banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

DẤU TÍCH XƯA, NGHI LỄ MỚI

Đăng lúc: Thứ hai - 31/05/2021 22:20 - Người đăng bài viết: menthanhgia
DẤU TÍCH XƯA, NGHI LỄ MỚI

DẤU TÍCH XƯA, NGHI LỄ MỚI

Suy niệm Lời Chúa lễ Mình Máu Chúa Kitô

Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa cao cả nhưng vì tình yêu Người đã nhiều lần hạ mình ký kết giao ước với loài người chúng ta: Giao ước cũ ngày xưa ký kết ở núi Sinai được đóng dấu bằng máu chiên bò, còn Giao ước mới được đóng dấu bằng chính máu của Con Chúa, Chúa Giêsu Kitô.
Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là chúng ta lặp lại Giao ước mới đó. Vì thế, chúng ta hãy cử hành Thánh lễ này trong tâm tình yêu mến và tạ ơn Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta một cách đơn sơ bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ. Tuy nhiên, nếu chúng ta suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ thấy bữa tiệc ấy không phải là một bữa ăn bình thường, nhưng bữa tiệc ấy vừa là một bữa tiệc Vượt qua, vừa là một bữa tiệc Giao ước. Vì thế, bí tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong khung cảnh bữa tiệc ấy, cũng mang hai ý nghĩa đó.


1. Bữa tiệc Vượt qua.

1- Trước hết, bữa tiệc cuối cùng mà Chúa Giêsu dùng với các môn đệ, theo cách trình bày của thánh Mác-cô, là một bữa tiệc Vượt qua. Các môn đệ hỏi Chúa: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt qua ở đâu?” (Mc 14,12). Rồi Mác-cô còn nói rõ: “Các tông đồ ra đi, vào thành và đã gặp mọi sự như Người đã nói với họ, và họ đã dọn lễ Vượt qua” (14,16).

Đặc điểm lễ Vượt qua của dân Do thái là con chiên vượt qua. Ngày xưa trước khi ra khỏi Ai-cập, dân Do thái theo chỉ thị của ông Mô-sê, đã giết con chiên vượt qua trong mỗi gia đình. Thịt chiên được nướng lên để ăn, còn máu chiên được bôi trên đà cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa được sai xuống sát phạt các con đầu lòng của dân Ai-cập, và cứ theo dấu máu mà bỏ qua tức là tha chết cho các gia đình con cái Ít-ra-en. Từ đó, máu của chiên vượt qua mang ý nghĩa giải phóng đối với dân Ít-ra-en (Xh 12,1-14).

2- Khi gợi lại biến cố này, thánh Mác-cô muốn chúng ta ý thức rằng bí tích Thánh Thể mà Chúa Giê-su thiết lập trong bữa tiệc cuối cùng, là lễ Vượt qua đích thực trong đó Chúa Kitô là Chiên Vượt qua. Thực vậy, trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su trao ban Mình và Máu Người làm lương thực cho chúng ta:
            “Hãy cầm lấy mà  ăn, này là Mình Thầy…
            Hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy…"

Chính Máu của Chúa Kitô, xưa kia đổ ra trên thập giá, và nay chảy xuống cho chúng ta trong chén thánh trên bàn thờ, chính Máu ấy giải phóng chúng ta khỏi án phạt do tội lỗi gây nên.

Thư Do thái (bài đọc II) cắt nghĩa cho chúng ta hiệu quả do Máu của Chúa Giê-su mang lại: “Nếu máu dê máu bò và tro bò cái rảy trên những kẻ bị ô uế còn thánh hóa được họ mà làm cho họ được trong sạch về phần xác, thì Máu của Chúa Kitô sẽ rửa sạch lương tâm ta hơn biết mấy khỏi các hành vi đưa đến sự chết, để chúng ta phụng sự Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,13-14).

Vậy khi dự lễ, chúng ta hãy ý thức là đang được tham dự bữa tiệc Vượt qua đích thực, trong đó Máu của Chúa Kitô sẽ thanh luyện chúng ta khỏi tội lỗi, miễn là chúng ta có tâm tình thống hối về mọi lỗi phạm và ao ước đón nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

II. Máu của giao ước.
 
1/ Bữa tiệc Thánh Thể còn gợi lại cho chúng ta một biến cố khác, đó là cuộc thiết lập giao ước trên núi Xi-nai qua trung gian của ông Mô-sê (bài đọc 1). Trước hết, ông Mô-sê đọc cho Dân nghe các Lời của Thiên Chúa. Sau khi Dân thưa chấp nhận, ông Mô-sê giết các con bò tơ: ông lấy một nửa phần máu rảy lên bàn thờ, và nửa phần máu kia rảy trên Dân. Khi rảy, ông nói: “Này là máu của giao ước đã ký kết với các ngươi, thể theo mọi lời ấy” (Xh 24,8)

Khi hai người ký kết giao ước với nhau bằng máu, điều đó có nghĩa là từ nay hai người trở nên như anh em cùng máu mủ, cùng ruột thịt. Máu tương trưng cho sự sống, cho tình yêu liên kết hai bên lại với nhau. Ở đây bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa. Khi ông Mô-sê rảy máu lên bàn thờ rồi rảy máu lên Dân, điều đó có nghĩa là giao ước làm cho dân Do thái trở nên như con cái ruột thịt của Chúa. Sợi dây bằng máu, sọi dây tình yêu từ nay nối kết Thiên Chúa với Dân.

2/ Đàng khác, khi đọc lời truyền phép trên rượu, Chúa Giê-su nói: “Này là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Máu của giao ước đích thực, của giao ước mới, chính là máu của Chúa Giê-su. Máu chiên, bò trong thời Cựu Ước chỉ là hình bóng thôi. Nhờ tiếp nhận máu của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta được sống giao ước mới, giao ước tình yêu nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Chính nhờ Máu của Chúa Kitô, máu xưa kia đổ trên thập giá và nay chảy xuống trong chén thánh, mà chúng ta được tham dự vào địa vị làm con của Chúa Cha như Chúa Kitô và được hưởng tình yêu sung mãn của Chúa Cha.

3/ Ngoài ra, ta có thể nói Thánh lễ của chúng ta hôm nay cũng có một cơ cấu gồm 2 phần như trong buổi lễ thiết lập giao ước tại Xi-nai. Trong phần đầu, ông Mô-sê đọc các Lời Chúa cho Dân, và sau khi dân thưa “Amen” (=xin chấp nhận) thì ông giết bò làm lễ thượng hiến, lấy máu rảy trên bàn thờ và trên Dân. Thánh lễ của chúng ta cũng gồm 2 phần chính: trong phần đầu chúng ta nghe Lời Chúa rồi hát đáp ca; sau đó chúng ta tham dự vào của lễ thượng hiến của Chúa Kitô. Sự khác biệt với nghi lễ ngày xưa là ở đây vị thượng tế làm trung gian là Chúa Kitô và của lễ cũng chính là bản thân Ngài.

4/ Sau hết, chúng ta hãy chú ý tới câu nói cuối cùng của Chúa: “Thầy bảo thật anh em, Thầy sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Thầy sẽ uống rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,25).

Qua câu nói này Chúa ngụ ý bí tích Thánh Thể không chỉ là lưu niệm về các biến cố đã qua, nhưng còn là một điềm báo về bữa tiệc cánh chung trong Nước Trời. Chúa hứa sẽ gặp lại các môn đệ trong niềm vui vĩnh cửu trên trời. Vì thế, mỗi lần dự lễ, không những chúng ta tưởng niệm Chúa đã chịu chết và đã sống lại, nhưng chúng ta còn chờ đợi Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để đưa tất cả chúng ta vào hưởng niềm vui vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Ước gì bí tích Thánh Thể càng ngày càng giúp chúng ta vững vàng trong niềm tin mà các thánh tông đồ để lại: nhờ Máu của Chúa Kitô, chúng ta được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, được sống trong giao ước tình yêu với Thiên Chúa và chúng ta đợi chờ ngày được tham dự trọn vẹn vào vinh quang của Chúa Kitô.

Tác giả bài viết: Noberto
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc