CHÚA BIẾN HÌNH
Lời Chúa: St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28-36
Nếu Chúa Nhật I mùa Chay là Chúa Nhật của Cám Dỗ thì Chúa Nhật 2 là chúa nhật của Biến Hình. Hôm nay, phụng vụ nhắc lại việc Chúa Giê-su biến hình trên núi như hình ảnh báo trước vinh quang Phục Sinh đang chờ Ngài ở bên kia mầu nhiệm thập giá. Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta vững lòng đi vào con đường khổ nạn của Chúa. Những ai luôn tin cậy vững vàng và hằng tìm gặp Chúa, Chúa sẽ tỏ vinh quang cho người ấy như Ngài đã làm cho ba tông đồ ngày xưa.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết can đảm thực thi việc biến đổi theo chủ đích của Mùa Chay. Với nếp sống bác ái yêu thương và loại trừ các đam mê dục vọng, chúng ta có thể thực hiện cuộc biến hình ngay khi còn ở trần gian và xây dựng vinh quang bất diệt mà Chúa đã cho ta thấy trong biến cố Biến hình hôm nay.
Vào ngày Chúa Nhật I mùa Chay, chúng ta đã thấy Chúa Giê-su đã chiến đấu ra sao và Ngài đã dùng Lời Chúa để chiến thắng như thế nào. Cuộc đời làm môn đệ Chúa Giê-su cũng là một cuộc trường kỳ chiến đấu, chiến đấu chống lại ma quỉ, thế gian, xác thịt. Mà nói đến chiến đấu là nói đến chiến bại hay chiến thắng. Đối với Ki-tô hữu, chỉ có chiến thắng chứ không có chiến bại, nếu luôn biết kết hợp với Chúa Giê-su, Đấng đã chiến thắng thắng ma quỉ, tội lỗi và sự chết. Kết cục của cuộc chiến đấu đó, kết quả của cuộc chiến thắng đó, là ta được biến hình, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, đó là điều bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay muốn trình bày cho chúng ta.
Câu chuyện biến hình của Chúa Giê-su diễn tiến như thế này: Chúa Giê-su đưa Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi cầu nguyện. Cứ theo cách diễn tả của Lu-ca thì chúng ta có thể hiểu là biến cố xảy ra ban đêm. Vì thông thường theo như chúng ta biết, sau một ngày giảng dạy và làm phép lạ, Chúa Giê-su ẩn mình vào nơi thanh vắng để cầu nguyện vào ban tối.
Đang khi cầu nguyện, diện mạo Ngài biến đổi khác thường, chói lòa hào quang sáng láng. Thật là một quang cảnh huy hoàng, huy hoàng đến nỗi khi được chiêm ngắm, các môn đệ đã phải thốt lên gần như trong cơn mê sảng: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng 3 lều, 1 cho Thầy, 1 cho Mô-sê và 1 cho Ê-li-a”. Sở dĩ Phê-rô nói như vậy vì cái huy hoàng đó phù hợp với ước mơ trong tiềm thức của ông nên ông muốn dừng lại để mà thưởng thức, để mà no thỏa.
Ta hãy nhớ lại trước đó 8 ngày, khi Chúa Giê-su loan báo Ngài đi lên Giê-ru-sa-lem để chịu đau khổ và chịu chết, Phê-rô đại diện cho các môn đệ đã phản đối. Ông không muốn chấp nhận khổ giá. Ông không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Thế mà hôm nay, đứng trước vinh quang của Thầy, ông đã say mê và đề nghị thầy trò cùng ở lại trên ngọn núi hạnh phúc. Trốn khổ tìm sướng vẫn là cái thường tình của con người.
Nhưng Chúa Giê-su đưa họ ra khỏi vinh quang đó ngay, bởi vì có cái gì khác đang chờ đợi họ, bởi vì cái gì khác họ cần phải biết, trước khi hiểu biến cố Biến hình.
Đối với Do thái, Mô-sê đại diện cho Luật pháp, Ê-li-a đại diện cho các tiên tri, Luật và Tiên tri tức là toàn bộ Cựu Ước qui hướng về Chúa Giê-su, loan báo Chúa Giê-su. Theo Lu-ca, Chúa Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a đàm đạo với nhau về biến cố xuất hành tức là cuộc tử nạn của Chúa Giê-su sẽ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem. Trong chương trình của Thiên Chúa, cái chết của Chúa Giê-su không phải là dấu kết thúc của công trình cứu chuộc, nhưng nó khai mào cho sự sống lại trong vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
Thật vậy, việc Chúa biến hình nhằm mục đích ban cho các môn đệ niềm hy vọng. Hy vọng đó là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc. Cái chết tủi hổ sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan. Thiếu niềm hy vọng, không ai có thể sống ở đời. Người nông phu dãi nắng dầm mưa cấy cày, vì hy vọng vào mùa gặt bội thu. Người học sinh chuyên cần học tập vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp. Người cha, người mẹ quên mình để lo cho con cái, vì hy vọng tương lai con cái sẽ tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng vào vinh quang Phục sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy Chí Thánh.
Đàng khác, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Ki-tô cũng sẽ được thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang ấy nếu ngay từ hôm nay, họ biết sống vâng nghe lời Ngài, như lời Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”.
Bài đọc một nêu tổ phụ Áp-ra-ham như mẫu gương vâng phục trong đức tin. Vì tin vào Thiên Chúa, ông đã vâng nghe Lời Người rời bỏ quê cha đất tổ để đến đất Chúa hứa cho ông và dòng dõi ông. Ở đó, ông dâng lễ tạ ơn Chúa và đón nhận giao ước của Người, nhờ đó Áp-ra-ham từ một kẻ thờ tà thần đã trở thành tổ phụ của dòng dõi tôn thờ Thiên Chúa độc nhất.
Cũng thế, phải vâng lời Chúa Giê-su để được Ngài biến đổi. Đó là điều thánh Phao-lô trình bày trong bài đọc hai. Thánh nhân bảo dân Phi-líp-phê hãy noi gương đổi đời của ngài. Từ kẻ hung ác bắt bớ hành hung môn đệ của Chúa Giê-su, ngài đã trở thành tông đồ hăng hái nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Nhưng còn nhiều kẻ chưa đổi đời, họ vẫn còn thờ cái bụng, thờ cái ô nhục của thế gian. Thánh Phao-lô đã thương khóc họ, vì họ sẽ phải hư vong. Ngài cầu nguyện cho họ nhận ra quê hương thật ở trên trời để họ mong đợi Chúa Giê-su Ki-tô đến biến đổi họ nên giống như Chúa, sống kết hợp khăng khít với Chúa. Đó là niềm vui và vinh dự cho họ và cho Phao-lô.
Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng nữ Salêsiên ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc Pêrikhêt làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị. Nhưng lúc đó, ông Pêrikhêt đã bị ung thư nặng.
Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này. Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu: – Lẽ ra chị phải đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhêt đã quá nặng rồi. Im một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc: – Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.
Từ ngày đó, nhà điêu khắc Pêrikhêt chẳng muốn cầm búa để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa.
Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ:
– Ông Giovani Pêrikhêt à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết tài năng của ông mà. Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa.
Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu: – Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá nầy để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.
Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được Chúa Giêsu. Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông. Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại. Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khoẻ hẳn. Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.
Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thánh phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu: người lành mạnh cũng như kẻ yếu đau đến kính viếng thường xuyên.
Nhà điêu khắc Giovani Pêrikhêt tưởng rằng cây thánh giá ở nhà thờ thành phố Cáp ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng. Ông dùng cây thánh giá ấy để chuẩn bị chết. Nhưng với niềm tin và lòng hăng say rèn cây thánh giá, Pêrikhêt đã được Chúa thương cách đặc biệt và chữa cho khỏi bệnh ung thư. Đó là hình ảnh ơn cứu độ mà Thánh giá Chúa Kitô đã, đang và sẽ còn đem đến cho nhân loại. Do đó, sống tinh thần Mùa Chay có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô: chết đi cho con người cũ và tội lỗi, chết đi cho con người đối nghịch với Thập giá để cùng sống lại với Đức Kitô, Đấng có thể “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài”. Amen.
Ý kiến bạn đọc