banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/12/2017 22:38 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Tín điều Đức Maria Mẹ Thiên Chúa: Nền tảng Kinh Thánh, lịch sử hình thành và ý nghĩa thần học

Qua dòng lịch sử Giáo Hội đã tuyên bố bốn tín điều về Đức Maria: Mẹ Thiên Chúa, Trọn Đời Đồng Trinh, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hồn Xác Lên Trời. Nói đúng ra, bốn chân lý đức tin ấy không phải chỉ liên hệ tới cá nhân của Đức Mẹ, nhưng còn nói lên vai trò của Người trong công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô. Hai tín điều đầu tiên gắn Đức Mẹ với mầu nhiệm Nhập Thể, hai tín điều sau đặt Mẹ trong tương quan với mầu nhiệm Cứu Chuộc. Hai tín điều đầu đã được Giáo Hội tuyên xưng từ buổi sơ khai; hai tín điều còn lại được tuyên xưng vào thế kỷ XIX và XX. Mỗi tín điều được suy tư và phát triển trong ba chiều kích: Nền tảng Kinh Thánh, lịch sử hình thành và ý nghĩa thần học. Trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, xin được chia sẻ nơi đây vài nét căn bản về tín điều này.

1. Nền tảng Kinh Thánh
Tín điều này liên quan đến Đức Maria trong chức phận làm Mẹ Thiên Chúa. Việc tuyên bố tín điều này đánh dấu sự tiến triển của đức tin Hội Thánh về thân thế của Chúa Giêsu. Thoạt tiên xem ra đây là một chân lý quá hiển nhiên, vì đã được nói tới ngay từ một bản văn kỳ cựu của Tân Ước, «Khi thời gian đã đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh bởi người đàn bà, sinh dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử» (Gl 4,45). Dĩ nhiên, trong đoạn văn này, thánh Phaolo chú trọng đến công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô hơn là tới chức phận của Đức Maria. Tuy nhiên, chân dung của Đức Maria được sáng tỏ thêm một khi đã ý thức được chân tướng của người con do bà sinh ra. Thực vậy, Đức Kitô không phải chỉ hiện hữu từ trước và được Chúa Cha sai đến, nhằm cứu chúng ta khỏi ách lề luật  mà còn ban cho chúng ta hồng ân làm con Chúa.

Tin Mừng của Thánh Mattheu, cho ta biết rõ hơn Đức Maria là mẹ Đức Giêsu. «Đấng cứu chuộc dân» (Mt 1,21). « Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta » (Mt 1,23). Thiên sứ cho biết con trẻ sinh bởi Đức Maria được gọi là «Thánh, Con Thiên Chúa» (Lc1,35). Bà Elisabet đã chào Đức Maria như là « Mẹ của Chúa tôi» (Lc 1,43).

2. Lịch sử tín điều
Niềm tin về Đức Giêsu là « Con Thiên Chúa làm người, sinh bởi Đức Maria » đã được xác tín trong các tín biểu (Kinh Tin Kính) cổ điển nhất của Hội Thánh, tuy dưới những dạng thức hơi khác biệt tùy địa phương. Thí dụ : Đức Kitô «sinh ra bởi Thánh Thần và bởi Đức Trinh Nữ Maria» (natus est de Spiritu Sancto ex Marie Virgine: tín biểu rửa tội của Hippolito ở Roma, Tk. III) «Nhập thể và sinh làm người bởi trinh nữ Maria» (Constitutiones Apostolorum, xuất xứ từ Xyri và Paléttin vào cuối Tk. IV); «Nhập thể, nghĩa là sinh ra vào thời buổi chót, bởi thánh Maria trọn đời đồn trinh» (Tín biểu rửa tội Antiokhia, cuối Tk.IV); «Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, đã nhập thể bởi quyền năng Thánh Thần và do Maria đồng trinh, đã làm người» (Tín biểu Công Đồng Contantino I – 38).

