banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Đăng lúc: Thứ hai - 25/01/2021 19:50 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Đnl 18: 15-20; 1Cr 7: 32-35; Mc 1: 21-28
 

Trong Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B, Bài Đọc I và Tin Mừng minh chứng rằng Đức Giê-su đến để thực hiện một trong những niềm mong đợi của dân Ít-ra-en: chính Ngài là vị Ngôn Sứ tuyệt hảo xuất thân từ họ và ở giữa họ.

Đnl 18: 15-20
Theo sách Đệ Nhị Luật, ông Mô-sê cảnh giác dân Ít-ra-en coi chừng những “ngôn sứ mạo danh”, nhưng đồng thời ông cũng loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ban cho dân Ngài một vị ngôn sứ đích thật. Vị Ngôn Sứ này sẽ là “Phát Ngôn của Thiên Chúa” bên cạnh dân Ngài.

1Cr 7: 32-35
Trong đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh nhân đề cập đến đời sống hôn nhân và đời sống độc thân.

Mc 1: 21-28
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô giới thiệu Đức Giê-su có quyền năng trong lời nói cũng như việc làm; Ngài là Phát Ngôn của Thiên Chúa bên cạnh dân Ngài, đồng thời là Phát Ngôn của dân Ngài bên cạnh Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I (Đnl 18: 15-20)
Sách Đệ Nhị Luật là cuốn sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư mà dân Do thái gọi là sách “To-ra”, nghĩa là sách “Luật”.

Nhan đề: “Đệ Nhị Luật”, có nghĩa “luật thứ hai” (“Thứ luật”). Quả thật, sách nầy được đặt vào trong bối cảnh ông Mô-sê nhắc lại những lời dạy của Đức Chúa cho dân Ít-ra-en như những lời trăn trối sau cùng, bản di chúc của ông, trước khi qua đời. Sách được soạn thảo vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên. Như vậy, việc khai triển Luật được định vị vào trong việc nối dài giáo huấn của ông Mô-sê. Điều nầy muốn nói rằng có một sự liên tục và trung thành với Luật; uy quyền của Luật luôn luôn được đặt dưới sự bảo lãnh của người khởi xướng. Thật ra, sách Đệ Nhị Luật phản ảnh bối cảnh dân Ít-ra-en định cư lập nghiệp ở xứ Ca-na-an hơn năm thế kỷ rồi. Vì thế, bầu khí hăng say nhiệt thành thuở ban đầu đã lắng xuống. Tuy nhiên, nhờ độ nhạy bén của những sấm ngôn, tâm tình tôn giáo lại được hâm nóng trở lại.

1. Định chế ngôn sứ.
Đoạn văn nầy được trích từ một diễn từ dài của ông Mô-sê trong đó ông tiên báo định chế quân chủ và định chế ngôn sứ. Đoạn trích hôm nay nêu lên định chế ngôn sứ. Theo văn mạch, trong một đoạn văn trước đó, ông Mô-sê vừa mới căn dặn rằng nếu dân chúng muốn tôn một người lên làm vua, thì người đó không phải là một người ngoại quốc, nhưng phải là một người trong số họ, được Thiên Chúa chọn (Đnl 17: 14-15).

Trong đoạn trích hôm nay, cũng một cách đề phòng như vậy đối với một ngôn sứ. Dân chúng không được đi tìm kiếm một nhân vật ngoại quốc nào khác thực hành ma thuật, bùa chú, bói toán, hay gieo quẻ xem xăm, vân vân. Chính “từ giữa đồng bào của anh em” mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện ngôn sứ của Ngài, người ấy sẽ là phát ngôn của Ngài bên cạnh dân Ngài: “Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy”.

Đây không phải là lời tiên báo về một ngôn sứ độc nhất, nhưng về những ngôn sứ mà mỗi lần dân chúng cần đến một người trung gian như ông Mô-sê. Vì thế, ông Mô-sê đã tiên báo trào lưu ngôn sứ một cách khái quát, như câu trích sau cùng nói lên cách rõ ràng hơn: “Ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết”.

Sau nầy, khi trào lưu ngôn sứ đã biến mất, người ta sẽ đọc lại bản văn này theo một cách khác và người ta sẽ hiểu lời tiên báo nầy về một vị ngôn sứ vĩ đại vào thời Thiên Sai, một Mô-sê mới. Đó là lý do tại sao những người được Giáo Quyền Giê-ru-sa-lem cử đến hỏi ông Gioan: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” (Ga 1: 21).

2. Thấy Thiên Chúa mà vẫn sống.
Lời tiên báo nầy đáp lại nguyện ước của dân chúng. Trên đỉnh núi Xi-nai, Thiên Chúa đã tỏ mình ra và phán dạy trực tiếp với dân chúng khiến họ khiếp sợ nên cầu xin ông Mô-sê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20: 19).

Đây là sự sợ hãi linh thánh rất phổ biến vào thời đó, vì người ta tin rằng không ai thấy thần linh mà có thể vẫn sống. Giữa thần linh và phàm nhân có một khoảng cách vô tận đến mức con người như bị tan biến vào trong cõi hư vô. Vì thế, khi đặt của dâng cúng trên bàn thờ, tín đồ không được nhìn ngoái lại đằng sau kẻo chẳng may nhìn thấy thần linh đến nhận của lễ mà mình phải chết chăng. Có rất nhiều giai thoại cấm nhìn lại đằng sau như bà vợ của ông Lót vì “ngoái lại đằng sau mà hóa thành cột muối” (St 19: 26) hay ngôn sứ Ê-li-a lấy áo choàng che mặt khi gió hiu hiu thổi báo hiệu sự hiện diện của Đức Chúa; vì thế, ông chỉ nghe tiếng chứ không nhìn thấy hình (1V 19: 12-13).

Bản văn Đệ Nhật Luật nầy, được đọc trong ánh sáng Tân Ước, mặc lấy tất cả mọi chiều kích của nó. Đức Giê-su là vị Ngôn Sứ đã được ông Mô-sê tiên báo. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, Phát Ngôn trung thành của Chúa Cha, Đấng Trung Gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và con người. Ngoài ra, Đức Giê-su chính là hiện thân của Thiên Chúa ở giữa loài người mà con người có thể tiến lại gần, chẳng những không phải chết, trái lại được đón nhận “hết ân nầy đến ân khác” của Ngài nữa (Ga 1; 16).

BÀI ĐỌC II (1Cr 7: 32-36)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Trong đoạn trích hôm nay, thánh nhân ca ngợi đời sống độc thân trổi vượt trên đời sống hôn nhân, vì người sống đời độc thân mới có thể tận tâm tận lực “chuyên lo việc Chúa”. Có hai cách giải thích thái độ của thánh nhân trong việc đề cao đời sống độc thân và giảm nhẹ đời sống hôn nhân.

1. Kinh nghiệm bản thân.
Cách giải thích thứ nhất từ chính kinh nghiệm bản thân của thánh nhân. Với tư cách là người lữ hành của Thiên Chúa, thánh Phao-lô rong ruỗi trên khắp mọi nẽo đường, tận tâm tận lực chu toàn “sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. Vì thế, trong một đoạn văn trước đó, thánh nhân không ngần ngại viện dẫn đời sống độc thân của mình ra làm gương: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi” (1Cr 7: 7).

2. Quan niệm văn hóa và xã hội.
Cách giải thích thứ hai từ quan niệm văn hóa thời đó, đặc biệt vị thế của người phụ nữ trong xã hội xưa. Thánh nhân vừa mới nói một cách tế nhị về đời sống hôn nhân và những bổn phận hỗ tương giữa chồng và vợ, cũng như nhắc nhở họ mối giây ràng buộc bất khả phân ly của hôn nhân. Từ đó suy ra rằng đời sống độc thân giải phóng chúng ta khỏi những mối dây ràng buộc trong đời sống vợ chồng và con cái, vì thế chúng ta được hoàn toàn tự do trong việc “chuyên lo phục vụ Chúa”.

Chuyện vợ chồng giúp nhau thăng tiến đời sống tâm linh trong việc chuyên lo phụng sự Chúa không thể không nẩy sinh trong tâm trí thánh nhân. Tuy nhiên, theo quan niệm văn hóa và xã hội vào thời thánh nhân, chủ nghĩa thượng tôn nam giới tạo nên rào cản cho sự phát triển về quyền bình đẳng giữa chồng và vợ trong đời sống gia đình Ki-tô giáo. Thật ra, môi trường Cô-rin-tô thấm nhuần văn hóa Hy lạp, vì thế những người phụ nữ hưởng được một sự tự do khiến thánh nhân kinh ngạc. Chính trong bức thư nầy, thánh nhân nhắc nhở các người phụ nữ phải trùm khăn che đầu và không được lên tiếng trong các buổi hội họp cộng đồng, vì người nữ phải giữ thái độ im lặng và phục tùng, vân vân. Về quan điểm nầy, thánh Phao-lô vẫn chịu ảnh hưởng rất sâu đậm những quan niệm Do thái giáo kém tiến bộ. Tuy nhiên, thánh nhân biết công bố quyền bình đẳng của tất cả con cái Thiên Chúa: “Trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam” (1Cr 11: 11).

TIN MỪNG (Mc 1: 21-28)
Sau khi kêu gọi các môn đệ đầu tiên và được họ đáp trả một cách quảng đại và mau mắn (Chúa Nhật vừa qua), Đức Giê-su tiếp tục con đường của mình. Ngài đi dọc theo bờ hồ đến thành Ca-phác-na-um.

1. Thành Ca-phác-na-um.
Thành Ca-phác-na-um hưởng được một vị thế địa lý đặc biệt: giáp ranh giới với ba nước: Sy-ri, Phê-nê-xi, Pa-lét-tin, và có một đại lộ chạy từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mát. Vì thế, thành phố được mệnh danh là “Ngã Tư Quốc Tế”. Chính thành này Đức Giê-su sẽ thiết lập cứ điểm truyền giáo của Ngài, dấu chỉ hàm ẩn chiều kích phổ quát sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-su bắt đầu giảng dạy trong các hội đường như sau nầy các Tông Đồ và cả thánh Phao-lô cũng sẽ theo gương Ngài.

Hội đường là nơi các tín hữu tụ họp và cầu nguyện. Chỉ ở Giê-ru-sa-lem mới có đền thờ và hàng giáo sĩ, ở đó các tín hữu mới có thể dâng hy lễ lên Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Vào ngày Sa-bát, các tín hữu tụ họp ở hội đường, luôn luôn vào buổi sáng, để cử hành phụng vụ Lời Chúa (các bản văn Luật và các sách ngôn sứ), hát thánh thi chúc tụng, ngâm thánh vịnh và cầu nguyện. Mọi tín hữu, hoặc tự nguyện hay được chỉ định, có thể công bố và giải thích những bản văn Kinh Thánh. Chính như vậy mà Đức Giê-su được mời công bố và giải thích Kinh Thánh vào một buổi phụng vụ sa-bát ở hội đường Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng.

Thánh Mác-cô tường thuật cho chúng ta hai hoạt cảnh diễn ra trong hội đường Ca-phác-na-um. Một mặt, thánh ký bận tâm phác thảo diện mạo của Đức Giê-su, nêu bật uy quyền đặc biệt mà người ta nhận ra ở nơi Ngài: Đức Giê-su xuất hiện không chỉ với uy quyền của Ngôi Lời Thiên Chúa, chủ tể của Kinh Thánh, nhưng cũng với uy quyền của một con người thanh khiết và hoàn hảo đến nổi không bất kỳ sự thâm hiểm gian ác nào có thể chịu đựng nổi sự hiện diện của Ngài. Mặt khác, ngay từ đầu, thánh Mác-cô cũng nêu bật hai phương cách tiến hành thường hằng mà Đức Giê-su sẽ thực hiện trong suốt sứ vụ của Ngài: giảng dạy và dấu chỉ kèm theo, qua đó người ta nhận ra mầu nhiệm của Ngài: Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm, hay đúng hơn Đấng có uy quyền trong lời nói được minh chứng qua việc làm.

2. Cách thức Đức Giê-su giảng dạy:
“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Các kinh sư thường nhất là những người có bằng cấp học vị, được đào tạo trường lớp về những cách thức giải thích Kinh Thánh một cách tinh tế và uyên bác. Vì thế, những giáo huấn của họ dựa trên những truyền thống của các bậc kinh sư danh tiếng của họ. Riêng Đức Giê-su, Ngài không xuất thân từ bất cứ trường lớp nào và cũng không quy chiếu đến bất kỳ “bậc kinh sư” nào. Ngài giải thích và khai triển Kinh Thánh từ uy quyền của riêng Ngài và loan báo rằng mọi điều Kinh Thánh loan báo đều được ứng nghiệm ở nơi Ngài.

3. Dấu chỉ kèm theo:
Không ai có thể buộc tội Ngài về bất cứ điều gì, đây là một sự mới lạ khiến Xa-tan phải tò mò muốn biết. Rồi, trong hoang địa, nó đã thử hiểu mầu nhiệm của con người nầy; ở Ca-pha-na-um, nó bày tỏ qua một người bị quỷ ám khốn khổ. Đối mặt với Đức Giê-su, tên hiểm ác phải công khai nhìn nhận sự thật và sự thật khiến nó phải nao lòng chột dạ: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Đức Giê-su buộc nó phải câm lặng.

Hoạt cảnh Ca-pha-na-um không là duy nhất, nhưng còn xảy ra nhiều lần ở những nơi khác nữa. Chính thánh ký nói với chúng ta: “Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1: 34).

4. Mầu nhiệm của Đức Giê-su.
Đức Giê-su vẫn còn muốn giữ riêng bí mật về con người Ngài, vì sợ người ta hiểu lầm sứ mạng của Ngài. Thánh Mác-cô nhấn mạnh nhiều lần Đức Giê-su muốn bảo vệ mầu nhiệm của Ngài. Đó là điều mà các nhà chú giải gọi “bí mật Đấng Thiên Sai” theo Tin Mừng Mác-cô. Quả thật, trong suốt Tin Mừng nầy, Đức Giê-su kiên quyết bắt ma quỷ không được hé lộ chân tính của Ngài, cũng như Ngài cấm những người được chữa lành và ngay cả các môn đệ của Ngài không được tuyên xưng phẩm tính Thiên Sai của Ngài.

Thật không khó để hiểu được thái độ nầy của Đức Giê-su. Đấng Thiên Sai mà dân chúng biết bao mong đợi khác với hình ảnh mà Ngài sắp thực hiện: một Đấng Thiên Sai “nhân hậu và khiêm hạ tận mức”, theo hình ảnh của một Người Tôi Trung chịu đau khổ. Mầu nhiệm nầy chỉ có thể được bày tỏ một cách rực rỡ ở nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc