banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Đăng lúc: Thứ hai - 12/04/2021 20:51 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Lời Chúa: Cv 3: 13-15, 17-19; 1Ga 2: 1-5a; Lc 24: 35-48

Phụng Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh năm B dâng hiến cho chúng ta những lời chứng mới về biến cố Phục Sinh; nhưng mầu nhiệm vinh quang này được bày tỏ ở đây trong mối liên hệ với mầu nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô.

Cv 3: 13-15, 17-19
Trong diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng tại Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Ki-tô. Lời công bố này vang dội trực tiếp trong đoạn trích Tin Mừng Lu-ca hôm nay.

1Ga 2: 1-5a
Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan suy gẫm về những đau khổ mà Đức Ki-tô phải chịu vì tội lỗi của chúng ta, nhờ đó chúng ta đạt được ơn tha thứ.

Lc 24: 35-48
Thánh Lu-ca thuật lại cho chúng ta chuyện Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ của Ngài vào buổi chiều Phục Sinh. Trong câu chuyện này, Chúa Giê-su giải thích cuộc sống và cái chết của Ngài bằng cách chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo rồi cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài, cũng như ơn tha thứ tội lỗi.

BÀI ĐỌC I (Cv 3: 13-15, 17-19)
Đây là bài diễn từ thứ hai trong số các bài diễn từ mà thánh Phê-rô ngỏ lời với dân chúng tại Giê-ru-sa-lem, được sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại. Bài diễn từ thứ nhất được công bố vào ngày lễ Ngũ Tuần (2: 14-36).

Bối cảnh của câu chuyện thật ngoạn mục. Thánh Phê-rô và thánh Gioan lên Đền Thờ để tham dự “buổi cầu nguyện giờ thứ chín” (tức ba giờ chiều: Cv 3: 1). Niềm tin của các ngài tháp nhập rất tự nhiên vào khuôn mẫu phụng vụ Do thái giáo. Hai Tông Đồ chú ý đến một người ăn xin ngồi bên cửa Đền Thờ. Thánh Phê-rô nhìn thẳng vào anh, nắm chặc lấy tay anh và kéo anh đứng lên. Anh đứng dậy được, vừa đi vừa nhảy nhót theo chân hai Tông Đồ. Mọi người nhận ra anh, kinh ngạc và chạy ùa đến. Khi thấy đám đông, thánh Phê-rô ngỏ lời với họ.

Trong bài diễn từ thứ hai này, đối tượng thánh Phê-rô hướng đến vẫn là người Do thái. Điều khó khăn nhất là làm thế nào để người ta có thể chấp nhận rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là Đấng Ki-tô.

1. Anh em là Dân Giao Ước:
Trước tiên, thánh Tông Đồ gây nên niềm hứng phấn nơi thính giả của mình khi nhắc cho họ nhớ rằng họ là Dân Giao Ước, Giao Ước này Thiên Chúa đã ký kết với các tổ phụ: Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Ấy vậy, chính “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su”. Thánh Phê-rô gọi Đức Giê-su bằng tước hiệu “Tôi Trung” để hướng lòng trí của người nghe đến hình ảnh người tôi trung chịu đau khổ của I-sai-a. Vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị này đã tiên báo rằng Người Tôi Trung của Đức Chúa bị khinh bỉ và chịu đau khổ để đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Tước hiệu “Tôi Trung” dành cho Đức Giê-su sẽ được lập lại một lần nữa trong các bài diễn từ Tông Đồ, tước hiệu này đem đến một lập luận quan trọng khi đối mặt với thái độ ngập ngừng của những người chờ đợi một Đấng Ki-tô vinh quang và quyền năng.

2. Anh em đã nộp Người:
Tiếp đó, thánh Phê-rô đưa ra lời buộc tội trực tiếp khi dẫn chứng những tương phản:
-Quan Phi-la-tô, người ngoại giáo, đã nhận ra sự vô tội của Đức Giê-su và muốn thả Ngài; nhưng trái lại, chính anh em, dân Chúa chọn, đã chối bỏ Ngài.
-Chính Ngài là Đấng Thánh và Đấng Công Chính, nhưng anh em lại chuộng một tên sát nhân hơn là Ngài.
-Chính Ngài là Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng anh em đã ra tay giết Ngài. 

Ở đoạn văn này, chúng ta gặp lại một dấu ấn mà thánh Lu-ca đã nhấn rất mạnh trong bài trình thuật của mình về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô: trách nhiệm của quan Phi-la-tô về cái chết của Đức Giê-su thì ít hơn dân chúng, những kẻ, bị các thượng tế khích động, kêu gào đóng đinh Ngài. Thật thế, quan tổng trấn Rô-ma đã công bố đến ba lần: “Ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả” (23: 4, 15, 22).

Còn đối với hai phẩm tính “Đấng Thánh và Đấng Công Chính”, đây là hai tước hiệu Kinh Thánh thường đi kèm theo tên của những tôi trung vĩ đại, chẳng hạn như ông Mô-sê (thánh Phê-rô sẽ nêu đích danh Mô-sê trong bài diễn từ này). Hai tước hiệu này vẫn là những tước hiệu Ki-tô học rất cổ xưa, nhưng căn cứ trên lời minh chứng của thánh Phê-rô: Đức Giê-su đã thực hiện ở nơi bản thân Ngài những lời Kinh Thánh: Ngài là Đấng Thánh và Đấng Công Chính mà các ngôn sứ đã tiên báo.

3. Thiên Chúa đã phục sinh Ngài:
Đây là Mặc Khải cốt yếu, lời quả quyết không thể tin được. Vị Tông Đồ còn nhấn mạnh: “Về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. Đoạn, bằng một lý lẽ rất thấm thía, thánh Phê-rô làm yên lòng những người mà thánh Tông Đồ buộc tội: tội ác mà họ đã phạm vì không hiểu biết, thì Thiên Chúa đã sử dụng để  thực hiện kế hoạch của Ngài; họ có thể được hưởng ơn cứu độ và đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, nếu họ sám hối mà trở lại cùng Thiên Chúa.

Chắc chắn lời kêu gọi sám hối này sẽ được lập đi lập lại như một điệp khúc trong các bài diễn từ các Tông Đồ, nhưng lời kêu gọi này được đặt ngay sau việc nêu lên những đau khổ tất yếu mà Đấng Ki-tô phải chịu, mặc lấy một sức mạnh đặc biệt.

BÀI ĐỌC II (1Ga 2: 1-5)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Gioan gởi cho các cộng đồng Ki-tô hữu miền Tiểu Á. Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu này với cung giọng trìu mến của người cha; thánh nhân biết những khó khăn và cuộc chiến đấu của họ chống lại những lạc thuyết đang dấy lên trong cộng đoàn. Thánh nhân muốn soi sáng cho họ và củng cố niềm tin của họ.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi”, lối xưng hô này được lập đi lập lại thường hằng trong thư tạo nên nét đặc trưng của bức thư này. Đây là cách nói biểu lộ tấm lòng trìu mến. Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Tông Đồ đưa ra hai lời khuyên bảo: một liên quan đến cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi và một khác về hiểu biết Thiên Chúa.

1. Cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi (2: 1-2):
Để chiến đấu chống lại tội lỗi, phải nhận ra mình là tội nhân và Đức Giê-su là Đấng Bảo Trợ chúng ta.

A. Nhận ra mình là tội nhân:
Chính vì sự công chính mà Thiên Chúa cứu độ chúng ta và sự công chính cứu độ này có tên gọi là “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính”. Người Ki-tô hữu đích thật biết nhận ra rằng mình là tội nhân, trái với những kẻ tự cho mình là hoàn hảo. Hậu cảnh của những lời kêu gọi đạo lý này mang sắc thái của cuộc bút chiến: những người phổ biến lạc thuyết Ki-tô giáo tự cho mình là tinh tuyền. Họ xuất thân từ những cộng đoàn này và đã gây xáo trộn ở giữa lòng các cộng đoàn. Thánh Gioan đồng hoá họ với những kẻ dối trá khi nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1: 8). Khi phát biểu bằng đại từ: “chúng ta”, thánh Tông Đồ khiêm tốn tự đặt mình vào hàng các người Ki-tô hữu có thể phạm tội.

B. Đức Giê-su là Đấng Bảo Trợ của chúng ta:
“Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính”. Danh xưng “Đấng Bảo Trợ” là từ ngữ pháp lý xuất phát từ động từ Hy-lạp có nghĩa “gọi đến bên cạnh để cứu giúp”. Chúng ta không gặp thấy danh xưng này trong các bản văn Tin Mừng Nhất Lãm cũng như trong các thư của thánh Phao-lô, nhưng chỉ trong các bản văn thuộc truyền thống Gioan. Trong Tin Mừng Gioan, danh xưng “Đấng Bảo Trợ” được dùng để chỉ vai trò của Chúa Thánh Thần (x. Ga 14: 16-20); tuy nhiên, trong thư thứ nhất này, danh xưng này được dùng để chỉ Đức Giê-su Ki-tô, Ngài là Đấng Bảo Trợ của chúng ta, mà thánh Gioan xác định phẩm tính là “Đấng Công Chính”. Phẩm tính này ám chỉ đến sự vô tội của Đức Giê-su, vì thế, không nhắm đến tính chất Công Chính hoàn hảo của Ngài cho bằng đến chức năng thẩm phán của Ngài. Đức Giê-su Ki-tô là Đấng công chính hóa chúng ta, bởi vì Ngài trở nên một người như chúng ta và hiến dâng mạng sống mình làm “của lễ đền bù tội lỗi chúng ta”.

Thánh Gioan dùng kiểu nói: “của lễ đền bù tội lỗi”, gợi lên tức thời hy lễ đền tội của dân Ít-ra-en, nhưng hy lễ này chỉ có hiệu lực xoá tội của vị thượng tế và cộng đoàn Ít-ra-en, còn của lễ đền tội của Đức Giê-su Ki-tô có tầm mức hoàn vũ.

Ở đây cũng thế, ngoài nỗi bận lòng mục vụ của mình, thánh Gioan nhắm đến việc lên án những kẻ lạc giáo, họ phân biệt một Đức Giê-su phàm nhân với một Đức Ki-tô thiên giới. Đức Ki-tô thiên giới trở nên một với Đức Giê-su phàm nhân vào lúc chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, nhưng rồi sẽ rời bỏ Đức Giê-su phàm nhân này vào lúc Khổ Nạn. Vì thế, chính Đức Giê-su phàm nhân, chứ không phải Con Thiên Chúa, chịu chết trên thập giá. Theo thánh Gioan, những ai phủ nhận mầu nhiệm Nhập Thể, hệ luận tất yếu cũng phủ nhận luôn mầu nhiệm Cứu Chuộc.

2. Hiểu biết Thiên Chúa:
Một vấn đề có tính thời sự đặt ra cho các cộng đoàn miền Tiểu Á đang bị các nhà rao giảng ngộ đạo làm chao đảo đức tin của mình là làm thế nào nhận biết Thiên Chúa đích thật. Mục đích cốt yếu của thánh Gioan là làm yên lòng các tín hữu, đem lại cho họ niềm xác tín rằng họ đang ở trên chính lộ. Tiêu chuẩn để nhận biết Thiên Chúa đích thật không cốt ở nơi những suy luận trừu tượng, hay ở nơi thần khải nội tâm, nhưng ở nơi sự hiểu biết thực nghiệm, tức là tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài.

A. Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa:
Các điều răn của Thiên Chúa là những điều răn nào? Ở đây, thánh Gioan xem ra vẫn ở trong tính tổng quát các giáo huấn Tin Mừng; tuy nhiên, xuống dưới một chút, thánh nhân xác định: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (3: 23). Những đòi hỏi này được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt bức thư này, đó là những đòi hỏi mà các nhà ngụy rao giảng không tuân giữ. Ví dụ, các nhà rao giảng ngộ đạo thuyết tự cho mình đạt được một tình trạng hiểu biết về những mầu nhiệm thiên giới, điều này khiến họ khinh thường những người dốt nát không thể đạt đến những phạm vi cao siêu này.

Chính vì thế thánh Gioan nhấn mạnh rằng người Ki-tô hữu phải tin vào Đức Giê-su Ki-tô và tuân giữ điều răn yêu thương, có như thế họ mới có thể vào trong cõi tâm giao với Thiên Chúa, trong mối liên hệ cá nhân với Chúa Cha và Chúa Con. Chúng ta gặp lại ở đây đề tài hiệp thông với Thiên Chúa, đây là đề tài trung tâm của bức thư và là nền tảng của sự hiểu biết chân thật về Thiên Chúa.

B. Hiệp thông với Thiên Chúa:
“Còn hể ai giữ lời Người truyền dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (2: 5). Trong lời phát biểu này “Tình yêu Thiên Chúa” muốn nói lên điều gì? Phải chăng “tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta” thực sự nên hoàn hảo nơi người Ki-tô hữu trung tín; hay là “tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa” trở nên hoàn hảo qua việc tuân giữ điều răn yêu thương?

Chúng ta gặp thấy câu trả lời nhờ một đoạn văn song đối lập lại cùng một kiểu nói: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (4: 12). Như vậy, chính “tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta” mới làm cho chúng ta nên hoàn hảo. Tuy nhiên, xuyên suốt bức thư này, thánh Gioan xem việc tuân giữ các điều răn là bản trắc nghiệm tình yêu của người Ki-tô hữu đối với Thiên Chúa. Lời nhắc nhở này được thánh Tông Đồ lập đi lập lại nhiều lần trong diễn từ Cáo Biệt của Chúa Giê-su: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14: 21).

Quả thật, hai viễn cảnh được đan quyện mật thiết với nhau. Vả lại, hai mệnh để phụ: “Còn hể ai…”“Nếu chúng ta…”  đều dẫn đến cùng một câu kết luận: “Tình yêu Thiên Chúa thực sự nên hoàn hảo”. Mục đích thật sự ở đây là làm cho người Ki-tô hữu thông phần vào cuộc sống thần linh. Đây là ý nghĩa của động từ “ở lại” mà thánh Gioan thường hằng lập đi lập lại.

TIN MỪNG (Lc 24: 35-48)
Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta lắng nghe và suy gẫm những lần Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ Ngài. Vào Chúa Nhật trước, chúng ta đã đọc bài trình thuật của thánh Gioan, vào Chúa Nhật này, chính là bài trình thuật của thánh Lu-ca.

Trước đoạn trích Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca thuật lại cho chúng ta sự kiện Chúa Giê-su Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau. Như vậy, ngày Phục Sinh này là ngày dài nhất: khởi đầu với việc các thánh nữ đến viếng mộ lúc trời vẫn còn tối cho đến tận đêm khuya khi Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Quả thật, Chúa Giê-su chấp nhận đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau suốt ngày hôm ấy. Vào lúc trời đã xế chiều, Ngài đồng bàn với hai ông. Khi cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra Ngài, nhưng Ngài biến mất (x. Lc 24: 29-31). Ngay lúc đó, hai môn đệ này vội vả quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ đang tụ họp tại đó.

1. Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Em-mau:
Xem ra thánh Lu-ca đã cô động những biến cố Phục Sinh vào cùng một ngày. Điều đáng chú ý chính là thánh ký luôn luôn nêu bật chiều kích Giáo Hội ở nơi cử chỉ của hai môn đệ trên đường Em-mau. Chính ở nơi các Tông Đồ mà hai người môn đệ quy chiếu về. Nhóm Mười Một vẫn là những chứng nhân cốt yếu của sự kiện Phục Sinh. Tuy vậy, kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Em-mau không bị giảm thiểu, nhưng đã được củng cố và được thu tóm một cách nào đó vào trong kinh nghiệm cộng đoàn. Vả lại, hai môn đệ này chắc chắn rất thân cận với các Tông Đồ, vì họ biết nơi các Tông Đồ bí mật tụ họp cùng nhau.

Như trong các bài trình thuật biến cố Phục Sinh của Tin Mừng Gioan, ở đây Đức Giê-su cũng bất ngờ xuất hiện giữa các môn đệ Ngài. Thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài, như Ngài sắp chứng tỏ điều đó, vẫn như trước kia khi Ngài còn sống giữa họ, nhưng cũng hoàn toàn khác. Đức Giê-su trở về bên cạnh Chúa Cha trong vinh quang đã không rũ bỏ nhân tính của Ngài. Sau khi sống lại, Đức Giê-su vẫn mãi mãi là Thiên Chúa và con người.

2. Bình an cho anh em:
Lời cầu chúc này, chúng ta đã thấy rồi, còn hơn cả lời chào hỏi thông thường theo phong tục của người Do thái. Đây là bình an thời Thiên Sai, bình an mà Chúa Giê-su đã hứa ban khi Ngài tham dự Tiệc Ly với các môn đệ vào chiều thứ năm trước đó: “Thầy để lại cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14: 27). Bình an mà Đấng Phục Sinh trao ban cho các môn đệ là bình an của Nước Trời, bình an của một đời sống trong Thần Khí sự thật (Ga 16: 13), nhiều lần được gợi lên trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 2: 14; 2: 29; 7: 50; 8: 48; 10: 5-6; 11: 21; 19: 38; 19: 42; 24: 36).

3. Tầm quan trọng của bằng chứng thể lý:
Thánh Lu-ca nhấn mạnh hơn thánh Gioan về nỗi khiếp sợ của các môn đệ, về sự cứng tin của các ông và về những vết thương khổ nạn mà Chúa Giê-su đưa ra để làm bằng chứng cho thấy Ngài thực sự đã sống lại. Thánh ký ngỏ lời với những người Hy-lạp và những người Rô-ma, những người này đã không biết đến Kinh Thánh. Chính vì thế thánh ký không trích dẫn Kinh Thánh, nhưng kể ra việc Chúa Giê-su “ăn một khúc cá nướng” trước mặt các ông.

Xem ra cử chỉ này không là một bằng chứng riêng lẽ. Để nhận ra Đức Giê-su thật sự đã sống lại, đây chỉ là một trong những bằng chứng như thánh Phê-rô sẽ công bố: “Chúng tôi đã cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10: 41). Trong chương 21 Tin Mừng Gioan, vì các môn đệ chưa nhận ra Ngài, Chúa Giê-su đã dọn sẵn một bữa ăn cho các môn đệ Ngài, sau khi các ông đã vất vả đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì cả. Sau mẻ lưới cá lạ lùng, Ngài nói với họ: “Anh em đến mà ăn!”. Xem ra Chúa cùng ăn với họ bánh và cá mà Ngài đã nướng sẵn trên than hồng.

4. Tầm quan trọng của bằng chứng Kinh Thánh:
Bằng chứng Kinh Thánh cũng quan trọng không kém gì bằng chứng thể lý. Chúa Giê-su đã nhấn rất mạnh bằng chứng Kinh Thánh khi Ngài giải thích cho các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (24: 44).

Cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau, Chúa Giê-su cũng soi lòng mở trí cho các Tông Đồ quy tụ ở Giê-ru-sa-lem để các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài cũng như những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nước.

Việc “ôn cố tri tân” này (nhắc lại Cựu Ước để hiểu Tân Ước) được Đấng Phục Sinh ban cho các môn đệ hai lần trong cùng một ngày này (trước hết, hai môn đệ trên đường Em-mau; sau đó, các Tông Đồ quy tụ ở Giê-ru-sa-lem) chắc chắn không thể thiếu được. Trong sách Công Vụ, thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng các Tông Đồ quy tụ chung quanh Đấng Phục Sinh đã hỏi Ngài: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” (Cv 1: 6). Với những tâm trí chậm hiểu này phải nhắc đi nhắc lại mới mong các ông ngộ ra rằng vương quốc mà Kinh Thánh loan báo không là vương quốc Ít-ra-en trần thế, nhưng là vương quốc Thiên Chúa hoàn vũ. Biến cố Phục Sinh không là kết thúc một cuộc mạo hiểm thần linh, nhưng là bắt đầu một công trình bao la mà giờ đây được trao gởi cho các môn đệ thực hiện bằng cách công bố cho muôn dân nước lòng sám hối và ơn tha thứ tội lỗi.

 5. Bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem:
Trong bốn tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca nhấn mạnh nhiều nhất về tầm quan trọng của thành thánh Giê-ru-sa-lem. Thánh ký đã bắt đầu sách Tin Mừng của mình với cuộc truyền tin cho ông Da-ca-ri-a về cuộc sinh hạ của Gioan Tẩy Giả trong đền thờ Giê-ru-sa-lem và kết thúc sách Tin Mừng của mình với cuộc hội ngộ sau cùng của Đấng Phục Sinh với các môn đệ cũng tại thành thánh Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, thánh Lu-ca đánh dấu cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem với những móc điểm rõ nét nhất (“trên đường lên Giê-ru-sa-lem”: 9: 51; 13: 22; 17: 12). Theo thánh Lu-ca, thành thánh Giê-ru-sa-lem là nơi Chúa Giê-su hoàn tất sứ mạng của mình và cũng là nơi Giáo Hội khởi sự thi hành sứ mạng của mình.

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc