banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

GIỜ NGÀI ĐÃ ĐẾN

Đăng lúc: Thứ ba - 16/03/2021 20:43 - Người đăng bài viết: menthanhgia
GIỜ NGÀI ĐÃ ĐẾN

GIỜ NGÀI ĐÃ ĐẾN

Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên B

Các tuần lễ mùa Chay - có thể nói - đến hôm nay là hết. Chúa nhật sau đã là Lễ Lá và đi vào Tuần Khổ nạn, Thương khó rồi. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay vì thế không còn nói đến việc chuẩn bị đi vào Mầu nhiệm Cứu độ nữa. Giờ của Ðức Kitô đã đến, như lời trong bài Tin mừng cho biết. Và như trong câu đầu của bài đọc 1, nay đã đến ngày Thiên Chúa ký kết một giao ước mới với Dân Người. Chúng ta hết thảy được mời gọi chứng kiến và tham dự chính mầu nhiệm cứu thế sắp diễn ra trong phụng vụ. Thế nên, không còn phải là lúc nhìn vào mình hay nhìn đi đâu, nhưng là nhìn vào chính Thiên Chúa, chính Ðức Kitô đang sắp sửa thực hiện cho Dân Chúa kế hoạch cứu vớt ngàn đời. Bổn phận của chúng ta, trong ngày hôm nay và trong suốt tuần này, là phải chăm chú hướng lòng, hướng mắt về Chúa Giêsu để chiêm ngưỡng và đón nhận mọi hành vi mà Ngài sắp làm cho ta. Các bài Kinh Thánh hôm nay có sức giúp ta làm công việc ấy, vì tất cả đều nói đến giờ của Thiên Chúa và của Ðức Kitô.

Trước hết, bài đọc 1 trích sách tiên tri Giêrêmia cho ta thấy đã đến ngày Thiên Chúa muốn ký kết với Dân Người một giao ước mới, khác hẳn mọi giao ước trước đây. Chúng ta nhớ trong các chúa nhật trước, phụng vụ đã lần lượt nhắc đến các giao ước thời Noe, thời Abraham, thời Môsê, thời lưu đày. Càng đi, các bản giao ước ấy càng trở nên phong phú, sâu xa và thiêng liêng, hoàn hảo hơn. Nhưng chưa bao giờ ta nghe nói đến một giao ước tốt lành như hôm nay. Hình ảnh về giao ước Noe là một chiếc cầu vồng ở trên trời, vừa xa chúng ta, vừa dễ tan biến.

Với Abraham dấu hiệu của giao ước là lễ nghi cắt bì; nhưng thật sự chỉ hạn chế trong dòng dõi Dothái về phương diện máu thịt. Sang đến thời Môsê, đó là luật pháp và máu chiên bò rảy xuống trên dân. Giao ước vẫn còn hình thức xã hội và bề ngoài. Song đến thời lưu đày, thật ra không có giao ước mới nào: nhưng việc Thiên Chúa đưa dân lưu lạc trở về cũng là dấu chỉ Người giữ lời giao ước. Nhất là trong lúc lưu đày, Thiên Chúa hướng lòng dân chờ đợi một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu, cũng như bài đọc thứ 1 hôm nay cho chúng ta thấy. Khác với mọi giao ước trước đây, giao ước mới này sẽ được ghi trong tâm khảm mỗi người, để mọi người thấy Thiên Chúa ở ngay trong tâm hồn mình, khiến ai ai cũng tự mình có kinh nghiệm về Thiên Chúa, không cần phải hỏi thăm hay học hỏi với ai về sự hiểu biết này nữa. Giao ước mới này - như vậy - vượt xa mọi giao ước trước. Liên hệ giữa Thiên Chúa và chúng ta trở thành sâu xa, nội tại ngay trong tâm hồn. Thiên Chúa sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi cho dân Người, không còn nhớ nữa. Người chỉ còn tỏ rõ bộ mặt thương yêu, hiều dịu với ta, để ta cảm thấy thật sự tình Người mật thiết.

Nhưng lòng con người đã sẵn sàng để Thiên Chúa ghi giao ước tốt đẹp đó vào chưa? Ðó là cả vấn đề. Kinh thánh thường phàn nàn: lòng dân Do thái thật chai đá. Và lòng con người nói chung không ít thì nhiều cũng giống như vậy. Thế mà giao ước của Thiên Chúa chỉ có thể viết trên những trái tim bằng thịt, nồng nàn yêu mến Chúa, chia sẻ những tâm tình của Chúa. Cho nên những người đạo đức hồi xưa luôn cầu khẩn: Lạy Chúa xin tạo cho con một quả tim trong sạch, như chúng ta vừa hát trong bài đáp ca. Thành ra, bao giờ Thiên Chúa cũng sẵn sàng ký kết giao ước tình yêu, Người chỉ còn chờ thời gian thuận lợi về phía ta. Hôm nay, Người tuyên bố ngày giờ đó đã đến rồi. Căn cứ vào đâu, nếu chẳng phải vào chính lời Ðức Kitô tuyên bố trong bài Tin mừng: Giờ Con Người đã đến?

Quả vậy, Ðức Giêsu là Con Người, là người Con Một yêu quý của Thiên Chúa Cha. Ngài đã sinh ra làm người, trở thành Ađam mới, mang tất cả thân phận nhân loại ở nơi mình. Ngài gánh hết tội lỗi loài người. Và giờ đây, Ngài sắp để tội lỗi bị đóng đinh vào thập giá, thế nên nhân loại tội lỗi sắp được ơn tha thứ. Loài người sắp có khả năng đón nhận giao ước mới. Trái tim Ðức Kitô sắp bị lưỡi đòng thâu qua, để chết cho tội lỗi. Trái tim máu thịt sắp chết, trái tim chai đá tội lỗi của loài người sắp được thay thế bằng trái tim đầy lửa Thánh Thần yêu mến. Nếu Thiên Chúa phải chờ khi loài người trở lại, từ bỏ tội lỗi để ký kết giao ước mới nơi tâm khảm mọi người, thì giờ của Thiên Chúa, giờ Thiên Chúa ký kết giao ước tình yêu phải chờ giờ của Ðức Kitô, giờ Ngài cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm thánh giá. Thế mà trong bài Tin mừng hôm nay, Ðức Kitô tuyên bố: Giờ Ngài đã đến.

Chúng ta hãy vui mừng đón nhận tin này. Bao thế hệ loài người chờ đợi ngày hôm nay. Chính Ðức Mẹ cũng đã phải chờ đợi. Hôm ở tiệc cưới Cana, Mẹ đến thưa với Chúa: nhà đám đã hết rượu rồi. Tin ấy gợi lên trong tâm hồn Chúa Giêsu bao nhiêu hình ảnh Kinh Thánh thường ví cảnh lầm than của dân Chúa tội lỗi với cảnh thiếu rượu, thiếu nước. Ðức Mẹ nói đến một sự kiện vật chất, nhưng Chúa Giêsu lại nghĩ ngay đến bình diện thiêng liêng. Lời xin của Ðức Mẹ trở thành lời cầu ơn tha thứ cứu độ. Nhưng chưa đến giờ ấy nên Chúa Giêsu đã trả lời cho Mẹ rằng: giờ của Ngài chưa đến.

Hôm nay, ngược lại, Ngài tuyên bố rõ: giờ Ngài đã đến rồi. Ngài tuyên bố như thế, khi thấy dân ngoại ngỏ ý muốn gặp. Làm sao Ngài có thể không đáp ứng được lòng khát vọng của muôn dân? Không phải chỉ dân Do thái cần ơn cứu độ. Mọi dân tộc đang đặt hy vọng vào Ngài, Ngài là Ðấng yêu thương nhân loại, làm sao có thể từ chối lời cầu xin tha thiết của thế giới lầm than vì tội lỗi? Lời xin ấy trở thành như tiếng nói của Chúa Cha, ngỏ ý chờ đợi ngày giờ để thi hành kế hoạch tình yêu, tha tội lỗi cho loài người, để ký kết giao ước mới cho họ.

Như thế ta mới dễ hiểu vì sao Ðức Kitô lại gọi giờ của Ngài là giờ vinh quang. Ngài trở thành vinh hiển thật sự trong giờ phút chấp nhận ra đi cứu thế. Và ta cũng dễ hiểu, vì sao sau khi Ðức Kitô tuyên bố giờ Ngài đã đến, có tiếng Chúa Cha phán với Ngài, như để tỏ dấu thông cảm, thỏa mãn...

Thế nên tâm tình thứ nhất của chúng ta hôm nay sau khi đọc các bài Kinh Thánh này, là cảm mến lòng nhân ái bao la của Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Cha đã dự liệu ngày giờ ban ơn tha thứ và ký kết giao ước mới cho ta. Chính Chúa Con đã bằng lòng đi đến ngày giờ ấy để kế hoạch tình yêu được thực hiện hầu ta nhận được giao ước mới vĩnh cửu trong Máu Thánh Ngài. Ðồng thời chúng ta cũng biết qua Kinh Thánh: giao ước đòi ta đáp ứng mới có thể trở thành phong phú. Nên Chúa Giêsu muốn kéo tất cả chúng ta lên với Ngài trên thánh giá, để đóng đinh xác thịt tội lỗi ta vào đó, để trái tim chai đá của ta bị đâm thâu hầu trái tim ta trở nên mềm mại cho ơn Thánh Thần yêu mến nhào nặn.

Như vậy, chúng ta cần chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, như bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Do thái hôm nay mô tả để ta bắt chước trong đời sống cụ thể. Ngài khóc lóc, nhưng tin tưởng, xin Chúa Cha tha tội cho loài người. Ngài cũng không làm gì khác hơn ở trong thánh lễ này, vì giờ đây mầu nhiệm thập giá cũng được thực hiện lại để kéo lòng chúng ta lên với Chúa, chia sẻ tâm tình cứu thế của Ngài. Nếu chúng ta thành thật kết hợp mật thiết với Ngài trong thánh lễ này, thì chắc chắn trong cả tuần, chúng ta phải thao thức ghét tội và tha thiết cầu xin cho dân tộc, cho thế giới được sạch tội, để đời sống của chúng ta thực sự là đời sống trong Tân Ước vĩnh cửu, mà Ðức Kitô khai mạc khi giờ Ngài đã đến. Amen.


Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc