banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

SỰ TUYỆT HẢO CỦA NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI KINH MÂN CÔI

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/09/2018 23:28 - Người đăng bài viết: menthanhgia
SỰ TUYỆT HẢO CỦA NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI KINH MÂN CÔI

SỰ TUYỆT HẢO CỦA NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI KINH MÂN CÔI

Kinh Mân Côi gồm hai phần: sự cầu nguyện trong tâm trí và sự cầu nguyện ngoài miệng

Cấu trúc kinh mân côi
Kinh Mân Côi gồm hai phần: sự cầu nguyện trong tâm trí và sự cầu nguyện ngoài miệng. Sự cầu nguyện trong tâm trí của kinh Mân Côi là suy ngắm những mầu nhiệm của cuộc đời, của cái chết và sự vinh hiển của Chúa Giêsu và của Mẹ Thánh Ngài. Việc cầu nguyện ngoài miệng của kinh Mân Côi là đọc 15 chục kinh Kính Mừng, có đọc thêm một kinh Lạy Cha ở đầu mỗi chục kinh, đồng thời suy ngắm 15 nhân đức mà Chúa Giêsu đã thực hành nơi 15 mầu nhiệm của kinh Mân Côi. Trong chuỗi nhỏ thứ nhất, gồm 5 chục kinh Kính Mừng, chúng ta suy ngắm và tôn kính 5 mầu nhiệm vui. Trong chuỗi nhỏ thứ hai, chúng ta tôn kính 5 mầu nhiệm đau thương. Và trong chuỗi nhỏ thứ ba, chúng ta tôn kính 5 mầu nhiệm hiển vinh.

Như vậy kinh Mân Côi gồm việc cầu nguyện trong tâm trí và việc cầu nguyện ngoài miệng, để tôn kính và bắt chước những nhân đức của cuộc đời, cuộc khổ nạn, sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria.

Lịch sử kinh mân côi
Trong bản chất của nó, kinh Mân Côi gồm có kinh của Chúa Giêsu Kitô và lời chào của thiên thần, tức kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, cùng với sự suy ngắm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đó là lời cầu nguyện và là việc sùng kính đầu tiên của các tín hữu từ thời các thánh Tông Đồ, và vẫn được thực hành qua các thế kỷ cho tới ngày nay.

Tuy nhiên kinh Mân Côi, theo hình hức và cách thức chúng ta đọc hôm nay, đã chỉ được Mẹ Maria ban cho Giáo Hội qua tay thánh Đaminh năm 1214, để đưa những người rối đạo Albigense và những kẻ tội lỗi về với Chúa. Sự việc đã xảy ra như sau, theo lời kể lại của Chân Phước Alano (Alain de la Roche) trong cuốn sách của ngài, có tên là “Về phẩm giá của sách Thánh Vịnh”.

Thấy những tội ác của người ta ngăn cản việc trở lại của những người theo bè rối Albigense, thánh Đaminh đi vào một khu rừng gần thành Toulouse (Pháp) và ở đó ba ngày ba đêm, cầu nguyện ăn chay đền tội. Ngài than van, khóc lóc, và đánh phạt thân xác mình bằng roi da, để xin Thiên Chúa nguôi giận, cuối cùng ngài đã té xỉu như gần chết. Đức Mẹ hiện ra với ngài, có ba thiên thần theo hầu. Đức Mẹ nói: “Đaminh con yêu quý của Mẹ, con có biết Thiên Chúa Ba Ngôi đã dùng khí giới nào để cải tạo thế giới không?” – Thánh nhân trả lời: “Lạy Mẹ, Mẹ biết hơn con, vì sau Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ là dụng cụ chính để cứu độ chúng con”. Mẹ thêm rằng: “Con nên biết rằng cỗ pháo chính để tấn công là kinh Thánh Vịnh thiên thần, nền tảng của bộ Tân Ước. Bởi vậy, nếu con muốn thu phục những tâm hồn chai đá kia, và đưa họ về với Chúa, con hãy giảng kinh Thánh Vịnh của Mẹ”.

Thánh nhân chỗi dậy, lòng tràn ngập vui mừng, và đầy nhiệt thành muốn cứu lấy linh hồn của đám dân chúng này, ngài đi vào nhà thờ chánh tòa cảu thành phố: lập tức các thiên thần làm cho các chuông nhà thờ đổ hồi, reo vang, kêu gọi dân chúng tập họp lại. Khi thánh Đaminh vừa bắt đầu giảng, một cơn giông tố kinh hoàng nổi lên, trời tối xầm lại, đất chuyển động, sấm chớp và sét vang rền, khiến mọi người khiếp sợ. Họ càng kinh sợ khi thấy Đức Mẹ trong bức ảnh cạnh bàn thờ, ba lần giơ tay lên trời xin Thiên Chúa đừng oán phạt họ, nếu họ hối cải và chạy đến xin Mẹ Chúa Trời che chở.

Chúa đã muốn dùng những hiện tượng lạ lùng này để khiến mọi người tin vào phép nhiệm mầu của kinh Mân Côi. Nhờ lời cầu nguyện của thánh Đaminh, cơn giông tố đã chấm dứt, để thánh nhân tiếp tục giảng về những ơn phúc trọng đại của kinh Mân Côi. Ngài giảng một cách nồng nàn và mạnh mẽ, khiến hầu hết mọi người trong thành phố Toulouse chấp nhận đọc kinh Mân Côi. Dân thành đã từ bỏ bè rối, đã ăn năn hối cải, và chỉ trong một thời gian ngắn, đã có những thay đổi lớn về phong hóa và lối sống của mọi người.

Thánh Đaminh và kinh Mân Côi
Việc thành lập kinh Mân Côi cách lạ lùng như thế có vài nét giống việc Thiên Chúa ban Luật của Ngài cho thế giới trên núi Sinai. Điều này nói lên sự tuyệt hảo của việc đạo đức thần thánh này. Bởi vậy, được Chúa Thánh Thần linh hứng, được Đức Mẹ dạy bảo và do kinh nghiệm của mình, thánh Đaminh đã chỉ giảng về kinh Mân Côi những năm còn lại của đời ngài. Ngài đã dùng lời nói và gương sáng của mình để giảng dạy tại các thành phố và các miền quê, trước mặt những nhà trí thức cũng như cho giới bình dân, cho người công giáo cũng như cho người rối đạo.

Kinh Mân Côi ngài đọc mỗi ngày là sự chuẩn bị các bài giảng của ngài, và cũng là cuộc gặp gỡ của ngài với dân chúng sau khi giảng.

Một hôm, nhằm lễ thánh Gioan Tông Đồ, thánh Đaminh đang chuẩn bị giảng bằng cách đọc kinh Mân Côi trong một phòng cầu nguyện, sau bàn thờ chính, thì Đức Mẹ đã hiện ra với ngài và nói: “Này Đaminh con Mẹ, những gì con chuẩn bị để giảng thì tốt đấy, nhưng đây Mẹ đem đến cho con một bài giảng tốt hơn nhiều”. Và Đaminh đã nhận từ bàn tay Mẹ một tấm giấy có ghi bài giảng đó: ngài đọc, ngẫm nghĩ và hiểu. Và thánh nhân cảm tạ Đức Mẹ, giờ giảng đã đến, ngài lên tòa giảng, và sau vài lời ngợi khen thánh Gioan đã đáng được Chúa chọn làm người bảo vệ cho Mẹ Chúa Trời, thánh nhân đã giảng một bài rất mạnh mẽ và đặc sắc: thay vì những lời thông thái và hoa mỹ mà các vị tiến sĩ và những vị có chức quyền của thủ đô quen được nghe, thánh Đaminh đã giảng với sự đơn sơ và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thánh Đaminh đã giảng về kinh Mân Côi: ngài đã dùng những điều đã đọc trong tấm giấy Đức Mẹ trao cho, để giải nghĩa từng lời của kinh Kính Mừng, y như thể nói với đám trẻ nhỏ.

Sau đây là những gì học giả Cartagena kể lại cho ta, sau khi đọc cuốn “Về phẩm giá của kinh Thánh Vịnh” của Chân phước Alano: “Chân Phước Alano làm chứng rằng thánh phụ Đaminh đã nói với mình như sau, trong một lần hiện ra: “Con ạ, khi giảng, con coi chừng đừng lo tìm kiếm lời ngợi khen của người ta cho bằng hãy tìm kiếm ích lợi của các linh hồn. Con hãy nghe những gì đã xảy ra cho cha ở Paris: hôm đó cha phải giảng tại nhà thờ Đức Bà Paris, cha muốn giảng một bài thật hay, không phải vì muốn khoe khoang, nhưng vì cử tọa thuộc thành phần khoa bảng và có chức quyền. Vậy đang khi theo thói quen, cha chuẩn bị giảng bằng cách đọc kinh Mân Côi trong một phòng nguyện, sau bàn thờ chính của nhà thờ, bỗng chốc cha được ơn xuất thần và thấy Đức Trinh Nữ Maria trao cho Cha một tấm giấy và nói: “Đaminh con của Mẹ, bài giảng con soạn cũng tốt đấy, nhưng đây Mẹ cho con một bài giảng tốt hơn nhiều”. Cha vui mừng lãnh nhận tấm giấy, đọc đi đọc lại, và cảm tạ Đức Mẹ. Khi tới giờ giảng, tất cả viện Đại Học đều có mặt, cùng với các quan chức rất đông, vì họ đã nghe và đã thấy những việc lạ lùng Chúa dùng cha mà thực hiện. Cha lên tòa giảng: hôm đó là lễ thánh Gioan thánh sử. Cha chỉ nói và lời để ca tụng thánh Gioan đã được Thiên Chúa chọn làm người bảo vệ của Đức Mẹ Chúa Trời. Rồi Cha nói với cử tọa như sau: “Thưa quý vị quan chức và quý vị Giáo sư rất đáng kính, quý vị thường được nghe những bài giảng thông thái và mới lạ, nhưng hôm nay tôi sẽ không dùng những lời lẽ uyên bác của sự khôn ngoan loài người, mà sẽ trình bày cho quý vị thấy Chúa Thánh Thần và sức mạnh kỳ diệu của Ngài”. Và học giả Carthagena nói theo lời kể của Chân Phước Alano: “Rồi thánh Đaminh dùng nhiều hình ảnh và ví dụ của đời sống thường ngày, để giải nghĩa cho các vị đó nghe về lời chào của thiên thần, tức kinh Kính Mừng”.

Học giả Carthagena còn nói cho ta biết: Chân phước Alano đã kể lại Chúa và Mẹ Maria đã hiện ra với thánh Đaminh nhiều lần khác nữa, thúc giục và khuyến khích thánh nhân hãy ngày càng giảng về kinh Mân Côi nhiều hơn, hầu phá tan tội lỗi và đưa những người tội lỗi, những kẻ rối đạo trở về với Chúa. Ở một nơi khác, học giả Carthagena viết: “Chân phước Alano nói Đứuc Mẹ đã mặc khải cho ngài rằng: sau Đức Mẹ, chính Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh Đaminh và nói với thánh nhân rằng: “Hỡi Đaminh, Cha vui mừng vì con không cậy trông vào sự khôn ngoan của con, những con đã khiêm nhường lo cứu vớt các linh hồn, hơn là lo làm vui lòng những người phù phiếm. Nhiều vị giảng thuyết đã muốn tấn công ngay vào những tội lỗi rất nặng nề của người ta, các vị đó không biết rằng trước khi cho con bệnh uống thuốc, cần phải chuẩn bị đã, kẻo thuốc sẽ vô ích và vô hiệu. Bởi vậy, trước hết phải dẫn dụ họ sốt sắng cầu nguyện, nhất là đọc kinh Thánh Vịnh thiên thần của Chúa, vì nếu mọi người bắt đầu cầu nguyện như thế, chắc chắn những kẻ kiên trì cầu nguyện sẽ được Chúa nhân từ xót thương. Vậy con hãy giảng kinh Thánh Vịnh của Cha”.

Ở một nơi khác, Chân phước nói: “Tất cả các vị giảng thuyết đều bắt đầu bằng việc đọc một kinh Kính Mừng với các tín hữu để cầu xin ơn Đức Mẹ. Nguowfita làm như thế là do Mẹ Maria đã hiện ra và phán bảo thánh Đaminh: “Đaminh con của Mẹ, con đừng lấy làm lạ tại sao con giảng mà không thấy tiến triển gì hết. Đó là vì con cầy cấy một mảnh đất không được thấm nhuần mưa móc. Con hãy biết rằng khi Thiên Chúa quyết định canh tân thế giới, Ngài đã bắt đầu bằng trận mưa lời chào mừng của các thiên thần, và nhờ đó thế giới đã được cải tạo nên tốt hơn. Vậy trong các bài giảng, con hãy khuyến dụ người ta đọc kinh Mân Côi của Mẹ, con sẽ thu lượm được nhiều hoa trái cho các kinh hồn”. Thánh Đaminh đã luôn luôn làm theo lời Đức Mẹ dạy, và ngài đã gặt hái được tràn đầy hoa trái với các bài giảng của mình.

Tôi đã vui thích ghi lại từng chữ một, mấy đoạn văn bằng tiếng Latinh trên đây, rút ra từ mấy tác giả thời danh, kẻo những nhà giảng thuyết và các học giả có thể nghi ngờ về sức linh nghiệm của kinh Mân Côi. Vào thời kỳ các nhà giảng thuyết, theo gương thánh Đaminh, còn rao giảng lòng sùng kính kinh Mân Côi, thì lòng đạo đức và sự nhiệt thành phát triển mạnh trong các dòng tu và nơi giáo dân. Nhưng từ khi người ta lơ là đối với lời kinh do Đức Mẹ dạy, tội lỗi và những xáo trộn đã tràn lan khắp nơi.

Thánh Đaminh nói Chân phước rằng: “Con hãy xem những hoa trái mà cha đã thực hiện được nhờ việc rao giảng kinh Mân Côi! Con và tất cả những ai yêu mến Mẹ Maria cũng hãy làm như vậy, để nhờ việc đọc kinh Mân Côi, các con sẽ lôi kéo các dân tộc đến chổ nhận thức đích thực về các nhân đức”.

Đó là tóm tắt những gì lịch sử cho ta biết về việc thành lập kinh Mân Côi do thánh Đaminh, và việc chân phước Alano đã canh tân kinh này.


Trích trong tập sách BÍ QUYẾT DIỆU KỲ CỦA KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC ƠN HỐI CẢI VÀ ƠN CỨU ĐỘ, Đaminh Trần Thái Đỉnh chuyển ngữ. 
 
Từ khóa:

kinh Mân Côi

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc