banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NHỮNG CON NGƯỜI THINH LẶNG

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/07/2018 20:39 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NHỮNG CON NGƯỜI THINH LẶNG

NHỮNG CON NGƯỜI THINH LẶNG

Những nẻo đường thinh lặng 19

Georges Bernanos viết trong tác phẩm “Sous le soleil de Satan” (Dưới mặt trời của Satan) như sau: “Thánh nhân được chín mùi trong thinh lặng”.

Thật ra, rõ ràng là Thiên Chúa luôn có một đường lối sư phạm. Người luôn khởi sự bằng cách đưa vào ‘sa mạc’ những ai mà Người muốn trao phó một sứ mạng khó khăn, hầu phục vụ dân Người: Mô-sê vào sa mạc Madian, Gio-an Tẩy Giả vào sa mạc Giuđê, Thánh Phaolô vào sa mạc Xyria, Thánh Biển Đức vào nơi hoang vắng trên núi Subiaco, Thánh Inhã Loyola vào Marêsa, Thánh Phanxicô Assisi trong các hang của đồng bằng Asidi.

Đây là thời điểm của sự thật mà con người ý thức về sự nghèo hèn của mình, và mở lòng đối với ân huệ của Thiên Chúa. Thời điểm để cắm rễ cho đức tin. Thời điểm phải thực hiện sự đoạn tuyệt cần thiết, để đón nhận một tự do mới, và chuẩn bị sống một đời sống hiệp thông mới với mọi người. Tất cả các vị chứng nhân vĩ đại ấy, những người đã đánh dấu lịch sử Cứu Độ, sẽ vẫn mãi là những người yêu mến sự thinh lặng, dù nhiều khi họ sống một nếp sống thật năng động.

Làm sao có thể tự xưng là chứng nhân của Đức Kitô nếu ta không sống trở lại, bằng cách này hay bằng cách khác, cuộc đời thừa sai mẫu mực, diễn tiến theo nhịp điệu: Thờ lạy Chúa Cha và phục vụ con người! Ai không thích thinh lặng, người ấy có nguy cơ trở nên một con két nói chuyện tôn giáo, một viên chức quản lý việc thánh, chứ không phải là một cộng tác viên của Thiên Chúa.

Tác giả thánh vịnh ca lên:
“Lạy Chúa, đối với Người, ngay cả thinh lặng cũng là lời ngợi khen” (Tv 64).

Vì thế, từ những vị ẩn sĩ đầu tiên; đến các nam, nữ Đan Sĩ ngày nay, hàng trăm ngàn người nam, nữ đã biểu lộ sự yêu chuộng của mình đối với sự cô tịch, không phải vì bản thân sự cô tịch; mà vì muốn kiếm tìm Thiên Chúa tại nơi ấy.

Một cách biểu trưng, thánh Bênađô xem đấy là một phép thanh tẩy lần thứ hai: “Người Đan Sĩ này đã được chôn lại với Đức Kitô nhờ phép thanh tẩy trong sa mạc” (Thư 250 cho viện phụ tu viện Portes).

Họ đặc biệt được cuốn hút bởi một câu phỏng theo ngôn sứ Hôsê mà ta thường thấy được ghi ở cổng vào tu viện họ: “Này ta sẽ khuyến dụ con, đưa con vào sa mạc và nói khó với lòng con!” (Hs 2,16). Họ luôn xem nơi vắng vẻ là nơi cần thiết, để có được một tình thân mật với Thiên Chúa, để mở lòng ra với Người.

“Cần phải thông qua sa mạc và ở lại đấy để nhận được ân sủng của Thiên Chúa… Sa mạc này  đối với tôi thật là êm ái dịu dàng: thật là êm ái và lành mạnh khi cảm nhận được sự cô tịch, đối diện với những điều vĩnh cửu! Ta cảm thấy chân lý tràn ngập bản thân mình. Vì thế, tôi cảm thấy rất khổ tâm khi phải đi đây đó, phải lìa xa sự cô tịch và thinh lặng này”. (Charles de Foucauld, Sách thiêng liêng).

Tương quan giữa cô tịch và thinh lặng; ăn sâu vào truyền thống mấy nghìn năm của đời sống đạo trong mọi tôn giáo. Nhưng, như chúng ta đã thấy; sự cô tịch không phải là điều đương nhiên. Như Bernanos đã viết: “Hỏa ngục cũng có nội cấm” (Sous le soleil de Satan). Các giáo phụ trong sa mạc đã nói lên đầy đủ về cuộc chiến và thử thách của các ngài, để chúng ta biết rằng một thời gian dài cư ngụ trong cô tịch không phải là cuộc “sống nhàn” êm ái.

Sự cô tịch cũng có thể có những ảnh hưởng nguy hại đối với một số người, những người nóng nảy hay đa cảm, trên bình diện quân bình nhân bản cũng như trên bình diện thiêng liêng. Ta không thể đột nhiên đi từ một nếp sống hoạt động sang sa mạc, xa cách mọi cuộc dấn thân trực tiếp, mà đồng thời không cảm thấy một sự nghèo nàn khô cằn, mà không rơi vào một thế giới tưởng tượng hàm hồ, và chạy theo tiến trình cổ điển của những luật bù trừ khác nhau.

Sự cô tịch không phải là nơi hẹn lý tưởng cho mọi người vào mọi lúc. Điều hiển nhiên đầu tiên, ấy là người nào mong sống cô tịch để tự tìm kiếm chính mình hay để lập một kỷ lục, người ấy sẽ không thể ở lâu ngày trong cô đơn.

Nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ ở, và có nhiều con đường dẫn về nhà ấy. Như thế, nếp sống cô tịch dài ngày không phải là con đường duy nhất để gặp gỡ Thiên Chúa. Trái lại, không ai có thể bỏ đi hoàn toàn thời gian định kỳ dành cho thinh lặng và cô tịch.

Có nhiều hình thức cô tịch. Và Chúa ban cho mỗi người hình thức thinh lặng thích hợp với mình. Trong cuộc đời mình, có những giai đoạn thuận lợi và cần thiết hơn những giai đoạn khác. Thời gian và chu kỳ tùy thuộc vào sự phân định nhân bản và thiêng liêng, và sự phân định ấy cần phải được thực hiện với sự đồng hành của một vị linh hướng kinh nghiệm.

Những ân sủng và lời gọi của Thiên Chúa thật đa dạng. Không phải ai cũng được kêu gọi làm nhà ẩn tu trong sa mạc hoặc Đan Sĩ Xitô  hay Đan Sĩ Bruno.

Cuối cùng, như đã nói trên, mọi ơn gọi; dù là ơn gọi sống cô tịch nhất, đều gắn liền với một sứ mạng. Từ thuở Abraham, tiếng gọi của vị Thiên Chúa Giao Ước khi được trở thành người luôn hướng về sự cứu độ và tương lai của dân Chúa. Chẳng hạn, cha Voillaume đã nói như sau về cha Foucauld:

“Ơn gọi của cha (Foucauld) là một ơn gọi hiện diện giữa các dân tộc, một sự hiện diện làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô” (Au Coeur des Masses).

Nghịch lý này chỉ là lớp vỏ bên ngoài, vì kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể rất hiện diện bằng tư tưởng, và bằng tấm lòng đối với những người ở thật xa, nhưng lại rất vắng mặt đối với tha nhân giữa một đám đông. Ta không thể lẫn lộn sự gần gũi và sự hiện diện. Không phải chỉ cần ở gần những người láng giềng là hiện diện đối với họ.

Thánh Têrêsa thành Lisieux đã chẳng từng được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo đó sao? Trong khi thánh nữ chưa bao giờ rời Nhà Kín, nơi mà thánh nữ đã nói: “Tôi sẽ là tình yêu, do đó tôi sẽ là tất cả”.

Chính phẩm chất tình yêu đốt cháy lòng ta, mới làm cho sự cô tịch hay sự gần gũi biến thành sự hiện diện đích thực. Con đường tốt nhất là con đường mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi, con đường mà hoàn cảnh chúng ta chỉ định, mà tính khí chúng ta đòi buộc, và tóm lại, con đường mà chúng ta có thể mến Chúa yêu Người nhiều hơn.

Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc