banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA HỒN XÁC VỀ TRỜI

Đăng lúc: Thứ ba - 14/08/2018 21:51 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA HỒN XÁC VỀ TRỜI

TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA HỒN XÁC VỀ TRỜI

Đức Pio XII đã tuyên bố tín điều vào ngày 01.11. 1950, với Tông hiến Munificientissimus Deus

Sánh với Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì sự tiến triển của đạo lý về Đức Mẹ Lên Trời gặp ít khó khăn hơn. Như đã nói trước đây, cả hai đều nói lên tác dụng của ơn cữu chuộc, một đàng là vào lúc khởi đầu cuộc đời Đức Maria và đàng khác là vào lúc kết thúc sự sống nơi trần thế.
 
1. Lịch sử tín điều
Ngày từ buổi đầu của Giáo Hội, người ta tin rằng cuộc đời thánh thiện của Đức Maria đã kết thúc một cách rất tốt đẹp. Một số ngụy thư tường thuật việc Đức Maria được Chúa Kitô rước về trời. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Người dưới nhiều tên gọi: An giấc (Dormitio), An táng (Depositio), Qua đời (Transitus), ngày sinh vào nước Chúa (Natalis). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới cái chết của Đức Maria. Tiếng “assumptio” (bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ) lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Người được vào vinh quang Chúa (giống như các thánh); về sau, do ảnh hưởng của tác phẩm De Assumptione B. V Marie (gán cho Augustino), từ ngữ này được dùng để chỉ việc Người được cất về trời. Nicolas de Claravalle bắt đầu phân biệt hai từ ngữ “ascensio” áp dụng cho Chúa Giêsu, còn “assumptio” áp dụng cho Đức Maria để nói rằng Người được đem lên trời.

1/ Thời các Giáo phụ (cuối thế kỷ V), các  Giáo Hội bên Đông cũng như bên Tây đã dành ngày 15.8 để cử hành ngày tạ thế của Đức Maria; tuy nhiên ý nghĩa của nó được giải thích khác nhau.

 
a. Các Giáo Hội Byzantin (chính thống Constantino) và Monophisit (nhận Đức Kitô chỉ có bản tính Thiên Chúa) không đồng nhất về ý nghĩa của ngày lễ: một số cho rằng Đức Maria đã chết và sống lại; còn một số khác thì cho rằng xác của Người được gìn giữ toàn vẹn ở một nơi nào đó, chờ ngày được sống lại. Các Giáo Hội Nettoriano (tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo sau Công đồng Epheso) cũng cho rằng thân xác của Đức Maria được gìn giữ vẹn cho khỏi hư nát, và chờ ngày phục sinh.
 
b. Giáo Hội Xiro Giacobia cử hành ngày 15.8 như là ngày qua đời (transitus) của Đức Maria giống như ngày qua đời của bao nhiêu thánh nhân khác: nhưng họ không nói gì về sự lên trời hoặc là điều kiện thân xác sau khi chết.
 
c. Giáo Hội Copto cử hành hai lễ khác nhau: ngày 16.1 kính việc tạ thế, và ngày 9.8 (216 ngày sau đó) thì mừng sự sống lại vinh hiển. Tuy nhiên cũng có người theo chủ trương của phái Nettorio, nghĩa là thân thể của Đức Maria được giữ gìn nguyên vẹn chờ ngày sống lại.
 
2/ Từ thế kỷ VI trở đi bên Đông phuong, và từ thế kỷ VII bên Tây phương, đâu đâu cũng cử hành lễ “Assumptio” của Đức Maria. Do đó, có thể là điều đó đã được mọi người chấp nhận. Tuy nhiên, các nhà thần học tiếp theo thời các Giáo Phụ chưa nhất trí về mức độ của niềm tin ấy: có người cho rằng đó chỉ là lòng đạo đức bình dân (Pia credentia), người khác thì coi là chân lý mặc khải (veritas revelata). Nhưng mà chưa có ai quả quyết rằng đây là điều buộc phải tin.

3/ Sang tới thời Trung cổ, ngoài trừ một chủ trương trái nghịch của Usuardo (một đan sĩ theo đó, chuyện Đức Mẹ lên trời không đáng tin dựa vào ngụy thư), lập trường chung của các nhà thần học là Đức Maria đã được sống lại và về trời, nhất là từ khi lưu hành tác phẩm mà người ta tưởng là của thánh Augustino (Liber de assumptione b, Marie Virginis: PL 1141 – 1148; kỳ thực viết vào thế kỷ IX). Theo tác phẩm đó, tuy rằng Kinh Thánh không nói minh thị về việc Đức Maria lên trời, nhưng lý trí được đức tin soi dẫn có thể khẳng định chân lý ấy. Đức Maria thực đã chết, nhưng thân xác của Người không thể bị tan rữa trong mồ được bởi vì thân xác ấy trinh khiết và được Ngôi Lời nhận lấy làm thân xác của mình. Một lý chứng khác nữa là Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn kính cha mẹ, chẳng lẽ nào Ngài lại không tôn kính thân xác của mẹ mình?

4/ Những ghi nhận vào thời Trung cổ. Thời kỳ này các nhà thần học còn tranh luận về đạo lý Vô Nhiễm Nguyên Tội; nhưng khi bước sang vấn đề Mông Triệu Thăng Thiên thì không có nhiều tranh luận. Những người không nhận đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội thì cho rằng Đức Maria đã chết như bao nhiêu con cái của Ađam: sự chết là án phạt bởi Tội Nguyên Tổ (thí dụ các thánh: Toma, Bonaventura). Còn Gioan Xcôt, tuy bênh vực chân lý Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng cho rằng Đức Maria phải trải qua cái chết, bởi vì Người được khỏi tội nhưng không khỏi những hậu quả của tội: thậm chí Đức Kitô cũng đã trải qua sự chết. Tuy nhiên, khác với chúng ta, thân xác Đức Maria đã được phục sinh trước khi tan rã trong mộ.

5/ Trong thời kỳ họp Công đồng Vatican I, 204 Nghị phụ đã thỉnh nguyện xin tuyên bố Tín điều Mông Triệu. Từ đó, các thư thỉnh nguyện cứ tăng lên mãi. Vào năm 1942, nhà xuất bản Vatican đã xuất bản 2 quyển sách thu gom tất cả các thỉnh nguyện của 820 giám mục Chính tòa, 656 giám mục Hiệu tòa, cùng với hàng ngàn thư khác của các linh mục, tu sĩ và giáo dân (Petitiones de Assumptione corporea B. M. Virginis in coelum definienda ad D. Sedem delatae). Ngày 1. 5. 1846, Đức Pio XII đã viết Thông điệp “Deiparae Virginis”, guiwru cho hàng giám mục trên thế giới để thỉnh ý các ngài về hai điểm:

_ Đây có phải là chân lý mặc khải hay không?
_ Có nên tuyên bố thành Tín điều hay không?

Có 1.191 giám mục Chính tòa (94% tổng số) đã trả lời Đức Thánh Cha. Trong số đó 1.169 vị đã trả lời đồng ý cho cả hai điểm (98,2%). Chỉ có 22 vị (1,8%) tỏ ra dè dặt về câu hỏi thứ hai, và 6 vị (0,4%) trong số đó tỏ dấu hoài nghi về câu hỏi thứ nhất. Sau khi đã hội ý hàng giám mục thế giới như vậy, Đức Pio XII đã tiến hành việc tuyên bố tín điều vào ngày 01.11.1950, với Tông hiến Munificientissimus Deus.

 
2. Nội dung tín điều
“Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã đổ tràn xuống Đức Maria lòng ưu ái đặc biệt; để tôn kính Con Ngài, Vua bất tử muôn thế hệ và Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, để làm vinh hiển cho thân mẫu của Ngài và để cho toàn Giáo Hội hoan hỉ… chúng tôi tuyên bố như là Tín điều được Chúa mặc khải rằng: Đức Maria Vô Nhiễm. Mẹ Thiên Chúa, Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi qua khỏi cuộc đời trần thế, đã được cất về vinh quang trên trời cả hồn xác”.

Chúng ta có thể ghi nhận vài điểm nhận xét như sau:
1/ Trước hết, văn kiện nhìn nhận sự Lên Trời của Đức Maria như một hồng ân Thiên Chúa (do lòng ưu ái đặc biệt – Peculiaris benevolentia). Đây klhoong phải là một quyền lợi mà Đức Maria có thể đòi hỏi. Hồng ân này bao hàm trong cả một chuỗi những hồng ân khác dành cho Đấng được chào kính là “đầy ơn”. Mặt khác, hồng ân của Thiên Chúa đổ xuống Đức Maria tô điểm cho Người nhưng không chấm dứt ở đây; cuối cùng, hồng ân ấy lại trở về với Thiên Chúa Ba Ngôi, để tôn vinh Ngài.

2/ Nội dung của Tín điều tóm lại như sau: “Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về trời cả xác hồn”. Hồi cuối thế kỷ XIX, có một luồng thần học chủ trương rằng Đức Maria không phải chết, và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng Đức Maria không mắc Tội Nguyên Tổ. Tuy nhiên, đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Pio XII không đụng tới vấn đề này, nghĩa là không nói rằng Người không chết, cũng chẳng nói rằng Người đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế Người được cất về trời cả xác và hồn (nghĩa là tất cả con người).

3/ Chân lý về Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời không phải do Giáo Hội bày đặt ra, nhưng là “Tín điều do Chúa mặc khải”. Giáo Hội chỉ làm môi giới để hướng dẫn chỉ bảo cho biết nội dung của chân lý đó. Mặt khác, nói rằng đây là một chân lý do Thiên Chúa mặc khải, không có nghãi là phải tìm thấy trong câu văn lẻ tẻ trong Kinh Thánh tuyên bố rằng Đức Maria đã được cất về trời. Giáo Hội đã đọc Kinh Thánh không phải là quan từng câu riêng rẻ, nhưng là xét trong toàn bộ, được giải thích theo Truyền thống Đức tin. Tông hiến khẳng định như sau: “Nền tảng cuối cùng của chân lý này là Kinh Thánh, khi trình bày cho ta thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với Con Thiên Chúa của mình, và luôn luôn chia sẻ một số phận”. Nhưng đoạn văn Kinh Thánh được trích dẫn như sau:

 
a. Sáng Thế 3,15. Tuy rằng đoạn văn này không nói tới Đức Maria, nhưng các Giáo phụ đã luôn nhìn thấy Người liên kết với Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại, cũng như bà Eva đã liên kết với Ađam trong tội lỗi. Khi trình bày Chúa Kitô như Ađam mới, thánh Phaolo gắn liền sự chiến thắng tội lỗi và chiến thắng sự chết (Rm 56; 1Cr 15, 21 – 26.54 57). Do đó, Đức Maria cũng được tham dự với Đức Kitô vào sự chiến thắng sự chết như được tham dự vào chiến thắng tội lỗi.
 
b. 1 Corinto 15. Việc Đức Kitô chiến thắng sự chết không phải chỉ có tính cách cá nhân, nhưng còn có ảnh hưởng tới toàn Giáo Hội, thân thể của Ngài. Cũng như Đức Maria đã thông dự với Đức Kitô khi chiến đấu chống lại tội lỗi, nên cũng được Chúa Cha tiền định để trở nên người cùng với Chúa Cứu Thế khi thắng tội lỗi và những hậu quả của nó. Do đó, Mẹ Maria được tham dự vào sự phục sinh tức là tận điểm của ơn cứu rỗi phổ quát dành cho hết các Kitô hữu.
 
c. Các Giáo Phụ dựa theo thánh Luca đã nhìn Đức Maria như là Hòm Bia Giao Ước và Nhà Tạm của Đấng Tối Cao, Vì vậy, các Giáo Phụ cũng nhìn thấy Đức Maria như là Hoàng Hậu, Thân Mẫu của Đức Vua muôn thuở, vì vậy mà các ngài áp dụng cho Người những đoạn văn nói tới vị trí dành cho Hoàng Hậu ngự bên ngai Vua, nghĩa là bên cạnh Chúa Cứu Thế (Tv 44, 10 -16).
 
d. Luca 1, 28. Lời thiên thần chào kính Đức Maria như là “đầy ơn phước” cũng được đùng để nói tới ơn phúc cuối cùng được ban cho Người: ơn được cứu cho khỏi bị hủy hoại.
 
e. Khải Huyền 12. Người phụ nữ khoác áo mặt trời ám chỉ Hội Thánh khải hoàn. Tuy nhiên thánh Gioan đã mô tả với những nét có thể hình dung được cho Đức Maria; nhiều Giáo Phụ và nhà thần họ đã áp dụng cho Người.

f. 
Xuất Hành 20, 12 và Lêvi 19,3: “Ngươi hãy tôn kính cha mẹ ngươi”. Vài Giáo Phụ và nhiều nhà thần học đã lấy đoạn văn này để lý luận rằng, sự lên trời của Mẹ Maria là một chuyện xứng hợp, bởi vì Chúa Giêsu muốn thực hành điều răn mà Ngài đã truyền cho mọi người phải tuân giữ.
 
4/ Ngoài những bản văn Kinh Thánh vừa nói, Tông hiến còn dựa trên các Giáo Phụ, các nhà thần học, cũng như sự phát biểu tâm tình đạo đức cảu dân Chúa đặc biệt là qua phụng vụ[1].
 
3. Ý nghĩa thần học
Ta không nên coi chân lý Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là một hồng ân lẻ loi, nhưng cần phải lồng nó vào trong toàn thể chương trình cứu độ của Đức Kitô. Ta có thể vạch ra những ý nghĩa của Tín điều này khi xét trong tương quan với Chúa Kitô và với Hội Thánh.

1/ Trong tương quan với Đức Kitô
Như đã thấy trên đây, Tông hiến Munificentissimus Deus đặt nền tảng Kinh Thánh cuối cùng của tín điều Mông Triệu nơi sự liên kết chặt chẽ giữa Đức Maria với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc nhân loại. Tín điều Mông Triệu phán ảnh hậu quả của cuộc cứu chuộc, phản ánh tia sáng huy hoàng mà Chúa Kitô đã mang lại cho nhân loại từ cuộc phục sinh khải hoàn: sự Mông Triệu tiên vàn nói lên việc thông dự vào hồng ân cứu chuộc: Mẹ là người đi theo Đức Kitô trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Mặt khác, sự thông dự vào sự sống lại với Đức Kitô là cao điểm của một chuỗi dài những cuộc liên kết giữa Đức Maria và Chúa Cứu Thế, khởi đầu từ khi chấp nhận lời Sứ thần: Đức Maria thuận nhận làm mẹ Chúa Giêsu, dâng trót cả đời mình để chu toàn sứ mạng ấy. Tình yêu dâng hiến đã làm thay đổi trọn cả cuộc sống của Người; và ta cũng có thể nói rằng tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho mẹ mình lại càng có sức biến đổi cuộc sống của Đức Maria hơn nữa. Sự biến đổi ấy không những chỉ ảnh hưởng tới linh hồn (đền thờ dành riêng cho Chúa), mà còn biến đổi cả thân xác của Mẹ, thân xác không bị tan rữa ra tro bụi nữa. Dù sao ta không nên quên rằng Đức Kitô phục sinh và lên trời vinh hiển do thiên tính của Ngài; còn Đức Maria sống lại và lên trời là do bởi hồng ân của Thiên Chúa. Vì ý thức như vậy, cho nên phụng vụ đã gọi sự sống lại và lên trời của Đức Kitô là “ascensio” (đi lên), còn đối với Đức Maria thì phụng vụ dùng tiếng “assumptio” (được thâu nhận, được lãnh lấy, được nhấc lên).

2/ Trong tương quan với Hội Thánh
Đức Maria được sống lại như là con người đầu tiên lãnh nhận ơn cứu chuộc của Đức Kitô, ơn cứu chuộc vượt thắng cái chết. Tuy nhiên Đức Maria không phải là người duy nhất được hưởng ơn ấy, xét rằng sự sống lại là một hồng ân mà Đức Kitô thủ đắc chot ất cả các tín hữu. Nơi Đức Maria, Hội Thánh chiêm ngắm phần tử đầu tiên của mình được cứu rỗi, tiên báo số phận mà một ngày kia tất cả các phần tử cũng sẽ được lãnh nhận. Vì vậy, tín điều Mông Triệu là một dấu chỉ hy vọng cho toàn thể dân Chúa. Hội Thánh không những hy vọng cũng sẽ được hưởng vinh quang như Đức Maria, nhưng còn tin tưởng rằng hiện nay, trong ánh sáng vinh quang, Người đang thi hành chức phận làm mẹ của các tín hữu qua lời cầu thay nguyện giúp cho các người con và người em còn trên đường lữ hành.

Ngoài ra, trong Tín điều Đức Mẹ Mông Triệu, Giáo Hội cũng khám phá ra giá trị của cái chết. Đức Maria đã phải trải qua cái chết không phải như một hình phạt vì tội của mình, nhưng là để nên giống Đức Kitô hơn: Đức Kitô đã chết không phải như án phạt vì tội của mình, nhưng cái chết đối với Chúa có nghĩa là đền thay tội lỗi của tha nhân, dứt bỏ tội lỗi và hiến dâng mạng sống mình trong tay Chúa. Nơi cái chết của Đức Kitô và của Đức Maria, chúng ta nhận được ánh sáng mới cho thấy một giá trị mới của cái chết.

 
4. Vấn đề Cánh Chung Luận
Vào đầu thế kỷ XX, một số nhà thần học Tin Lành bắt đầu duyệt lại thần học về cánh chung (Eschatologia), cách riêng về ý nghĩa cánh chung của các bài giảng của Chúa Giêsu và số phận con người sau khi chết. Về điểm thứ nhất, vấn đề đặt ra là: phải chăng Đức Giêsu đã giảng về ngày tận thế sắp đến, vào chính thời gian của Ngài, và rồi Ngài đã lầm? Cuộc tranh luận kéo dài giữa những học giả tên tuổi (A. Schweizer, K. Barth, R. Bultmann, O. Culmann). Vấn đề thứ hai, về số phận con người sau khi chết, thì họ cho rằng Kinh Thánh quan niệm con người như một toàn thể, chứ không phải gồm có hồn và xác. Do đó, sau khi chết, thì không có chuyện xác về tro bụi còn hồn về với Chúa, theo giả thuyết:

a/ Hoạc là con người chết hoàn toàn, chờ đến ngày Chúa quang lâm thì sẽ sống lại (C. Stange).
b/ Hoặc là con người sẽ sống lại tức khắc (E. Brunner).

Những cuộc tranh luận giữa các nhà thần học Tin Lành dần dần cũng gây ảnh hưởng sang thần học Công Giáo, xét vì cả hai đều phải căn cứ trên Thánh Kinh. Họ đã phải đương đầu với những câu hỏi sau đây: Kinh Thánh có nói tới hồn như một yếu tố biệt lập khỏi xác hay không? Khi chết rồi con người đi đâu?

1/ Với câu hỏi thứ nhất, đa số các nhà thần học Công Giáo đồng ý có sự tiên triển về mặc khải. Trong những tác phẩm đầu tiên của Kinh Thánh, con người được coi như toàn bộ, không thể phân ly; nhưng vào cuối thời Cựu Ước sang Tân Ước, “hồn” con người được coi như yếu tố khác biệt với xác. Dù thế nào đi nữa, ngay từ những tác phẩm cổ điển nhất của Cựu Ước. Kinh Thánh cho thấy rằng sau khi chết, vẫn còn có cái gì tồn tại ở “cõi âm ti” (sheol trong tiếng Do Thái, một cuộc sống thoi thóp), chứ không phải là con người hoàn toàn tan rã.

2/ Dần dần, vào cuối thời Cựu Ước, mặc khải nói tới sự bất tử (immortalitas: Kn 2, 23 – 24) và sự sống lại (resurrectio: Đn 12,2 – 3.13; 2 Mcb 7,9.11). Phải nhận rằng, Tân Ước nói nhiều tới sự sống lại của thân xác (nhất là Phaolo), hơn là sự bất tử của linh hồn. Nhưng, thế nào là thân xác sống lại? Phải chăng có nghĩa là hồn nhập vào thân xác cũ? Hay là con người sẽ được biến đổi (1Cr 15, 44: thân xác thần khí)? Trong trường hợp sau, sự sống lại chỉ xảy ra vào ngày tận thế hay đã xảy ra rồi?

3/ Những cuộc tranh luận vừa nói gây ảnh hưởng tới Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: phải chăng chỉ có Đức Maria là con người duy nhất đã sống lại về thân xác, hay cũng có những tín hữu khác cũng được hưởng ơn sống lại? Phải chăng chính thánh Phaolo cũng mong được sống lại về với Chúa rồi (2Cr 5, 1 – 10; Pl 1,21 – 23; 3,21)?

4/ Trong thư gửi hàng giám mục thế giới, “Về vài vấn đề cánh chung” (17. 5. 1979), bộ Giáo Lý Đức Tin đã lưu ý những điểm sau:
  • Sau khi chết, còn lại một yếu tố thiêng liêng; chúng ta gọi là “linh hồn”.
  • Khi bàn về số mạng con người sau khi chết, phải trì ý nghĩa độc nhất của Đức Maria: nơi Người điều kiện vinh hiển tương lại dành cho tất cả các phúc nhân đã được thực hiện. Tuy nhiên, theo một số nhà thần học (thí dụ D. Fermandez, J. H. Hernandez Martinez), văn kiện này dành rất nhiều chổ cho các cuộc tranh luận thần học về cánh chung: văn kiện không loại bỏ ý kiến rằng có những thánh nhân khác cũng đã được phục sinh rồi.
  •  
 Trích trong cuốn ĐỨC BÀ CHẲNG HỀ MẮC TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN, của Tòa Giám Mục Bùi Chu, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2007.
 
 
 

[1] Bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 15.8

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc