banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 11: SỰ THINH LẶNG CỦA CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/05/2018 10:30 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 11: SỰ THINH LẶNG CỦA CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 11: SỰ THINH LẶNG CỦA CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Đôi khi, sự thinh lặng lại hùng biện hơn. Ta có thể cho rằng lời nói trong thời điểm ấy, sẽ không làm gia tăng tình yêu và chân lý; vì người anh em mình không ở trong trạng huống cần thiết để lắng nghe.
 
Sự thinh lặng của con người trong Kinh Thánh

«Có một thời để làm thinh và một thời để lến tiếng» (Gv 3,7)
Trong toàn bộ các bản văn Cựu Ước, sự thinh lặng của con người rất ít được nhắc đến. Thỉnh thoảng, ta có thể gặp nơi Abraham, sự thinh lặng của người tôi tớ muốn lắng nghe (St 24, 21), sự thinh lặng vì đau đớn của Giacop khi hay tin con gái mình bị hãm hiếp (St 34, 35) hoặc sự thinh lặng vì kiệt sức của một con người bị bất hạnh vùi dập: «Họ ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất đầu rắc đầy tro bụi, mình mặc áo vải thô » (Ac 2, 10).

Trái lại văn chương khôn ngoan đã nhiều lần nhắc đến thinh lặng. Những hiền nhân trong Cựu Ước thường triển khai chủ đề thinh lặng này, và đôi khi xem đấy là một phản xạ của một sự thận trọng có tính toán; hoặc đơn thuần là một thái độ lịch sự trong xã giao. «Hãy nói cho gọn, ít lời; nhiều ý ; như là kể vừa quán triệt vấn đề vừa biết nín thinh. Giữa hàng quyền chức, con đừng làm như kẻ bằng vai ; và khi người khác nói, con chớ bô bô cái miệng» (Hc 32, 8 – 9).

Nhưng nhất là các hiền nhân trong Kinh Thánh dường như có một nỗi nghi ngờ tự bản năng đối với lời nói: «Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn» (Cn 10, 19); «Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân; đứa ngồi lê đôi mách sẽ tiết lộ điều bí mật, còn người tín cẩn giữ kín chuyện riêng tư» (Cn 11, 9.13) ; «Người chính trực ghét lời dối trá lọc lừa, kẻ gian ác làm điều xấu xa ô nhục» (Cn 13,5); «Càng lắm lời, càng nhiều chuyện hão» (Gv 6,11)…

Ai nói quá nhiều khó lòng tránh được hời hợt, hay thiên về việc nói xấu; hay vu cáo. «Giữ mồm giữ miệng là bảo toàn mạng sống, khua môi múa mép ắt sẽ thiệt thân» (Cn 13,3), «Người không biết giữu miệng ví như một thành bỏ ngỏ, không tường lũy cở che» (Cn 25, 28).

Nghi ngờ đối với lời nói không đúng nơi đúng lúc: «Có lời mắng không đúng lúc, có kẻ thinh lặng mà lại biết điều. Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan còn kẻ ba hoa thì đáng ghét. Có kẻ thinh lặng vì chẳng biết nói chi, có kẻ thinh lặng để chờ thời. Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt, còn kẻ bép xép; dại khờ lại bở lỡ cơ may» (Hc 20, 1.5 – 7)…

Việc nói quá nhiều những lời xấu xa chẳng những làm ô danh người khác, mà còn lam hoen ố tâm hồn mình. Những tác hại của lời vu cáo; của việc không làm chủ miệng lưỡi mình, được minh họa trong câu chuyện ngụ ngôn miền Bretagne sau đây:

«Một phụ nữ nọ đã xưng thú rằng mình nói những điều không phải đối với láng giềng. Cha xứ bảo bà làm việc đền tội bằng cách đem một con ngỗng lên đỉnh đời mà nhổ lông trong một ngày lộng gió. Bà đã thi hành nhưng khi bà đến báo cáo việc làm của mình, cha xứ yêu cầu bà đi thu nhặt lại mọi chiếc lông ngỗng kia!

_ Thưa cha, con đâu thể nào làm được, vì bây giờ chúng đã bay khắp nơi, và có nhiều lông bay ra khỏi làng ta rồi!

Cha xứ nói:
_ Con à, những lời nói xấu và vu cáo cũng như thế đấy, con sẽ chẳng bao giờ thu lại được!»
Thinh lặng cũng có thể biểu hiện cho một tâm hồn cao thượng, và đại lượng đối với những yếu đuối của tha nhân: «Kẻ thiếu lương tri mới khinh khi người khác, người giàu hiểu biết thì ngậm miệng làm thinh» (Cn 11, 12). Chính lòng nhân hậu, tình thương; sự tôn trọng kẻ khác mới giữ chúng ta khỏi rêu rao, loan truyền một chuyện ô nhục; một kỷ niệm đau lòng nào đó, hầu không thêm gánh nặng cho người đã bị tổn thương. Thái độ lịch sự và tế nhị thườn đi đôi với thinh lặng.

Và trước sự đau đớn; hay trước nổi khổ của một bạn hữu hay một người anh chị em, thì tốt hơn là nên thinh lặng. Như Gióp đã nói với những người đến thăm ông và nói huyên thuyên để an ủi ông:
«Phải chăng các anh biết nín lặng! Như thế các anh mới là người khôn ngoan» (G 13,5).

Thật khó mà không đáp lại một lời chửi rủa bằng một lời chửi rủa, một tiếng la hét bằng một câu lớn tiếng. Cần phải có một sức mạnh tâm hồn để đôi khi biết thinh lặng trong một cuộc cãi vã mà cảm xúc vượt qua lý trí. Lòng kiêu ngạo bị tổn thương thì tự nhiên tìm cách nói tiếng nói cuối cùng. Không dễ gì im lặng khi ta tin chắc rằng mình đang có lý.

Nhất là rất khó im lặng khi người vô liêm sỉ hay độc ác có vẻ thắng thế. «Tôi đã nói: mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm; tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt». Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối. Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời » (Tv 38, 2 - 4).

Hẳn là không lành mạnh nếu để cho người khác chà đạp mình. Biết tự vệ đôi khi là một vấn đề phẩm giá và công bình. Nhưng sức mạnh của một người thinh lặng ấy là không để mình sa vào một cơn giận dữ không kiềm chế, và biết phân định cơ hội để đáp trả.

Chúng ta chẳng thường hối hận vì mình dễ dàng để cho những phản ứng tức thì lôi cuốn, mà không kịp cân nhắc lời đó sao?

Đôi khi, sự thinh lặng lại hùng biện hơn. Ta có thể cho rằng lời nói trong thời điểm ấy, sẽ không làm gia tăng tình yêu và chân lý; vì người anh em mình không ở trong trạng huống cần thiết để lắng nghe.

Sau cùng, đối với các hiền nhân trong Kinh Thánh sự khôn ngoan thuần túy nhân loại này cũng đã là một ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta phân định lúc nào nên nói và lúc nào nên im.
«Lạy Chúa, xin canh giữ miệng lưỡi con và trông chừng môi miệng con» (Tv 140, 3).

Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc