banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Đăng lúc: Thứ tư - 29/11/2017 09:20 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Is 63: 16b-17, 19b; 64: 2b-7; 1Cr 1: 3-9 ; Mc 13: 33-37

Vào Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B nầy, Phụng Vụ Lời Chúa hướng lòng chúng ta trông đợi ngày Chúa đến.

Is 63: 16b-17, 19b; 64: 2b-7
Bài Đọc I là lời khẩn nguyện. Sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lon, dân Do thái hân hoan trở về quê cha đất tổ. Nhưng họ sớm ngã lòng trước thức tế muôn vàn khó khăn, vì thế ngôn sứ I-sai-a đệ tam, nhân danh dân Ít-ra-en, khẩn khoản nài xin Thiên Chúa xé trời mà ngự xuống, can thiệp vào lịch sử của dân Ngài. Trong suốt Mùa Vọng Giáo Hội hiểu rằng Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki tô, đã thực sự ngự đến, xé tan mây trời để ban mưa hồng ân xuống trên cõi thế. Giáo Hội tin tưởng vững vàng Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử nhân loại rồi.

1Cr 1: 3-9 
Trong Bài Đọc II, thánh Phao-lô vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì qua Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa đã ban cho các tín hữu Cô-rin-tô muôn vàn ơn phúc trong lúc chờ đợi Chúa lại đến.

Mc 13: 33-37
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su loan báo Ngài sẽ trở lại vào lúc bất ngờ không ai biết trước được và mời gọi hãy luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón tiếp Ngài.
      
BÀI ĐỌC I (Is 63: 16b-17, 19b; 64: 2b-7)
Bản văn nầy bao gồm hai đoạn trích dẫn từ lời khẩn nguyện mà vị ngôn sứ nhân danh toàn thể cộng đồng ngỏ lời với Thiên Chúa. Tách ra khỏi bối cảnh thực tế của nó, lời khẩn nguyện nầy nói lên nỗi xao xuyến muôn thuở của nhân loại trong cảnh khốn cùng trước sự im lặng của Thiên Chúa như thử Ngài chẳng hề quan tâm đến cuộc sống con người: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh nhan!”.

Cộng đồng đang phải chịu thử thách này là cộng đồng Giê-ru-sa-lem hồi hương trở về quê cha đất tổ sau thời kỳ lưu đày dài lâu ở Ba-by-lon. Vua Ba tư là Ky-rô, sau khi chiếm kinh thành Ba-by-lon vào năm 539 trước Công Nguyên, năm sau đó đã cho phép những người lưu đày hồi hương. Sau khi trở về, những người nầy phải đối mặt với biết bao khó khăn trong cuộc sống, nhất là đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, cảnh Đền Thờ hoang tàn đổ nát trơ gan cùng tế nguyệt gần một nữa thế kỷ qua. Họ toan tính bắt tay vào việc tái thiết Đền Thờ, nhưng lực bất tòng tâm. Thêm nữa, gặp phải sự chống đối của những người địa phương và nhất là sự ngăn cản có hệ thống của dân Sa-ma-ri buộc họ phải bỏ dỡ dự án. Ấy vậy, Đền Thờ chính là dấu chỉ việc Đức Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài. Phải chăng Thiên Chúa đã thực sự bỏ rơi dân Ngài? Lòng nhiệt thành của những ngày đầu tiên nhường chỗ cho nỗi thất vọng ê chề đắng cay.

Ở giữa họ, một vị ngôn sứ vô danh, được gọi I-sai-a đệ tam, củng cố niềm tin của họ và hướng dẫn lời cầu nguyện của họ. Chính lúc đó, bằng ngòi bút của mình, ông đã viết nên lời khẩn nguyện nầy như phương thế cuối cùng:“Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con!”.

1. “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con”.
Lời khẩn nguyện ngỏ lời với “Thiên Chúa là Cha chúng con” ở đây là độc nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Chúng ta không gặp thấy như vậy trong các Thánh vịnh, Thánh Thi hay trong những lời cầu nguyện của Cựu Ước. Việc kêu cầu “Thiên Chúa là Cha chúng con” được lập đi lập lại đến ba lần trong lời khẩn nguyện nầy (hai lần trong đoạn trích hôm nay).

Thật ra, tình phụ tử của Thiên Chúa là một khái niệm thông thường và thường được nhắc đi nhắc lại: Thiên Chúa là Cha vì Ngài là Đấng Tạo Hóa; Thiên Chúa là Cha vì Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm “con của mình” (Đnl 32: 6). Nhưng danh xưng nầy chưa bao giờ được gặp thấy trong các lời cầu nguyện. Thật đáng lưu ý khi sự kiện nầy đột nhiên xảy đến sau cuộc lưu đày được xem như một thử thách thanh tẩy lớn lao. Vì thiếu nơi phụng tự và hy lễ, những người lưu đày đã nội tâm hóa tâm tình tôn giáo của mình. Mối quan hệ của họ với Thiên Chúa không còn hời hợt bên ngoài ở nơi các nghi thức phụng tự nhưng đã đạt đến chỗ tâm giao mật thiết hơn: “Thiên Chúa là Cha chúng con”.

2. “Đấng cứu chuộc chúng con”.
Danh xưng “Đấng cứu chuộc” được dịch từ nguyên ngữ Do thái: go’el, từ ngữ nầy có một ý nghĩa chính xác, nhưng khó lĩnh hội, vì không có từ ngữ tương đương trong các định chế của chúng ta. Từ Go’el chỉ một người bà con thân thuộc có phận sự bênh vực thân nhân của mình bị xúc phạm hay bị áp bức, chuộc lại người thân bị sa vào cảnh đời nô lệ (nhất là trong trường hợp nô lệ vì nợ nần), đồng thời đảm nhận trọng trách báo thù (đây là vai trò hàng đầu vào thời du mục). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (vị ngôn sứ của thời lưu đày) đã thường nhắc nhở rằng Đức Chúa là go’el của dân Ngài, Ngài sẽ chuộc lại dân khỏi cảnh đời nô lệ Ba-by-lon. Sau khi trở về, danh xưng nầy được lập đi lập lại thông thường trên môi miệng của những người hồi hương.

3. “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…”
“Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan!”. Lời nguyện xin này ám chỉ rất rõ nét đến việc Thiên Chúa tỏ mình ra trên núi Xi-nai trong cảnh tượng hùng vĩ: núi non rung chuyển dữ dội và khói tỏa mây mù bao phủ đỉnh núi. Dân Ít-ra-en đã thường hoài niệm những giây phút đặc ân nầy. Phải chi Thiên Chúa lại ngự xuống để tái thiết Đền Thờ và Thành Thánh!

4. “Ngài đã ngự xuống…”
Bất ngờ, các động từ của đoạn văn đều được chuyển sang thì quá khứ: “Ngài đã ngự xuống, núi non đã rung chuyển trước Thánh Nhan. Từ cổ chí kim, thiên hạ chưa hề được ai nói cho biết, tai chưa hề được nghe, mắt chưa hề được thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như  vậy cho kẻ trông cậy ở nơi mình. Ngài đã đón gặp kẻ hoan hỹ ăn ngay ở lành và nhớ đến Ngài, khi theo các đường lối Ngài chỉ dạy”. Ở đây, bản văn được dịch theo bản dịch La-tin của thánh Giê-rô-ni-mô, được gọi “Bản Phổ Thông” (Vulgata). Theo thánh nhân, nguyên bản Do thái ở thể cầu chúc hay nguyện ước phải được hiểu như chuyện đã xảy ra, bởi vì ước nguyện của vị ngôn sứ đã xảy ra rồi. Trời đã bị xé ra. Thiên Chúa đã đáp ứng nỗi mong chờ của con người vượt quá mọi niềm hy vọng. Ngài đã trở thành một người ở giữa họ. Đối với chúng ta, như đối thánh Giê-rô-ni-mô, lời nguyện ước của vị ngôn sứ đã được ứng nghiệm ở nơi biến cố Nhập Thể của Đức Giê-su Ki-tô.

 Sau khi đã sửa đổi bản văn cho thích hợp với hoàn cảnh niềm tin hiện nay của mình, bản dịch lại được tiếp tục theo nguyên bản. Lời khẩn nguyện lại tiếp tục bình thường: lời ca ngợi Thiên Chúa xen lẫn với lời trách cứ vì Thiên Chúa “bỏ rơi” dân Ngài, nhưng cũng khiêm tốn thú nhận lỗi lầm và bày tỏ niềm tin tưởng. Một lần nữa Thiên Chúa được ngỏ lời là “Cha chúng con”.

Bài Đọc I chấm dứt với hình ảnh Thiên Chúa là người thợ gốm, ám chỉ đến chuyện tích sáng tạo cổ kính ở chương 2 sách Sáng Thế. Hình ảnh Thiên Chúa như người thợ gốm nhào đất sét nắn nên con người trên chiếc bàn xoay thuộc về gia sản thần thoại của những nền văn hóa thời xưa. Hình ảnh nầy diễn tả việc Thiên Chúa gắn bó với công trình của Ngài. Có một sự đối nghịch giữa “quyền lực của Ác thần” nhằm tiêu diệt con người và quyền lực của Đấng Tạo Hóa, Đấng làm cho con người, vốn đất sét mõng dòn yếu đuối, trở thành kiên trung bền vững khi Ngài tha thứ tội lỗi cho họ.

BÀI ĐỌC II (1Cr 1: 3-6)
Bài Đọc II được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Đoạn thư này được trích đọc vào Chúa Nhật I Mùa Vọng vì đề cập đến nỗi mong chờ của các Ki tô hữu vào “ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.

1.“Ngày Đức Ki-tô, Chúa chúng ta”:
Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô biến đổi diễn ngữ quen thuộc của các ngôn sứ: “Ngày Đức Chúa” thành “Ngày Đức Giê-su Ki-tô”. Dưới ngòi bút của thánh nhân, Đức Chúa chính là Đức Giê-su Ki-tô, và ngày Đức Chúa chính là ngày Đức Giê-su Ki-tô trở lại trong vinh quang. Trong vài dòng cuối cùng của đoạn trích ngắn nầy, thánh nhân lập lại đến ba lần: “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”. Những Ki-tô hữu tiên khởi, như sách Công Vụ Tông Đồ làm chứng, đã ban tước hiệu Đức Chúa nầy cho Đức Giê-su Ki-tô, như chính Ngài đã công bố rằng “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28: 18).

2.Ngày chứa chan hy vọng:
Theo cùng viễn cảnh của các ngôn sứ, “Ngày Đức Chúa” rõ ràng là ngày Chung Thẩm, thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô “nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô”. Tuy nhiên, việc người Ki-tô hữu mong đợi Chúa đến khác với dân Cựu Ước, bởi vì ngay từ bây giờ, họ được hiệp thông với Đức Ki-tô rồi; họ sống trong Ngài rồi. Sự mong đợi của họ chứa chan niềm hy vọng, bởi vì trong niềm mong chờ của họ Ngài hiện diện ở giữa họ rồi.

TIN MỪNG (Mc 13: 33-37)
Đoạn Tin Mừng nầy được định vị ở cuối bài diễn từ dài về Cánh Chung mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài vài ngày trước cuộc Tử Nạn của Ngài (13: 1-37). Các môn đệ theo Ngài lên núi Ô-liu và ở đó, họ chiêm ngưỡng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và thán phục vẻ huy hoàng của Đền Thánh. Đức Giê-su loan báo cho họ biết Đền Thờ sẽ bị phá hủy thành bình địa, và từ gợi ý nầy đến gợi ý khác, Ngài nói với các ông những tai ương hoạn nạn sẽ đánh dấu thời tận thế, trước khi Ngài ngự đến.

1. Bố cục.
Trong đoạn trích Tin Mừng hôm nay, “Đức Giê-su nói với các môn đệ của Ngài về ngày quang lâm của Người”. Vì thế, Ngài bắt đầu khi khuyên các môn đệ Ngài: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”, và kết thúc khi lập lại lời khuyên nầy nhưng mở rộng ra với hết thảy mọi người: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người: hãy canh thức!”. Ở giữa là một dụ ngôn minh họa cho lời khuyên chủ đạo nầy.

2. Dụ ngôn:
Để lời khuyên của mình dễ hiểu, cụ thể và gây ấn tượng trên người nghe, Chúa Giê-su tự ví mình với một ông chủ trẩy đi phương xa và sẽ trở về vào một thời điểm nào đó trong đêm mà không báo trước; còn các môn đệ của Ngài thì được sánh ví với người canh cửa, phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng mở mắt lắng tai để nhận ra tiếng bước chân của chủ trở về nhè nhẹ vang lên giữa đêm khuya thanh vắng. Trong cuộc sống thường ngày, ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm: đợi một ai đó mà không báo trước vào ban ngày thì đã khó lại càng khó hơn vào ban đêm. Rõ ràng chính trong đêm mà Đức Giê-su căn dặn chúng ta phải canh thức chờ đón Ngài đến. Chắc chắn thời điểm “đêm” được nhấn rất mạnh ở đây: đêm là thời gian của bóng tối, nghĩa là môi trường của sự Ác. Người Ki tô hữu phải cảnh giác đừng để mình sa vào những việc làm ám muội gian ác.

Chủ nhà sẽ trở về vào lúc chập tối hay nữa đêm hoặc lúc gà gáy hay tảng sáng. Chúng ta nhận ra ở đây đêm được chia thành bốn canh theo tập quán của người Rô-ma chứ không là ba canh như tại người Do thái (Lc 12: 38), còn người Việt Nam chúng ta lại phân chia “đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Chi tiết nầy là chữ ký của thánh Mác-cô, thánh ký hiện ở Rô-ma bên cạnh thánh Phê-rô mà ông là thư ký. Thánh ký viết Tin Mừng cho cộng đoàn Ki-tô hữu Rô-ma, và rộng lớn hơn, cho thế giới chịu ảnh hưởng văn hóa Rô-ma.

3. Biểu tượng của “Đêm”.
Thánh Má-cô kết thúc đoạn Tin Mừng nầy với lời căn dặn của Đức Giê-su:“Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”. Bối cảnh của toàn bộ bài diễn từ về Cánh Chung nầy là câu chuyện riêng tư của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài (13: 3-4), nhưng ở đây lời kêu gọi khẩn cấp phải tỉnh thức được gởi đến cho “hết thảy mọi người”, bởi vì sứ điệp nầy liên quan đến nhiều thế hệ theo sau nữa. Phải canh thức, phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đợi chủ trở về. Rõ ràng chính trong đêm mà người ta phải canh thức.

Các nhà chú giải nghĩ đến khoa thần bí Do thái về “Bốn Đêm” nhấn mạnh Lịch Sử thế giới. Bốn đêm được đánh dấu bởi bốn lần Thiên Chúa can thiệp dứt khoát: Đêm của công trình Sáng Tạo; đêm Thiên Chúa ký kết giao ước với ông Áp-ra-ham và hứa với ông việc sinh hạ I-xa-ác; đêm của cuộc Xuất Hành, dân Do thái vội vã rời đất Ai-cập và được cứu thoát; đêm của ơn cứu độ trong tương lai, vương quyền của Thiên Chúa ngự đến một cách mầu nhiệm. Thêm nữa, đêm Đức Giê-su cầu nguyện cũng trên chính núi Ô-liu nầy trước giờ khổ nạn của Ngài. Chính trong đêm ấy, sau khi cầu nguyện một mình, Ngài trở lại và gặp thấy các ông đang ngủ, Ngài nói với các ông: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (14: 38). 

4. Ý hướng của Giáo Hội:
Theo văn mạch của Tin Mừng Mác-cô, lời khuyên này là phần kết của bài diễn từ dài về ngày cánh chung, như vậy việc Chúa trở lại được chỉ ra ở đây là ngày Quang Lâm, ngày Chúa trở lại để phán xét thế gian, nhưng cũng được hiểu là ngày mỗi người từ giả cuộc đời này: quả thật, ai rồi cũng phải chết, nhưng không ai biết được mình sẽ chết vào lúc nào, vậy thái độ khôn ngoan nhất trong cuộc sống là phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đón Chúa đến.

Khi chọn đoạn Tin Mừng này vào đầu Mùa Vọng, mùa mọi tín hữu sống lại tâm tình mong đợi Con Thiên Chúa giáng trần, Giáo Hội có ý hướng khác, đây là mời gọi mỗi người hãy sống trong tư thế tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Đấng đã đến và đang ở giữa chúng ta. Trong cuộc Giáng Trần, Ngài cũng đã âm thầm đến vào một đêm thanh vắng trong hình hài bé nhỏ của một hài nhi vừa mới chào đời nơi hang lừa máng cỏ Bê-lem trong vòng tay yêu thương của cha mẹ trần thế nghèo nàn của Ngài. Ngày nay cũng thế, Ngài cũng âm thầm hiện diện ở nơi những anh chị em chung quanh chúng ta, nhất là những người nghèo hèn khốn khổ, những kẻ bị bỏ rơi: “Khi Ta đói, ngươi đã cho ăn, khi Ta khát, ngươi đã cho uống, khi Ta khách lạ, ngươi đã tiếp rước, khi Ta trần truồng, ngươi đã cho mặc, khi Ta đau yếu, ngươi đã thăm viếng, Ta ngồi tù, ngươi đã đến hỏi han”.

Vì thế, trong lúc trong đợi Chúa lại đến vào thời cánh chung, gần hơn vào giờ phút từ giả cuộc đời này, và gần hơn nữa trong tâm tình chờ đón cuộc Giáng Trần của Con Thiên Chúa, mỗi người Ki-tô phải luôn trong tư thế sẵn sàng mở mắt lắng tai để nhận ra tiếng bước chân của Ngài, Đấng đã đến và thường hằng đang đến với chúng ta ở nơi hình hài khốn khổ của những anh chị em chung quanh mình. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nói “the future begins today not tomorrow” (tương lai bắt đầu hôm nay chứ không ngày mai). Quả thật, tương lai của chúng ta, hoặc được vui hưởng sự sống đời hay phải bị án phạt trầm luân, tùy thuộc vào cách thức chúng ta tiếp đón Ngài ở nơi chị em chung quanh chúng ta, nhất là những người khốn khổ, những kẻ bị bỏ rơi ngay từ hôm nay chứ không là ngày mai.

Vào Chúa Nhật XXXIII Thường Niên năm A vừa qua (ngày 19 tháng 11 năm 2017) khi bế mạc Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã thành lập “Ngày Thế Giới Người Nghèo” và ấn định cử hành hằng năm vào Chúa Nhật XXXIII Thường Niên. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Nơi người nghèo, Chúa Giêsu gõ cửa tâm hồn chúng ta, Người khao khát tình yêu của chúng ta... Khi chúng ta vượt lên thói vô cảm, và nhân danh Chúa Giêsu mà cho đi chính bản thân mình cho những người bé mọn nhất trong những anh chị em của Người, thì chúng ta là những người bạn tốt và trung thành của Chúa, là những người mà Chúa yêu thích ở lại với họ”.

Đức Thánh Cha nhắc cho các tín hữu nhớ rằng chính nơi người nghèo mà chúng ta thấy Chúa Giêsu hiện diện, Người là Đấng tuy giàu sang, nhưng lại trở nên nghèo khó (x. 2 Cr 8: 9), và vì thế ở nơi mỗi người nghèo và mọi người nghèo đều có một “sức mạnh cứu rỗi”. “Nếu trong mắt thế gian, giá trị của họ không đáng kể, thì họ lại là những người mở lối cho chúng ta vào Nước Trời”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đối với chúng ta, Tin Mừng đòi buộc chúng ta chăm sóc họ như tài sản thực sự của mình, và chúng ta làm điều này không chỉ bằng cách cho họ cơm bánh, mà còn phải cùng họ bẻ bánh Lời Chúa, Lời được nói với họ trước hết”.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc