KINH MÂN CÔI, LỜI CẦU NGUYỆN TUYỆT HẢO
Không phải hễ nói lần chuỗi Mân Côi, hễ nói đọc kinh Mân Côi là tất cả rồi đâu, bởi vì như chúng ta sẽ bàn luận trong bài này: nhiều khi đọc kinh không phải là cầu nguyện, chưa phải là cầu nguyện. Và cũng nhiều khi lần chuỗi không phải là cầu nguyện, chưa phải là cầu nguyện.
Sau đó chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao kinh Mân Côi vẫn được Giáo Hội coi là lời cầu nguyện tuyệt hảo, lời cầu nguyện tốt nhất sau Thánh Lễ.
ĐỌC KINH VÀ CẦU NGUYỆN
Người ta thường nói: đọc kinh cầu nguyện, y như thể cầu nguyện là phải đọc kinh, và đọc kinh là cầu nguyện. Sự thật không phải thế, bởi vì có thể cầu nguyện mà không đọc kinh, và nhiều khi đọc kinh chưa phải là cầu nguyện.
Trước hết chúng ta hãy xem những trường hợp nào được coi là đọc kinh mà không phải là cầu nguyện. Sau đó, chúng ta sẽ xét đến những cách cầu nguyện mà không đọc kinh.
1. Đọc kinh mà không cầu nguyện.
Nói chung, đây là những người đọc kinh vì thói quen, chỉ đọc bằng miệng còn lòng trí thì không ý thức gì về những lời kinh mình đọc. Cụ thể là việc đọc kinh Mân Côi mà chúng ta đề cập đến ở đây. Có hai cách lần chuỗi thường bị các tác giả lên án là: đọc ào ào, đọc quá lẹ, và đọc vì thói quen, đọc bằng miệng mà lòng trí không nghĩ gì đến Chúa và Đức Mẹ.
a) Trước hết về cái thói đọc kinh ào ào, đọc quá lẹ. Ngay từ thời thánh Louis De Montfort, cái thói xấu này đã khá phổ biến khiến thánh nhân đã có nhận xét sau đây:
“Lầm lỡ lớn mà phần đông người ta thường mắc phải là không có ý cầu xin gì hết, mà chỉ đọc cho xong, càng lẹ càng tốt. Người ta coi đọc kinh Mân Côi như một gánh nặng, nhất là khi người ta đã hứa lần chuỗi mỗi ngày… Bởi vậy xem ra kinh Mân Côi chẳng mang lại kết quả gì cho họ, và sau khi đã đọc ngàn kinh Mân Côi, họ vẫn không tốt lành hơn chút nào”[1].
Đúng thế, lầm lỡ lớn nhất của những người này là “không có ý cầu xin gì hết”. Nói cách khác, họ không ý thức rằng cầu nguyện là đối thoại, là thân thưa với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Họ không ý thức rằng Chúa Giêsu và Mẹ Maria đang thật sự hiện diện trước mặt họ, ngay trước mặt họ, và mỗi khi đọc kinh Kính Mừng là họ nói với Mẹ, kính chào Mẹ và cầu xin Mẹ.
Chính sự vô tâm vô ý đó đã khiến họ đọc kinh Mân Côi như một cái máy. Và bởi vì họ coi lần chuỗi như một bổn phận đạo đức phải làm, cho nên họ coi thường làm cho lẹ cho xong.
Gần đây, linh mục E. Neubert, một tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ, cũng nhận xét một cách đáng buồn như sau: “Một kinh Kính Mừng mà đọc với tâm tình mến yêu Đức Mẹ giúp ta tới gần Mẹ hơn 50 kinh, đọc một cách máy móc… Có người có thói quen lần chuỗi mỗi ngày, sẽ không an tâm đi ngủ, nếu chưa đọc xong chuỗi 5 chục, nhưng người đó sẽ an vui nằm ngủ nếu đã đọc xong 5 chục kinh cách vội vàng, và đã lo ra từ kinh Kính Mừng thứ nhất đến kinh Kính Mừng thứ 50”[2]. Và tác giả đã không quên nhắc cho ta biết rằng: sở dĩ người ta đã lần chuỗi quá lẹ và một cách vô ý thức như thế vì người ta quên rằng: “Điều cần phải làm trước hết là nhớ đến Đức Mẹ đang ở trước mặt mình và mình đang nói với Mẹ”[3].
Vậy ta phải tránh đọc kinh lần chuỗi ào ào, đọc quá lẹ. Phải nhớ đọc kinh là nói năng, là thưa chuyện với Chúa và Đức Mẹ. Cho nên phải đọc kinh với nhịp độ thong thả như khi ta nói chuyện với nhau: đừng lẹ quá, mà cũng đừng chậm rì quá như một vài nơi. Cái tội của phần đông là đọc lẹ quá, nhưng do phản ứng lại một cách quá đáng và thiếu thông minh, một hai nhà thờ lại đọc chậm rì như đếm từng lời, nghe rất mệt, và mất đi không khí tự nhiên của nhịp thở lời cầu nguyện.
Tóm lại, chúng ta phải lần chuỗi Mân Côi, phải đọc kinh với nhịp độ khoan thai, như thưa chuyện với Chúa và Đức Mẹ. Đúng như Đức Phaolô VI đã dạy trong Tông huấn Marialis Cultus:
“Tự bản chất, việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp độ thong thả: Người đọc kinh phải có thời giờ để suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, được cảm nhận qua tâm hồn của Mẹ Maria, Đấng đã sống gần Chúa hơn hết. Như vậy ta mới khám phá ra những kho tàng vô tận của kinh Mân Côi”[4].
Bởi vậy nếu không có giờ để đọc một chuỗi năm chục, hoặc một ngày nào đó vì quá mệt nhọc do công việc bất thường, chúng ta hãy chỉ đọc 10 kinh cho sốt sắng, thay vì đọc năm chục cách vội vàng. Đúng như thánh Louis De Montfort khuyên ta sau đây:
“Không phải đọc kinh cho nhiều, cầu nguyện dài dòng, nhưng chính lòng sốt sắng của ta làm vui lòng Chúa. Một kinh Kính Mừng đọc với lòng đạo đức thì tốt hơn 150 kinh Kính Mừng đọc lấy lệ. Nhiều người đọc một chuỗi một trăm năm chục, hoặc đọc chuỗi năm chục, nhưng vì họ không đọc đúng cách, cho nên không đẹp lòng Chúa và họ không trở nên thánh thiện hơn”[5].
Thế nào là đọc đúng cách? thưa là đọc “với nhịp độ thong thả” như Đức Phaolô VI khuyên ta, vì lần chuỗi Mân Côi thì “miệng đọc, lòng suy” như lời dạy bảo của cha ông chúng ta. Kinh Mân Côi có bản chất là suy niệm 15 mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, đồng thời đọc 150 kinh Kính Mừng. Thiếu sự suy ngắm các mầu nhiệm đó, thì việc đọc 150 kinh Kính Mừng sẽ là cái xác không hồn (Lời của Đức Phaolô VI).
Sau cùng, để nhớ phải tránh đọc kinh Mân Côi quá lẹ, chúng ta hãy lắng nghe lời chính Đức Mẹ đã dạy, trong một lần hiện ra tại Mễ Du :
“Mẹ không cần người ta đọc kinh Lạy Cha gần 100 lần, hoặc 200 lần. Tốt hơn cả là hãy chỉ đọc một lần nhưng với lòng ước ao gặp gỡ Thiên Chúa”[6].
b) Đọc kinh Mân Côi quá lẹ là điều phải tránh, vì đọc kinh kiểu đó không phải là cầu nguyện. Nhưng đọc kinh lần chuỗi vì thói quen, đọc bằng miệng mà lòng không suy gẫm, không than thở gì với Đức Mẹ, lại còn đáng trách hơn. Chính Chúa Kitô đã dùng lời tiên tri Isaia để trách người Do Thái như sau:
“Hỡi những người đạo đức giả, tiên tri Isaia đã nói rất đúng về các ngươi rằng: “Dân này chỉ tôn kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Mt 15,7-8).
Những người lần chuỗi Mân Côi vì thói quen, làm lấy lệ, không ý tứ chút nào về những lời kinh mình đọc, chính là những người đáng Chúa quở trách chỉ tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng thì ở xa Chúa. Lòng trí họ có nghĩ gì đến Chúa và Đức Mẹ đâu?
Những ai thuộc loại người này ?
Có thể nói có khá nhiều người thuộc vào loại này. Có những người thỉnh thoảng mới đáng trách như thế thôi: đó là những ngày họ quá mệt nhọc vì công ăn việc làm, hoặc đang lo nghĩ và bận tâm về một chuyện gì đó quá phiền nhiễu. Khi đó có thể nói là họ lo ra, và lo ra gần như suốt thời gian lần chuỗi. Miệng họ đọc kinh, nhưng lòng họ thì nghĩ đến câu chuyện đang gây bận tâm cho họ. Vậy họ phải làm gì ? Họ phải gắng dẹp những lo toan qua một bên, phải để một vài phút cầm trí lại, than thở với Chúa Giêsu và Mẹ Maria trước khi bắt đầu lần chuỗi. Còn nếu như họ thấy không thể dẹp được sự dao động, không thể nào cầm trí được, thì tốt nhất chỉ nên nhắm mắt lại, chắp tay, cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria ban ơn cứu giúp để họ qua được cơn gian nan.
Nhà thần học Romano Guardini, một người sùng kính Mẹ Mân Côi, đã có lời khuyên những người đó như sau:
“Họ phải gắng chế ngự sự dao động là cái thường chi phối đời sống con người thời nay. Nếu họ không dẹp được dao động, thì tốt nhất họ nên bỏ việc lần chuỗi qua một bên, vì lần chuỗi mà bồn chồn lo ra thì dễ chán, không thấy được vẻ đẹp của kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là một việc cầu nguyện đòi hỏi ta phải có thời giờ thư thái, cả bên ngoài, và nhất là về nội tâm”[7].
Con người thời nay, nhất là con người thành thị, không ai tránh được cái tai vạ bị dao động: bị dao động vì trăm thứ việc và trăm thứ lo nghĩ trong gia đình, bị dao động bởi trăm thứ biến động của xã hội (việc học hành của con cái, công ăn việc làm của mọi người, những biến động về kinh tế, về xã hội v.v..), bị dao động vì những biến động trên trường quốc tế.. Bởi vậy, con người ngày nay thường sống vội vàng, hời hợt, thiếu đời sống nội tâm, cho nên một số người đã bỏ luôn cầu nguyện, còn một số người khác đọc kinh cầu nguyện mà lòng trí lại để ở đâu, chứ không chú tâm vào việc cầu nguyện.
Tuy nhiên, vì đời sống nội tâm, đời sống tinh thần rất cần thiết cho những ai muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc sống đạo hạnh, mà kinh Mân Côi lại là lời cầu nguyện đơn sơ và dễ dàng, có sức mang lại sự an bình và nghị lực cho tâm hồn, cho nên cũng nhà thần học trứ danh Romano Guardini đã khuyên họ như sau:
“Có những người cảm thấy rằng những lo nghĩ của cuộc đời không thể giải quyết bằng những phương tiện trần gian, mà còn cần chúng ta đưa chúng ra trước mặt Thiên Chúa, nhất là những công việc quan trọng. Bởi vậy họ cần có bầu khí yên lặng, hầu tìm được sự bình tĩnh và nghị lực, để rồi có thể trở lại với bổn phận của mình với một niềm tin tưởng mới. Họ cần có một lời cầu nguyện có khả năng giúp họ ngưng nghỉ, hồi tâm và tìm lại được can đảm nơi bản thân họ. Kinh Mân Côi chính là lời cầu nguyện đó: chuỗi Mân Côi đã giúp nhiều người đạt được niềm mong ước này”[8].
Trên đây chúng ta vừa nói đến những người thường bị dao động, bị dao động nhưng biết mình bị dao động, và cố gắng chế ngự sự dao động khi lần chuỗi Mân Côi. Một số người khác, không bị dao động cách nặng nề đến thế, nhưng lại không ý thức về tình trạng bị dao động của mình, nên thiếu ý chí và thiếu cố gắng để chế ngự tình trạng bị dao động của mình. Họ bị dao động nhẹ, nhưng thường xuyên: có thể nói sự dao động cuả họ không thật sự là dao động, nhưng là tình trạng “trôi nổi”. Mà vì trôi nổi cho nên họ “lo ra” liên miên khi lần chuỗi Mân Côi. Có thể nói họ lo ra suốt thời gian đọc kinh, mà vì không bao giờ ý thức tình trạng đáng buồn này của mình, nên không bao giờ họ cố gắng sửa mình.
Họ đúng là những người chỉ tôn kính Chúa và Đức Mẹ bằng môi miệng. Thật là đáng tiếc!
Họ đọc kinh mà không cầu nguyện.
2. Cầu nguyện mà không đọc kinh.
Chúng ta sẽ không bàn luận nhiều về vấn đề này, vì nó không trực tiếp liên hệ đến đề tài của chúng ta: Kinh Mân Côi, lời cầu nguyện tuyệt hảo. Vì kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện, nên chúng ta phải xem xét đến hai hình thức của việc cầu nguyện: cầu nguyện có lời nói (có đọc kinh) và cầu nguyện không lời nói (không đọc kinh).
Đại khái, về vấn đề này (cầu nguyện không đọc kinh), người ta sẽ thấy: cách cầu nguyện này đơn sơ hơn cầu nguyện có đọc kinh, cách cầu nguyện này khó hơn có đọc kinh.
Trước hết nên nhớ lại bản chất của cầu nguyện là gì. Nhà thần học Yves Congar đã cho chúng ta một ý niệm rất rõ ràng và đầy đủ như sau: “Chúng ta hãy cố gắng có một cái nhìn bao quát về sự cầu nguyện. Có một lời cầu nguyện chủ yếu, đơn sơ và toàn diện, vượt quá và bao hàm tất cả những lời cầu nguyện riêng lẻ: đó là nơi nảy sinh tất cả các lời cầu nguyện riêng lẻ của chúng ta, do các tình hình thực tế của mỗi người chúng ta. Cầu nguyện là hiệp thông với thánh ý Thiên Chúa, giúp ta đón nhận và hiến thân cho Thiên Chúa, để Ngài là Thiên Chúa không những ở nơi Ngài, mà còn ở nơi mọi người chung ta trên thế giới”[9].
Như vậy bản chất của việc cầu nguyện không còn là cầu xin, không còn là đối thoại và đàm đạo với Thiên Chúa. “Lời cầu nguyện chủ yếu là hiệp thông”. Hiệp thông với thánh ý Thiên Chúa, để cho “Danh Cha cả sáng”, để cho thánh ý Ngài được “thực hiện dưới đất cũng như trên trời”. Đó chính là điều Chúa Giêsu dạy ta cầu xin trong kinh Lạy Cha. Nếu chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa là Cha nhân lành, là người Cha tốt lành hơn cả những người cha tốt lành nhất trong loài người, và Ngài biết rõ những gì là tốt nhất cho chúng ta là con cái Ngài, và luôn ban những gì là tốt nhất cho con cái Ngài[10], thì chúng ta sẽ luôn cầu xin như Chúa Kitô đã dạy, là nguyện xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Cái thiếu nhất của chúng ta thường là thiếu niềm tin, cho nên ta cần phải cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho ta, như các tông đồ đã kêu xin Ngài: “Xin thêm niềm tin cho chúng con” (Lc 17, 5).
Trở lại hình thức cầu nguyện không đọc kinh, chúng ta thấy đó là những giây phút ta thầm thĩ với Chúa sau khi rước lễ, những giây phút ta viếng Thánh Thể, những giây phút chúng ta cầu khẩn trước tòa Đức Mẹ ở nhà thờ, hoặc tại gia đình, hoặc những giờ phút lâu dài hơn, khi chúng ta cầu nguyện tại những nơi hành hương, nhất là nếu ta có diễm phúc được cầu nguyện tại Bethlem, tại đồi Golgotha, tại nhà thờ Mồ thánh, hoặc tại những nơi Đức Mẹ đã hiện ra tại Fatima, tại Lộ Đức, tại Mễ Du v.v.
Nhưng hai hình thức phải kể đến là những giờ chầu Thánh Thể, và giờ nguyện gẫm. Những việc cầu nguyện này thường dành riêng cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng cũng có những giáo dân đạo đức thực hiện những việc cầu nguyện đặc biệt này.
Các tu hội nam nữ đều dành riêng hoặc nửa giờ, hoặc một giờ, hoặc nhiều giờ mỗi ngày cho việc chầu hoặc viếng Thánh Thể. Nhưng cũng có những giáo dân dành nhiều thời giờ để cầu nguyện yên lặng trước Nhà Tạm. Ai cũng nghe nói đến người giáo dân xứ Ars, ngày nào cũng cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, khiến thánh Gioan Vianney là cha sở họ Ars phải thắc mắc. Ngài hỏi người đó cầu nguyện gì im lặng lâu giờ như vậy, thì được trả lời: “Thưa Cha, con chỉ nhìn Chúa và Chúa nhìn con”. Người giáo dân này có phúc, vì đã đạt tới một mức sống chiêm niệm cao. Đa số các tu sĩ vẫn phải nhờ việc đọc sách (các sách viếng Thánh Thể) hoặc đọc kinh này kinh khác, để qua một giờ chầu Thánh Thể. Và như vậy, việc cầu nguyện của họ vẫn không hoàn toàn là cầu nguyện không đọc kinh.
Việc cầu nguyện không đọc kinh đặc biệt nhất vẫn là giờ nguyện gẫm ban sáng, mệnh danh là “giờ cầu nguyện trong tâm trí” (Oraison mentale). Đây là lò luyện nên các thánh lớn trong Giáo Hội.
Việc nguyện gẫm có mục đích giúp linh hồn thấy rõ mình còn cần phải làm những gì để nên thánh, tức sống hoàn toàn hợp thánh ý Chúa, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)
Việc nguyện gẫm có ba bậc, quen gọi là ba con đường: con đường thanh tẩy (voie purgative), con đường soi sáng (voie illuminative), và con đường hiệp nhất (voie unitive). Ở giai đoạn thanh tẩy, con người cần suy gẫm lời Chúa để có những xác tín, hầu đi đến những quyết định cho lối sống của mình. Giai đoạn này thường được gọi là giai đoạn của tâm trí, của suy nghĩ. Giai đoạn hai là con đường soi sáng : con người nhờ suy nghĩ và cầu nguyện đã bắt đầu có những tâm tình đạo đức, những quyết định thánh thiện: giai đoạn của tâm tình. Linh hồn bắt đầu yêu mến các nhân đức và thiết tha với đời sống thánh thiện. Ở cuối con đường này, linh hồn sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn thụ động. Giai đoạn ba, giai đoạn cao nhất của con đường trọn lành có tên là con đường hiệp nhất: mọi tâm tình, ý hướng và ý chí của con người hoàn toàn phù hợp, hoàn toàn đồng nhất với thánh ý Chúa. Giai đoạn của ý chí.
Rất ít người đạt tới đỉnh cao này. Tuyệt đại đa số chỉ ở giai đoạn hai. Nhưng vững chân và kiên trì ở giai đoạn một và giai đoạn hai cũng là quý lắm rồi, vì vẫn hướng thượng, vẫn ở thế tiến lên, và vẫn có thể nên thánh.
Bây giờ nhìn vào hai hình thức cầu nguyện không đọc kinh này, nhất là nhìn vào giờ nguyện gẫm ban sáng, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy cách cầu nguyện này có vẻ đơn giản, vì không đọc kinh gì hết, nhưng thật ra cầu nguyện cách này rất khó.
Thật rất khó. Rất khó vì người ta phải có một kiến thức căn bản về nguyện gẫm, về cách thức diệt trừ những nết hư thói xấu, và nhất là phải chống lại sự lo ra là kẻ thù số một của người nguyện gẫm.
Vì con đường thanh tẩy là giai đoạn đầu và thường là con đường dài, cho nên nhiều khi giờ nguyện gẫm đã trở thành giờ suy gẫm (méditation), mà suy gẫm thì người ta rất dễ bị lôi cuốn vào những chuyện của đời mình. Nhất là bởi vì suy gẫm là độc thoại, không còn đối thoại với Thiên Chúa nữa, cho nên rất dễ sinh ra những lo ra. “Trong giờ nguyện gẫm, một căn nguyên sinh ra những lo ra là thiếu chuẩn bị cho việc nguyện gẫm. Một nguyên nhân khác là tại người ta thường biến việc nguyện gẫm thành một thứ độc thoại, thay vì đối thoại với Chúa và Đức Mẹ”[11].
Giờ nguyện gẫm buổi sáng thường có vẻ nặng nề, không phấn khởi như giờ dự thánh lễ, và không vui tươi như giờ đọc kinh Mân Côi buổi tối. Nặng nềvì những phút lo ra liên miên. Rồi hết lo ra lại buồn ngủ: rất nhiều người sáng nào cũng ngủ, nhất là những vị lớn tuổi. Nhiều khi còn ngáy khò khò! Để tránh lo ra, để tránh sự trống rỗng của tâm hồn, người ta lại phải đọc sách. Nhiều người thường xuyên phải dựa vào việc đọc sách để qua giờ nguyện gẫm. Như vậy là vẫn phải dựa vào kinh vào sách…
Nhìn lại đỉnh cao của việc nguyện gẫm là “con đường hiệp nhất” , ta thấy việc nguyện gẫm có thể dẫn tới sự “hiệp nhất” với Chúa, và ta nhớ “hiệp thông với Chúa” là điều cốt yếu nhất của việc cầu nguyện, như cha Y.Congar đã nhắc cho ta nhớ trên kia, thì chúng ta thấy ngay nguyện gẫm là hình thức cầu nguyện tốt đẹp, cao quý nhất, nhưng cũng rất khó. Rất khó.
Bây giờ trở về với kinh Mân Côi, ta sẽ thấy đó là cách cầu nguyện bình dân nhất, dễ dàng nhất, đồng thời cũng có khả năng dẫn đưa nhiều linh hồn tới những bậc chiêm niệm cao siêu nhất. Đúng như lời hai linh mục dòng Đa Minh J. Eyquem và J. Laurenceau, thuộc Trung Tâm Mân Côi của nước Pháp, đã khẳng định sau đây, và như kinh nghiệm ta có thể thấy nơi những người sùng kính đọc kinh Mân Côi:
“Người ta thường nghĩ rằng “nguyện gẫm” và “chiêm niệm” là những hình thức cầu nguyện cao siêu, dành cho một thiểu số ưu tú có đời sống thiêng liêng hoặc trí thức. Còn quần chúng tín hữu thì chỉ có quyền đọc đi đọc lại những kinh đã viết sẵn cho họ. Nói thế vì người ta nghĩ rằng “suy gẫm” là triển khai những suy nghĩ đạo đức tốt đẹp…
Thật ra, kinh Mân Côi dẫn đưa ta dần dần tới một sự cầu nguyện rất phong phú cho bản thân mỗi người, không phải bằng cách thu tích những ý tưởng tốt đẹp, nhưng bằng cách đặt chúng ta trước mặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những vị đang sống động bên cạnh chúng ta… Kinh Mân Côi có thể dẫn đưa các Kitô hữu, cả những người ít học nhất, tới những đỉnh cao nhất của việc cầu nguyện”[12].
[1] Thánh Louis De Montfort, Sđd (Bông hồng thứ 24) [2] E. Neubert, La vie d’union à Maria, Alsatia Paris 1958, tr. 49. [3] E. Neubert, Sđd, tr. 49. [4] Đ. Phaolo VI, Tông huấn Marialis Cultus, s. 47. [5] Thánh Louis de Montfort, Sđd 40. [6] Sưu tập thông điệp Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, tr. 335. [7] Romano Guardini, Le Rosaire de Notre – Dame, bản dịch Jeanne Ancelet - Hustache, Bloud et Gay 1950, tr. 52. [8] Romano Guardini, Sđd tr. 12. [9] Yves Congar, Jésus – christ notre médiateur, notre Seigneur, Cerf Paris 1996, tr. 162. [10] Xem Mt 7,7 – 10 và Lc 11, 9 – 13. [11] E. Neubert, Sđd, tr. 157. [12] Jeyquem O.P., Jeurenceau O.P., Aujourd’hui le roaire?, Centre National du Rosaire, Toulouse, 1968, tr. 109.
Ý kiến bạn đọc