Với hai Công đồng Nicea I (325) và Contantino I (381), Giáo Hội đã tuyên xưng đức tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha, (chứ không phải chỉ là một thụ tạo được Chúa nhận làm nghĩa tử, theo như chủ trương của Ario) Ngài là Đấng Cứu Thế (nhập thể vì phần rỗi loài người); Ngài cũng là người, bởi vì được sinh ra từ một phụ nữ.

Tuy nhiên, sau Công đồng Nicea, các trường phái thần học còn tiếp tục tìm hiểu thêm về bản tính của Đức Kitô, nổi bật hơn cả là hia khuynh hướng của trường Alexandria và Antiokia. Học phái của Alexandria nhấn mạnh đến Thiên tính của Đức Kitô: Ngài là Ngôi Lời Nhập Thể. Trong tiếng Hy Lạp: khi nói rằng «Lời (Logos) trở thành xác (sarx)», thì tiếng «xác» theo nghĩa triết học Hy Lạp, và chủ trương rằng Ngôi Lời chỉ mặc lấy thân xác của con người, chứ không nhận lấy hồn. Nói một cách khác đi, Đức Kitô không có hồn của con người, bởi vì Lời Chúa chiếm giữ chức phận thiêng liêng của con người. Hậu nhiên, trong Đức Kitô chỉ có Thiên tính: một Thiên Chúa với một thân xác loài người, chứ Ngài không phải là người thật. Apolinare cũng thêm rằng nếu Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu, thì tất nhiên Đức Maria phải được gọi là Thiên Mẫu (Theotokos) bởi vì đã sinh ra Thiên Chúa.

Tuy rằng tước hiệu «Thiên Mẫu» nguyên nó không có gì nghịch với Kinh Thánh nhưng xét vì  nó phát xuất từ trường phái Alexandria với chủ trương Đức Ki tô chỉ có một bản tính (mia physis), cho nên tước hiệu đó đã bị trường phái đối lập Antiokia tẩy chay[1]. Trường phái Antiokia chủ trương rằng Đức Kitô có hai bản tính (dia physis). Tiếc rằng, khi nhấn mạnh quá đáng tới hai bản tính (thiên tính và nhân tính) đến nỗi hầu như tách biệt lẫn nhau (Đức Kitô là người, sau đó được Ngôi Lời thu nhận do ơn thánh). Hậu nhiên, Đứ Maria không thể gọi là Thiên Mẫu được mà chỉ là Nhân Mẫu (anthropotokos).

Khi được bầu làm thượng phụ Constantino vào năm 428, Nestorio (xuất thân từ trường phái Antiokia) cố gắng dung hòa hai chủ trương nói trên bằng cách đề nghị gọi Đức Maria là Kitô Mẫu (Christotókos). Tuy nhiên, Nettorio lúng túng khi giả thích về sự kết hợp giữa Thiên Chúa với con người nơi Đức Kitô: sự kết hợp không phải tại vì có một ngôi vị duy nhất nhưng do ơn thánh «chiếm đoạt» (appropriatio) con người. Do đó mà theo Nettorio, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một việc xảy ra cho con người Giêsu, chứ không ảnh hưởng chi tới Ngôi Lời hết.

Công đồng Epheso (431) đã luận phi thuyết của Nestorio với những lời khẳng định như sau:
_ Lời Chúa, tuy không bị biến đổi gì, đã làm người.
_ Nhân tính của Đức Kitô, gồm bởi hồn và xác, cũng không bị biến đổi gì hết.
_ Tuy nhiên, Lời Chúa đã kết hợp với một thân xác và một linh hồn con người trong một ngôi vị duy nhất là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa: hai bản tính vẫn khác biệt nhau nhưng được kết hợp cách nhiệm lạ trong một ngôi vị (hypostasis).
_ Do đó, không thể nói rằng Đức Maria đã sinh ra một người, và sau đó Lời Chúa đáp xuống người ấy như ngự trong đền thờ; cần phải nói rằng Lời Chúa đã kết hợp với nhục thể trong lòng Đức Maria, do đó, Đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể, và đáng được gọi là Theotokos (người sinh ra Thiên Chúa).

Chúng ta lưu ý rằng công thức mà Công đồng Epheso sử dụng là «Đức Maria là kẻ sinh ra (= đẻ ra, tókos; genetrix) Thiên Chúa» (Theotokos, Deipara, Dei Genitrix), chứ không phải là «Đức Maria là mẹ (méter) của Thiên Chúa». Tuy rằng, trên thực tế không có gì khác nhau, nhưng Công đồng tiên vàn nhắm định nghĩa là Mầu Nhiệm Nhập Thể, nghĩa là Ngôi Lời đã kết hợp với Nhân tính ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng Đức Maria, chứ không phải là Ngôi Lời chiếm đoạt một người đã thành hình rồi. Như vậy tín điều của Công đồng Epheso liên hệ trực tiếp đến Đức Kitô, và cách gián tiếp có liên quan đến Đức Maria. Xét về lịch sử, thì ai không chối cãi được ảnh hưởng của thánh Xirilo, Alexandi nơi Công đồng Epheso trong việc khẳng định sự hợp nhất hai bản tính trong một ngôi vị, đối lập với lập trường của Nestorio lúng túng khi giải quyết sự hòa hợp giữa hai bản tính[2]. Tuy nhiên cũng nên biết là phải chờ 20 năm sau, tại Công đồng Calcedonia Giáo Hội mới tìm thấy cách thức phát biểu chính xác hơn về sự hợp nhất giữa Thiên tính và Nhân tính nơi Đức Kitô.

Mặt khác, cũng nên biết rằng công thức «Mẹ Thiên Chúa » có tính cách hàm hồ, và Nestorio có lý khi chỉ trích nó. Trong Kinh Thánh, tiếng «Thiên Chúa» (Theos) được áp dụng cho Chúa Cha; vì vậy khi nói rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì có thể hiểu là muốn nói chính xác hơn thì phải nói rằng «Đức Maria là mẹ của Con Chúa». Đức Maria là mẹ của toàn thể bản thân Đức Kitô, chứ không phải chỉ là mẹ của thân thể hay mẹ của nhân tính! Tuy nhiên ta cũng nên lưu ý ba điểm sau:

_ Đức Maria không phải là mẹ của Thiên tính (do đó không phải là mẹ của cả Ba Ngôi Thiên Chúa);
_ Nhân tính của Đức Kitô đã kết hợp với Thiên tính thành một ngôi vị duy nhất, ngôi vị Thiên Chúa; nhưng điều đó không áp dụng cho Đức Maria: Đức Maria vẫn là con người, chứ không biến thành một nữ thần!
_ Đức Kitô bắt đầu hiện hữu kể từ khi Ngôi Lời kết hợp với một con người được thụ thai trong lòng Đức Maria; tuy nhiên Ngôi Lời đã hiện hữu từ muôn thuở; do đó mà Đức Maria tuy là mẹ của Đức Kitô nhưng vẫn là thụ tạo của Ngôi Lời.

3. Suy tư thần học
Trong quá khứ, khi nói đến chức phận làm mẹ của Đức Maria, thần học coi đây là một ơn gọi làm nền tảng cho tất cả những đặc ân mà Chúa dành cho Người (ví dụ: vì là Mẹ Thiên Chúa, nên Đức Maria phải được giữ gìn khỏi nguyên tội; thân xác Người phải được đưa về trời…).

Ngày nay, thần học một đàng muốn trở về với Kinh Thánh và các Giáo Phụ, khi nhấn mạnh rằng Đức Maria được khen là có phúc không phải vì được làm mẹ của Đức Kitô cho bằng vì đã tin vào Lời Chúa; đàng khác thần học cũng muốn đào sâu thêm vai trò người mẹ của Đức Giêsu xét như là con người: chức phận làm mẹ không phải chỉ giới hạn vào việc sinh đẻ hay cho bú mớm, nhưng còn mở rộng tới việc truyền thông tình yêu, giáo dục.

Mẹ Thiên Chúa
Như đã thấy trong phần lịch sử, khi Công đồng Epheso định nghĩa Đức Maria là «Mẹ Thiên Chúa» (người đã sinh ra Chúa), thì mục tiêu chính không phải là đề cao một tước hiệu của Đức Maria, song là để bảo vệ chân lý về Thiên Chúa nhập thể. Từ đó ta cũng có thể rút ra hệ luận này: tước hiệu Mẹ Thiên Chúa tiên vàn phải được nhìn trong bối cảnh của mầu nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa muốn trở thành người như chúng ta, làm con của một người phụ nữ (Gl 4,4). Thiên Chúa muốn đến với nhân loại qua một gia đình (tình mẫu tử), chấp nhận điều kiện của con người, từ thai nhi yếu ớt và lớn dần, chứ Ngài không hóa thân từ trên trời mà xuống.

Thiên Chúa đã chọn một bà mẹ giữa hàng những người «tôi tớ» khiêm tốn (Lc 1, 38.48). Với cuộc Nhập Thể của Đức Kitô, Thiên Chúa tỏ ra một đường lối mới trong cách xử sự của Ngài: quyền năng của Ngài biểu lộ qua sự yếu đuối của con người (1Cr 1, 21 – 31). Sự chọn lựa ấy là hiệu quả của một hồng ân (Lc 1,30); hồng ân bao hàm một tình yêu đặc biệt mà Chúa dành cho Đức Maria. Tình yêu ấy đã thánh hóa Đức Maria, và bạn cho Người khả năng đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa đã gây một hiệu quả làm thay đổi bản thân Đức Maria: thanh luyện, thánh hóa. Ta cũng có thể thêm rằng trong suốt những năm gần gũi Chúa Giêsu, mối liên lạc giữa Mẹ với Con Thiên Chúa không ngừng gia tăng sự thánh thiện và các nhân đức nơi Đức Maria.

Mẹ của Đức Giêsu
Khó mà biết được những tâm tình của Đức Maria đối với con của mình: liệu Đức Maria đã đạt đến đức tin hoàn toàn vào Thiên tính của Chúa Giêsu trong những năm ở Nazareth  hay chưa? Liệu Đức Maria đã có ý thức rằng mình là mẹ của một Đấng vừa là người vừa là Chúa như Công đồng Epheso đã định nghĩa hay không? Chắc rằng không ai trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó, ngoại trừ chính Đức Maria! Dù sao đi nữa, Đức Maria cũng là mẹ của Đức Giêsu xét là một con người. Có thể nói rằng chính nhờ Đức Maria, mà Chúa Giêsu đã sống trong thế giới loài người, đã đi vào văn hóa nhân loại, học cách cử xử làm người, học ăn học nói, cũng như học cách cầu nguyện. Thật là cả một mầu nhiệm gói ghém trong câu Tin Mừng của Luca 2,15: «Đức Giêsu tấn tới về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta». Chắc chắn Đức Maria đã góp phần không nhỏ khi giúp cho con mình tấn tới như vậy[3].

Dù xét Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, xét như là Con Thiên Chúa hay xét như là con người đi nữa, thiết tưởng cũng cần thêm rằng mối liên hệ mẹ - con có tính cách hằng cửu. Bà mẹ mãi mãi là mẹ, dù khi đứa con đã khôn lớn, hay khi cả hai đều khuất bóng.
 
(Trích trong cuốn ĐỨC BÀ CHẲNG HỀ MẮC TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN của Giáo Phận Bùi Chu mừng kỷ niệm 150 năm dâng Giáo Phận cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tr. 9 - 16).
 

[1] Từ thế kỷ III, tước hiệu “Theotokos” xuất hiện bên Ai Cập, qua chứng tích của kinh “Sub tuum praesidium, Sancta Dei Genitrix…” (quen dịch là: “Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời…”. Từ thế kỷ IV, tước hiệu này được phổ biến sang bên Đông cũng như bên Tây. Trong số các tác phẩm thần học, cần nhắc đến thánh Alexando Giáo Phụ Alexandi (325), Thánh Atanaiso đã viết những thiên chống lại lạc giáo Ario.
[2] Theo Nestorio, không thể gọi Đức Kitô là Thiên Chúa mà chỉ là “Theophorus – Deiferus”, kẻ mang Chúa.
[3] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 532 – 533. 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc