AI MUỐN THEO TÔI
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên B: Mc 8, 27-35
Trước câu hỏi của Thầy Giêsu: “Anh em nói Thầy là ai?”
Phêrô đại diện cho cả nhóm đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Câu trả lời này đã mở ra một giai đoạn mới,
vì từ nay Thầy Giêsu không còn giảng bằng dụ ngôn nữa.
Thầy sẽ bắt đầu nói thẳng về những biến cố sắp xảy ra.
Khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia,
Phêrô đã khẳng định một điều hết sức quan trọng.
Dân Israen đã chờ Đấng Mêsia cả sáu thế kỷ.
Họ mong Đấng ấy đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ,
cho đất nước được độc lập, hạnh phúc, ấm no.
Họ vẫn chờ một vị vua thuộc dòng tộc Đavít lên ngôi,
đúng như lời Thiên Chúa đã hứa (2 Sm 7,12-17).
Phêrô tin Đấng Mêsia đã đến rồi, không phải chờ nữa!
Đấng Mêsia là Thầy Giêsu đang ở ngay bên.
Vào chính giây phút Phêrô reo lên như thế,
Thầy Giêsu đã vén mở cho các môn đệ
con đường làm Mêsia rất khác thường của Thầy.
Con đường này hẳn làm các ông chưng hửng,
vì đây là một Mêsia chỉ chiến thắng sau bao khổ đau,
một Mêsia sống lại sau khi bị giết chết.
Nhưng đây là con đường Thiên Chúa muốn Thầy đi,
đây là kế hoạch mà Đấng Mêsia “phải” chấp nhận.
Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ khi nghe Thầy nói
về con đường bi thảm Thầy sắp đi.
Ông không thể chấp nhận chuyện Thầy bị hãm hại.
Ông muốn kéo Thầy ra khỏi những suy nghĩ u ám
về định mệnh đang chờ mình.
Phêrô đã thất bại trong việc lôi kéo Thầy,
vì Thầy Giêsu thấy đằng sau lòng tốt của Phêrô
có bóng dáng của Xatan, kẻ đã từng cám dỗ Ngài.
Nơi hoang địa, Xatan đã lôi kéo Đức Giêsu
đi vào con đường cứu độ theo kiểu trần tục tự nhiên
nhờ nhảy xuống từ nóc Đền thờ hay quỳ bái lạy nó.
Giờ đây, Phêrô lại đang làm một điều tương tự,
bởi đó Thầy Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ không kém.
Thầy đã gọi anh học trò yêu quý là Xatan,
và Thầy ra lệnh cho anh lui ra đằng sau Thầy,
đứng vào đúng chỗ của người môn đệ.
Phêrô không muốn Thầy đi vào con đường khổ nhục,
nhưng ý nghĩ của ông không phải là ý Thiên Chúa.
Con đường Thầy Giêsu cũng là đường cho đám đông,
cho bất cứ ai muốn theo, bây giờ và mãi mãi.
Những gì Thầy phải làm thì môn đệ cũng phải làm.
Đó là từ bỏ chính mình, làm cho mình ra không (Pl 2,7).
Đó là vác thập giá của mình, là chấp nhận mất mạng sống.
Người môn đệ Thầy Giêsu cũng phải trải qua khổ đau,
qua cái chết nhục nhằn mới được vinh quang phục sinh.
Đời người môn đệ phải kết dính với đời Thầy Giêsu:
đi sau Thầy, vác thập giá mình mà theo Thầy,
và chịu mất mạng sống ở đời này vì Thầy (Mc 8,34-35),
bởi lẽ chính Thầy đã vác thập giá của mình (Mc 15,20-21)
và đã chịu mất mạng vì họ (Mc 10,45).
Chẳng ai là môn đệ Chúa Giêsu mà lại đi đường khác.
“Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa
thì cũng phải đi như chính Đức Giêsu đã đi” ( 1 Ga 2,6).
Vào thời bạo chúa Nê-rô, các kitô hữu bị bách hại dã man.
Họ thấy ấm lòng khi đọc Tin Mừng Máccô
vì biết mình đi sau Thầy, đi cùng một đường với Thầy.
Các kitô hữu hôm nay cũng không ngạc nhiên
nếu đời họ được che phủ dưới bóng thập giá.
Có nhiều thứ bách hại thời nay tinh vi hơn của Nêrô,
kéo họ chiều theo cái lợi nhất thời của lối nghĩ trần tục,
tìm giải pháp dễ dãi để giải quyết ngay những khó khăn.
Chọn theo Giêsu là chọn theo Ngài đi vào đường hẹp.
Nếu thấy mình đi trên đường rộng rãi, thênh thang,
thì không chắc mình đang đi trên Đường Giêsu.
CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin nhớ đến sáu triệu người đã bị chết vì hơi ngạt,
bị giết, bị dìm dưới nước, bị thiêu sống, bị tra tấn,
bị đánh đập hay chịu lạnh cóng cho đến chết.
Chỉ vì lòng độc ác của một người
mà cả dân tộc chúng con bị đóng đinh,
trong khi thế giới lặng lẽ đứng nhìn.
Trái tim chúng con
sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyện đó.
Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,
Xin cho tro cốt của những đứa trẻ bị thiêu ở Auschwitz,
cho dòng sông máu đổ ra ở Bab-bi Yar hay Maj-da-nek,
trở thành lời cảnh báo cho nhân loại biết rằng:
lòng căm thù dẫn đến hủy diệt, bạo lực thì dễ lây lan,
và khả năng độc ác của con người thì vô hạn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin Chúa hãy làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày,
rèn giáo mác nên liềm, nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Amen.
Alexander Kimel (người sống sót sau Holocaust)
Ý kiến bạn đọc