banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỈNH CAO CỦA SỰ TOÀN THIỆN

Đăng lúc: Thứ ba - 09/03/2021 21:48 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỈNH CAO CỦA SỰ TOÀN THIỆN

ĐỈNH CAO CỦA SỰ TOÀN THIỆN

Suy niệm Tin Mừng: Mt 5, 17 - 19

“Thầy đến không để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.

Kính thưa Anh Chị em,
Khuôn vàng thước ngọc, qua Môisen, Thiên Chúa ban cho dân Người, sẽ là chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Với Chúa Giêsu, ‘Môisen mới’, khuôn vàng thước ngọc đó được kiện toàn nơi chính con người Ngài; từ đó, Ngài trở nên mẫu mực cho tất cả những ai muốn mặc lấy ‘linh hồn mới’ của lề luật mà Ngài kiện toàn; ai nên giống Ngài, sẽ đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’.

Sách Đệ Nhị Luật trình bày việc Môisen thừa lệnh Chúa, truyền cho dân các huấn lệnh Người, ai tuân giữ thì “Được sống và được vào chiếm hữu phần đất Chúa hứa”. Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu đến, “Không để huỷ bỏ nhưng để kiện toàn”. Lề luật nay không chỉ được khắc trên bia đá hay da thuộc, nhưng được viết trong tim, chạm trong hồn; được nâng lên một tầm cao mới, được dìm vào ân sủng, từ luân lý cho đến những định hướng phượng thờ. Bấy giờ, còn hơn cả việc chiếm hữu Đất Hứa, lề luật trở nên hồng ân giải thoát con người, giải thoát nó khỏi mọi ràng buộc nhân loại; từ đó, nó có thể hướng tới một tầm cao mà Thiên Chúa hằng chờ mong. Nói cách khác, ai giữ luật theo tinh thần mới của Chúa Giêsu, người ấy trở nên con Thiên Chúa, thực sự giống hình ảnh Người và hoàn toàn sống cho Người. Tắt một lời, ai sống tinh thần mới của luật, người ấy sẽ nên thánh, nên như Chúa Giêsu, và như thế, đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’.

Với Môisen, luật Cựu Ước, phần lớn phát xuất từ những lý do nhân loại như “Ngươi không được giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối…”. Với Chúa Giêsu, Ngài đưa chúng ta đi xa hơn, cao hơn; xa tận cõi lòng Thiên Chúa, cao tận tầm mức ân sủng. Không chỉ kêu gọi chúng ta tiến sâu hơn trong việc giữ các giới răn, Chúa Giêsu còn hứa ban ân sủng để chúng ta hoàn thành chúng. Từ đó, “Ngươi không được giết người” chìm sâu vào mệnh lệnh tha thứ triệt để và tha thứ hoàn toàn cho kẻ bức hại mình. Thật thú vị khi lưu ý rằng, chiều sâu mới mẻ của lề luật mà Chúa Giêsu đưa ra thực sự vượt quá trí hiểu loài người! “Ngươi không được giết người” vốn khá tiêu cực, nay tiến tới mức “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình” vốn tích cực hơn ngàn lần. Để đạt đến tầm vóc cao cả đó, tiến trình này phải là một tiến trình ‘được ân sủng nâng đỡ’; chỉ có lý trí tự nhiên mà không có ân sủng, con người sẽ không thể đạt đến tầm mức đó. Nhận thức này sẽ cực kỳ hữu ích; bởi lẽ, đôi khi chúng ta chỉ dựa vào lý trí nhân loại khi đưa ra các quyết định đạo đức; và mặc dù lý trí con người sẽ luôn hướng chúng ta khỏi sự thất bại luân lý rõ ràng nhất, nhưng chỉ với ngần ấy, sẽ không đủ để hướng chúng ta đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’. Ân sủng cần thiết, không chỉ để mời gọi, nhưng còn để trợ giúp. Chỉ với ân sủng, chúng ta mới có thể hiểu được và thực hiện được lời kêu gọi vác thập giá của mình hằng ngày và đi theo Chúa Kitô.

Hermann Lange, một Kitô hữu người Đức, bị xử tử trong thế chiến thứ hai. Đêm hôm trước anh bị hành hình, Lange đã viết thư cho cha mẹ. Anh chia sẻ ba cảm nhận đang chiếm trọn tâm hồn anh, “Với ân sủng Chúa, thứ nhất, tôi tha thứ hết cho những ai bách hại tôi, dân tôi; thứ hai, tôi sống trong tâm trạng vui mừng; và thứ ba, tôi đang sống trong sự mong đợi tuyệt vời!”. Sau đó, anh đã có một khẳng định đẹp đẽ, “Trong Chúa Kitô, tôi đã đặt niềm tin của tôi; và chính xác là ngày hôm nay, tôi có đức tin nơi Ngài, vững chắc hơn bao giờ hết!”. Cuối cùng anh thúc giục cha mẹ đọc Tin Mừng để được ủi an, “Hãy nhìn xem mọi nơi, bất cứ ở đâu, chúng ta đều cảm thấy hân hoan; bởi lẽ, ân sủng đã biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Điều gì có thể xảy ra với một con trai, con gái của Thiên Chúa? Vậy thì còn gì để tôi phải sợ hãi? Ngược lại, tôi vui mừng!”.

Anh Chị em,
Xuống thế làm người, Chúa Giêsu chấp nhận sống dưới chế độ lề luật; Ngài chấp nhận lề luật đến nỗi chết trên thập giá. Vậy mà đó là cách thức kiện toàn lề luật triệt để nhất của Ngài; nhờ đó, Ngài đã có thể cứu chuộc những ai sống dưới chế độ lề luật. Nhìn vào thập giá, chúng ta thấy thế nào là luật của con người, đó là luật bóp nghẹt sự sống, luật giết chết. Bằng cái chết của mình, Chúa Giêsu nâng lề luật lên đến tầm mức ân sủng vốn vượt trội; giờ đây, luật trở nên luật của yêu thương, của tha thứ, của đồng cảm, của cứu độ và là luật của lòng xót thương. Hermann Lange đã nên giống Chúa Giêsu, anh đã đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, những ngày Mùa Chay, để có thể hiểu được tầm cao ân sủng của tinh thần mới nơi lề luật, xin cho con biết nhìn lên và chiêm ngắm thập giá Chúa. Từ đó, nhờ việc nên giống Chúa mỗi ngày, con cũng sẽ đạt đến ‘đỉnh cao của sự toàn thiện’, Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh, Tgp Huế
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc