banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

SỰ TUYỆT HẢO CỦA NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI KINH MÂN CÔI

Đăng lúc: Thứ hai - 22/10/2018 05:48 - Người đăng bài viết: menthanhgia
SỰ TUYỆT HẢO CỦA NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI KINH MÂN CÔI

SỰ TUYỆT HẢO CỦA NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI KINH MÂN CÔI

Nguồn gốc tên gọi và ân phúc của kinh Mân Côi

Thánh Vịnh Đức Maria

Từ thời thánh Đa Minh thiết lập việc sùng kính kinh Mân Côi cho đến năm 1460, là năm chân phước Albano (Alian de laRoche) nhận được lệnh của Chúa để tái lập, kinh Mân Côi vẫn được gọi là “Kinh Thánh Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria”, bởi vì cũng gồm 150 kinh Kính Mừng, như con số 150 thánh Vịnh của Vua Đavit. Những người đơn sơ và dốt nát không thể đọc các Thánh Vịnh của Vua Đavít, sẽ có thể đọc kinh Mân Côi, và cũng sẽ được nhiều ơn ích như khi người ta đọc các Thánh Vịnh Vua Đavít. Họ còn có thể nhận được nhiều ơn ích hơn:

_ Bởi vì Kinh Thánh Vịnh thiên thần có một hoa trái quý trọng hơn, đó là Ngôi Lời Nhập Thể, trong khi Kinh Thánh Vịnh Vua Đavit chỉ mới nói tiên tri về Ngài thôi.
_ Cũng như sự thật vượt xa hình bóng và con người vượt xa bóng của mình, thì Kinh Thánh Vịnh của Trinh Nữ Maria vượt xa Kinh Thánh Vịnh của Đavit là hình bóng mà thôi.
_ Bởi chính Thiên Chúa Ba Ngôi là tác giả kinh Thánh Vịnh Trinh Nữ Maria, tức kinh Mân Côi, vì kinh này do kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng hợp thành.

Học giả Carthagena kể lại về vấn đề này như sau: “Nhà thông thái Alano, trong cuốn sách viết về kinh Mân Côi có nói rằng: Lễ nghi chào mừng Đức Mẹ Maria đã được dạy cho những người mới theo đạo. Tuy nhiên trong khắp Giáo Hội sơ khai, những tín hữu tiến bộ hơn đã biết chuyên cần ca tụng Chúa bằng 150 Thánh Vịnh Vua Đavit, còn những người quê mùa dốt nát cũng muốn đua tranh với họ trong việc thờ phượng Chúa: Bởi vì họ biết rằng tất cả những mầu nhiệm giấu ẩn trong lời kinh của các Thánh Vịnh, nghĩa là Đấng mà các Thánh Vịnh loan báo sẽ nói lên. Bởi vậy, người ta đã gọi ba lần năm chục lời chào của thiên thần là “kinh Thánh Vịnh của Đức Maria”, và nơi đầu mỗi chục kinh Kính Mừng, người ta đọc một “kinh Lạy Cha”.

Kinh Thánh Vịnh Đức Trinh Nữ Maria, tức kinh Mân Côi, được chia làm 3 chuỗi nhỏ, mỗi chuỗi năm chục:

_ Để tôn kính Ba Ngôi Thiên Chúa.
_ Để tôn kính cuộc đời, cái chết và sự vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô.
_ Để bắt chước Giáo Hội toàn thắng, giúp đỡ Giáo Hội chiến đấu và an ủi Giáo Hội đau khổ.
_ Để bắt chước 3 phần của các Thánh Vịnh, phần một dành cho con đường thanh tẩy, phần hai dành cho con đường soi sáng và phần ba dành cho con đường hiệp nhất.
_ Để chúng ta được tràn đầy ân sủng trong cuộc đời, được bình an trong giờ chết và được vinh hiển trong cõi vĩnh cữu.

Vòng hoa hồng

Từ khi chân phước Albano tái lập việc sùng kính này, tiếng nói của quần chúng, cũng là tiếng nói của Thiên Chúa, đã gọi đó là kinh Mân Côi, nghĩa là một vòng hoa những bông hồng. Như thế nghĩa là mỗi lần chúng ta đọc kinh Mân Côi cách sốt sắng, chúng ta đặt trên đầu Chúa Giêsu và Mẹ Maria một vòng hoa, kết thành bởi 150 bông hồng trắng và 15 bông hồng đỏ, những bông hồng không bao giờ mất đi vẻ đẹp và tươi sáng. Đức Mẹ đã chấp nhận và xác nhận tên gọi “Kinh Mân Côi” này, vì Mẹ đã nói với nhiều vị thánh rằng: Mỗi lần các ngài đọc một kinh Kính Mừng là các Ngài dâng lên Mẹ một hông hồng xinh đẹp, và mỗi lần các ngài lần chuỗi Mân Côi là các ngài dâng lên Mẹ một vòng hoa những bông hồng.

Thầy Alphongso Rodriguez, Dòng Tên, thường đọc kinh Mân Côi cách rất sốt sắng, cho nên nhiều lần thầy đã thấy một bông hồng đỏ thắm bay ra khỏi miệng mình, mỗi khi thầy đọc một kinh Lạy Cha, và một bông hồng trắng bay ra, mỗi khi thầy đọc một kinh Kính Mừng, những hông hoa hồng thơm ngát và xinh tươi.

Cuốn ký sự về thánh Phanxico kể lại rằng: Một tu sĩ trẻ tuổi có thói quen tốt lành, mỗi ngày lần chuỗi Mân Côi trước khi ngồi vào ăn. Một hôm, vì ngăn trở gì đó, thầy không kịp đọc. Chuông bữa ăn đã lên hiệu, Bề Trên vẫn cho phép thầy đọc kinh Mân Côi trước khi xuống nhà ăn. Thầy rút lui về phòng, nhưng vì thấy quá lâu, Bề Trên sai một thầy đi gọi thầy ấy.

Thầy này thấy thầy ấy ở trong phòng, sáng rực một thứ ánh sáng huyền diệu, có Đức Mẹ và hai thiên thần ở gần. Mỗi lần thầy ấy đọc một kinh Kính Mừng, một bông hồng xinh tươi bay ra khỏi miệng thầy, các thiên thần liền đón lấy và đặt trên đầu Đức Mẹ, Đức Mẹ tỏ vẻ vui mừng lắm. Hai tu sĩ khác đã được Bề Trên sai đi xem tại sao có sự chậm trễ này: Hai thầy này cũng được xem thấy tất cả sự lạ. Đức Mẹ chỉ biến đi khi thầy ấy đọc xong kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi 150 là một vòng hoa lớn, và chuỗi năm chục là một vòng hoa nhỏ, những bông hoa hồng mầu nhiệm chúng ta dâng kính Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bông hồng là nữ hoàng của các loài hoa, và kinh Mân Côi là việc sùng kính số một trong các việc đạo đức.

Những ơn phúc lớn lao của kinh Mân Côi

Thật không thể nào diễn tả được sự Đức Mẹ yêu quý kinh Mân Côi hơn tất cả các việc sùng kính khác, và Mẹ rộng ban muôn ngàn ơn phúc cho những ai lo rao giảng và khuyến khích việc lần chuỗi Mân Côi.

Trong suốt đời mình, thánh Đa Minh đã hết lòng chăm lo việc ngợi khen Đức Mẹ, rao giảng và khuyến khích mọi người tôn kính Mẹ bằng kinh Mân Côi. Nữ Vương thiên đàng cũng không ngừng ban cho thánh nhân được tràn đầy ơn phúc, Mẹ đã chúc lành cho các công việc của thánh nhân, đã làm nhiều phép lạ để hỗ trợ Ngài: không bao giờ Ngài xin Chúa điều gì mà không được toại nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ. Ơn trọng đại hơn hết là Mẹ đã giúp Ngài chiến thắng bè rối Albigense, và làm cho Ngài trở thành người Cha và tổ phụ một Dòng lớn trong Giáo Hội.

Tôi sẽ nói gì về chân phước Albano người đã tái lập việc sùng kính này? Đức Mẹ đã thương hiện ra với Ngài nhiều lần, để dạy Ngài phương cách lo ơn cứu độ của mình, trở thành một linh mục tốt và một tu sĩ tốt, theo gương Chúa Kitô. Trong những cám dỗ và những cuộc quấy phá ghê sợ của ma quỷ khiến Ngài lo buồn vô cùng, gần như tuyệt vọng, Đức Mẹ đã luôn an ủi Ngài, và sự hiện diện của Mẹ đã xua đi những cơn mây u ám đó. Mẹ đã dạy Ngài cách thức đọc kinh Mân Côi, cảm nghiệm vẻ tuyệt hảo và nhận được những hoa trái dồi dào của kinh Mân Côi. Đức Mẹ cũng ban cho Ngài một vinh dự lớn lao, là được Mẹ gọi là người bạn của Đức Mẹ. Và để chứng tỏ tình yêu trong trắng đó, Mẹ đã đeo một chiếc nhẫn vào ngón tay Ngài và trao cho Ngài một chuỗi Mân Côi.

Học giả Carthagena, nhà thông thái Martin Navarro và nhiều vị khác đã hết lời khen ngợi chân phước Alano. Ngài qua đời ngày 8 tháng 9 năm 1475 tại Flandre (miền Bắc nước Pháp), sau khi đã chiêu tập được hơn một ngàn người vào Hiệp hội Mân Côi.

Chân phước Thomas de Saint – Fean là một nhà giảng thuyết có tài về kinh Mân Côi. Ngài đã thâu lượm được nhiều hoa trái nhờ việc rao giảng này, khiến ma quỷ ghen tức, nên đã hành hạ Ngài đủ cách, làm Ngài ngã bệnh nặng và lâu dài, các thầy thuốc đều bó tay. Một đêm kia, Ngài tưởng chắc mình sắp chết: ma quỷ hiện ra trước mặt Ngài dưới một hình thù khủng khiếp. Ngài liền ngước mắt và hướng lòng lên ảnh Đức Mẹ treo gần giường mình và kêu lớn tiếng: “Lạy Mẹ Maria rất nhân từ, xin hãy đến cứu con!”. Ngài vừa kêu mấy lời này, Đức Mẹ trong bức ảnh liền giơ tay ra, nắm lấy cánh tay Ngài cách âu yếm và nói: “Hỡi con Thomas của Mẹ, con đừng sợ gì hết. Mẹ đến cứu con đây. Con hãy chỗi dậy và tiếp tục rao giảng sự sùng kính Kinh Mân Côi như con đã làm trước đây. Mẹ sẽ bảo vệ con, chống lại tất cả mọi kẻ thù của con”. Nghe mấy lời này của Đức Mẹ, ma quỷ liền biến mất. Bệnh nhân chỗi dậy, hoàn toàn khỏe mạnh. Ngài tạ ơn Mẹ nhân lành, hai dòng châu lệ tuôn chảy. Và Ngài tiếp tục rao giảng kinh Mân Côi với nhiều kết quả lạ lùng.

Không những Đức Mẹ ban nhiều ơn phúc cho những vị rao giảng kinh Mân Côi, Mẹ cũng trọng thưởng những người dùng gương sáng của mình, để lôi kéo người ta vào việc sùng kính này.

Tiểu vương Alphongso, vua của hai xứ Leon và Galice, muốn tất cả các gia nhân của mình siêng năng lần chuỗi Mân Côi, nên nhà vua làm gương cho họ bằng cách mang chuỗi Mân Côi khá lớn ở cạnh sườn mình. Nhưng vua không đọc kinh Mân Côi, mà chỉ bắt mọi người trong hoàng cung phải lần chuỗi cách sốt sắng.

Vua ngã bệnh nặng, vạn tử nhất sinh: người ta tưởng vua đã chết. Trong một thị kiến vua thấy mình đứng trước tòa án của Chúa Kitô. Các quỷ tới cáo vua về đủ thứ tội mà vua đã phạm. Vị thẩm phán bắt đầu luận tội nhà vua và lên án phạt xuống lửa hỏa ngục thì Đức Mẹ bước ra, biện hộ cho nhà vua trước tòa của Con Mình. Người ta đem tới một chiếc cân, một bên đặt các tội lỗi nặng nề của nhà vua, bên kia Đức Mẹ đặt xâu chuỗi Mân Côi lớn mà vua quen mang trong mình, làm nghiêng hẳn cán cân về bên này. Đức Mẹ nhìn nhà vua bằng đôi mắt nhân từ và nói: “Để thưởng công con vì con đã mang xâu chuỗi Mân Côi, Mẹ đã xin Con Mẹ gia ân cho con được sống thêm vài năm nữa. Con hãy dùng những năm tháng này để ăn năn hối cải”. Hồi tỉnh lại, nhà vua đã kêu lên: “Ôi kinh Mân Côi, diễm phúc của Đức Mẹ, nhờ đó tôi đã thoát khỏi án phạt đời đời!”. Sau khi đã bình phục, vua đã gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi mọi ngày cho đến chết. Theo gương các thánh và nhà vua trên đây, những ai có lòng sùng kính Mẹ Maria, hãy cố gắng làm cho nhiều người mộ mến và đọc kinh Mân Côi, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cữu bên Mẹ. “Ai làm rạng danh Ta, sẽ được sống đời đời”.
 
 
Trích trong tập sách BÍ QUYẾT DIỆU KỲ CỦA KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC ƠN HỐI CẢI VÀ ƠN CỨU ĐỘ, Đaminh Trần Thái Đỉnh chuyển ngữ. 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc