Cuộc hành trình của hai môn đệ Emmau
Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35
Để hiểu đầy đủ bài Tin mừng này, chúng ta phải đọc không chỉ các câu 13-35 (bài Tin mừng của ngày lễ hôm nay), mà toàn bộ chương 24, nghĩa là từ câu 1 tới câu 53.
Chương này kể lại cho chúng ta những biến cố xảy ra “vào ngày thứ nhất trong tuần” sau khi Đức Giê-su sống lại, từ tảng sáng cho tới ngày tàn. Bắt đầu là việc các bà chạy ra mộ, gặp các thiên thần, rồi chạy về báo tin cho các tông đồ (câu 1-11); tiếp theo là việc ông Phê-rô ra mộ (câu 12), rồi tới việc Đức Giê-su hiện ra cho ông Simon Phê-rô: cuộc hiện ra này chỉ được nhắc tới một cách vắn vỏi (câu 34). Sau đó mới tới cuộc hiện ra của Đức Giê-su cho hai người môn đệ đi Emmau (câu 13-35) trước khi hiện ra cho tất cả các tông đồ (câu 36-49). Rồi chương 24 kết thúc bằng việc Đức Giê-su đưa các ông tới Bêtania và trước mặt các ông Ngài lên trời (câu 50-53).
Khi đặt bài Tin mừng này vào trong mạch ý chung như thế, chúng ta thấy chủ ý của Luca không chỉ muốn kể lại sự kiện Chúa hiện ra cho hai môn đệ đang trên đường đi Emmau, nhưng là cuộc hành trình của hai ông kéo dài trên ba chặng đường mà chặng cuối cùng còn đang tiếp diễn: từ Giê-ru-sa-lem đi Emmau, từ Emmau về Giê-ru-sa-lem và cuối cùng từ Giê-ru-sa-lem tới với các dân tộc. Trong cuộc hành trình ấy người ta có thể phân biệt 5 thời điểm:
1/ Mất Chúa
2/ Thấy Chúa mà không nhận ra Chúa
3/ Nhận ra Chúa rồi lại không thấy Chúa
4/ Thấy Chúa và nhận sứ mạng
5/ Thi hành sứ mạng mà không thấy Chúa.
Chúng ta thử nhìn xem từng thời điểm.
1. Mất Chúa: Đó là thời gian mà Đức Giê-su đã chịu chết và chịu mai táng. Tâm trạng các ông lúc này là buồn bã và thất vọng. Một câu nói của các ông thật đầy ý nghĩa: “Phần chúng tôi vẫn hy vọng chính Người là Đấng sẽ giải phóng Ít-ra-en…(24,21). Họ đã hy vọng là Đức Giê-su sẽ giải phóng Ít-ra-en trên bình diện chính trị, nghĩa là đuổi quân đế quốc Rô-ma ra khỏi đất nước. Đức Giê-su đã chẳng làm gì như thế. Và nay thì Ngài đã chết được ba ngày rồi. Còn gì để hy vọng nữa? Vì thế các ông rời Giê-ru-sa-lem để đi Emmau. Rời Giê-ru-sa-lem ở đây không chỉ đơn giản là rời một địa điểm, nhưng là rời bỏ các tông đồ khác, rời bỏ hàng ngũ cũ để …về vườn.
2. Thấy Chúa mà không nhận ra Chúa: Để lôi kéo hai môn đệ này ra khỏi tâm trạng thất vọng, Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với hai ông. Vì vẫn đinh ninh là Thầy của họ đã chết rồi, nên tuy họ thấy Ngài, nhưng “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Ngài” (24,16). Đối với thánh Luca, lý do cơ bản làm cho các ông không nhận ra Chúa nằm ở chỗ các ông chưa hiểu Kinh thánh. Đức Giê-su trách các ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ…” (24,25). Vì thế, để khắc phục tâm hồn các ông, Đức Giê-su đã kiên nhẫn giải thích cho các ông “những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh” (24,27). Có hiểu Kinh thánh, có tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, thì có gì là khó khăn khi phải chấp nhận việc Thiên Chúa cho người chết sống lại? Hai môn đệ này là những người Do thái, đã biết ít nhiều sấm ngôn của các ngôn sứ, nên khi được nghe Đức Giê-su giải thích Kinh thánh, lòng các ông như cháy bừng lên (24,32). Chắc các ông đã gật gù cảm phục các lý chứng mà vị khách nêu ra. Nhưng vị khách lạ này là ai? Có lẽ các ông mới nghĩ rằng đây là một kinh sư thông giỏi, nhưng các ông chưa nghĩ gì xa hơn. Đức Giê-su muốn dành cho hai ông giây phút ngạc nhiên vào một thời diểm khác.
3. Nhận ra Chúa, rồi lại không thấy Chúa. Thời điểm mà hai môn đệ nhận ra Thầy mình, là khi các ngài cùng ngồi vào bàn để dùng bữa tối. Lúc ấy, Đức Giê-su “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đó là cử chỉ rất quen thuộc của vị Thầy rất thân yêu của họ. Thì ra vị Thầy yêu quí của họ đã hiện diện với họ trong suốt cả cuộc hành trình. Mắt họ đã thực sự mở ra. Chẳng những họ đã thấy, nhưng hơn thế nữa, họ đã hiểu được chương trình vĩ đại của Thiên Chúa từ Mô-sê qua các ngôn sứ, cho đến hôm nay. Nhưng cũng chính trong giây phút kỳ diệu ấy Thầy của họ lại biến đi. Giác quan phải nhường chỗ cho lòng tin. Qua việc biến đi đó, Đức Giê-su gợi ý cho các ông là từ nay hãy tìm kiếm Ngài trong Kinh Thánh và trong việc bẻ bánh giữa anh em với nhau. Nhưng anh em của họ đâu rồi? Bây giờ chính là lúc các ông phải rời bỏ quê quán, để đi tìm gặp lại anh em của họ tại Giê-ru-sa-lem.
4. Thấy lại Chúa và nhận sứ mạng. Sau khi đã hiểu và nhận ra rằng Thầy Giê-su của họ đã chỗi dậy từ cõi chết, và đã đến với họ, hai môn đệ liền đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem. Hậu quả của việc Đức Giê-su hiện ra cho hai người môn đệ này là ở chỗ đó. Đức Giê-su phục sinh đã muốn qui tụ các môn đệ tản mác của Ngài lại, trước khi giao phó chọ một trọng trách. Vì thế, việc hai môn đệ này trở về Giê-ru-sa-lem mang một ý nghĩa quan trọng: đó là trở về trong hàng ngũ cũ, nhất là trở về với nhóm Mười Một Tông Đồ mà Xi-mon là người anh cả.
Khi hai người môn đệ đã từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem, thì Đức Giê-su lại hiện ra, lần này là cùng với tất cả các tông đồ. Và lần này không chỉ là để cho các ông nhận ra mình, mà còn là để giao cho các ông một sứ mạng. Ngài nói: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (24,46-48). Một lần nữa Đức Giê-su phục sinh đã cho các tông đồ thấy mình, nhưng là để mở ra cho các ông một cuộc hành trình mới bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem đến với muôn dân. Trước khi các tông đồ thi hành sứ mạng, Đức Giê-su đã dẫn các ông tới Bê-ta-ni-a. Thế rồi Ngài biến đi trong cõi trời bao la…Từ nay, một giai đoạn mới mở ra cho các tông đồ cũng như cho hai người môn đệ.
5. Thi hành sứ mạng, mà lại không thấy Chúa: CG đã về trời. Các tông đồ không còn thấy Chúa nữa. Nhưng lạ thay, lúc này các ông không còn buồn bã như hồi ban sáng. Thánh Luca nói rõ là “lòng các ông tràn đầy hoan hỉ” (Lc 24,52). Rồi đây các ông sẽ nhận lãnh “quyền năng từ trời cao ban xuống” như lời Thầy họ đã hứa (Lc 24,49), và các ông sẽ ra đi, từ Giê-ru-sa-lem về bốn phương trời. Từ nay, các ông sẽ không bao giờ thấy Chúa nữa, nhưng họ luôn luôn tin rằng Thầy của họ đang sống…
Từ cuộc hành trình của hai người môn đệ, xin nêu ra hai suy nghĩ sau đây:
- Chính Đức Giê-su phục sinh đã lấy sáng kiến hiện ra với hai người môn đệ để lôi kéo các ông ra khỏi tâm trạng thất vọng. Đó là một ân huệ cho hai ông. Hai ông đã chẳng bỏ công đi tìm sự thật. Thế mà, vì lòng thương xót, Chúa đã cho các ông được gặp Ngài và trở thành môn đệ của Ngài.
- Đức Giê-su phục sinh đã qui tụ các môn đệ lại trong sự hiệp thông với nhóm Mười Một mà Simon-Phêrô là người anh cả, là người đã được thấy Chúa trước các ông kia (24,34). Chỉ trong sự hiệp thông huynh đệ đó, mà người môn đệ có thể thi hành sứ mạng làm chứng cho Đức Giê-su phục sinh trước mặt muôn dân. Chúng ta cũng thế, chỉ khi chúng ta hiệp nhất với nhau, chúng ta mới có thể làm chứng tốt cho Chúa phục sinh.
Ý kiến bạn đọc