, Amédée Brunot, cảm xúc viết:

“Nazareth đã trở thành thị trấn trìu mến nhất của những tấm lòng nghèo khó: civitas egregia, civitas dilecta, như những người hành hương xa xưa quen nói. Mỗi ngày, từ kinh Truyền tin sáng đến kinh Truyền Tin chiều, hàng triệu tín hữu lên đường hành hương bằng tâm trí, hướng lòng về một xóm nhỏ mất hút trong xứ Galile khi Thiên Chúa ngự xuống nơi đó. Nơi đó, Thiên Chúa mặc xác phàm và ở cùng chúng ta”[29].
 

[1] J. Aulagnier, tlđd, tr. 24. Vẫn theo nguồn tham khảo này, Thánh Giuse là láng giềng thân cận Thánh Gioakim và bà Thánh Anna song thân Đức Maria, và bà đã quen biết Đức Maria từ lúc sơ sinh đến năm lên ba tuổi, lúc đó bé Maria được cha mẹ dẫn đến Đền thờ Giêrusalem dâng mình cho Thiên Chúa và ở lại đó luôn cho đến lễ đính hôn cũng là lễ thành hôn. Lúc này ông bà Gioakim và Anna từ trần.
[2] P.L, XL, col. 398. Dẫn theo Dom Germain Leblond, tlđd, tr. 206.
[3] Dẫn theo Christiani, tr. 21.
[4] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 22.
[5] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 22.
[6] Dẫn theo Dom Germain Leblond, tlđd, tr. 206. 
[7] Dãn theo A. Drexel, tlđd, (bản dịch đánh máy).
[8] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 107 – 108.
[9] Sermo 51, P.L., 38, 344 -345. Dẫn theo Drexel, tlđd.
[10] P. G., LVII, Hom. IV, 41 sq. Dẫn theo Villepelet, tr. 26.
[11] Dẫn theo Villepelet, tlđd, tr. 32.
[12] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 86 – 88. X. Bertrand, tlđd, tr. 128 – 129.
[13] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 86 – 88.
[14] Dẫn theo Christinani, tlđd, tr. 86 – 88.
[15] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 89.
[16] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 105.
[17] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 98 – 99.
[18] Dẫn theo Christiani, tlđd, tr. 98 – 99.
[19] S.T., IIIa, q. 28, a. 3. Dẫn theo Garrigou – Lagrange, tlđd, tr. 114.
[20] Xem Christiani, tlđd., tr. 91.
[21] Dẫn theo Drexel, tlđd.
[22] Marie d’Agréda tlđd. 2, tr. 17 – 18.
[23] Marie d’Agréda tlđd. 2, tr. 17 – 18.
[24] J. Aulagnier, tlđd, tr. 21 – 28 và 35 – 36 (Sách nghiên cứu khoa học về Valtorta).
[25] Tác giả đôi câu đối này, Thầy Gioakim Ngô Hữu Phán, nguyên thầy giảng Bùi Chu trở thành tu sĩ Tu Hội Đắc Lộ, sinh ngày 05. 08. 1905 tại Hải Hậu, giáo phận Bùi Chu, an nghỉ trong Chúa tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 28. 07. 2001, thọ 96 tuổi. Lm. Phạm Châu Diên đã đưa hai câu đối đó vào “chính điện” của “Đền Công Chính” do ngài xây dựng, ở 69 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
[26] Marie d’Agréda, tlđd. 2, tr. 28 – 29.
[27] Denis Buzy, tlđd. tr. 18 – 20. Và: Nazareth, tập tài liệu do Bộ Du Lịch Do Thái xuất bản, Jérusalem, 1968.
[28] Tạp chí Bible et Terre Sainte, số 110, tháng 4. 1969. Chuyên đề: Nazareth en Galilée.
[29] Như trên.


Trích trong tập sách: Thánh Giuse trong Dân Chúa, của Dục Đức Phạm Đình Khiêm, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. Hồ Chính Minh 2003. 

Từ khóa:

Thánh Giuse

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc