“Cảnh sắc đất trời, các người biết nhận xét; còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét?”.
Một đêm thu huyền hoặc, chuông các nhà thờ Ba Lan vang vọng khắp mọi nẻo đường. Đàn ông, phụ nữ đổ xuống các ngả đường như nước. Muôn lời ca, bao lời kinh, cùng với nến, hoa, cờ và cả nước mắt; những cái ôm và cả rượu Champagne… Điều gì đang xảy ra? Một người con của Ba Lan được chọn làm Giáo hoàng! Điều không thể đã trở thành có thể! Tại thị trấn Wadowice, cha Edward Zacher tê liệt vì xúc động, ngài không thể nói một lời với các tín hữu đang chen chúc trong nhà thờ để tạ ơn vì vui mừng. Tối hôm đó, ngài từ từ mở cuốn sổ Rửa Tội của giáo xứ, lật từng trang ố vàng và dừng lại ở tháng 5 năm 1920. Kìa, Carolus Joseph Wojtyła! Chính cha Zacher đã dạy giáo lý khi Wojtyła còn là một cậu bé. Sổ Rửa Tội ghi rõ bằng tiếng Latin, Carolus Joseph Wojtyła với ngày Rửa tội, Rước lễ lần đầu, Thêm sức, thụ phong Linh mục và Giám mục, Hồng y. Bên lề cuối trang, tay vị linh mục già run run… khi viết thêm, “Ngày 16 tháng 10, 1978, được chọn làm Giáo hoàng; tên gọi là Gioan Phaolô II”. Môi ngài lẩm bẩm, “Chúa muốn gì đây?”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa muốn gì đây?”, câu hỏi của cha Zacher được trả lời khi thánh Gioan Phaolô II, Giáo Hội kính nhớ hôm nay, là dấu chỉ cho thế giới vào buổi giao mùa của hai thế kỷ, 20 và 21. Gioan Phaolô vừa là dấu chỉ vừa là người góp phần cáo chung của chủ nghĩa Cọng Sản vốn đã sụp đổ hàng loạt năm 1989 ở Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan đến Liên Xô và cả 14 quốc gia độc lập tách khỏi Nga. Thật trùng hợp! Tin Mừng hôm nay cũng nói đến dấu chỉ, Chúa Giêsu trách người đương thời không nhận ra dấu chỉ, rằng, có ‘một ai đó’ vĩ đại hơn Salomon và Giôna đang ở giữa họ! “Cảnh sắc đất trời, các người biết nhận xét; còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét?”.
Với những người theo Chúa, việc đọc ra dấu chỉ, nhận biết thời điềm thật quan trọng! Nghĩa là, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy và giải thích đúng đắn những gì đang xảy ra trong nền văn hoá, xã hội và thế giới của mình; và quan trọng hơn, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang đối nghịch với sự ẩn hiện của Satan trong đó; để rồi, đặt câu hỏi, “Chúa muốn gì đây?”. Bởi lẽ, xã hội ngày nay đang mang đến cho chúng ta vô vàn ‘lựa chọn đạo đức’ khi chúng ta bị lôi kéo ở chỗ này, chỗ kia; tâm trí chúng ta đang bị thử thách cách này, cách khác. Trong thư Rôma hôm nay, thánh Phaolô thú nhận, “Sự lành tôi muốn thì tôi không làm, sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm!”.
Một trong những thủ đoạn của Satan là gieo rắc dối trá; nó tìm cách gây xáo trộn theo vô số cách. Lời dối trá của nó có thể đến qua các phương tiện truyền thông, các nhà lãnh đạo chính trị và đôi khi, qua cả một số lãnh đạo tôn giáo. Satan yêu thích điều đó khi có sự chia rẽ, phân hoá và rối loạn. Vì thế, đọc cho được dấu chỉ chính là nhìn thấy những sai lầm văn hoá và đạo đức đang đối nghịch với Tin Mừng, nghịch với giáo huấn Hội Thánh, để tự hỏi, “Chúa muốn gì đây?”.
Anh Chị em,
“Chúa muốn gì đây?”. Trước một bối cảnh xã hội và thế giới rối ren như thế, người Kitô hữu phải làm sao để có thể đọc ra dấu chỉ và nhận biết thời điềm; dịch bệnh, chiến tranh, tham nhũng, nghèo đói… Câu trả lời là, chúng ta phải nhận ra một ai đó; nghĩa là, trên tất cả mọi sự, chúng ta phải tìm kiếm Chúa Giêsu ngang qua thinh lặng, cầu nguyện và van nài sự soi rọi của Chúa Thánh Thần; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con!”; đồng thời, quan trọng hơn, cho phép sự hiện diện của Chúa Giêsu tràn đầy trong cuộc sống mình. Chính Ngài sẽ giúp chúng ta biện phân điều gì đến từ Thiên Chúa, điều gì không đến từ Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tự hỏi, “Chúa muốn gì đây?”; và điều Chúa muốn con trước hết ngay hôm nay, là không hùa theo thói đời nhưng là nên thánh”, Amen.
Ý kiến bạn đọc