Trong cả ba năm phụng vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”.
Cv 13: 14, 43-52
Khi thi hành công việc truyền giáo ở An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba, như những mục tử nhân lành, công bố ơn cứu độ phổ quát cho muôn người.
Kh 7: 9, 14-17
Thị kiến mà sách Khải Huyền mô tả chính xác là thị kiến về đoàn người được tuyển chọn đông đảo khôn kể xiết đứng chầu quanh ngai Thiên Chúa. Con Chiên đang ngự ở giữa họ “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”.
Ga 10: 27-30
Đức Giê-su khẳng định Ngài là vị Mục Tử Thiên Chúa, liên đới với đoàn chiên của Ngài. Chính Ngài cho họ được sống và sống dồi dào trong sự hiệp nhất mật thiết với Chúa Cha.
BÀI ĐỌC I (Cv 13: 14, 43-52)
Phần thứ nhất sách Công Vụ Tông đồ (ch. 1-12), mà chúng ta đã đọc nhiều đoạn trích dẫn trong nhiều Chúa Nhật trước, nêu bật dung mạo Tông Đồ Phê-rô. Trong phần này, thánh Phê-rô loan báo Tin Mừng chủ yếu cho dân Ít-ra-en, ngoại trừ viên đại đội trưởng Rô-ma, ông Co-nê-li-ô và gia quyến của ông, những người Ki-tô hữu đầu tiên được chấp nhận vào Giáo Hội qua phép Rửa chứ không qua phép cắt bì.
Phần thứ hai sách Công Vụ Tông Đồ (ch. 13-28) nêu bật dung mạo thánh Phao-lô, thánh nhân thực hiện sự đột phá lớn lao trong công việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới lương dân. Bản văn chúng ta đọc hôm nay được trích dẫn từ bài trình thuật về cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của thánh Phao-lô. Bản văn này chứa đựng lời tuyên ngôn nổi tiếng của thánh Phao-lô: trước việc dân Ít-ra-en từ khước, thánh nhân quyết định quay về lương dân (13: 46-47).
1. Thánh Ba-na-ba:
Trong những năm tháng khó khăn sau cuộc hoán cải của mình, thánh Phao-lô may mắn gặp được thánh Ba-na-ba. Thánh Ba-na-ba xuất thân từ đảo Síp, nhưng đã đến định cư lập nghiệp ở Giê-ru-sa-lem. Khi trở thành Ki-tô hữu, thánh nhân đã bán hết sản nghiệp của mình và đặt dưới chân các Tông Đồ. Tên thật của thánh nhân là Giô-xếp, nhưng người ta đặt cho thánh nhân biệt danh Ba-na-ba, nghĩa là “con của sự an ủi”. Quả thật, thánh nhân xứng đáng với biệt danh này trong cách hành xử của thánh nhân đối với thánh Phao-lô. Khi thánh Phao-lô lần đầu tiên đến Giê-ru-sa-lem sau biến cố trên đường Đa-mát, kẻ bách hại đạo trước đây được tiếp đón với thái độ dè dặt. Thánh Ba-na-ba biết nhận ra cuộc hoán cải chân thành của thánh Phao-lô và đứng ra bảo lãnh cho thánh nhân trước các Tông Đồ.
Nhiều năm sau đó, thánh Ba-na-ba được cử đến An-ti-ô-khi-a, thành phố lớn chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp, ở đó nhiều người Do thái cũng như lương dân theo đạo càng lúc càng đông (An-ti-ô-khi-a là thành phố đầu tiên có cộng đoàn Ki-tô hữu gốc lương dân). Trước công việc lớn lao, thánh Ba-na-ba nảy sinh sáng kiến đi tìm thánh Phao-lô lúc này ở Tác-xô. Cả hai cùng làm việc ở An-ti-ô-khi-a trong vòng một năm, chắc chắn vào năm 43-44. Đoạn, được Thánh Thần đề xuất, cộng đoàn An-ti-ô-khi-a cử thánh Ba-na-ba và thánh Phao-lô đi truyền giáo (Cv 13: 1-3).
Thánh Ba-na-ba dẫn thánh Phao-lô đến đảo Síp, quê quán của mình. Nhưng chẳng bao lâu sau vai trò của hai người đảo ngược. Thật là có ý nghĩa biết bao, sau cuộc truyền giáo ở đảo Síp, thánh Lu-ca không còn viết Sao-lô nhưng Phao-lô, và không còn đặt ngài ở hàng thứ hai; từ đây thánh Lu-ca viết “ông Phao-lô và ông Ba-na-ba”.
2. Thành An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a:
Từ đảo Síp, hai ông đáp tàu đến miền duyên hãi phía nam thuộc miền Tiểu Á. Đoạn hai ông vượt đèo leo núi đến thành phố An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a ở độ cao 1200 mét. Để đến đó, hai ông phải băng qua đoạn đường 160 cây số, bằng cách vượt qua dảy núi Taurus, do bởi những con đường quanh co hiểm trở có nhiều khe suối, trong một miền đầy sào huyệt của quân trộm cướp. Chắc chắn thánh Phao-lô ám chỉ đến cuộc hành trình gian khổ này trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, trong đó thánh nhân gợi lên mọi nỗi gian truân mà ngài đã kinh qua (2Cr 11: 26).
3. Cộng đồng Do thái:
Thành phố An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a là một trong những thủ phủ Rô-ma thuộc Á Châu và được hưởng quy chế thành phố tự do với những kiến trúc đô thị theo kiểu Rô-ma. Nằm trên trục giao thông, thành phố An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a đã có một nền thương mại phát triển thịnh vượng. Ở đây có một cộng đồng Do thái định cư lập nghiệp và có ảnh hưởng tôn giáo trên cư dân ở đây: có nhiều lương dân nhận ra Thiên Chúa Ít-ra-en là Thiên Chúa độc nhất, tôn kính Ngài, cầu nguyện với Ngài và tham dự vào những công việc từ thiện của cộng đồng; những người này được gọi “những người kính sợ Thiên Chúa”. Những lương dân này sẽ là đám thính giả đông đảo của thánh Phao-lô ở hội đường An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a này.
4. Sứ điệp mang tính lịch sử:
Vào một ngày sa-bát, trong hội đường, lời rao giảng đầu tiên của thánh Phao-lô gây nên lòng mộ mến của nhiều người Do thái cũng như nhiều lương dân kính sợ Thiên Chúa. Vào ngày sa-bát sau đó, những lương dân kính sợ Thiên Chúa này kéo theo một phần lớn dân thành vào trong hội đường để nghe thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba thuyết giáo. Thấy thế, những người Do thái “sinh lòng ghen tức, họ nhục mạ và phản đối những lời của thánh Phao-lô”. Đây là lần đầu tiên người Do thái chống đối thánh Phao-lô. Sẽ có những chống đối khác nữa. Từ lúc này, thánh Phao-lô nhận ra dấu hiệu nghiêm trọng này. Đây là lần đầu tiên thánh nhân nói đến sự từ khước của dân Do thái, mà hệ luận tất yếu là lương dân gia nhập Ki-tô giáo.
Thánh Phao-lô công bố chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng khi nhắc nhớ giáo huấn của các ngôn sứ và áp dụng cho chính mình ơn gọi của Người Tôi Trung: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. Khi nghe sứ điệp của thánh Phao-lô, “lương dân vui mừng suy tôn Lời Thiên Chúa và tất cả những ai đã được Thiên Chúa tiền định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo”. Thánh Lu-ca sử dụng diễn ngữ xuất xứ từ văn chương kinh sư, theo đó người ta thường hay nói “được tiền định cho hưởng cuộc sống mai sau”. Diễn ngữ này không muốn nói đến số phận được tiền định, nhưng nhấn mạnh cuộc sống mai hậu này là ân ban của Thiên Chúa dành cho những ai tin vào Chúa Giê-su.
5. Thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba bị trục xuất:
Chắc chắn, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba lưu lại ở An-ti-ô-khi-a nhiều tháng. Trong thuộc địa Rô-ma này, những người Do thái không có quyền điều hành; họ phải vận động những nhân vật trung gian: sách động những phụ nữ thượng lưu đã theo Do thái giáo, và những người có quyền thế trong thành, xúi dục họ trục xuất hai vị truyền giáo ra khỏi lãnh thổ của họ. Sau khi bị trục xuất, hai ông “liền giũ bụi chân”, cử chỉ nói lên đoạn tuyệt và quy trách nhiệm cho các đối thủ này. Thánh Lu-ca nhấn mạnh một lần nữa mối phúc của những người bị bách hại: “Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và ơn Thánh Thần”.
BÀI ĐỌC II (Kh 7: 9, 14-17)
Chúng ta tiếp tục đọc sách Khải Huyền của thánh Gioan. Đoạn trích dẫn hôm nay rất phù hợp với Tin Mừng, trong đó Đức Giê-su công bố Ngài là Mục Tử đích thật. Thị kiến mô tả Con Chiên là Đức Ki-tô ở giữa những người được tuyển chọn như Người Mục Tử ân cần trao ban sự sống đời đời cho đoàn chiên của mình.
Chương 7 sách Khải Huyền chứa đựng hai thị kiến liên tiếp nhau: thị kiến thứ nhất về Giáo Hội chiến đấu, trong đó các Ki-tô hữu được đóng ấn ơn cứu độ trước khi đương đầu với những nỗi gian truân; thị kiến thứ hai là đối tượng của bản văn chúng ta.
1. Một đoàn người thật đông không tài nào đếm được:
Trong khi xuất thần, thánh Gioan được đưa lên trời ở đó diễn ra một phụng vụ vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa và Con Chiên. Đoàn người được tuyển chọn thật đông không tài nào đếm được như dòng dõi mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham. Ơn cứu độ phổ quát được các ngôn sứ loan báo, được Con Chiên đạt được nhờ hiến dâng mạng sống mình “cho muôn người”, được đám đông “thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ” chứng thực. “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”: “Họ đứng”: dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, “mình mặc áo trắng”: dấu chỉ của sự vô tội, và “tay cầm nhành lá thiên tuế”: dấu chỉ của sự khải hoàn.
2. Cơn thử thách lớn lao:
Một trong các Kỳ Mục giải thích: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao”. Theo từ ngữ của các sách khải huyền, “cuộc thử thách lớn lao” chỉ những nỗi gian truân của thời cánh chung. Trước đây, Đức Giê-su đã gợi lên điều này khi Ngài nói với các môn đệ: “khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa” (Mt 24: 21).
Viễn cảnh của các sách khải huyền chủ yếu là cánh chung, nhưng được “lồng vào nhau” giữa hiện tại và tương lai. Các ngôn sứ nói về kỷ nguyên thiên sai theo cùng những từ ngữ như thế nào thì họ mô tả kỷ nguyên cánh chung theo cùng một cách thức như vậy. Sách Khải Huyền của thánh Gioan ngỏ lời với những người Ki-tô hữu bị bách hại đang đối mặt với cái chết vì đạo. Như chúng ta đã nói, sách này là một tác phẩm “được mã hóa”, theo đó ngôn từ hàm chứa hai cách đọc. Cuộc thử thách lớn lao ám chỉ đến cái chết khủng khiếp đang chờ đợi họ và những nhành lá thiên tuế mà họ đang cầm trong tay muốn nói cuộc khải hoàn của họ sắp đến gần: họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên vì họ đã dự phần vào cuộc Tử Nạn của Ngài bằng cách chấp nhận đổ máu mình để làm chứng cho Ngài.
3. Thờ phượng muôn đời:
“Họ đứng chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người”. Chương 7 sách Khải Huyền tham dự trước các chương 20-22, các chương này mô tả thành đô Giê-ru-sa-lem trên trời. Thế nên, trong thành đô Giê-ru-sa-lem mới, không còn có Đền Thờ “vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành” (Kh 21: 22). Đây là một trong những phương thức của tác giả là dùng những biểu tượng Cựu Ước để diễn tả những thực tại mới: Đền Thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, dấu chỉ bất toàn này rồi sẽ biến mất. Từ đó, Thiên Chúa đích thân vĩnh viễn hiện diện giữa dân Ngài và họ chúc tụng Ngài luôn mãi.
4. Thiên Chúa ở cùng chúng ta:
Kinh Thánh được ứng nghiệm theo từng lời: con người được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, Người chấm dứt mọi nỗi truân chuyên của họ: “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”. Câu này rõ ràng trích dẫn gần như nguyên văn của Is 49: 10, nhưng thật đáng cho chúng ta lưu ý, tác giả sách Khải Huyền đã thay thế “Đấng” quy chiếu đến Đức Chúa trong bản văn Is 49: 10 bằng “Con Chiên” chỉ Đức Ki-tô. Con Chiên là nguồn gốc niềm hoan lạc của họ và Con Chiên này “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”.
Bản văn Khải Huyền này cũng được đọc lại vào ngày lễ Chư Thánh để nhắc nhớ niềm hy vọng lớn lao của người Ki-tô hữu.
TIN MỪNG (Ga 10: 27-30)
Vào Phụng Vụ Năm C này, chúng ta đọc phần thứ ba và phần sau cùng của dụ ngôn “Người Mục Tử Nhân Lành” theo Tin Mừng Gioan.
1. Bối cảnh:
Phần sau cùng này rõ ràng được tách riêng ra khỏi những khai triển trước đó: hoàn cảnh, thời gian, nơi chốn không như trước nữa. Quả thật, những câu 22-24 định vị dụ ngôn này vào trong bối cảnh của cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu: “Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-mon. Người Do thái vây quanh Đức Giê-su và nói: ‘Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết’”.
Ấy vậy, vào lúc cử hành lễ Cung Hiến Đền Thờ, trong phụng vụ người ta đọc chương 34 của ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Trong chương 34 này, Thiên Chúa truyền lệnh cho vị ngôn sứ tuyên sấm hạch tội những mục tử chăn dắt Ít-ra-en, vì họ chỉ biết lo cho lợi ích của mình mà không quan tâm gì đến cảnh sống cùng khổ của đoàn chiên Người: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đoàn chiên còn lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên bị lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34: 1-6). Vì thế, vị ngôn sứ loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đích thân chăm sóc đoàn chiên của Người: “Đức Chúa phán thế này: ‘Đây chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta…Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi…Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó…” (Ed 34: 11-16).
Những người đối thoại với Đức Giê-su đã nghe nhắc lại sứ điệp của vị ngôn sứ. Để trả lời câu hỏi của họ: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”, Đức Giê-su tự đồng hóa mình với vị Mục Tử Thiên Chúa này mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã hứa. Lời công bố này khiến họ phẩn uất đến mức muốn ném đá Ngài như đoạn tiếp theo cho thấy.
2. “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi”:
“Chiên Tôi thì nghe tiếng tôi”: Đây là thái độ của các môn đệ Ngài. Đức Giê-su đối lập thái độ này với thái độ của những đối thủ Ngài. Trước đây, Ngài đã nói cho họ: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa” (8: 47). Qua lời này, Đức Giê-su công bố một cách rõ ràng rằng Ngài chính là Lời Thiên Chúa hiện thân.
3. “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”:
Trước đây, Đức Giê-su đã khai triển sâu xa về sự hiểu biết hổ tương giữa người chăn chiên và đoàn chiên; động từ “biết” theo Kinh Thánh hàm chứa chuyển động của cả trí tuệ lẫn con tim; sự hiểu biết này dẫn đến niềm tin tưởng phó thác: “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Xuyên suốt Tin Mừng, động từ “theo” định nghĩa thái độ căn bản của người môn đệ, gắn bó với con người Đức Ki-tô.
4. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”:
Ở đây chúng ta chạm đến cao điểm của dụ ngôn, vang dội biến cố Phục Sinh. Đức Giê-su có thể thông truyền cho con người sự sống thần linh của Ngài vì Ngài sắp hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên của Ngài: “Không bao giờ chúng phải diệt vong”. Không quyền lực nào có thể phân ly mối quan hệ hiệp nhất giữa người chăn chiên và đoàn chiên, vì mối giây liên kết này được thiết lập trên sự hiệp nhất của Đức Giê-su với Cha Ngài: “Tôi và Chúa Cha là một”. Trong Tin Mừng Gioan, nhiều lần Đức Giê-su khẳng định một lòng một dạ giữa Ngài và Cha Ngài. Đây là mặc khải quan trọng và rõ ràng nhất về Thần Tính của Chúa Giê-su và mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa. Đây cũng là câu trả lời cho bè A-ri-ô về việc chối bỏ Thần Tính của Đức Giê-su. Cũng dựa trên lời này, Công Đồng Ni-xê-a năm 325 tuyên tín: Chúa Cha và Chúa Con đồng bản tính.
Chiều kích Giáo Hội của dụ ngôn thì rõ ràng. Những người Ki-tô hữu là đoàn chiên, họ gặp thấy ở nơi Đức Ki-tô ơn cứu độ của mình và sự sống thần linh phong phú. Qua Ngài, họ hiệp nhất dứt khoát vĩnh viễn với Chúa Cha. Phải đọc lại chầm chậm dụ ngôn và để cho lòng mình thấm đẩm tâm tình trìu mến yêu thương của Thiên Chúa mà dụ ngôn này làm chứng.
Ý kiến bạn đọc