banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA TỂ THIÊN NHIÊN

Đăng lúc: Thứ bảy - 20/06/2015 07:51 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA TỂ THIÊN NHIÊN

CHÚA TỂ THIÊN NHIÊN

SUY NIỆM LỜI CHÚA Chúa Nhật 12 Thường Niên (năm B)
Chúa Nhật 12 Thường Niên (năm B)
Lời Chúa: 
  Mc 4,35-41
35 Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". 36 Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. 37 Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. 38 Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" 39 Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. 40Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"41 Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"
 
 Chúa tể thiên nhiên
Bài đọc thứ I của Thánh Lễ hôm nay trích từ sách Gióp, trong đó có một hình ảnh hơi lạ: Chúa đã đóng cửa và gài chốt để ngăn không cho nước chảy tràn lan khắp mặt đất. Đó là một lối diễn tả, dựa theo vũ trụ quan của thời kỳ quyền sách này được biên soạn, tức thế kỷ thứ V trước Công nguyên, nghĩa là cách đây đến 2.500 năm. Thời đó người ta nghĩ rằng trái đất như một cái đĩa nổi bồng bềnh trên mặt đại dương. Chung quanh trái đất và bên dưới trái đất toàn là nước. Phía trên trái đất là vòm trời như một cái chụp tròn úp xuống, và cũng chứa đầy nước. Tất cả lượng nước trên vòm trời và dưới biển ấy được chặn lại bằng những cánh cửa. Khi cửa trời mở ra thì nước mưa rơi xuống; khi cửa biển mở ra thì nước thuỷ triều dân lên; còn khi cả cửa trời và cửa biển đều đóng kín lại trong một thời gian lâu dài thì đó là hạn hán. Và người giữ quyền đóng hay mở các cửa đó chính là Thiên Chúa. Đây quả là một lối nhìn vũ trụ rất là đơn sơ và có phần ngây ngô nữa. Tuy nhiên chúng ta có thể thông cảm với tác giả, vì ông sống cách chúng ta đến 2.500 năm, làm sao ông có thể diễn tả chính xác như các nhà khoa học thế kỷ 21 này được. Chúng ta chỉ cần ghi nhận tư tưởng của ông, đó là: chính Thiên Chúa là Đấng làm chủ thiên nhiên, và điều khiển thiên nhiên vận hành để giúp có thể sinh sống.
Có một điều hay, là tư tưởng ấy được chính các nhà khoa học ngày nay xác nhận. Mặc dù không trực tiếp nói đến Chúa như là Chúa tể thiên nhiên, nhưng các nhà khoa học đã cho thấy thiên nhiên đã vận hành theo một trật tự xít xao, nhờ đó mà loài người mới có thể sinh sống được. Thí dụ như trật tự vận hành của trái đất, mặt trời và mặt trăng. Cả 3 đều di chuyển không ngừng, mỗi cái theo quỹ đạo riêng của nó. Nhưng khoảng cách của chúng thì hình như đã được tính toán và điều khiển thật xít xao: chỉ cần mặt trời và trái đất gần nhau hơn một chút nữa thì trái đất sẽ nóng khủng khiếp, do đó loài người sẽ chết cháy; ngược lại chỉ cần trái đất và mặt trời xa nhau thêm một khoảng nữa thì mặt đất, sẽ giá lạnh, loài người sẽ chết cóng. Còn khoảng cách giữa mặt trăng với trái đất cũng thế: xích gần hơn chút nữa thì thuỷ triều sẽ dâng phủ ngập mặt đất, loài người chết chìm; còn dang xa hơn một chút thì không còn thuỷ triều, mọi loài trên mặt đất sẽ chết khô.
Ngay cả một hiện tượng thiên nhiên mà người ta thường coi là tai hoạ, đó là giông bão, nhưng khoa học cũng xem là có lợi. Khi nào có giông bão? Thưa là khi một vùng quá nóng, không khí bốc lên cao tạo thành một khoảng trống. Không khí ở các vùng khác liền ùa về để lấp đầy khoảng trống đó. Dĩ nhiên, khi mà không khí di chuyển như thế với một tốc độ nhanh thì sẽ tạo ra những luồng gió mạnh, có thể làm gãy cây cối, sập nhà, và có người chết. Nhưng nếu nhìn hiện tượng ấy một cách bao quát thì sẽ thấy giông bão là có lợi, và cần thiết nữa, vì nhờ đó mà không khí trên mặt đất được điều hoà.
Rõ ràng thiên nhiên đã được điều khiển theo một trật tự diệu kỳ bởi một Đấng đầy quyền năng. Đấng quyền năng ấy là ai? Nhiều người chưa được biết, nhưng từ xưa tác giả sách Gióp đã biết và gọi đó là Thiên Chúa. Hôm nay Phúc Âm lại nói cho chúng ta biết thêm một lần nữa. Chúng ta hãy nói đến cơn giông bão trên biển hồ Gênêzarét. Vị trí của Biển hồ này hơi đặc biệt: nó giống như một cái lòng chão dưới thấp, chung quanh được bao bọc bởi những rặng núi. Như đã nói ở trên giông bão là do không khí di chuyển đổi vùng với một tốc độ nhanh mạnh. Vậy thì cái Biển Hồ này, do địa thế đặc biệt của nó nên nó rất thường gặp giông bão. Bởi vì khi những luồng gió mạnh thổi qua, gió bị núi ngăn chặn nên không lướt ngay đến vùng khác được., nhưng chạy vòng vòng giữa các rặng núi tạo thành những cơn lốc xoáy, và thế là có bão trên mặt biển. Tuy nhiên những cơn bão này cũng chóng tan. Hôm ấy, Đức Giêsu và các tông đồ đang di chuyển bằng thuyền trên mặt Biển Hồ thì gặp giông bão. Đức Giêsu vì đã nắm rõ bản chất của những cơn bão loại đó nên an tâm cứ nằm ngủ. Còn các tông đồ thì hoảng sợ cuống cuồng. Các ông còn trách móc Chúa "Thưa Thầy, chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy không quan tâm sao?" Đức Giêsu bình tĩnh đứng dậy ra lệnh cho gió và biển, lập tức bão yên, biển lặng. Sau đó Chúa trách lại các tông đồ "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Qua sự kiện này, Đức Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài chính là chúa tể của thiên nhiên, và mời gọi chúng ta hãy tin vào Ngài.
Thế nào là tin vào Chúa là chúa tể thiên nhiên?
- Trước hết là đừng kiêu căngcó một số người có chút ít kiến thức về khoa học, hay có được một vài công trình khoa học ứng dụng trên thiên nhiên, rồi tưởng mình đã là giỏi lắm, đã hoàn toàn điều khiển được thiên nhiên, và từ đó tự coi mình là chúa tể, phủ nhận cả Thiên Chúa. Thực ra khoa học không tạo ra thiên nhiên, khoa học cũng không sửa đổi được những quy luật điều khiển thiên nhiên. Tất cả những gì mà khoa học có thể làm được chỉ là nghiên cứu thiên nhiên có sẵn, tìm hiểu những quy luật có sẵn trong thiên nhiên, rồi ứng dụng để mưu lợi ích cho loài người. Thí dụ như khoa học làm ra được một chiếc tàu chạy trên mặt biển, thì cũng nhờ dựa vào những quy luật thiên nhiên có sẵn, như luật về sức đẩy Archimède khiến cho thân tàu có thể nổi trên mặt nước, luật về sức đẩy của gió được ứng dụng để thổi những cánh buồm v.v. Có gì là ghê gớm lắm đâu? có gì mà đã lên mặt coi mình giỏi hơn cả Thiên Chúa? Có gì mà kiêu căng?
Thứ hai là đừng mê tín dị đoannếu như người kiêu căng là người quá tự phụ vì những hiểu biết khoa học của mình đến nỗi phủ nhận vai trò của Chúa, thì người mê tín dị đoan là người vì không có những kiến thức cơ bản của khoa học và của giáo lý nên không đủ tin vào Chúa mà lại tin những điều nhảm nhí. Ngày xưa vì ngu dốt nên người ta nhìn đâu đâu cũng cho là có thần: như thần sấm sét, thần gió, thần lửa, thuỷ thần, hà bá... Còn ngày nay cũng có người coi các thứ bệnh tật như là do tà ma, do quỷ ám, do bị thư, bị bùa, bị ngãi... Thực ra bệnh tật là gì? Theo giáo lý, đó là thân phận tự nhiên của loài người kể từ sau tội nguyên tổ. Còn theo khoa học, bệnh là do cô thể suy yếu mà ra. Có bệnh thì phải chữa trị bằng vệ sinh, bằng y dược, chứ không phải chỉ cầu xin, khấn vái hay uống bùa uống ngãi mà hết được, vừa không hết bệnh, lại vừa phạm tội thiếu lòng tin vào Chúa.
 
- Điều thứ ba để tỏ lòng tin vào Chúa là Chúa tể thiên nhiên là an tâm vui sống dưới ánh mắt Chúa Quan phòng: Chúa đã tạo dựng muôn loài, Chúa còn tiếp tục chăm sóc cho muôn loài, trong đó đương nhiên và hơn hết là loài người chúng ta. Đức Giêsu đã phán "không một sợi tóc nào trên đầu chúng con rụng xuống mà không do ý của Chúa". Vì thế cho dù sự đời có lúc suy, cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, nhưng nếu ta biết mọi sự đều năm trong tay Chúa quan phòng thì chúng ta hãy an tâm phó thác đời mình cho Chúa, không có gì phải sợ hãi quá "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"
 
http://tgpsaigon.net/suy-niem/20150617/30999

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc