TẠI SAO NGƯỜI TA LA HÉT?
Sao mà ngày nay người ta dễ cãi vã thế? Dễ hằn học thế? Dễ sinh sự thế? Dễ chém giết nhau thế…
Sao mà ngày nay người ta dễ cãi vã thế? Dễ hằn học thế? Dễ sinh sự thế? Dễ chém giết nhau thế… Có biết bao điều xấu dễ xảy ra. Nhưng có một giải pháp nào dễ để những cái xấu bớt dễ xảy ra không? Chúng ta hãy đi tìm một giải pháp.
Khởi đi từ một thắc mắc
Ngày nọ, thầy giáo đặt một câu hỏi cho học sinh:
_ Tại sao người ta lại la hét khi tức giận?
_ Người ta la hét bởi người ta không giữ được bình tĩnh – Một trò trả lời.
_ Tại sao người ta lại phải gào hét lên ngay khi ở bên cạnh bạn? – Thầy lại hỏi.
_ Đúng là phải la hét. Chúng ta la lên vì muốn người khác lắng nghe chúng ta – trò khác lên tiếng.
_ Chúng ta không thể nói với người khác bằng giọng nhỏ nhẹ sao? – Thầy đặt vấn đề.
Nhiều đáp án được đề ra nhưng chẳng câu trả lời nào thuyết phục được thày. Lúc ấy, ông mới giảng giải: “Các trò biết tại sao người ta lại la hét khi đang tức giận một ai đó? Vấn đề ở chỗ là khi hai người đang tức giận thì hai con tim của họ cách xa nhau muôn trùng. Để có thể lấp đầy khoảng cách này, họ cần phải hét lớn lên để tiếng họ được nghe thấy. Khi cơn giận càng hung thì họ lại càng phải hét lớn hơn. Cũng là hai người, nhưng nếu họ đang yêu thương nhau, các trò sẽ thấy họ phản ứng ra sao? Họ không la hét nhưng nói rất khẽ. Tại sao thế? Vì hai con tim của họ đang ở rất gần nhau. Khoảng cách giữa chúng là rất nhỏ. Đôi lần, họ cũng chẳng cần nói, chỉ cần thầm thì. Và khi tình yêu mãnh liệt thì thậm chí họ chẳng cần thầm thì, mà chỉ cần nhìn nhau là đủ. Con tim của họ đã hiểu hết mọi sự. Điều này chỉ có thể xảy ra khi hai người yêu nhau, họ gần nhau.
Cuối cùng, thầy giáo kết luận: “Khi các trò tranh luận, làm sao đừng để cho con tim các trò xa cách nhau, các trò đừng nói những lời có thể làm các trò trở nên xa nhau hơn. Bởi vì sẽ đến ngày mà khoảng cách này trở thành vô cùng lớn đến nỗi các trò sẽ chẳng bao giờ tìm gặp được con đường để trở về.
Có một bí mật không sai lầm trong việc giúp chúng ta giải quyết những trận cãi vã, đó là trong khi cãi nhau, hãy cố ôm nhau lấy thật chặt. Tuy nhiên, tốt hơn là không nên để cãi vã xảy ra, mà hãy tập biết thông tri cho nhau, biết truyền thông đến nhau những sứ điệp chính xác nhất, dễ thương nhất. Thông tri cũng là một nghệ thuật để cho các trái tim được gần nhau.
MƯỜI GIỚI RĂN trong thông tri
1. Không thông tri lẫn cho nhau gia đình sẽ lụi tàn. Khi không còn nói chuyện bạn chẳng còn có gì để nói. Khi không nhìn nhau bạn chẳng có gì để nhìn. Những điều này diễn ra trong vô thức. Cái làm cho một gia đình chết không phải do các trận cãi vã, khó khăn hay không có tiền, thậm chí sự thiếu trung thành. Nhưng một gia đình chết khi người ta không còn nói chuyện với nhau nữa, khi người ta không nhìn nhau nữa.
2. Thông tri trong sự cảm phục và khích lệ lẫn nhau. Việc thông tri với hai thái độ này sẽ nuôi dưỡng sự kính trọng lẫn nhau và tăng trưởng tình yêu trong gia đình. Thật đẹp nếu người chồng nói: “Anh trao cho em tất cả vì em là người quan trọng nhất trong cuộc đời anh”. Hoặc người vợ có thể nói: “Cảm ơn anh, anh hy sinh cho em và con nhiều quá”. Những cuộc đối thoại trong gia đình với sự khích lệ và cảm phục lẫn nhau giúp các thành viên dần khám phá ra kho tàng nội tâm mà mỗi người mang trong mình và tạo nên sự gắn kết tinh thần ngày càng khắng khít.
3. Thông tri phải là một điều được ưa thích. Việc thông tri phải được các thành viên trong gia đình đánh giá, và phải thực hiện thế nào để nó đem lại những khoảnh khắc quý giá, ngọt ngào trong đó vợ chồng và cả gia đình có thể giải thích cho những hiểu lầm, sửa chữa những sai sót.
4. Thông tri đòi hỏi sự cố gắng. Xu hướng và nhịp sinh hoạt trong thời đại số hoá dễ làm cho người ta sống vội vã, bỏ qua những giờ phút thân mật trong gia đình. Mỗi người phải lấy quyết tâm thực hiện bổn phận “Dành giờ ngồi xuống” để nói chuyện với nhau, để chia sẻ cho nhau về tình cảm và mối dây tình thân. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người bỏ qua nhu cầu này sau vài tháng hay vài năm. Họ sẽ nói: “Chúng tôi chẳng có gì để nói với nhau. Cái gì cần nói chúng tôi đã nói rồi!”.
5. Dành lượng thời gian cần thiết cho việc thông tri. Không thể thông tri trong lúc vội vã, nó ngăn chặn khả năng lắng nghe, dễ đẩy cảm xúc lên cao trào và có những phản ứng bất cập, khiến đối phương bị tổn thương. Cần quan tâm đến một vài cản trở bên ngoài như mệt mỏi, stress, ti vi… Hãy dành khoảng thời gian đẹp nhất, ưu tiên nhất cho việc gặp gỡ trong gia đình. Dùng những vật giầu tính biểu cảm để nói lên tình cảm dành cho nhau: Chẳng hạn, khi ai đi vắng, nhớ viết vài cánh thiệp. Thỉnh thoảng chuẩn bị những món quà nhỏ và ý nghĩa cho nhau.
6. Sự nhất quán, khiêm tốn, đơn sơ, tôn trọng quyền tự do được nghĩ và được nói của người khác, là những phẩm chất không thể thiếu giúp phát triển khả năng thông tri. Cần chăm sóc những yếu tố này vì chúng cần thiết cho những cuộc đối thoại ý nghĩa trong gia đình. Tránh những lối diễn tả hình thức, làm cho qua và lạnh nhạt. Hãy làm thế nào để con cái dám tâm sự tất cả, và ngay cả những khó khăn của em trong việc học, tương quan tình cảm, tình bạn và với thày cô.
7. Nhớ rằng, thông tri có hai chìa khoá là lắng nghe và lời nói. Để thông tri tốt cần có “đài phát” tốt và “đài thu” tốt. Đài thu thì phải biết lắng nghe, còn đài phát thì biết nói. Nhưng cánh cửa để thông tri thành công là muốn đón nhận, phát xuất từ một bầu khí chung mở ra cho người khác và cho nội bộ gia đình. Cánh cửa này trở thành sẵn sàng, đánh giá người khác bằng việc dành thời gian và chú tâm lắng nghe. Rất nhiều đứa trẻ tỏ ra bất mãn vì người lớn có nhiều mối quan tâm vĩ đại mà không để ý đến vấn đề cá nhân của em.
8. Thông tri là học biết để giải mã. Khi một ai nói: “Xin làm ơn lắng nghe tôi”, thì có nghĩa là “Xin hãy hiểu tôi”. Trong thế giới mà các người trẻ chịu sự chi phối của môi trường số hoá với các phương tiện truyền thông hàng giờ truyền đi bao nhiêu sứ điệp mang nội dung xấu, phá hoại, thì điều gì sẽ giúp cho người trẻ suy tư, để chiếm hữu được một tinh thần phê phán, nếu không ngang qua việc đối thoại tôn trọng và kiên nhẫn?
9. Thông tri bày tỏ cả cảm thức rằng mình được hiểu. Lắng nghe không có nghĩa là câm nín. Thật là khó để mà nói năng nếu không có ai trả lời! Một phụ nữ phát biểu: “Thông thường chỉ mình tôi nói, khiến cho giờ đây tôi chẳng muốn nói gì nữa, bởi tôi biết lời nói của tôi chẳng được ai trân trọng, dường như người ta không thèm nghe tôi nói gì. Tôi cảm thấy mình càng cô đơn hơn sau khi nói ra”. Thông tri đòi hỏi lắng nghe và sự đáp lời, như xác nhận rằng họ hoàn toàn được hiểu và thông cảm.
10. Thông tri thực sự là đặt những điều tốt nhất nơi bản thân để làm của chung. Sự thông tri mang tính liên nhân vị. Mỗi người rút từ trong kho tàng nội tâm mình những điều đẹp nhất, để làm phong phú lẫn cho nhau. Người có khả năng thông tri là người biết mở ra kho tàng giầu có của mình. Đối với Ki-tô hữu thì thông tri là tấm gương phản chiếu sự hiệp thông hoàn hảo, trọn vẹn với Ba Ngôi Chí thánh.
Ý kiến bạn đọc