banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

Đăng lúc: Thứ ba - 09/02/2021 20:08 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên B

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên năm B có chung một chủ đề:  sự thanh sạch và sự ô uế.

Lv 13: 1-2, 44-46
Đoạn trích sách Lê-vi cho thấy nỗi đau khổ mà người bị bệnh phong hủi phải gánh chịu như thế nào. Người phong hủi đau đớn không chỉ về phần xác nhưng cả phần hồn nữa, vì bệnh ấy bị coi là hình phạt do tội lỗi gây nên. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành bệnh phong hủi mà thôi.

1Cr 10: 31-11: 1
Trong đoạn trích thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho thấy sự tự do của người Ki-tô hữu vượt lên trên vấn đề thanh sạch và ô uế như những lệnh cấm thức ăn. Bởi lẽ Chúa Ki-tô đến để giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ.

Mc 1: 40-45
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không ngại chạm đến người phong hủi để chữa lành anh ta. Ngài cũng đối xử những tội nhân như vậy. Ngài đến để thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi.

BÀI ĐỌC I (Lv 13: 1-2, 44-46).
Sách Lê-vi là quyển sách thứ ba trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh được gọi là Ngũ Thư hay sách Luật (To-ra). Theo truyền thống, Ngũ Thư nhận được nguồn gợi hứng lên đến tận ông Mô-sê.

Sách Lê-vi là bộ luật Tư Tế hay Lê-vi, được gọi như vậy vì những tư tế đều thuộc chi tộc Lê-vi. Xưa kia, chi tộc Lê-vi chỉ định các tư tế phục vụ những đền thánh khác nhau, khi phụng tự được tập trung vào một nơi, họ phục vụ Đền Thánh Giê-ru-sa-lem. Sau nầy, có một sự phân chia giữa các tư tế chuyên lo phụng sự Đền Thánh và các thầy Lê vi đảm nhận những công việc thứ yếu, như chúng ta gặp thấy trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành (Lc 10: 31-32).

1. Nỗi khốn cùng về phương diện xã hội:
Bộ luật tư tế nầy dành chương 13 cho “luật thanh sạch”. Tất cả những ai mắc phải những triệu chứng phong hủi, bao gồm cả các chứng bệnh ngoài da, đều là những người ô uế, vì thế phải bị cách ly ra khỏi thành phố, làng mạc và không được tiếp xúc với bất kỳ ai.

Cách ăn mặc cũng như kiểu tóc là dấu hiệu đẳng cấp xã hội. Vì thế, kẻ bị khai trừ cũng phải ăn mặc rách rưới, đầu tóc bù xù, phải che mặt và kêu lớn tiếng: “Ô uế! Ô uế!” để mọi người biết sự hiện diện của mình mà tránh.

2. Nỗi khốn cùng về phương diện tinh thần:
Khái niệm về thanh sạch và ô uế chung cho tất cả mọi tôn giáo cổ xưa. Khái niệm nầy liên kết chặc chẻ với ý tưởng thánh thiêng. Dân Ít-ra-en cốt yếu là một cộng đoàn thánh, một cộng đoàn phụng tự, vì thế, những ai ô uế không được tham dự lễ tế, bị loại ra khỏi đời sống phụng vụ.

Bệnh phong hủi gợi ra không những sự ghê tởm về mặt thể lý, nhưng còn một hậu ý luân lý được nối kết vào đây: bệnh phong hủi là dấu chỉ của tội lỗi. Về phương diện tinh thần, bệnh phong hủi được xem như hình phạt do tội lỗi gây nên. Vì thế, chỉ những tư tế mới có thẩm quyền áp dụng những quy định đối với người phong hủi: “Nếu trên da thịt người nào có những triệu chứng bệnh phong cùi, thì phải đem người ấy đến với thầy tư tế”.

Những người phong hủi bị coi là “đồ ô uế”, “đồ bỏ đi”, “kẻ bị khai trừ”, những người mà Cựu Ước thường gọi họ “ai thấy cũng che mặt không nhìn”. Vì thế, “Người Tôi Trung của Đức Chúa” được mô tả như một người phong hủi, vì Ngài gánh tội và đền tội cho muôn người (x. Is 53: 3).

Đó là thân phận bi thương cùng cực của những người phong hủi được mô tả trong đoạn trích sách Lê-vi này. Họ đau đớn không chỉ về mặt thể xác: bệnh phong hủi ăn sâu trên da thịt mình; nhưng cả về mặt xã hội: vì là chứng bệnh truyền nhiễm, họ bị loại ra ngoài đời sống xã hội; lẫn về mặt tinh thần: vì được coi là những người tội lỗi, bị khai trừ khỏi đời sống phụng vụ và không được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 31-11: 1)
Đoạn trích thư thánh Phao-lô nầy làm chứng cho một cuộc cách mạng. Thánh nhân ngầm nhắc nhở các Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái rằng không có bất kỳ phân biệt nào giữa thức ăn thanh sạch hay thức ăn ô uế. Điều cốt yếu là tạ ơn Thiên Chúa, vì mọi thức ăn đều do Thiên Chúa ban để con người hưởng dùng. Thêm nữa, không có hành động nào là vô tình. Tất cả những gì chúng ta làm là để tôn vinh Thiên Chúa.

1. Vấn đề ăn thịt cúng:
Sách Lê-vi đưa ra nhiều lệnh cấm về thức ăn mà dân Ít-ra-en phải tuân giữ. Vào thời thánh Phao-lô, những người Ki-tô hữu gốc Do thái đã từ bỏ luật Mô-sê và không còn bận lòng về vấn đề này nữa. Tuy nhiên có một vấn đề khác được đặt ra cho họ, nhưng cũng cho những người Ki-tô hữu gốc lương dân: người ta có được phép ăn thịt mà lương dân dâng cúng cho các thần linh của họ không?

2. Giải pháp của thánh Phao-lô:
Đoạn trích nầy là lời kết của một đoạn văn dài, đồng thời cũng là bản tóm tắt. Những ám chỉ ở đây cần được soi sáng.
“Anh em đừng làm gương xấu cho bất kỳ ai”. Quả thật, người Ki-tô hữu hoàn toàn tự do dùng bất cứ thức ăn nào, vì thế họ có thể gây nên gương xấu. Thế nên cần phải thận trọng khi ăn khi uống.

Để hiểu được câu trả lời của thánh Phao-lô về vấn đề này, chúng ta biết rằng thánh nhân thường đẩy cuộc tranh luận lên cao và tinh thần hóa những mối quan tâm. Trong thư thứ nhất gởi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô diễn tả tư tưởng của mình rất rõ ràng: “Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1Tm 4: 4).

Ngay ở 1Cr 10: 25-30 trước đoạn trích hôm nay, thánh nhân triển khai lời dạy của mình một cách tế nhị như sau: nếu có người ngoại giáo nào mời anh em, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần đặt vấn đề lương tâm. Nhưng nếu có người báo trước cho anh em: “Đây là của cúng”, thì anh em đừng ăn, không phải anh em không được phép ăn, nhưng để tránh gây gương xấu cho người đó trên con đường hiểu biết Ki-tô giáo. Đối với người Do thái không cải đạo cũng vậy, hãy cẩn trọng đừng gây gương xấu cho người ấy. Nói cách khác, phải “thích nghi vào mọi hoàn cảnh” với mối quan tâm duy nhất, đó là “cứu độ người khác”. Đây là luật vàng của Đức Ái.

TIN MỪNG (Mc 1: 40-45)
Thánh Mác-cô tiếp tục kể cho chúng ta sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su khắp miền Ga-li-lê và nhấn mạnh những “dấu chỉ” kèm theo, đặc biệt việc chữa lành bệnh hoạn tật nguyền. Trong đoạn văn nầy, Chúa Giê-su chữa lành một người phong hủi.

Bài Đọc I đã mô tả cho chúng ta hoàn cảnh bi thương cùng cực mà người phong hủi phải chịu dưới Luật Mô-sê. Trong đoạn Tin Mừng nầy, Chúa Giê-su vừa vượt qua Lề Luật vừa tuân thủ Lề Luật. Cuộc gặp gỡ của Ngài với người phong hủi bày tỏ sự đồng cảm sâu xa của Ngài, đồng thời cũng cho thấy quyền năng siêu việt ở nơi Ngài.

1. Vượt qua Lề Luật:
Trước hoàn cảnh đáng thương của một người phong hủi bị xem là đồ ô uế và bị cách ly khỏi xã hội và tôn giáo, không ai dám đến gần, Đức Giê-su “chạnh lòng thương”. Đây là diễn ngữ mà Tân Ước thường dành riêng cho Đức Giê-su để diễn tả sự đồng cảm tận đáy lòng đến mức Ngài phải ra tay hành động, không thể khoanh tay đứng nhìn, như Đức Giê-su “chạnh lòng thương” một bà góa có người con trai một qua đời (Lc 7: 13) hay Đức Giê-su “chạnh lòng thương” hai người mù tại Giê-ri-cô (Mt 20: 34).

Thật ra, nhiều lần Ngài để lộ mối quan tâm của Ngài đối với những người phong hủi và xem việc chữa lành phong hủi như một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai. Với những môn đệ được Gioan Tẩy giả sai đến, Ngài nói: “Các ngươi cứ về thuật lại cho Gioan Tẩy Giả những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong hủi được sạch…” (Lc 7: 22; Mt 11: 5). Với các môn đệ Ngài sai đi truyền giáo, Ngài vạch ra như một chương trình hành động: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh…” (Mt 10: 8). Một ngày kia, Đức Giê-su chữa lành một nhóm mười người phong hủi (Lc 17: 11-9).

Đức Giê-su không ngại vượt lên trên các tập tục và các quy định của Lề Luật khi giơ tay chạm đến người phong hủi. Đức Giê-su biết và Ngài sẽ nói thẳng ra: điều làm cho con người ra ô uế không đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong, tức là những tư tưởng gian tà ở trong lòng của con người. Đó mới thật sự làm cho con người ra ô uế (Mt 15: 17-20).

2. Tuân thủ Lề Luật:
Đồng thời, Đức Giê-su cho thấy Ngài trung thành tuân thủ Lề Luật khi bảo người phong hủi: “Hãy trình diện tư tế, và vì anh đã được khỏi bệnh, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm bằng chứng cho người ta”. Quả thật, chỉ vị tư tế mới có thể cho phép anh ta gia nhập trở lại đời sống cộng đoàn sau khi chứng thực anh khỏi bệnh và chu toàn “nghi thức thanh tẩy” như luật định.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn cảnh báo anh cách nghiêm khắc: “Coi chừng không được nói gì cho ai cả”. Chúng ta lại gặp thấy ở nơi Đức Giê-su cùng một thái độ như trước đây: tránh sự cuồng nhiệt của đám đông làm phương hại đến sứ mạng của Ngài. Tuy nhiên, vì người phong hủi đã không tuân giữ lệnh im lặng nầy, nên “Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi vắng vẻ ngoài thành”. Làm thế nào anh ta có thể kiềm chế niềm vui được tái sinh mà anh vừa mới lãnh nhận từ Ngài được chứ?

3. Bệnh phong hủi của tâm hồn:
Thật ra, Đức Giê-su đối xử người phong hủi như thế nào, thì Ngài cũng đối xử những người tội lỗi cũng như vậy. Ngài không ngần ngại giao tiếp với họ. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy Ngài để cho một phụ nữ tai tiếng đụng chạm đến mình (Lc 7: 38), và thậm chí Ngài còn đồng bàn với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi (Lc 15: 1-3). Như vậy, Ngài bảo đảm với chúng ta: Ngài không ghê tởm tội lỗi của chúng ta, Ngài không muốn khai trừ chúng ta, ngược lại Ngài công bố: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9: 12; Mc 2: 17).

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc