CHÚA NGỰ VỀ TRỜI
lời Chúa: ChúaCv 1,1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53
Dẫn vào thánh lễ:
Hôm nay, Hội Thánh mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Thăng Thiên là sự kết thúc công việc rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu ở trần gian, và là khởi đầu thời gian hoạt động của Hội thánh lữ hành, thời gian mà các môn đệ và toàn thể Hội thánh làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin mừng cứu độ.
Lễ Chúa Thăng Thiên cũng là ngày mà Hội Thánh chọn làm ngày truyền thông thế giới. Hội thánh muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, thăng hoa và thánh hóa chúng để xây dựng tốt xã hội loài người và phục vụ anh chị em đúng với mục tiêu của các phương tiện ấy.
Bài giảng:
Phi hành gia Liên xô Gagarine, sau khi đã bay nhiều vòng trong không gian, lúc trở về trái đất đã tuyên bố: Tôi không thấy Thiên Chúa đâu cả. Và các nhà lãnh đạo vô thần của Liên xô kết luận là không có Thiên Chúa, bởi vì nếu có Thiên Chúa thì phi hành gia Gagarine đã thấy rồi!
Đối với chúng ta là những kẻ tin rằng Chúa Giêsu đã lên trời, chúng ta phải hiểu thế nào là lên trời để trả lời cho những người nói như thế? Và việc Chúa Giêsu lên trời có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại của chúng ta không?
1. Ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu lên trời.
Lên trời không có nghĩa là đi từ trái đất lên thượng tầng khí quyển. Nếu chúng ta có một phi thuyền chạy bằng một thứ nhiên liệu đặc biệt, thì chúng ta có thể đi hết tinh cầu này đến tinh cầu khác mà không bao giờ đụng trời. Do đó, Chúa Giêsu lên trời chỉ có nghĩa là Ngài về với Chúa Cha, Ngài bước vào vinh quang của Chúa Cha. Nếu hiểu Chúa lên trời là như thế, thì ngay khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã lên trời rồi. Tuy nhiên trong vòng 40 ngày, Chúa còn hiện ra nhiều lần để dạy dỗ các môn đệ và củng cố đức tin cho các ông. Biến cố mà chúng ta kính nhớ hôm nay là lần hiện ra cuối cùng của Chúa. Biến cố này chấm dứt thời gian Chúa Giêsu hiện diện trong thân xác, có thể trông thấy được. Từ nay trở đi, Ngài sẽ hiện diện một cách vô hình, với quyền năng của Chúa Thánh Thần; khi còn trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ hiện diện bên cạnh chúng ta, từ nay với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ hiện diện trong lòng tất cả những ai tin kính Ngài.
Chúng ta hãy lưu ý tới 2 chi tiết trong bài Công vụ Tông đồ:
1/ Trước hết là đám mây: “Có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa”.
Trong Kinh thánh, đám mây chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi dân Do thái đi từ đất Ai-cập trở về đất hứa thì sách Xuất hành ghi nhận Thiên Chúa Giavê đi đằng trước trong cột mây để dẫn đàng cho họ. Sau khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo thì cũng có đám mây xuất hiện và từ đám mây có tiếng phán: Đây là Con Ta yêu dấu”.
Như vậy, đám mây trong biến cố Chúa lên trời ngụ ý rằng: tuy không còn sống với Giáo hội trong thân xác hữu hình, Chúa Giêsu vẫn sống rất gần với Giáo hội, trong tâm hồn mỗi người, để dẫn đưa toàn thể Giáo hội tiến về với Chúa Cha.
2/ Điểm thứ hai chúng ta vần lưu ý là câu nói của thiên thần: “Hỡi những người Galilê sao còn đứng nhìn trời?” Câu này có nghĩa là: sao các ông còn mơ mộng viễn vông? Hãy trở về với hiện tại, với bổn phận mà Chúa Giêsu đã trao phó, đó là làm chứng cho Ngài tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Xamari và cho đến tận cùng trái đất.
Và bài Tin mừng cho chúng ta biết thêm về thái độ của các tông đồ: “Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).
II. Cuộc sống chúng ta
Nếu chúng ta hiểu các bản văn Lời Chúa như thế, chúng ta thấy biến cố Chúa Giêsu lên trời mời gọi chúng ta phải có 2 thái độ sống cụ thể:
1. Chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện và đang hoạt động trong Giáo hội. Tuy xem ra Ngài xa cách chúng ta trên bình diện thể lý, nhưng thực ra Ngài hiện diện với mọi người nơi thâm sâu của cõi lòng.
Kinh tiền tụng ngày lễ hôm nay tuyên xưng: “Chúa lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”.
Như vậy, Chúa Giêsu bước vào trong vinh quang của Chúa Cha là để gần gũi với mọi người và để hướng dẫn họ trong cuộc hành trình mới, cuộc hành trình về quê hương hằng sống.
1. Chúng ta đừng đứng “nhìn trời” như các tông đồ lúc ban đầu nhưng hãy lo chu toàn bổn phận Chúa đã trao phó trong giây phút và hoàn cảnh hiện tại. Một thi sĩ đã nói: Bạn hãy nở hoa tại nơi bạn được gieo xuống. Mỗi người chúng ta là một cây hoa, cây thì Chúa trồng chỗ này, cây thì Chúa trồng nơi kia, hãy thi hành bổn phận trong giây phút hiện tại và ý thức rằng có Chúa cùng hoạt động với ta để ta nhiệt tâm làm chứng cho Ngài noi gương các tông đồ ngày xưa.
Là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, với ơn gọi từ bí tích rửa tội, chúng ta không có chọn lựa nào khác, ngoài chọn lựa trở thành môn đệ thừa sai để hiện diện, thấm nhập vào bên trong các thực tại của xã hội Việt nam. Vai trò của Giáo hội là như muối như men, thấm nhập vào cộng đồng dân chúng, để phục vụ cuộc sống của đồng bào, và để trao tặng món quà quí giá nhất là Chúa Giêsu Kitô, Đường, Sự Thật và Sự Sống của nhân loại.
Cùng với Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, chúng ta mơ ước về Hội thánh Việt nam là cửa thánh mở rộng đầy lòng từ bi và cảm thông để tìm an ủi mọi đau khổ của đồng bào, là Lời Chúa mở ra bốn phương trời trong một cử chỉ loan báo Tin mừng cho mọi thành phần dân Việt, là Bánh Thánh Thể để cho mọi người được nuôi sống và sống dồi dào, là đoàn lữ hành dân Thiên Chúa tiến về Nước Trời.
Anh chị em thân mến,
Như vậy, lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là dịp để chúng ta mơ mộng xa rời thực tế, trái lại là nguồn sinh lực mà Chúa Giêsu muốn chuyển thông cho ta, để ta sống giây phút hiện tại một cách can trường và tươi vui, để ta chu toàn bổn phận hàng ngày một cách lạc quan và để ta hăng say loan báo Tin mừng cho đồng bào Việt nam, trong khi chờ đợi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để dẫn đưa chúng ta vào hưởng niềm vui bất tận trong Nước Cha. Amen.
Ý kiến bạn đọc